Bất cập dự án cải tạo kênh A41 thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất

23/06/2022 08:15 GMT+7

Thời gian qua, các hộ dân ở P.4 (Q.Tân Bình, TP.HCM) bức xúc, gửi đơn thư đến nhiều nơi vì cho rằng trong quá trình triển khai Dự án cải tạo kênh A41 trên địa bàn này có nhiều bất cập.

Chủ trương đã thông

Dự án cải tạo kênh A41 là một trong những dự án thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất được phê duyệt vào năm 2016 do UBND Q.Tân Bình làm chủ đầu tư (CĐT). Toàn tuyến kênh dài 837,5 m, bắt đầu từ 2 nhánh kênh ở 2 cống thoát nước của sân bay, chảy từ đường Phan Thúc Duyện cắt ngang đường Đồ Sơn, đường Ba Vì, sau đó hợp dòng tại đường Giải Phóng dẫn ra đường Cộng Hòa, rồi đổ vào hệ thống cống ngầm đường Út Tịch thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dự án được triển khai theo Quyết định phê duyệt số 5800/QĐ-SGTVT ngày 28.10.2016 của Giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM. Theo quy mô được duyệt, đoạn từ đường Út Tịch đến đường Giải Phóng sẽ lắp đặt cống hộp đôi, đoạn từ đường Giải Phóng đến đường Phan Thúc Duyện gồm 2 nhánh lắp đặt cống hộp đơn thay cho kênh hở hiện hữu. Phía trên làm đường rộng 12 m, vỉa hè mỗi bên 4 m. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi số 19/BC-BTGPMB ngày 13.4.2021 của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) Q.Tân Bình, tổng diện tích thu hồi của dự án là hơn 19.354 m2. Trong đó, diện tích thu hồi của các hộ dân là hơn 8.041 m2 với 142 trường hợp giải tỏa, gồm 136 trường hợp thu hồi đất một phần, 6 trường hợp thu hồi đất hoàn toàn (3 hộ dân và 3 công trình công cộng). Tổng chi phí dự toán đầu tư hơn 347,5 tỉ đồng.

PV Thanh Niên trao đổi với các hộ dân bức xúc về dự án

MAI ANH

Trong giai đoạn đầu triển khai, CĐT đã tổ chức họp lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, nhiều người dân không đồng thuận về quy mô và thiếu nguồn vốn nên dự án dừng lại. Đến cuối năm 2021, CĐT ra phương án bồi thường lần 2. Ngày 24.3.2022, Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án phối hợp với chính quyền địa phương lại tổ chức tiếp xúc đối thoại nhưng một số hộ dân vẫn phản đối. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Quang Phan (số 5 Đồ Sơn) đại diện các hộ dân cho biết, quá trình tổ chức đối thoại, lấy ý kiến, người dân hoàn toàn thông suốt và ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng cải tạo kênh A41 với mục tiêu là giải quyết ùn tắc giao thông, tiêu thoát nước cho sân bay và cải tạo cảnh quan môi trường khu vực.

Triển khai ì ạch, tại sao ?

Cũng theo ông Bùi Quang Phan, gia đình ông cùng một số hộ dân bị ảnh hưởng đã có nhiều ý kiến, kiến nghị, thậm chí khiếu nại CĐT bởi có nhiều vấn đề cần làm rõ xung quanh việc triển khai dự án. Theo đó, người dân cho rằng việc CĐT xác định hè đường mỗi bên 4 m là hoàn toàn sai với Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 104-2007 được Bộ Xây dựng ban hành ngày 30.5.2007. Theo tiêu chuẩn này, tuyến kênh A41 là đường phố nội bộ vì đường trên kênh liên kết giao thông trong khu vực phường, khu dân cư, thuộc hè đường loại 3 (1 hoặc 2 m mỗi bên), trong khi CĐT lại căn cứ, viện dẫn các quy định của TP.HCM mở rộng lên 4 m là không phù hợp, dẫn đến việc phải điều chỉnh lại quy hoạch, thu hồi nhiều diện tích đất, phá vỡ nhiều công trình nhà ở đã ổn định lâu dài, gây thất thoát, lãng phí.

Đáng chú ý, nhiều hộ dân khẳng định bản vẽ thiết kế mặt bằng kênh A41 được nắn chỉnh để “né” phần bên kia của tuyến kênh chủ yếu là đất hoặc công trình của doanh nghiệp, vì tim kênh bị chỉnh lệch về phía nhà dân. Điển hình như nhà bà Lê Thị Sửa (số 124/1 Cộng Hòa), nhà bà Nguyễn Mai Hoa (2/19 Đồ Sơn)… tim kênh điều chỉnh lệch, nên phần đất và nhà kiên cố bị giải tỏa rất lớn. Bà Sửa và các hộ dân liên tục khiếu nại, sáng 20.6, ông Trương Tấn Sơn, Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, cùng các đơn vị liên quan đã đến xác định tim kênh. Ghi nhận tại thực địa, tim kênh nằm cách xa nhà bà Sửa và chỉ cách tòa nhà kiên cố của một doanh nghiệp hơn 2 m. Mặc dù vậy, kết thúc buổi làm việc, đoàn không lập biên bản ghi nhận theo đề nghị của người dân. “Tôi không hiểu vì lý do gì khiến họ đo vẽ lệch tim kênh về phía nhà chúng tôi, khiến phần nhà ở bị ảnh hưởng rất lớn, trong khi đối diện phía bên kia kênh là các doanh nghiệp với công trình kiên cố thì ảnh hưởng rất ít. Chúng tôi sẽ ủng hộ nếu như việc đo vẽ, thiết kế thực hiện công bằng chứ không thể “né” công trình doanh nghiệp rồi chỉnh lấn sang nhà dân, khi mà chúng tôi đã sinh sống ổn định 30 năm nay”, bà Sửa bức xúc.

Cũng theo phản ánh của người dân, giá đất bồi thường của dự án được xác định vào thời điểm tháng 10.2019, chỉ bằng 30 - 40% giá đất trên thị trường hiện nay là không thỏa đáng. Không những vậy, giá trị của phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng có nhiều bất nhất, gây thiệt hại cho dân. Người dân còn cho biết, đất của họ trước đây do quân đội cấp và họ đã xây nhà, được UBND TP.HCM hoặc UBND Q.Tân Bình xác định chủ quyền, trong đó nhiều hộ sử dụng đất của hành lang bảo vệ kênh từ khi được cấp đất. “Nhưng trong phương án đền bù, hỗ trợ về loại đất này thì có hộ được 100% tiền đền bù, có hộ được 30 - 40% tiền hỗ trợ, có hộ không được đền bù, hỗ trợ gì. Tại sao có sự bất minh như vậy?”, bà Hồ Thị Cúc (28/7 Ba Vì) và các hộ dân đặt câu hỏi.

Ngày 20.6, PV Thanh Niên đã liên hệ với UBND Q.Tân Bình để làm rõ những bức xúc của người dân xung quanh dự án này. Tuy nhiên, một cán bộ tiếp dân hướng dẫn PV ghi lại nội dung cần trao đổi và nói sẽ trình lãnh đạo quận xem xét trả lời theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.