Bất cập của giáo dục đòi hỏi sự cố gắng nhiều hơn nữa của toàn ngành

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
19/11/2018 20:11 GMT+7

Người đứng đầu ngành Giáo dục - Đào tạo khẳng định, dù ở đâu, vào thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, vừa có thư gửi đội ngũ cán bộ, giáo viên nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2018.
Trong thư, ông Nhạ khẳng định, đội ngũ nhà giáo là yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Đóng góp vào thành tích chung của ngành Giáo dục - Đào tạo là sự tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm, cống hiến hết mình của đội ngũ cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành - những con người đảm đương sứ mệnh tiên phong và là lực lượng quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục. Các cô giáo, thầy giáo từ thành thị tới nông thôn, từ mầm non đến đại học, bằng những việc làm khác nhau đang ngày đêm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, giản dị mà cao quý.
Người đứng đầu ngành Giáo dục - Đào tạo nhìn nhận, con đường đổi mới đang ở những bước đầu tiên, phía trước còn rất nhiều gian khó, thách thức, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm hơn nữa của cán bộ, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành, nhất là khi một số bất cập, hạn chế về giáo dục và đào tạo đã bộc lộ rõ hơn trong năm 2018, ảnh hưởng tới niềm tin của xã hội đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Điều này đặt ra cho toàn ngành nhiều việc phải làm, cả trước mắt và lâu dài, trước hết là để củng cố niềm tin của xã hội đối với công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà.
"Dù ở đâu, vào thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Tôi mong rằng, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành tiếp tục thấm nhuần tinh thần đổi mới, kiên định vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê nghề nghiệp, thực sự là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà", ông Nhạ bày tỏ, và mong muốn các thầy cô giáo dồi dào sức khỏe, khắc phục mọi khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt và quản lý tốt như lời dặn của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu, thầy và trò cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt".
Trước đó, trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam đã tổ chức chương trình “Thay lời tri ân” năm 2018 với chủ đề “Cống hiến”. Chương trình nhằm tôn vinh những nỗ lực vượt khó của những thầy giáo, cô giáo đang công tác tại các trường học ở vùng cao. 
Chương trình đã kể lại đầy chân thực và xúc động câu chuyện, những tấm gương vượt khó để dạy học của các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa. Thầy cô vùng khó, giữa thiếu thốn đủ bề vẫn miệt mài gieo chữ, vừa là thầy cô, vừa là cha mẹ, cắt tóc, cắt móng tay, vá quần áo, lao động để cải thiện bữa ăn cho trò; những thầy cô trường bán trú thức khuya, dậy sớm tình nguyện nấu cháo ăn sáng cho học sinh tại trường. 
Không ít thầy cô gia đình vừa vượt qua lũ dữ, khó khăn bộn bề vẫn góp ngày lương để học trò được đến trường; cung đường đến trường hiểm trở, có đoạn không thể đi được phải đu dây vẫn gùi lương thực để học sinh có thực phẩm đúng ngày khai trường... Còn rất nhiều những thầy cô giáo, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến núi cao đang đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, giản dị mà cao quý như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.