Bão mặt trời đẩy bật các vệ tinh khỏi quỹ đạo, và tình hình đang xấu đi

25/06/2022 15:00 GMT+7

Mặt trời đang chuyển sang giai đoạn mới của chu kỳ hoạt động, và giới chuyên gia cảnh báo những năm sắp tới sẽ khó khăn cho các vệ tinh đang xoay quanh quỹ đạo địa cầu.

Mặt trời đang bước vào chu kỳ hoạt động tích cực

nasa

Cuối năm 2021, những nhà vận hành mạng lưới vệ tinh Swarm của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) phát hiện một diễn biến đáng quan ngại: các vệ tinh bắt đầu rơi khỏi quỹ đạo và bị kéo xuống tầng khí quyển với tốc độ nhanh không tưởng.

Các vệ tinh đang lao dốc

Nếu so với trước đây, tốc độ này đang tăng gấp 10 lần. Sự thay đổi trùng hợp với sự khởi đầu giai đoạn mới của chu kỳ mặt trời. Điều này khiến các chuyên gia dự báo về những năm khó khăn trước mắt cho hoạt động vệ tinh trên quỹ đạo trái đất.

“Trong 5-6 năm qua, các vệ tinh trung bình sụt xuống khoảng 2,5 km/năm”, Space.com dẫn lời bà Anja Stromme, Giám đốc sứ mệnh Swarm của NASA. Tuy nhiên, kể từ tháng 12 năm ngoái, chúng hầu như trong trạng thái lao dốc. Từ tháng 12.2021 đến tháng 4 năm nay, tốc độ sụt của các vệ tinh thuộc hệ thống Swarm hiện là 20 km/năm.

Những vệ tinh trên quỹ đạo thấp của trái đất thường xuyên đối diện với lực kéo quay lại bầu khí quyển. Lực kéo này buộc những nhà vận hành Trạm Không gian Quốc tế (ISS) phải định kỳ kích hoạt các động cơ để duy trì độ cao của trạm là 400 km cách mặt đất.

Lực kéo cũng giúp xử lý bớt rác vũ trụ, giải tỏa nguy cơ cho vùng không gian cận trái đất.

Giới khoa học tính toán được cường độ của lực kéo này phụ thuộc vào hoạt động của mặt trời, vốn theo chu kỳ 11 năm. Chu kỳ mặt trời trước đó chấm dứt vào tháng 12.2019 và không có sự kiện gì nổi bật. Tuy nhiên, kể từ mùa thu năm ngoái, mặt trời của chúng ta bắt đầu thức giấc và phóng thích ngày càng nhiều gió mặt trời. Đồng thời, các vết đen, vết lóa và những đợt phun trào vành nhật hoa (CME) xuất hiện tấp nập hơn trước.

Ngày 23.5 (giờ Việt Nam), SpaceWeather.com đưa tin vết đen khổng lồ, lớn gấp 3 lần trái đất, chỉ mất 24 giờ để tăng gấp đôi kích thước trên bề mặt mặt trời. Và vết đen này đang hướng về phía địa cầu. Hay nói cách khác, trái đất đang bị “chiếu tướng”.

Tầng trên khí quyển địa cầu đang bị ảnh hưởng bởi hoạt động gia tăng từ mặt trời. Lực kéo ngược đang tăng mạnh. “Điều này cũng giống như đang chạy ngược hướng gió mạnh”, bà Stromme giải thích, thêm rằng một số vệ tinh đã không thể chống chọi và bị đẩy bật khỏi quỹ đạo của nó.

Hai vệ tinh Swarm của ESA

esa

"Cú đấm" từ bão mặt trời

Chùm vệ tinh Swarm, được phóng lên quỹ đạo năm 2013, bao gồm 3 vệ tinh, hai trong số này xoay quanh địa cầu ở độ cao 430 km. Vệ tinh Swarm thứ ba ở độ cao 515 km. Bà Stromme cho biết bộ đôi vệ tinh thấp bị ảnh hưởng từ hoạt động của mặt trời hơn là vệ tinh cao. Tình trạng của chúng nguy cấp đến nỗi vào tháng 5 các nhà vận hành buộc phải kích hoạt động cơ của vệ tinh để cứu chúng khỏi nguy cơ rơi xuống khí quyển.

Swarm không phải là hệ thống duy nhất gặp chật vật trong thời gian qua vì thời tiết không gian. Tháng 2, Hãng SpaceX tổn thất 40 vệ tinh Starlink mới vì trúng bão mặt trời vào thời điểm vừa được phóng lên quỹ đạo.

Trong những cơn bão dạng này, các vệ tinh đột ngột mất độ cao. Thời điểm trúng bão mặt trời, vệ tinh ở quỹ đạo càng thấp thì nguy cơ tổn thất càng cao. Các nhà vận hành chỉ còn cách bất lực chứng kiến vệ tinh rơi xuống tầng khí quyển mà không thể nào can thiệp gì được.

Tỉ phú Elon Musk bác cáo buộc "gây tắc nghẽn" không gian bằng vệ tinh Starlink

Bà Stromme và các đồng sự đang nâng quỹ đạo của hai vệ tinh thấp hơn lên thêm 45 km, trong nỗ lực vượt qua chu kỳ mặt trời hiện tại. Tuy nhiên, thành công hay không lại tùy thuộc vào “thái độ” của mặt trời.

“Chúng tôi vẫn còn nhiên liệu để hy vọng vượt qua chu kỳ này. Nếu hoạt động của mặt trời tiếp tục gia tăng, chúng tôi sẽ cạn kiệt nhiên liệu (cho vệ tinh) trước khi chu kỳ chấm dứt”, bà cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.