Bất an giá cổ phiếu bị thao túng

15/08/2017 09:00 GMT+7

Tình trạng thao túng giá cổ phiếu với các thủ đoạn, chiêu trò ngày càng tinh vi nhưng do chế tài quá nhẹ nên không ít “đội lái”, thậm chí cả lãnh đạo công ty nhờn luật, tìm nhiều cách để trục lợi.

Đủ chiêu làm giá


Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng  vào cuộc bảo vệ, thì các nhà đầu tư  nên tự bảo vệ mình tránh xa các cổ phiếu nóng, nên lựa chọn cổ phiếu có giá trị  cơ bản tốt, thông tin minh bạch

TS Quách Mạnh Hào

Mới nhất là vụ thao túng giá cổ phiếu (CP) của Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã HNG). Theo đó, từ ngày 20.7.2015 - 1.4.2016, bà Trần Thị Minh Phượng (số 15 Trường Chinh, TP.Pleiku, Gia Lai) đã sử dụng 42 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 39 tài khoản đứng tên người khác mở tại 16 công ty chứng khoán để giao dịch CP HNG nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng CP. Theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán (UBCK), bà Phượng bị xử lý hành chính với số tiền phạt là 600 triệu đồng.
Trước đó, ông Hoàng Ðức Dũng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) mở 26 tài khoản thao túng giá CP TNT của Công ty cổ phần Tài Nguyên bị phạt 550 triệu đồng, đồng thời phải nộp thêm hơn 400 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Bà Bùi Thị Ngọc Yến (TP.Pleiku, Gia Lai) bị phạt 550 triệu đồng do đã sử dụng 9 tài khoản để thao túng giá CP VID (Công ty cổ phần đầu tư và phát triển thương mại Viễn Đông).
Điều đáng nói, không chỉ có nhà đầu tư bên ngoài, hành vi thao túng giá CP còn xuất hiện tên nhiều lãnh đạo doanh nghiệp (DN). Đơn cử như trường hợp của ông Trần Thanh Hữu, thành viên HÐQT, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cmistone (CMI) bị phạt 705 triệu đồng vì thao túng giá CP CMI.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải, thủ đoạn làm giá phổ biến nhất là một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực “bắt tay” với nhau mở nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán. Họ sử dụng lượng lớn tiền hoặc CP để đánh lên hoặc đánh xuống tùy theo tín hiệu của thị trường, thông tin có được. Ngoài ra, để có thể thao túng giá thành công, nhóm thao túng thường kết hợp với DN công bố các thông tin tốt hoặc không tốt ra thị trường để đánh vào lòng tham cũng như nỗi sợ hãi của nhà đầu tư.
Một hình thức khác là lãnh đạo DN sử dụng các biện pháp để tác động vào diễn biến giá CP như đăng ký mua bán với lượng lớn CP (nhưng thực chất chỉ mua một lượng nhỏ), đưa ra liên tục các phát biểu về DN, hay chia, tách, phát hành thêm CP...
Làm rõ giao dịch khuất tất
Liên quan các CP có giao dịch bất thường, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch UBCK, khẳng định cơ quan này cùng 2 sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM có giám sát chặt chẽ. Tất cả những vụ việc báo chí phản ánh hay nhà đầu tư xôn xao, UBCK đều tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, về chế tài xử phạt còn nhẹ và việc xác định hành vi vi phạm, bà Phương “xin” trả lời sau.
Trên thị trường chứng khoán hiện còn rất nhiều mã CP đang “nóng”, có nhiều dấu hiệu bị làm giá nhưng chưa thấy động thái nào từ cơ quan quản lý. Đáng chú ý có CP Công ty cổ phần nông dược H.. CP này kể từ ngày 10.7 - 8.8 đã có hơn 20 phiên tăng trần liên tiếp, từ mức giá
5.560 đồng tăng lên 22.500 đồng/CP. Tuy nhiên, trong
4 phiên gần đây đã đồng loạt giảm sàn, khép cửa ngày 14.8 ở mức 16.900 đồng/CP. Điều đáng chú ý, trong phiên sáng đã có gần 20 triệu CP công ty này dư bán giá sàn, nhưng không có ai mua, phiên chiều nhiều nhà đầu tư chán nản hủy lệnh, lượng dư bán giá sàn vẫn còn gần 10 triệu CP.
Một trường hợp khác mà nhà đầu tư rất lo ngại là Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản A.. Từ ngày 3.7 - 8.8, CP công ty này có một loạt phiên tăng trần liên tiếp, trong đó có chuỗi tăng hơn 10 phiên từ mức giá 4.490 đồng lên 16.400 đồng/CP. Ngoại trừ phiên 14.8, 3 phiên trước đó CP của A. bị xả mạnh và chịu cảnh nằm sàn.
Chuyên gia chứng khoán, TS Quách Mạnh Hào, giảng viên môn tài chính Đại học Lincoln (Anh), cho rằng trong bối cảnh thị trường chứng khoán gần đây hưng phấn trở lại, “đội lái” và tình trạng thao túng giá chứng khoán cũng có môi trường để hoạt động. Nhà đầu tư bức xúc là điều dễ hiểu, nhưng các cơ quan của UBCK cũng nên xem xét để có những sự kiểm tra, giám sát cần thiết đối với CP giao dịch bất thường nhằm bảo vệ nhà đầu tư. “Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ, thì các nhà đầu tư nên tự bảo vệ mình, tránh xa các CP nóng, nên lựa chọn CP có giá trị cơ bản tốt, thông tin minh bạch”, ông Hào khuyến cáo.
Trả lời Thanh Niên, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - UBCK, cho biết hành vi thao túng giá, làm giá CP khiến thị trường chứng khoán phát triển thiếu lành mạnh, quyền lợi nhà đầu tư chân chính bị ảnh hưởng. Trong đó, có nguyên nhân từ chế tài còn tương đối nhẹ, hiện nay chủ yếu xử phạt hành chính. Nếu chế tài mạnh hơn sẽ đủ sức răn đe nhưng việc này cần phải sửa luật và sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành.
Ở nhiều nước như Mỹ hay Trung Quốc, hành vi thao túng giá thường bị xử phạt rất nặng, ngoài phạt tiền, các đối tượng này còn bị khởi tố hình sự. Tại VN, bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi và có hiệu lực vào 1.1.2018 mở rộng thêm căn cứ xác định tội phạm là thu lời bất chính. Nếu UBCK và các cơ quan như Bộ Công an, thanh tra vào cuộc rốt ráo để xác định hành vi, mức độ thiệt hại thì mới có thể xử lý hình sự các đối tượng thao túng giá CP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.