8 giờ 30 sáng nay 16.4: Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm 'Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa'

16/04/2024 08:23 GMT+7

VN chỉ mới đáp ứng 40 - 50% nhu cầu sữa trong nước, vì thế hằng năm chúng ta đang phải nhập khẩu rất lớn nguyên liệu từ nước ngoài. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp sữa nội địa.

Theo số liệu thống kê, tiêu dùng sữa trên đầu người của VN hiện nay vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 27 lít/người/năm so với 35 lít/người/năm tại Thái Lan và 45 lít/người/năm tại Singapore vào năm 2021. Dự báo mức tiêu thụ bình quân sữa trên đầu người tại VN sẽ đạt 40 lít/người/năm vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép khoảng 4% hằng năm. 

Vì thế, phát triển mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa để chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành này là yêu cầu bức thiết, nhất là khi nhu cầu sữa ngày càng gia tăng cùng với sự gia tăng của dân số cũng như mối quan tâm về sức khỏe và dinh dưỡng của người tiêu dùng.

Báo Thanh Niên tổ chức buổi tọa đàm

Báo Thanh Niên tổ chức buổi tọa đàm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa"

T.N

Nhìn từ các xứ sở bò sữa trên thế giới hiện nay, Mang Yang - Gia Lai hội tụ nhiều yếu tố để có thể xây dựng thành "thiên đường chăn nuôi bò sữa". Nằm ở độ cao khoảng 800 m so với mặt nước biển, Mang Yang có hệ thống sông suối mật độ tương đối dày, phân bổ đều trên khắp địa bàn. Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển đàn bò sữa chất lượng cao. Một yếu tố quan trọng để biến các lợi thế thành hiện thực chính là các nhà đầu tư, những người mang vốn, công nghệ, kinh nghiệm cũng như kết nối với thị trường trong nước và thế giới.

Đó là lý do Báo Thanh Niên tổ chức buổi tọa đàm "Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa" vào 8 giờ 30 ngày 16.4, tại tòa soạn báo (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) với mục tiêu thúc đẩy mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa và tạo ra một thương hiệu, một đặc sản cho Gia Lai. Chương trình có sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Hiệp hội Chăn nuôi VN, Hiệp hội Sữa VN, các chuyên gia kinh tế, khoa học nông nghiệp để cùng thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm khai thác lợi thế của Mang Yang - Gia Lai vào phát triển kinh tế địa phương, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.