Báo Nga: Mỹ chào mời Việt Nam mua F-16 nhằm cạnh tranh máy bay Nga

07/10/2019 19:40 GMT+7

Một số trang tin của Nga cho rằng Mỹ đang gây sức ép với vũ khí Nga trên thị trường thế giới , bao gồm cả việc mời chào Việt Nam chọn mua tiêm kích F-16 để thay thế các chiến đấu cơ thời Liên Xô đã cũ.

Trang tin topwar.ru ngày 2.10 có bài cho hay tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin với sự hỗ trợ hùng hậu của chính quyền Mỹ đang gây sức ép với Nga trên các thị trường vũ khí toàn cầu.

Chẳng hạn tập đoàn này đang tăng cường cạnh tranh giành hợp đồng cung cấp chiến đấu cơ của Không quân Ấn Độ vốn đang gọi thầu quốc tế. Lockheed Martin đã chào mời dòng máy bay F-21 được xem là phiên bản nâng cấp của dòng tiêm kích F-16 để cạnh tranh với loại MiG-35 của Nga và Rafale của Pháp. Thậm chí tập đoàn Mỹ còn đề nghị sẽ cùng Ấn Độ sản xuất lắp ráp F-21 tại quốc gia Nam Á này.

F-16 Block 70 trưng bày tại triển lãm DSE Vietnam 2019 có 2 bình xăng phụ trên lưng

Ngọc Thắng

Mới đây, tại Triển lãm Quốc phòng và an ninh Việt Nam 2019 (DSE Vietnam 2019) diễn ra tại Hà Nội từ 2 - 4.10.2019, Lockheed Martin giới thiệu mẫu máy bay vận tải quân sự Hercules C-130J và tiêm kích F-16 Block 70.

Theo topwar, một số báo Việt Nam tỏ ra nghi ngờ khả năng F-16 có trong thành phần của Không quân Việt Nam, và có vẻ thiên về việc nên mua vận tải cơ C-130J do đội máy bay An-26 hầu hết đã cho nghỉ hưu, còn loại máy bay mới CASA C-295 thì quá ít (3 chiếc).

Loại F-16 C/D Block 52ID của Không quân Indonesia (24 chiếc) không có hai bình xăng phụ trên lưng

Không quân Mỹ

Tuy vậy, topwar nhận xét rằng những năm gần đây Mỹ đã cung cấp trở lại thiết bị quốc phòng cho Việt Nam, từ tàu tuần tra cỡ lớn đến máy bay vận tải C-295 (Airbus chế tạo, có thành phần cấu tạo do các hãng Mỹ cung cấp). Mỹ cũng dự định cung cấp (có thể là viện trợ không hoàn lại) máy bay huấn luyện T-6 Texan II cho Việt Nam.

F-16 Block 70 tại triển lãm DSE Vietnam 2019 có khác với F-16 Block 70 Mỹ cung cấp cho Đài Loan, khi F-16 Đài Loan có thêm thiết bị dò tìm và định vị mục tiêu bằng hồng ngoại (IRST) treo dưới họng hút khí dưới bụng máy bay. Ảnh chụp mô hình F-16 Block 70 tại gian hàng Lockheed Martin ở Triển lãm công nghệ quốc phòng và hàng không 2019 tại Đài Bắc (tháng 8.2019)

TAITRA

Khi đó phi công Việt Nam sẽ được huấn luyện bay bằng loại máy bay mới này, và sẽ dễ dàng cho họ sau này khi bay với F-16. Vì vậy mà Mỹ đang cố gắng thuyết phục Việt Nam chuyển sang sử dụng F-16.

Nếu Việt Nam chọn mua F-16 thì các máy bay này sẽ được cung cấp từ thị trường thứ cấp (tức loại tân trang, nâng cấp).

IRST được cho là có thể giúp dò tìm, phát hiện máy bay địch từ xa, kể cả máy bay tàng hình, là thiết bị hỗ trợ cho radar của máy bay

Lockheed Martin

Hiện nay Việt Nam đang có các phi đội tiêm kích hiện đại loại Su-27 và Su-30 do Nga cung cấp. Tuy nhiên số lượng này không đủ thay thế các máy bay MiG-21 cũ kỹ đang là lực lượng chính của không quân.

Dòng máy bay bán chạy nhất

F-16 là sản phẩm bán chạy nhất của Lockheed Martin với hơn 4.500 chiếc đã tiêu thụ

Tokyo DAR

       
F-16 là dòng máy bay tiêm kích 1 chỗ ngồi bán chạy nhất của Lockheed Martin từ trước đến nay. Theo The Morley Fool, Lockheed Martin đã bán hơn 4.500 chiếc F-16 ra thế giới trong vòng 45 năm qua, và hiện còn hơn 2.280 chiếc còn hoạt động.
Theo Defense News, năm 2019 này các hợp đồng xuất khẩu F-16 cho các nước đồng minh của Mỹ được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận dự kiến mang về cho Lockheed Martin đến 15,8 tỉ USD. Các hợp đồng lớn mua F-16 năm 2019 có Đài Loan (66 chiếc F-16C/D Block 70 cùng phụ kiện, trị giá 8 tỉ USD), Morocco (25 chiếc F-16 F-16C/D Block 72, trị giá 3,79 tỉ USD)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.