Bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em

27/10/2021 04:51 GMT+7

TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, bắt đầu từ hôm nay 27.10; trong khi các địa phương còn lại tổ chức tiêm từ đầu tháng 11.

Hôm qua (26.10), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em.

Những học sinh đầu tiên ở TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19, mong sớm trở lại trường

Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 11, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên cả nước. Vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech (vắc xin Pfizer) sản xuất tại Mỹ được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng này. Đây là vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới ((WHO)) khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng, đảm bảo an toàn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan của bộ và các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ theo độ tuổi đã hướng dẫn trong Văn bản 8688 ngày 14.10.2021 của Bộ Y tế. Việc tiêm vắc xin thực hiện trước với trẻ từ 16 - 17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi.

Tiêm trước tại các tỉnh, thành trọng điểm

Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp, ngày 1.3.2021. Từ ngày 27.10.2021, Q.1 thí điểm tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh

NGỌC DƯƠNG

Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em được triển khai tương tự như tiêm vắc xin Covid-19 thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã, phường, các trường học, trung tâm y tế và bệnh viện.

Việc tiêm vắc xin cho trẻ sẽ được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư ngay trong ngày 29.10 tổ chức tập huấn chuyên môn cho tất cả các tỉnh, thành về tiêm chủng cho trẻ; đồng thời cũng giao các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong tổ chức triển khai tiêm chủng.

Các địa phương phải có thông tin đầy đủ kế hoạch chi tiết hằng ngày trong suốt chiến dịch: điểm tiêm, tổng số trẻ tiêm, số trẻ tiêm hằng ngày, danh sách đội tiêm... Địa phương nào chưa có kế hoạch rõ ràng thì chưa triển khai tiêm

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Phụ huynh mừng ngủ không được, dậy sớm đưa con đi tiêm vắc xin Covid-19

Lãnh đạo Bộ Y tế lưu ý các địa phương cần thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất; theo dõi, chăm sóc, hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm theo quy định của Bộ Y tế. Các tỉnh, TP cần tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ 12 - 17 tuổi đủ điều kiện tiêm tích cực tham gia tiêm kịp thời và đầy đủ.

Đối với trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn, Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vắc xin cho trẻ em.

Vắc xin Pfizer được sử dụng trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trên cả nước

NGỌC DƯƠNG

TP.HCM dự kiến hôm nay tiêm cho trẻ em

Dự kiến hôm nay 27.10, TP.HCM triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi. H.Củ Chi và Q.1 là 2 địa phương triển khai tiêm đầu tiên; sau đó các quận, huyện còn lại và TP.Thủ Đức sẽ tiêm.

Hôm qua 26.10, Viện Pasteur, Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tập huấn trực tuyến cho tất cả các đội tiêm trên toàn TP về đảm bảo an toàn tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ.

Tại buổi tập huấn, thạc sĩ, bác sĩ (BS) Hồ Vĩnh Thắng, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết có 4 đối tượng sau khám sàng lọc cần phân loại: trẻ đủ điều kiện tiêm, trẻ cần thận trọng khi tiêm (có tiền sử dị ứng các dị nguyên khác; có bệnh nền, bệnh mãn tính...), trẻ thuộc diện trì hoãn tiêm (mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng, mắc bệnh cấp tính, bệnh đang tiến triển...) và trẻ chống chỉ định (phản vệ cùng loại vắc xin, theo hướng dẫn nhà sản xuất). BS Thắng lưu ý các đội tiêm phải khám sàng lọc kỹ trước tiêm vì có thể xảy ra trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra sau khi tiêm, như đột quỵ não, đột quỵ tim mạch… “Bệnh tâm thần, Down, bệnh tim có thể tiêm chủng được nếu bệnh ổn định qua dấu hiệu sinh tồn”, BS Thắng hướng dẫn và cho biết liều tiêm vắc xin Pfizer là 0,3 ml.

Về cấp cứu phản ứng sau tiêm, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM), cho biết: “Trung tâm cấp cứu 115 ưu tiên cấp cứu trẻ em sau tiêm vắc xin. Các điểm tiêm chỉ tiêm cho trẻ khi có xe cấp cứu. Đảm bảo mỗi điểm có 1 - 2 xe cấp cứu. Bệnh viện quận, huyện và TP.Thủ Đức bố trí xe, ê kíp cấp cứu và chuẩn bị 5 - 10 giường cấp cứu, thuốc, vật tư cấp cứu”.

