'Bảo vật điện ảnh Nhật Bản' Hirokazu Kore-eda: Đôi khi làm được phim là do may mắn

15/04/2024 09:54 GMT+7

Sự xuất hiện của đạo diễn hàng đầu thế giới người người Nhật Bản Hirokazu Kore-eda (After Life, Still Walking, Air doll, Like Father Like Son, Shoplifters, Monster...) là điểm sáng của Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất.

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda lần đầu đến Việt Nam theo lời mời từ người sáng lập Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) Kim Dong Ho, cũng là chủ tịch danh dự của HIFF

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda lần đầu đến Việt Nam theo lời mời từ người sáng lập Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) Kim Dong Ho, cũng là chủ tịch danh dự của HIFF

HIFF

Tin tức ông tham dự liên hoan phim gây háo hức cho rất nhiều người yêu điện ảnh và những người làm nghề trong lĩnh vực điện ảnh hồi đầu tháng 3.2024. Và quả thực khi ông Hirokazu Kore-eda sang, tham gia vào 2 hoạt động của liên hoan phim bao gồm buổi nói chuyện sau buổi chiếu phim Broker (Người môi giới) và một workshop của ông trò chuyện với các nhà làm phim trẻ, rất đông khán giả và người hâm mộ đã hưởng ứng để lấp đầy khán phòng có sự xuất hiện của ông, dù giá vé cho việc tham dự workshop này không hề rẻ, mỗi người phải bỏ ra đến 5.000.000 đồng để mua thẻ Platinum mới có thể tham gia sự kiện có ông.

Nhưng số tiền đó hoàn toàn xứng đáng để người hâm mộ và các bạn làm phim trẻ có thể nghe ông nói chuyện nghề và đặt rất nhiều câu hỏi cho ông trong suốt 3 tiếng diễn ra workshop vào chiều 12.4 vừa qua. Chẳng thế mà trong buổi workshop, một nhà sản xuất trẻ người Nhật đã rất xúc động nói rằng, vì dù cùng là người Nhật, nhưng rất khó có cơ hội nói chuyện với thầy Kore-eda tại Nhật do đó anh ta đã phải bay qua dự liên hoan phim tại TP.HCM để có thể gặp ông.

Trong suốt 3 tiếng, cùng với hai người phiên dịch, một người phiên dịch Nhật - Việt, và một người phiên dịch Việt - Anh do sự đa dạng về quốc tịch của khán giả trong phòng, đạo diễn Hirokazu Kore-eda đã chia sẻ rất nhiều về công việc làm điện ảnh của ông, và cách ông cố gắng trả lời bằng cả tấm lòng để phần nào đó tiếp sức cho những nhà làm phim trẻ có tham vọng đi xa trong nghề nghiệp của mình.

Nhiều người bày tỏ muốn gặp nhà làm phim người Nhật do xúc động với các tác phẩm của ông

Nhiều người bày tỏ muốn gặp nhà làm phim người Nhật do xúc động với các tác phẩm của ông

HIFF

Chia làm 3 phiên, phiên đầu tiên về chủ đề phim đầu tay, phiên thứ hai là Mise-en-scenes (dàn cảnh) và phiên thứ 3 về kịch bản, thông qua những ví dụ từ các bộ phim ông làm, đạo diễn đã chia sẻ được rất nhiều điều hay và đáng suy ngẫm.

Ở phiên đầu tiên, ông chia sẻ về bộ phim đầu tay Maborosi, bộ phim mà ông đã thực sự đau đầu trong việc kiếm kinh phí để làm, với rất nhiều lời thắc mắc của mọi người về việc vì sao ông lại làm một bộ phim như vậy, và sự ngăn cản khi phim không thể có khán giả đâu. Ông mất 100 triệu yên để làm phim, và chỉ thu về có 50 triệu yên, khán giả Nhật không mặn mà gì cả, nhưng may sao, phim được gửi đi dự Liên hoan phim Venice và ông đã giành giải quay phim xuất sắc nhất. Và từ đó, ông đã thu hồi vốn, và có dư giả chút ít để làm phim tiếp theo. Đó là phim After Life, bộ phim mà đối với ông thì đây mới đích thực là phim đầu tay vì phim do ông viết kịch bản. Cũng gặp khó khăn như vậy, cũng không ai xem, chỉ là may quá, khán giả Mỹ đón nhận, ông lại thu hồi vốn và lại có tiền làm tiếp.

