Báo Nhật: Các nước nên lên tiếng với Trung Quốc về Biển Đông

23/11/2015 22:05 GMT+7

Tờ Yomiuri Shimbun (Nhật) ngày 23.11 đăng bài xã luận kêu gọi cộng đồng quốc tế nên lên tiếng về mối đe dọa và hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tờ Yomiuri Shimbun (Nhật) ngày 23.11 đăng bài xã luận kêu gọi cộng đồng quốc tế nên lên tiếng về mối đe dọa và hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp thành đảo nhân tạo cùng đường băng và các cơ sở quân sự. Ảnh chụp tháng 9.2015 - Ảnh: Airbus DSĐá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp thành đảo nhân tạo cùng đường băng và các cơ sở quân sự. Ảnh chụp tháng 9.2015 - Ảnh: Airbus DS
Bài xã luận với tựa đề “Các quốc gia phải gây sức ép buộc Trung Quốc tuân theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông” được đăng một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây các cơ sở quân sự và dân sự trên những đảo nhân tạo xây phi pháp ở Biển Đông.
“Những lời lẽ và hành động của Trung Quốc nhằm biện hộ cho hành vi của mình trong khi vẫn đe dọa tự do lưu thông vốn được đưa ra dựa trên luật pháp quốc tế, có thể không bao giờ được tha thứ”, bài xã luận viết.
“Những nỗ lực chung của Mỹ - Nhật trong việc hợp tác với các quốc gia liên quan khác nhằm gây sức ép lên Trung Quốc là điều cần thiết cho việc duy trì ổn định của khu vực”, Yomiuri Shimbun, nhật báo hàng đầu của Nhật Bản, nhấn mạnh.
Bài xã luận còn bình luận việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi các quốc gia bên ngoài khu vực "kiềm chế những hành động có thể gây căng thẳng ở khu vực” là nhằm ngăn chặn Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra ở Biển Đông. “Việc bảo đảm an toàn trong tuyến hàng hải quan trọng ở Biển Đông chắc chắn là nhiệm vụ không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông mà của cả cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật và Mỹ”, Yomiuri Shimbun nhấn mạnh trong bài xã luận.
Yomiuri Shimbun còn chỉ ra dù Trung Quốc đã đồng ý tham vấn với ASEAN về việc cho ra Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng vẫn không có triển vọng về một khung thời gian hoàn tất COC. “Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đang dùng đối thoại để mua thời gian với mưu đồ biến việc kiểm soát Biển Đông thành chuyện đã rồi”, bài xã luận nhấn mạnh.
“Tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (diễn ra ở Philippines) hồi tuần rồi, vấn đề Biển Đông không được bàn luận. Chúng ta có thể thấy Trung Quốc đã vận động trước để vấn đề này không được bàn đến”, bài xã luận viết.
Yomiuri Shimbun còn cảnh báo rằng Trung Quốc vẫn đang dùng chiêu cũ để chia rẽ các thành viên ASEAN bằng sức mạnh kinh tế của mình. “Miễn Bắc Kinh còn dùng mưu mẹo và không ngừng các hành động đơn phương dựa trên vũ lực, điều đó chỉ khiến khu vực ngày càng mất lòng tin đối với Trung Quốc”, Yomiuri Shimbun khẳng định trong bài xã luận.
Trung Quốc bị “tấn công từ mọi phía” về vấn đề Biển Đông
Tại Hội nghị Đông Á (EAS) diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia ngày 22.11, với sự tham gia của lãnh đạo 18 nước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hứng phải sự chỉ trích dồn dập từ nhiều phía về những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong đó một quan chức tiết lộ với Kyodo News rằng Trung Quốc nhận “nhiều cuộc tấn công bằng miệng từ tất cả các góc trong cuộc họp”. Hầu hết các vị lãnh đạo tham dự EAS, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nêu quan ngại về tình hình Biển Đông và nhấn mạnh đã đến lúc phải hạ nhiệt căng thẳng bị đẩy leo thang bởi việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của VN, theo tiết lộ của một số quan chức với Tokyo.
Trong đó, Phó chánh Văn phòng Nội các Nhật Hiroshige Seko cho hay tại EAS, ông Abe không nhắc tên Trung Quốc, nhưng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về hoạt động bồi đắp ở Biển Đông, xem đó là hành động “đơn phương”, không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cũng tại EAS, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III khẳng định thế giới “đang theo dõi” liệu Trung Quốc có hành xử như một cường quốc có trách nhiệm trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hay không, theo AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.