Đồ họa: Quốc Bảo

Lưu ý sốc tâm lý hàng loạt

BS Hồ Vĩnh Thắng khuyến cáo các đội tiêm chú ý đến triệu chứng tâm lý dây chuyền (phản ứng lo sợ khi tiêm) khi tiêm vắc xin cho trẻ như: nhức đầu, chóng mặt, nôn, buồn nôn, la hét... và lây lan ra hàng loạt trẻ khác, đã có nhiều vụ việc tương tự xảy ra khi tiêm các vắc xin khác. BS Thắng cho rằng với những trẻ như vậy, xử trí cho ở phòng riêng, trấn an và giải thích cho những trẻ còn lại. Nên tiêm cho trẻ xung phong tiêm trước. Tạo môi trường tiêm chủng thân thiện như có ti vi cho trẻ xem.

“Phòng chờ tiêm, khu vực chờ tiêm phải đảm bảo 5K, số trẻ đến còn có phụ huynh nên phải bố trí phù hợp. Phòng theo dõi sau tiêm ngoài ti vi, sách báo thì bố trí giường, băng ca được che chắn để những em ngồi kế bên không dòm ngó, tránh hiệu ứng đám đông”, BS Long góp ý.

Nhà trường tăng cường thầy cô giám thị ngoài hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ nhận diện học sinh thì nhắc nhở để các em không bị tai nạn thương tích do đùa giỡn hoặc có các hành vi không phù hợp như “giả xỉu” cũng gây ra hiệu ứng đám đông. Nhắc nhở không sử dụng điện thoại chụp ảnh, quay phim…

An toàn tiêm đặt lên hàng đầu

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lần này rất quan trọng, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và tiêm càng sớm càng tốt. Nhưng an toàn phải đặt lên hàng đầu, nếu chưa đảm bảo thì không triển khai.

“Các Trung tâm y tế, Phòng y tế phối hợp với Phòng giáo dục, tham mưu UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo triển khai giám sát toàn bộ chiến dịch trên quận huyện. Các địa phương phải có thông tin đầy đủ kế hoạch chi tiết hằng ngày trong suốt chiến dịch: điểm tiêm, tổng số trẻ tiêm, số trẻ tiêm hằng ngày, danh sách đội tiêm... Địa phương nào chưa có kế hoạch rõ ràng thì chưa triển khai tiêm”, ông Hưng nói và chỉ đạo các Trung tâm y tế dựa vào số lượng trẻ đăng ký trên địa bàn gửi dự trù vắc xin về HCDC, đồng thời đảm bảo bảo quản và sử dụng.

Chiều 26.10, theo chỉ đạo của Sở Y tế, tất cả các địa phương triển khai các yêu cầu của HCDC, Sở Y tế, đặc biệt kiểm tra công tác chuẩn bị của Q.1 và H.Củ Chi.

Cũng trong chiều qua, GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đã ký văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM liên quan đến công tác tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi tại TP.HCM. Viện thống nhất với kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại TP.HCM. Tuy nhiên, nên triển khai trước ở 1 - 2 quận, huyện, sau đó tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện, nhằm đảm bảo tối đa tiêm chủng an toàn. Trên nguồn vắc xin hiện có của TP.HCM, sử dụng vắc xin Pfizer đã được Bộ Y tế và nhà sản xuất hướng dẫn sử dụng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Về khám sàng lọc trước tiêm vắc xin, thực hiện khám sàng lọc theo Quyết định 4355 ngày 10.9 của Bộ Y tế.

Học sinh TP.HCM có thể đi học trở lại sau 5 tuần tiêm vắc xin Covid-19

Nhiều địa phương đã sẵn sàng

Ngày 26.10, bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết địa phương đã sẵn sàng cho việc tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, đảm bảo quy trình phối hợp với Sở GD-ĐT và các đơn vị liên quan, các quận, huyện. Tuy nhiên, việc triển khai chính thức, thời gian nào... thì phải đợi hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo thống kê, TP.Đà Nẵng hơn 108.000 trẻ 12 - 17 tuổi.

Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết địa phương này dự kiến bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi ngay trong tháng 10. Qua rà soát có khoảng 200.000 trẻ em cần được tiêm. Dự kiến vắc xin được sử dụng là Pfizer.

Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, cho biết từ ngày 26.10 địa phương này đã triển khai rà soát cụ thể các đối tượng tiêm và phân bổ vắc xin để sẵn sàng triển khai theo kế hoạch.

Theo Sở Y tế TP.Hải Phòng, kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em đang được xây dựng và sẽ ban hành vào giữa tháng 11. Trong khi đó, Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng vẫn đang tiến hành tổng hợp số lượng học sinh được phụ huynh đồng ý đã được khảo sát vào hồi cuối tháng 9.

An Dy - Lã Nghĩa Hiếu - Lê Tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.