Bão lũ một mùa ập đến miền Trung: Gieo neo con chữ của những bé thơ!

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
08/11/2020 21:46 GMT+7

Đi qua tâm lũ, cảm thức về những ngày tháng dầm mình trong mưa rét để kiếm cho được con chữ của các em học sinh miền Trung sao lắm nỗi gieo neo.

Thật khó diễn tả hết những khó khăn vất vả mà thầy cô và các em đã đối diện. Đó dường như là một “cuộc chiến” vượt lên tất cả, để được đến trường.

Cổng trường THPT Nguyễn Chí Thanh sau khi nước rút, ngày 5.11.

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Nhiều đêm ở Sài Gòn, trước màn hình ti vi, nghe Bộ Giáo dục-Đào tạo phát đi lời kêu gọi cộng đồng hỗ trợ các trường học miền Trung vượt qua ngặt nghèo, gian khổ sau lũ để các em lại được đến trường. Bỗng nhớ lại những ngày niên thiếu, từng vượt qua bao cơn bão, lũ với mảnh ni lon quàng vai. Rét nghẹn ngực và gió phần phật, không sao tả xiết!
Cái đói và cái rét song hành như một giai điệu khó thấu cảm nổi. Khoai sắn lót dạ không đủ no. Mảnh áo phong phanh vải thô mỗi mùa mưa nắng mua về từ cửa hàng mậu dịch. Tiếng đêm vi vút thổi lùa qua những ngọn đèn dầu leo lét, chợt bừng chợt tắt…Tất cả những gì của mùa đông miền Trung như kết tụ, dồn vào tấm mền mỏng mòn cũ đã qua lửa cháy sém, bao đận choàng lên mình ôm sách ngồi bên bếp lửa đêm. Có thể, nói đến những điều này, người miền khác bây giờ chẳng thể hình dung nổi. Nhưng sự học ở miền Trung khởi đi từ như thế…
Gieo neo con chữ miền Trung !

Điểm trường Pa Nho, TT. Khe Sanh tan hoang sau lũ.

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Rồi những mặc khải bị dìm xuống sâu tận tâm can. Để vui và học. Để kiếm tìm chút tri thức của thầy cô tận tụy truyền thụ. Bởi nhìn quanh, ai ai cũng thế. Bạn bè cho nhau luồn tay qua chiếc áo len còn chút nào lành lặn. Mỗi cơn gió lùa qua, nghe như lời giảng của thầy cô cũng run theo bần bật. Để bây giờ, ngồi nhớ lại và đồng cảm với các em, khi mùa đông với mưa bão ngút ngàn!
Gieo neo con chữ miền Trung !

Ánh mắt trẻ vùng cao ở điểm trường Pa Nho.

ẢNH: THU YẾN

Tôi đã đi qua Hà Tĩnh, ngày gió từ hồ Kẻ Gỗ thổi về Cẩm Xuyên dần ngớt. Bùn non đã dọn, trường đã quang nhưng vết nước dâng lên lút cả ô cửa sổ hôm nào có lẽ đã dìm xuống những cuốn sổ tay văn học của các em. Bậu cửa ố màu, ngâm trong nước bạc nhiều ngày, gỗ mục ra mỗi khi chạm tay vào. Bầu trời miên man sắc xám từ sáng đến chiều.
Ở các lớp tiểu học và cấp 2, giờ ra chơi các em học trò vẫn hồn nhiên nô đùa té nước còn đọng vũng giữa sân trường. Còn với các cô cậu học sinh cấp 3, trong vài ánh mắt, tôi nhận rõ hình như đã ít nhiều đăm chiêu, tư lự. Mải miết trong đầu câu chuyện ngày mai các em sẽ phải rời đi, có thể là tìm đến nơi phồn hoa đô hội, xuôi vào phương Nam nắng ấm hay ngược lối trực chỉ dấu Tràng An.
Có lẽ, những con chữ bây chừ các em nung nấu, vẫn đằm trong nỗi nhớ thương về một xứ sở quá trầm luân, mà rồi sau này các em thỉnh thoảng sẽ vẫn như còn nghe hơi rét len vào mỗi dấu chính tả, mỗi phương trình rối rắm ngày nào hiển hiện trên bảng đen.
Gieo neo con chữ miền Trung !

Trẻ thơ điểm trường Pa Nho hồn nhiên dúi vào nhau hồn nhiên cười.