Phim của Kore-eda ghi đậm dấu ấn tại các kỳ LHP Cannes, mang về những thành tựu nổi bật trong đó có Cành cọ vàng

Phim của Kore-eda ghi đậm dấu ấn tại các kỳ LHP Cannes, mang về những thành tựu nổi bật trong đó có Cành cọ vàng

HIFF

Đối với ông, điện ảnh là nhân duyên và may mắn, ông dùng rất nhiều từ may mắn để nói về sự khởi đầu của mình, không thể từ ông mà rút ra bài học gì cả. Có chăng là sự quyết tâm đeo đuổi để có thể làm được những bộ phim của chính mình. Ở phiên kịch bản, ông đã nói rằng, Maborosi được ông làm không phải vì đó là kịch bản đầu tiên ông viết, ông đã viết After LifeNobody Knows trước đó nữa rồi, nhưng để làm được phim đầu tay, để có người đầu tư cho ông làm, ông đã chọn Maborosi, chuyển thể từ một tiểu thuyết kinh điển, điều mà có thể giúp cho phim thu hút khản giả hơn.

Ở phiên này, ông cũng chia sẻ rất hay về cách mà ý tưởng phim Cha nào con nấy (Like father, like son) hình thành. Đó là từ việc ông quan sát cảm xúc của ông khi có con trai. Cảm xúc làm cha không mãnh liệt như ông nghĩ, ông cũng quá bận rộn với công việc, nên ít thời gian cho con đến nỗi, có lần ông đi làm, đứa con nói với ông rằng "Lại đến chơi nữa nhé", như thể ông là người xa lạ. Vậy nếu không có cùng ADN thì làm cách nào một người cha mới thực sự là một người cha? Những quan sát nhỏ đó, đã được ông tích cóp lại và hình thành nên kịch bản phim Like father, like son.

Một câu chuyện về kịch bản khác cũng rất hay đó là về cái kết của Nobody Knows, khi một bạn trẻ hỏi ông về cách cân bằng giữa kết thúc có hậu và kết thúc bi kịch. Ông nói rằng, cuộc sống không đơn thuần chỉ có một mặt như vậy, Nobody Knows có cái kết thực sự rất buồn, nhưng nếu nhìn ở một góc nhìn khác, những đứa trẻ không có mẹ đó vẫn tiếp tục sống, cố gắng sống, vậy đã là một sự tích cực rất lớn rồi.

Cuộc gặp gỡ với Hirokazu Kore-eda, một trong những đạo diễn hàng đầu hiện nay của điện ảnh Nhật Bản, là tâm điểm trong chuỗi sự kiện Liên hoan phim quốc tế TP.HCM

Cuộc gặp gỡ với Hirokazu Kore-eda, một trong những đạo diễn hàng đầu hiện nay của điện ảnh Nhật Bản, là tâm điểm trong chuỗi sự kiện Liên hoan phim quốc tế TP.HCM

HIFF

Những chia sẻ của ông trong 3 tiếng đồng hồ quả thực quá ngắn ngủi đối với người hâm mộ, cái nhìn của ông với các vấn đề của người đặt câu hỏi luôn có gì đó thật dịu dàng và cân nhắc. Khi đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm đặt câu hỏi về việc làm sao giải quyết chuyện diễn viên trẻ em sẽ lớn quá nhanh trong khi cô cần các em ấy tham gia nhưng kinh phí chưa đủ để quay. Đạo diễn chỉ muốn đặt vấn đề về tâm lý của những đứa trẻ khi vào vai trong một bộ phim về cuộc đời chính chúng nó.

Cách ông nhìn mọi thứ trong cuộc sống có một sự quan sát tỉ mỉ và tinh tế. Có lẽ vì thế nên những bộ phim của ông rất gần gũi, nó có một trái tim để chạm vào những trái tim của khán giả.

Hirokazu Kore-eda đã về nước sau những ngày tham dự liên hoan phim dù ngắn ngủi nhưng những chia sẻ của ông đã mang đến rất nhiều điều bổ ích cho khán giả, người hâm mộ và những nhà làm phim trẻ. Nhìn vào ông là nhìn vào một tấm gương của sự tinh tế, tình yêu điện ảnh, và sự bình dị của cuộc sống thứ mà ta không cần quá nhiều tiền, để có thể tạo nên những tác phẩm có thể trở thành kinh điển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.