Bảo vật quốc gia: Khuôn in tín phiếu mang sứ mệnh lịch sử

Hải Phong
Hải Phong
25/03/2024 07:34 GMT+7

Hai khuôn in tín phiếu 1 đồng và 50 đồng được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp tại miền Nam Trung bộ.

GẮN LIỀN VỚI LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Theo hồ sơ của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, tháng 11.1946, T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Phạm Văn Đồng (1906 - 2000, Thủ tướng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam) làm đại diện T.Ư Đảng và Chính phủ trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp tại miền Nam Trung bộ.

Bảo vật quốc gia: Khuôn in tín phiếu mang sứ mệnh lịch sử- Ảnh 1.

Khuôn in tín phiếu 1 đồng và 50 đồng được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi

NGUYỄN MINH

Khi ông Phạm Văn Đồng vào miền Nam Trung bộ nhận trọng trách mới cũng là lúc quân và dân ở đây bước vào cuộc kháng chiến với những khó khăn thử thách tưởng chừng không thể vượt qua. Đó là kho tàng trống rỗng, gạo chỉ đủ ăn 3 tháng, đạn cho mỗi khẩu súng trường chỉ còn vài chục viên, số dự trữ trong các kho cũng chỉ đủ đánh địch trong vòng 1 tháng…

Vì vậy, ông Phạm Văn Đồng xác định nhiệm vụ quan trọng lúc này là cùng với tập thể Ban Cán sự Đảng miền Nam Trung bộ lãnh đạo toàn dân thực hiện tiêu thổ kháng chiến, xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng vùng tự do Liên khu 5 gồm 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên thành hậu phương vững mạnh, tự cung cấp đủ nhu cầu cho cuộc kháng chiến kiến quốc của quân dân miền Nam Trung bộ và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân 2 nước bạn là Lào và Campuchia.

Từ giữa năm 1947, thực dân Pháp triển khai nhiều chiến dịch triệt phá, phong tỏa, bao vây kinh tế, dùng không quân đánh phá vùng Bắc bộ và Trung bộ nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí, hàng hóa, tài chính từ trung ương vào vùng tự do Liên khu 5. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến và ông Phạm Văn Đồng đề xuất giải pháp cho phép chính quyền miền Nam Trung bộ in và phát hành tín phiếu ở vùng tự do Liên khu 5 nhằm đảm bảo việc lưu thông tiền tệ, phục vụ kịp thời công cuộc kháng chiến của quân dân tại đây.

Ngày 18.7.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cho phép chính quyền miền Nam Trung bộ in và phát hành tín phiếu ở vùng tự do Liên khu 5 (có giá trị như giấy bạc Việt Nam). Thực hiện sắc lệnh nói trên, ông Phạm Văn Đồng và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ quyết định thành lập Xưởng in tín phiếu Liên khu 5 đặt tại xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham, H.Sơn Hà (Quảng Ngãi), vào tháng 9.1947. Các loại tín phiếu được in và phát hành lúc bấy giờ gồm 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng và 500 đồng.

Xưởng in tín phiếu lúc bấy giờ có 50 cán bộ, công nhân do ông Nguyễn Xin làm giám đốc. Tín phiếu được lưu hành không chỉ ở vùng tự do bao gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên mà còn đưa vào buôn bán ở một số vùng địch kiểm soát như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, chống lại sự phá hoại về mặt tài chính của địch.

Chủ trương xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp ở Liên khu 5 với sự chủ động in tín phiếu và phát hành vào lưu thông để thay thế tiền tài chính do bị địch bao vây cấm vận là một trong những sáng kiến mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa mà đại diện là ông Phạm Văn Đồng nhằm thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Đến năm 1950, chiến dịch Biên giới thắng lợi, để phù hợp với tình hình mới, ngày 6.5.1951, Chính phủ có sắc lệnh số 15 để thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, quyết định thay giấy bạc tài chính bằng bạc ngân hàng. Xưởng in tín phiếu Liên khu 5 kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình vào tháng 6.1951.

ĐỘC BẢN

Khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng có chiều dài 9,5 cm, rộng 4,6 cm, dày 1,1 cm, gồm 2 khuôn dùng để in mặt trước và mặt sau của tờ tín phiếu. Khuôn in mặt trước có dạng hình chữ nhật, chính giữa khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong khung tròn. Bên phải, phần trên có hàng chữ quốc ngữ: Tín phiếu một đồng; phía dưới là hàng chữ "Đại diện Chính phủ Trung ương", có chữ ký của ông Phạm Văn Đồng… Khuôn in mặt sau với phần chính giữa là hình ảnh người nông dân đang điều khiển hai con trâu cày ruộng là biểu tượng người cày có ruộng; góc trên bên phải có hàng chữ một đồng... Bên trái khuôn có in hình bông hoa tròn cách điệu, bên trong có mệnh giá là chữ số "1" và ký hiệu "$" (đồng) trong khung hình tròn…

Bảo vật quốc gia: Khuôn in tín phiếu mang sứ mệnh lịch sử- Ảnh 2.

Khuôn in tín phiếu 50 đồng

Khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng có chiều dài 16 cm, rộng 7 cm, dày 1 cm. Phần mặt trước khuôn in có dạng hình chữ nhật, chính giữa khắc hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong khung hình tròn chính giữa. Cạnh trên có hàng chữ "VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA", phía dưới có hàng chữ năm mươi đồng, là mệnh giá tín phiếu. Bên phải, có hàng chữ "Đại diện Chính phủ Trung ương", dưới là chữ ký của ông Phạm Văn Đồng. Bên trái, có hàng chữ "Đại diện Ủy ban Hành chính Trung bộ", dưới là chữ ký của ông Nguyễn Duy Trinh. Đường viền khuôn có trang trí hình tượng công - nông - binh với ý nghĩa sự đoàn kết trong kháng chiến kiến quốc…

Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết khuôn in tín phiếu là bảo vật độc bản liên quan đến Di tích địa điểm xưởng in tín phiếu của Liên khu 5, được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2021. Ngày 18.1.2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận 29 hiện vật là bảo vật quốc gia, trong đó có khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.