Bão số 10 sẽ gây mưa lớn dồn dập ở các tỉnh miền Trung

02/11/2020 12:21 GMT+7

Bão số 10 được cảnh báo sẽ tiếp tục gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các miền Trung, khu vực vừa chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9.

Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai tại Hà Nội sáng nay, 2.11, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đến 10 giờ sáng cùng ngày, bão số 10 (bão Goni) còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720 km.

Bão số 10 có thể mạnh lên khi tiến gần vào quần đảo Hoàng Sa

Qua theo dõi từ 4 - 7 giờ sáng nay, bão di chuyển với tốc độ trung bình 10 - 15 km nhưng trong 2 tiếng vừa qua ít dịch chuyển.
Khi đi vào Biển Đông, bão số 10 đã trở thành cơn bão yếu, điều này khác với các cơn bão trước đây. Bão số 10 không tự quyết định được cường độ mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài để mạnh lên hay yếu đi.
Mai-Van-Khiem

Ông Mai Văn Khiêm tiếp tục cảnh báo miền Trung có mưa lớn dồn dập trong bão số 10

Ảnh Ngọc Hà

Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, hiện bão số 10 đang ở cấp 8. Dự báo ngày mai, 3.11, bão có thể mạnh lên cấp 9 nhưng sau đó 2 yếu tố sẽ làm bão suy yếu hơn.
Thứ nhất, bão đi vào quần đảo Hoàng Sa gặp vùng biển nước lạnh sẽ làm cường độ suy giảm. Thứ hai, không khí lạnh từ phía bắc tương tác với bão cũng góp phần làm bão suy yếu trước khi đổ bộ vào đất liền.
“Dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh trung và nam Trung bộ, gió chỉ cấp 7 - cấp 8”, ông Khiêm nói.
Ông Khiêm cảnh báo, đáng lo nhất trên đất liền là mưa bão. Dù do tác động của không khí lạnh bão có thể làm dịch chuyển hướng đi nhưng nhìn chung là đi vào đúng vùng bão số 9 vừa tác động, gây mưa lớn dồn dập trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung.
Đợt mưa thứ nhất bắt đầu từ chiều tối 4.11 và kéo dài đến 6.11, ở các tỉnh từ Thừa Hiên - Huế Phú Yên, bắc Tây nguyên với tổng lượng mưa từ 150 - 300 mm. Sau đó, vùng mưa tiếp tục dịch chuyển ra Quảng Trị, kéo dài đến Nghệ An từ ngày 5 - 7.11, có mưa 300 - 400 mm.
“Khu vực sườn tây phổ biến đã trải qua đợt mưa với tổng lượng mưa trên 1.500 mm nên với kịch bản dự báo mưa hiện nay sẽ có nguy cơ xảy ra các tai biến địa chất, trượt lở, sạt lở đất”, ông Khiêm nói.

Cô giáo khóc trên trực thăng, cảm ơn quân đội đưa ra khỏi vùng sạt lở

Không vì bão không quá mạnh mà chủ quan

 

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, bão số 10 có hoàn lưu nhỏ dễ khiến ngư dân chủ quan, điều này rất nguy hiểm khi trên Biển Đông có gió mạnh, sóng lớn. Đây là yếu tố đặc biệt lưu ý để cảnh báo đến ngư dân.
Còn trên đất liền, bão số 10 dự báo tiếp tục gây mưa lớn. Đây sẽ là nguy cơ cao xảy lũ quét, sạt lở còn tiếp diễn ở miền Trung khi khu vực này đã có mưa lớn liên tục trong nhiều ngày, đất ngấm nước đã rệu rã, chỉ cần thêm một tác động nhỏ cũng có nguy cơ thiên tai rất cao.
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Cường lưu ý, người dân cần được chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn.

Cuộc sống nơi 3.000 người đang kêu cứu vì sạt lở nhìn từ trực thăng

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, bão số 10 là cơn bão phức tạp, khi vào đất liền gây mưa lớn, có nơi lên đến 400 mm ở trung Trung bộ và nam Trung bộ.
Phó thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, cần theo dõi sát sao diễn biến cơn bão để kịp thời thay đổi các phương án ứng phó cho phù hợp.
“Không vì dự báo cơn bão không quá mạnh mà chủ quan, cần tập trung rà soát tàu thuyền trên biển ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú an toàn”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng yêu cầu, để ứng phó với bão số 10, các địa phương tiếp tục chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy cơ gây ngập úng, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.