Bạo lực học đường ám ảnh học sinh: Khi tổ ấm... lạnh lẽo

21/01/2016 05:13 GMT+7

Gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi vã, đánh nhau, không quan tâm con cái... dễ khiến học sinh cảm thấy lạc lõng, cô đơn ngay chính trong nhà mình rồi dẫn đến những hành vi không kiểm soát được, trong đó có bạo lực học đường.

Gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi vã, đánh nhau, không quan tâm con cái... dễ khiến học sinh cảm thấy lạc lõng, cô đơn ngay chính trong nhà mình rồi dẫn đến những hành vi không kiểm soát được, trong đó có bạo lực học đường.

Trẻ sống trong gia đình không hạnh phúc sẽ gặp nhiều thương tổn trong tâm hồn - Ảnh: Hà Ngọc QuýTrẻ sống trong gia đình không hạnh phúc sẽ gặp nhiều thương tổn trong tâm hồn - Ảnh: Hà Ngọc Quý
Sợ khi nhắc đến gia đình
Khi trò chuyện với chúng tôi, nhiều học sinh (HS) cảm thấy sợ khi nhắc đến gia đình vì đây không còn là nơi chứa chan hạnh phúc mà gắn liền với những tổn thương khi các em thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau.
Cứ mỗi lần nói đến gia đình là N.S.L, lớp 10, Trường THPT N.C.T (Q.Tân Bình, TP.HCM) lại bị ám ảnh. Trong ánh mắt vô hồn, L. nhớ lại: “Có đêm đang ngồi học bài chuẩn bị thi học kỳ, nghe tiếng loảng xoảng dưới nhà, em nhìn xuống và như chết lặng khi thấy cảnh bố đạp đánh mẹ chúi nhủi, đồ đạc bị đập phá ngổn ngang khắp nơi”. L. cho biết: “Hình như bố mẹ không nghĩ đến sự tồn tại của em. Trong bữa ăn vẫn chửi nhau với những lời cay nghiệt. Bố chửi mẹ, chửi cả dòng họ ngoại. Mẹ chửi lại bố, chửi cả ông bà nội. Em chỉ biết cắn răng chịu đựng, cố nuốt cơm trong nước mắt”.
N.T.V.A, HS Trường THPT L.Q.Đ (Bình Sơn, Quảng Ngãi), cho biết nhà có 3 chị em gái là lý do mâu thuẫn giữa bố và mẹ suốt nhiều năm qua. Mỗi lần có men rượu, bố lại chửi, mạt sát, đuổi đánh 4 mẹ con. Có khi nửa đêm, 4 mẹ con phải chạy bộ về nhà ngoại sống tạm. V.A bảo chưa khi nào có cảm giác hạnh phúc thật sự trong nhà. Vậy nên V.A cho biết chỉ mong mau học xong lớp 12 để đi học nghề hoặc học đại học để được xa nhà, không còn cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi trong “ngôi nhà như tù ngục”.
N.T.H.N, HS Trường THCS P.M (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), kể cho dù đang sống cùng bố mẹ, nhưng có những tuần thời gian gặp mặt bố mẹ chỉ vài tiếng đồng hồ. “Nhiều khi em dậy 6 giờ sáng để đi học thì bố mẹ chưa dậy. Chỉ thấy vài chục ngàn tiền ăn bố mẹ để sẵn trên bàn. Đến tối đi học về thì nhiều khi bố mẹ đi làm chưa về, hoặc phải đi gặp bạn bè, tiếp khách. Có nhiều hôm về nhà, em chỉ mong có được bữa cơm gia đình với bố mẹ”, N. tâm sự. Khi nói về gia đình mình, N. nhận xét: “Đó là tổ ấm... lạnh lẽo”.
Dù nhà ở gần trường, thế nhưng 2 năm nay T.A.T, HS Trường THCS Q.T - N.H (Q.Phú Nhuận,TP.HCM), vẫn nhất quyết xin nội trú. T. buồn rười rượi nói: “Ở nhà có cảm giác một mình, chẳng biết nói chuyện với ai. Ngoài giờ học, em chỉ biết giam mình trong phòng”.
Từ bạo lực gia đình đến bạo lực học đường
Khi trò chuyện với chúng tôi, nhiều HS sống trong gia đình không hạnh phúc, nạn nhân của bạo lực gia đình, cho biết: “Em muốn bắt nạt bạn cùng lớp”, “Em muốn trấn lột bạn để gây sự chú ý của bố mẹ, để được bố mẹ quan tâm hơn”, “Muốn lên mạng xã hội thách đố bạn bè, làm điều gây sốc”...
Từ tháng 5.2014 đến tháng 12.2015, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cùng cộng sự đã nghiên cứu đề tài “Thực trạng, nguyên nhân và một số giải pháp khắc phục tình trạng bạo lực học đường tại các trường phổ thông”. Trong đó khảo sát 411 HS tiểu học, 751 HS trung học, 397 phụ huynh và 293 nhà giáo dục.