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Tôi đã đi qua Quảng Bình. Con đường băng qua cánh đồng dẫn vào trường THPT Nguyễn Chí Thanh ở huyện Lệ Thủy, còn xăm xắp nước. Nhìn ra cánh đồng mênh mông, sóng xao ì oạp, đồng nghiệp Trương Quang Nam dẫn đường buông một câu nhói lòng: “không biết nước có rút kịp cho bà con gieo sạ vụ đông xuân hay không nữa đây?”.
Cũng người từ chân ruộng mà ra, tôi bấm đốt ngón tay tính nhẩm: nay đã cuối tháng 9 âm lịch, nước thế này làm sao rút kịp để gieo trồng, bởi chậm nhất là qua tháng 10 phải làm đất, ngâm giống. Ở Bình Trị Thiên, vụ lúa xuân-hè thường thuận lợi hơn vì mưa thuận gió hòa. Nhưng vụ đông-xuân thì rất lao đao lận đận bởi mưa lũ, dù rằng nếu gieo kịp thì lúa lên rất tốt, vì đượm phù sa sau lụt. Đó là chưa kể lúa giống để dành cũng đã ngậm nước, lên mầm, lấy đâu ra? Và bây giờ, nước vẫn trắng đồng!
Gieo neo con chữ miền Trung !

Cô trò điểm trường Pa Nho, TT. Khe Sanh (Quảng Trị).

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Rồi cứ thế, miên man nghĩ về tấm áo manh quần cho con trẻ. Ở tuổi ăn tuổi lớn, các em phải làm sao khi trong nhà không còn chút lúa gạo. Để đến trường, bao nhiêu em liệu có phải băng ra đồng thả lưới, giăng câu để kiếm tìm chút tươi qua bữa. Sách vở ngậm ngùi. Bài giảng lọt qua tai. Nhà cửa xiêu vẹo đổ nát và cái ăn sau lũ có giúp các em đủ sức để đến trường? Những câu hỏi ấy cứ vẩn vơ trong tâm trí. Chẳng lẽ cho đến bây giờ, những gì mình đã trải, lặp lại với các em đang vội vàng chân bước qua cánh cổng trường ngoài kia?
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Thành, ngước mặt chỉ tay lên cổng trường mang tên vị tướng vang danh Nguyễn Chí Thanh, nơi khắc dòng chữ “Tiên học lễ hậu học văn”, nói một câu thao thiết: “Nước lên gần lút ngọn cổng này”. Rồi loay hoay tìm bức ảnh chụp hôm nước lớn cho chúng tôi xem. Một gợn rùng mình truyền qua tay, bởi không thể ngờ ngôi trường bị ngập sâu đến vậy. “Dầm sâu mấy ngày, rồi nước dần rút. Cũng là lúc thầy trò tất bật dọn dẹp. Tường cũ ngâm nước, bàn ghế loi ngoi…”, thầy nói. 
Gieo neo con chữ miền Trung !

Tan hoang sau lũ nhìn từ ô cửa sổ điểm trường Pa Nho, TT. Khe Sanh.

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Tôi đã đi qua Quảng Trị. Một lần nữa trong vòng 10 ngày, ngược lên thị trấn Khe Sanh của H. Hướng Hóa. Ngôi trường nhỏ, nơi dạy các em nhỏ học sinh tiểu học người Vân Kiều, nằm bên dòng suối. Cơn lũ tràn về phá toang tường rào, xé rách và cuốn trôi những cánh cửa lớp. Điểm trường Pa Nho của trường Tiểu học số 1 TT. Khe Sanh hầu như chỉ còn lại các bức tường. Thầy hiệu trưởng Lê Văn Quảng cho biết, mới đây có đoàn từ trung ương vào, sau khi khảo sát đã có ý kiến là phải di dời điểm trường này đến địa điểm mới, vì được xây cách đây 15 năm từ nguồn tài trợ của Nhật Bản, ở nơi quá trũng, lại cạnh bên dòng suối. Khi nước dồn về, khó mà ngăn giữ được dòng nước hung hãn. Nghe vậy, trong tôi bật lên ý nghĩ: Mong vậy, nhưng không biết đến bao giờ điểm trường mới được xây dựng?
Gieo neo con chữ miền Trung !

Gió đã bớt thổi qua hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh).

ẢNH TRẦN THANH BÌNH

Những đôi chân trần lấm lem nhưng ánh mắt trẻ vùng cao to đen, tròn xoe ai thấy cũng ám ảnh. Chúng hồn nhiên nghe cô giáo bảo chào chúng tôi. Rồi dúi vào nhau cười khi thấy máy ảnh giơ lên. Không biết tháng ngày sắp tới, bao lâu thì đám trẻ 64 cháu học trò từ lớp 1 đến lớp 3 của điểm trường có cái tên đặc chất miền núi này có trường mới, lớp học mới, để chúng được ấm áp mỗi khi rét mướt từ hơi đá mùa đông tỏa về?
Những gì của một miền Trung mà tôi đã thấy, đó là sự bức bách cần lắm nguồn lực hỗ trợ. Dù sự chung tay của cộng đồng, của nhà nước và nhiều tổ chức xã hội vẫn tiếp nối dòng chảy nhân ái, nhưng làm sao cho đủ vì thiệt hại quá lớn. Nên vẫn nghĩ rằng, không chỉ người dân nói chung, mà học trò miền Trung chắc chắn rồi vẫn còn phải đương đầu với bao khốn khó.
Con chữ, và niềm mơ ước của các em, mong sao đừng để nhạt nhòa!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.