Báo Thanh Niên xây bia tưởng niệm liệt sĩ chiến tranh biên giới

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
17/02/2019 14:09 GMT+7

Báo Thanh Niên và Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng đã triển khai xây dựng công trình nhà bia ghi tên - tưởng niệm 13 liệt sĩ Đồn BP Lũng Nặm (Hà Quảng, Cao Bằng) đã hy sinh trong khi bảo vệ biên giới.

Nhân 40 năm bắt đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17.2.1979 - 17.2.2019), Báo Thanh Niên và Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng đã triển khai xây dựng công trình nhà bia ghi tên - tưởng niệm 13 liệt sĩ Đồn BP Lũng Nặm (Hà Quảng, Cao Bằng) đã hy sinh trong khi bảo vệ biên giới.
Trong 40 năm bảo vệ biên giới, 13 cán bộ chiến sĩ của Đồn BP Lũng Nặm đã hy sinh. Trong số này, có 2 liệt sĩ hy sinh ngay rạng sáng 17.2.1979 khi đánh trả thám báo Trung Quốc xâm nhập biên giới Hà Quảng, trinh sát cho lực lượng bộ binh tràn sang. Đó là trung úy Đồn trưởng Nông Quang Việt (khi ấy 35 tuổi, quê Phù Ngọc, Hà Quảng) và binh nhất Hà Văn Dân (18 tuổi, quê Thể Dục, Nguyên Bình, Cao Bằng) hy sinh. Đây là 2 người lính BP ngã xuống đầu tiên trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Tiếng súng của các anh báo động cho cả tuyến sau.
Ngày 18.2.1979, quân Trung Quốc tấn công vào doanh trại đồn ở xã Lũng Nặm, bộ đội đồn đã kiên cường đánh trả, kìm chân không cho địch kéo xuống TT.Hà Quảng. Trong trận chiến đấu này, 2 xạ thủ đại liên Ngô Châu Long (quê Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang) và Phùng Văn Xít (quê Kiến Thành, Lục Ngạn, Bắc Giang), vừa tròn 20 tuổi, phải hy sinh khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng.
Đại tá Ma Quang Nghị đang nghỉ hưu tại xã Bình Yên (H.Định Hóa, Thái Nguyên), nguyên là Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng, kể lại quãng thời gian giữ cương vị Chính trị viên Đồn BP Lũng Nặm thời điểm 1983 - 1987: Sau khi bất ngờ tấn công (17.2.1979) và rút quân (13.3.1979) khỏi Cao Bằng, phía Trung Quốc củng cố các trận địa, tung nhiều toán thám báo xâm nhập vào đất ta...
Trưa 25.5.1982, tổ công tác gồm chiến sĩ Vũ Văn An và Võ Văn Việt đang đi tuần thì bị phục kích, bắt sang bên kia. Ngày 23.4.1984, chốt BP Nhỉ Đú (xã Vân An, Hà Quảng) bị quân Trung Quốc tập kích lúc tảng sáng khiến 4 chiến sĩ hy sinh...
“Những năm 1983 - 1987, phía Trung Quốc còn bắn tỉa bộ đội làm nhiệm vụ tuần tra. Ngày 5.9.1985, hạ sĩ Chu Văn Cử, quê Cốc Đán, Ngân Sơn, Bắc Kạn, khi ấy mới 19 tuổi, hy sinh khi đang tuần tra tại khu vực xóm Ẳng Bó - Kéo Quyển. Hạ sĩ Lý Văn Thanh, quê Ngọc Động, Quảng Uyên, Cao Bằng hy sinh khi mới 20 tuổi”, cựu Đồn trưởng Hoàng Văn Lớ kể.
Những ngày giữa tháng 2.2019, khi có mặt tại vùng núi đá Hà Quảng, vào thăm Đồn BP Lũng Nặm vẫn thấy cán bộ chiến sĩ của đồn đang tích cực làm các phần việc xây dựng công trình phụ trợ của công trình nhà bia ghi tên - tưởng niệm các liệt sĩ.
Thượng tá Lô Ngọc Dũng, Chính trị viên Đồn BP Lũng Nặm, cho biết: “Nhà bia xây từ những năm 1990, xuống cấp trầm trọng. Khi mưa, nước trên núi đổ xuống, dềnh ngang bệ thờ và chúng tôi lại đội mưa chạy ra ôm bát hương cất, nước rút mới mang ra” và phấn chấn: “Ngay khi được biết Báo Thanh Niên giúp đỡ kinh phí xây lại nhà bia, cán bộ chiến sĩ trong đồn tập trung nhân lực đóng góp ngày công làm các phần việc xây dựng. Do thời điểm xây dựng là trước và sau tết, nên anh em không nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật để dồn sức xây dựng”.
Thượng tá Đặng Hồng Quân, Phó chính ủy BĐBP Cao Bằng, chắc chắn: “Chỉ huy BĐBP tỉnh đang gấp rút đôn đốc những người thợ từ dưới xuôi lên xây dựng công trình và đảm bảo công trình hoàn tất, khánh thành đúng ngày 3.3.2019, kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của BĐBP”.
Công trình nhà bia ghi tên tưởng niệm 13 liệt sĩ Đồn BP Lũng Nặm đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc có tổng diện tích 170 m2, nằm trên điểm cao trong doanh trại, tại xã Lũng Nặm (H.Hà Quảng, Cao Bằng). Kinh phí xây dựng là 300 triệu đồng, trong đó 250 triệu đồng do cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Thanh Niên đóng góp, 50 triệu còn lại là công sức lao động, đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Lũng Nặm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.