Có đến 79,4% HS tham gia khảo sát cho rằng nguyên nhân là “gia đình có hành vi bạo lực lẫn nhau, bạo lực với con cái”, 77,6% cho rằng “vì gia đình không lắng nghe, chia sẻ, giải đáp những khó khăn tâm lý cho con” và 76,9% HS cho biết do “gia đình không quan tâm, thương yêu con cái thực sự”. Cũng theo ông Sơn, bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân như do sự phát triển của tính tự trọng, đời sống xúc cảm - tình cảm và nhu cầu được nể trọng, ngưỡng mộ, thiếu kỹ năng nên có thể HS rơi vào trường hợp rối loạn hành vi. Tác động từ game, phim ảnh và một số hình thức văn hóa phẩm mang tính bạo lực cũng là nguyên nhân.
Ông Sơn cho rằng việc con cái phải sống trong những gia đình không hạnh phúc, bố mẹ hay cãi vã, ly thân, ly hôn, thì hệ lụy mà con cái phải chịu đựng đầu tiên đó là chẳng hiểu được mình sẽ sống ra sao ngay trong tổ ấm đã lạnh. Đó là chưa kể những chuẩn giá trị sẽ bị sai lệch trong nhận thức và định hướng. Song song đó, con cái cũng chẳng biết ứng xử khi có tình huống xung đột và vì thế việc đánh nhau là đương nhiên. “Hệ lụy sâu sắc nhất đó là sự thương tổn trong tâm hồn của các em”, ông Sơn nhận định.
Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM, đưa ra những nguyên nhân của bạo lực học đường như HS có cha mẹ nghiện ngập hay phạm pháp, HS vừa trải qua những cú sốc về tinh thần hay bị bạn bè bắt nạt, giáo viên không quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của HS, chương trình học quá nhiều, HS thất bại trong việc học... Ông Bình cho biết thêm nếu không có đủ tình thương của bố mẹ thì HS dễ có xu hướng hành xử bằng nắm đấm, uy hiếp bạn bè bằng bạo lực.
Năm 2015, Hà Ngọc Quý, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cùng ca sĩ Hồ Quang Hiếu thực hiện bộ ảnh: “Ba mẹ đã quên con thật sao!”, lột tả hiện thực bạo lực gia đình gây thương tổn cho con cái. Ca sĩ Hồ Quang Hiếu nhắn nhủ: “Nhà là nơi chốn của hạnh phúc, không phải là nơi chứa đựng những điều làm tổn thương đến ý nghĩa thiêng liêng của nó”.
Chưa nhận thức đúng về bạo lực học đường
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, có nhiều HS chưa hiểu đúng về bạo lực học đường. 41,4% HS cho rằng đem giới tính của bạn bè để trêu chọc chỉ là vui; 36,4% cho biết việc chinh phục mọi cách một bạn khác giới kể cả việc nhắn tin dọa yêu chỉ là sự cuồng nhiệt trong tình cảm học trò chứ không thể là bạo lực học đường. Nhiều phụ huynh, giáo viên cũng chưa nhận thức đúng về vấn đề này. Trong kết quả nghiên cứu của ông Sơn và cộng sự, có 26,4% phụ huynh và 34,1% giáo viên cho rằng hành vi chửi nhau và xâm hại không phải là bạo lực; 35,9% phụ huynh và 29,7% giáo viên nghĩ rằng việc nhắn tin dọa yêu chỉ là sự cuồng nhiệt trong thể hiện tình cảm học trò... “Điều này sẽ làm hạn chế phần nào vai trò của hai lực lượng này trong việc ngăn chặn và giải quyết bạo lực học đường”, ông Sơn nói.

Trẻ cần một môi trường trong sạch
Ông Võ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.3, TP.HCM, nói: “Một đứa trẻ cũng giống như một con cá vậy. Lúc nhỏ ở trong một vũng nước. Lớn lên một chút thì ra sông, ra biển... Đứa trẻ khi còn nhỏ thì học theo ba mẹ, chịu ảnh hưởng nhiều từ lối sống của gia đình, người thân. Khi đi học cũng cần một môi trường trong sạch để tạo ra một nhân cách tốt. Khi chúng ta nhìn lại những gì đã diễn ra thì hầu hết những HS trong các vụ bạo lực học đường đều có hoàn cảnh gia đình éo le, một tuổi thơ ít được yêu thương và phần nhiều không được sự quan tâm đúng mức từ gia đình... Bên cạnh đó, xã hội lại quá nhiều cám dỗ từ đó làm ảnh hưởng nhiều đến hành vi, đạo đức của HS”.
Lam Ngọc (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.