Báo Thanh Niên và tôi

17/12/2015 07:40 GMT+7

Hồi tưởng lại những ngày tháng cách đây 28 năm, tôi cứ ngỡ như mình nằm mơ. Sau khi thi đậu lần thứ 3 mà vẫn không được đi học đại học vì lý lịch, tôi gần như tuyệt vọng và bi quan cho số phận của mình.

Hồi tưởng lại những ngày tháng cách đây 28 năm, tôi cứ ngỡ như mình nằm mơ. Sau khi thi đậu lần thứ 3 mà vẫn không được đi học đại học vì lý lịch, tôi gần như tuyệt vọng và bi quan cho số phận của mình.

Nguyễn Mạnh Huy và gia đình hiện nay - Ảnh: nhân vật cung cấpNguyễn Mạnh Huy và gia đình hiện nay - Ảnh: nhân vật cung cấp
Nếu không có Báo Thanh Niên, chắc có lẽ tôi không bao giờ được bước chân vào giảng đường.
Tôi tốt nghiệp trung học năm 1981, cùng năm, tôi dự thi vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Khoa Cơ khí. Năm đó tôi thi được 26,5 điểm (điểm đậu vào ngành tôi dự thi là 17 điểm).
Trước khi đi thi, tôi cũng nghe phong thanh về chuyện lý lịch và nghĩ đến hoàn cảnh của tôi (cha đi lính quốc gia, chết trận; mẹ là nhân viên của chính quyền cũ) tôi lo sợ rằng tôi có thể sẽ không được đi học. Năm đó, lần đầu tiên điểm thi được công bố công khai ở ban tuyển sinh tỉnh. Khi biết điểm thi, tôi rất mừng và chờ đợi. Nhưng thời gian cứ trôi qua, các bạn đủ điểm đậu đã có giấy báo đi học, còn tôi chờ hoài mà không thấy giấy báo. Sốt ruột, tôi đến ban tuyển sinh hỏi về trường hợp của tôi, họ đã trả lời rằng trường hợp của tôi không được đi học vì lý do trong lý lịch có cha đi lính ngụy chết trận. Dù đã linh tính, nhưng tôi đã cực kỳ hụt hẫng khi bao nhiêu kỳ vọng, bao nhiêu mong ước của tuổi trẻ bỗng chốc tiêu tan. Nhiều đêm tôi không ngủ được và nghĩ sao cuộc đời mình gặp cả bất hạnh và cả bất công.
Những năm đó gia đình tôi rất nghèo. Nhà tôi ở sâu trong một xóm lao động ở Quy Nhơn, nổi tiếng về những tệ nạn xã hội, với tên gọi là “Xóm vườn bông”. Má tôi khi đó đi bán vải dạo hoặc bán quần áo cũ để nuôi anh em tôi. Tôi còn nhớ khi tôi học năm lớp 9, má tôi nói gia đình khó khăn quá thôi con nghỉ học rồi theo học nghề chụp ảnh (vì nghề chụp ảnh lúc đó làm cũng rất có tiền) chứ đi học má không nuôi nổi. Thương má, tôi nghỉ học và xuống tiệm chụp hình của một người quen học nghề chụp ảnh. Thế nhưng, tôi rất thích học chữ, nên thực sự không hào hứng với công việc này. Rất may là sau khoảng 2 tuần, ông chủ tiệm chụp hình nhận thấy và nói với má tôi là “thôi bà cho nó về đi học đi, chứ tâm trạng nó như thế này thì học nghề không được đâu”.
Tôi nói với má tôi, thôi để con đi học, để má đỡ vất vả, mùa hè nghỉ học con sẽ đi bán thuốc lá dạo để kiếm tiền thêm phụ má. Hè năm đó, tôi theo đứa em họ đi bán thuốc lá dạo ở nhà ga, bến xe. Chắc tôi mát tay nên bán cũng được lắm, vì vậy hết hè năm lớp 9, tôi kiếm cũng được kha khá, đủ tiền phụ má tôi cho tôi đi học lớp 10. Những năm sau, do cuối cấp, cần tập trung cho kỳ thi đại học nên tôi không đi bán thuốc lá dạo nữa mà chỉ dạy kèm vào ban đêm, và má tôi thương con nên cũng cố gắng hết sức. Vì biết hoàn cảnh mình nhà nghèo, tôi nghĩ chỉ có học mới giúp mình thoát nghèo, cộng thêm tuổi trẻ thì nhiều hoài bão, nên tôi rất quyết tâm để thi đậu đại học.
Năm 1981, cùng lúc khi biết mình bị lý lịch không được đi học, hoàn cảnh kinh tế gia đình tôi ngày càng khó khăn hơn do tình hình buôn bán của má tôi không được thuận lợi, cuộc sống chật vật quá, nên má tôi đã dẫn các em tôi về quê ngoại sống. Bên cạnh tôi khi đó còn có bà nội và hai chú nhà ở gần bên (anh tôi lúc đó đang bươn chải ở Sài Gòn). Nhưng bà nội thì đã già, hai chú thì gia đình cũng nghèo mà còn các con nhỏ nữa làm sao cưu mang mình được, thế là tôi đi ăn nhờ ở nhà hàng xóm một thời gian ngắn. Cũng may là lúc đó phía sau nhà tôi có ông anh làm kẹo mè xửng, tôi qua xin phụ làm, không cần lấy tiền công, chỉ cần ngày ăn 3 bữa là được rồi. Thương tình, ảnh nhận tôi; hai anh em hì hụi làm ăn, cũng gần cả năm cho đến khi tôi đi thi đại học lại lần thứ 2 (làm một thời gian tôi quen nghề làm kẹo nên ngoài làm cho anh hàng xóm, tôi còn đi làm thêm ở các xưởng làm kẹo khác nên cũng có thu nhập để dành có chi phí cho việc đi thi lần 2). (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.