‘Bắt bệnh’... chán học!

03/12/2015 09:29 GMT+7

Bên cạnh học sinh (HS) say mê, siêng năng trong học tập, cũng còn một bộ phận HS chây lười, chán học.

Bên cạnh học sinh (HS) say mê, siêng năng trong học tập, cũng còn một bộ phận HS chây lười, chán học.

Mà hậu quả có thể dự đoán trước là cuối năm, hoặc ở lại lớp, hoặc thi lại, và nếu là HS lớp 12 thì cầm chắc nguy cơ rớt tốt nghiệp...
“Chân dung” những HS này như sau: Ở trường thì thờ ơ với việc học, thường ngủ gục trong lớp. Bài học không buồn chép, bài tập không chịu làm, không quan tâm gì về điểm số, điểm kém. Vô cảm với những khiển trách, hình phạt của giáo viên. Thường trốn học, cúp tiết, nghỉ học không lý do. Là đầu mối gây ra những rắc rối trong lớp, lôi kéo những HS khác vi phạm theo mình... Ở nhà thì bỏ bê việc học, chẳng lúc nào thấy học bài cũ, giải bài tập. Vùi đầu vào những trò tiêu khiển trên các mạng xã hội, thích rủ rê, đàn đúm với bạn bè. Thường viện nhiều lý do không chính đáng để được phụ huynh xin phép nghỉ học.
Với những HS này, việc học là không quan trọng gì. Họ không xác định phải học vì cái gì. Lớp học đối với họ là một địa ngục, ngoài lý do đến lớp để được gặp bạn bè cho đỡ nhớ, đỡ buồn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh chán học trong HS. Trong đó thường thấy nhiều nhất với đối tượng HS có học lực yếu kém. Vì học yếu nên nản học, càng nản học thì lực học càng sa sút và càng sa sút thì càng chán học hơn.
Với đối tượng HS này, sẽ rất ít có hiệu quả nếu gia đình và nhà trường áp dụng biện pháp xử lý quá cứng nhắc. Vì vậy có giải pháp mềm dẻo, linh hoạt thì sẽ tốt hơn.
Gia đình phải quan tâm thường xuyên đến việc học của con em, để chúng cảm thấy không bị bỏ rơi. Cần thiết nhất là cha mẹ phải xác định cho con em mình một mục đích học tập cụ thể, định hướng cho chúng một nghề nghiệp tương lai. Không nên tạo ra quá nhiều áp lực, căng thẳng. Tránh thái độ quá cay nghiệt hoặc bỏ mặc. Cần thiết nữa là phải có thiện chí hợp tác với nhà trường để duy trì việc học cho con em.
Muốn lôi kéo những HS này về với trường học, nhà trường phải làm sao tạo cho họ có một tâm lý thật sự thoải mái. Phải cho họ cảm giác mái trường là mái ấm, lớp học là sự chia sẻ.
Không nên cực đoan trong việc đánh giá xếp loại gì, trung bình, khá hay giỏi, mà nên trân trọng sự cố gắng, sự tiến bộ của HS. Nếu không muốn để cho họ vào đời sớm, thì cách tốt nhất là phải cho HS chán học thấy được rằng mỗi ngày đến lớp là một ngày vui, như khẩu hiệu hiện nay của ngành giáo dục.
Từ thời cổ đại, Khổng Tử đã từng cho rằng: "Biết để học không bằng thích để học, thích để học không bằng vui để học!".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.