Bao giờ thì mẹ quên được lời nguyền với bố?

06/03/2017 21:36 GMT+7

Thêm một lần nữa Hoài thất bại trong việc kết nối bố mẹ. Mà thật ra cô cũng đâu dám mong mối quan hệ đã bao năm đứt gãy ấy nối lại được bình thường như một gia đình.

Cô chỉ muốn mẹ cởi bỏ nỗi hận, bố nhẹ gánh tâm tư mỗi khi trở về, để những ngày cuối đời họ trở nên thanh thản, cũng là để gia đình nhỏ của cô có được chút niềm vui giản dị như tình cảm của ông bà với các cháu. Thế nhưng mẹ cô vẫn nhất mực khăng khăng với lời thề 37 năm trước.
Ngày đó, Hoài 6 tuổi, bố mẹ ly hôn. Nguyên nhân vì bố có bồ - một người đàn bà là đồng nghiệp. Chưa đầy 30 tuổi, mẹ ở vậy nuôi Hoài khôn lớn. Bố bị giảm biên chế mất việc làm, người vợ sau ốm đau bệnh tật liên miên… nên đã khăn gói vào Nam sinh sống.
Mẹ Hoài tuyên bố có chết cũng không bao giờ nhìn mặt người chồng cũ. Bà tuyệt tình bằng cách không liên lạc với ông bằng bất cứ hình thức nào và cũng nhiều năm cấm đoán Hoài, ngăn trở khi cô mong được tìm hiểu về cha.
Bố vào Nam cuộc sống cũng không khá lên bao nhiêu khi tiền bạc ông làm ra đều đổ vào việc chữa bệnh cho bà vợ sau. Họ không có con. Rồi người đàn bà ấy mất, bố sống thui thủi một mình.
Lấy chồng, sinh con rồi, nỗi niềm canh cánh về người cha mà Hoài toàn chỉ nghe họ hàng đồn đại, nghe mẹ cấm đoán khiến cô trăn trở. Hoài lén mẹ, sau một thời gian, cũng không quá khó, cô tìm ra bố khi ông đang sống cô độc trong một ngôi nhà xập xệ ở quận vùng ven Sài Gòn.
Khi đó tuổi ông cũng đã hơn 70, chỉ sống nhờ vào việc sửa chữa lặt vặt mấy đồ điện tử nhỏ cũ kỹ. Nhìn bố gầy guộc, ốm yếu, ngồi cả ngày mới có một vài khách ghé ngang, kiếm được chút tiền còm chỉ đủ sống đạm bạc, lúc bệnh tật một thân một mình, Hoài xót cả lòng.
Thế nhưng chỉ riêng chuyện tìm thấy bố đã khiến Hoài khốn khổ vì mẹ biết chuyện, khóc lóc, bỏ nhà đi. Tìm được mẹ rồi, cũng phải bao lần van xin, nước mắt nghẹn ngào lã chã, Hoài mới được bà bỏ qua, với điều kiện vẫn không được để ông “nhìn thấy” bà và ngược lại.
Rồi tiếp tục biết chuyện Hoài gửi tiền cho bố, mẹ cô làm mình làm mẩy, đòi từ bỏ cô. Bà cho rằng công lao dạy dỗ Hoài nên người, vượt qua trăm đắng ngàn cay không phải để bây giờ cô giàu có lại đem tiền đi cho “kẻ phụ bạc”. Thà cho người ăn mày, hay làm từ thiện còn hơn. Mẹ nói thế.
Bà bảo ông về già khổ sở như thế là do trời quả báo, do ông bỏ mẹ con bà, giờ đây Hoài không có trách nhiệm cũng như không được tiếp tay cho “kẻ phụ bạc”. Mỗi lần biết Hoài gửi tiền cho bố, bà lại bỏ bữa, lại lên huyết áp, lại trút lên cô những bài học đạo đức, bài học đối nhân xử thế mà cô đã được bà ấn định từ khi còn nhỏ…
Hiểu lòng mẹ, nhưng cũng không thể quên tình cảnh của bố, nhất là khi ông chỉ có mình Hoài là đứa con duy nhất, Hoài cố gắng, kiên trì, kể cả dùng những “chiêu” vừa cương vừa nhu, dần dà mãi cũng đã “đấu tranh” dành được quyền chu cấp cho bố mỗi tháng một số tiền. Mẹ cô dần cũng nguôi ngoai, chấp nhận cho ông thăm cháu ngoại.
Nhưng mỗi lần có ông là không có bà. Khi ông đến thì bà cũng bắt đầu những ngày bỏ về quê hành xác để Hoài không thể yên tâm, để ông mau chóng phải vô Nam. Ở nhà, vẫn là quy luật bất thành văn: không ai được nhắc đến ông khi có mặt bà. Những đứa cháu bà - con của Hoài, cũng phải nem nép theo quy tắc này.
Cả hai đều đã ở tuổi thất thập, Hoài chỉ mong mẹ cởi bỏ lời nguyền, ít nhất là bà không còn tránh mặt ông, nhưng bà vẫn khăng khăng như không gì lay chuyển nổi. Đợt vừa rồi ông ra thăm cháu rồi trở về Nam, Hoài thấy ông đã yếu lắm rồi. Cô thuê người giúp việc chăm sóc ông, nhưng vẫn canh cánh một nỗi niềm, một mối lo chưa giải tỏa được...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.