Bao giờ có hướng dẫn để xử phạt karaoke 'tra tấn' ?

27/08/2022 05:16 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc mong mỏi sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý, thiết bị đo tiếng ồn để xử phạt các trường hợp karaoke 'tra tấn' người khác.

Như Thanh Niên đã thông tin, Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 25.8.2022. Điều 22 của Nghị định: Vi phạm các quy định về tiếng ồn, ghi rõ các mức phạt từ cảnh cáo đến mức cao nhất lên tới 160 triệu đồng.

Một chủ tịch phường ở khu vực trung tâm TP.HCM cho biết, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70 dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55 dBA (21 giờ đến 6 giờ).

Theo chủ tịch phường này, thông tư quy định chi tiết về mức tiếng ồn vượt quy chuẩn trong khoảng nào thì phạt bao nhiêu nhưng các phường vẫn gặp khó vì không có… thiết bị đo tiếng ồn.

Vị chủ tịch phường dẫn chứng, vài năm trước, địa phương này muốn xử phạt tiếng ồn thì phải có phòng ban chuyên môn ở các cấp cao hơn có máy đo thiết bị đem xuống để xử phạt, nhưng chưa phạt được trường hợp nào tại đây. Còn với quy định hiện tại, phường cũng không xử phạt được vì không có máy móc chuyên môn để đo tiếng ồn.

“Máy đo tiếng ồn đi xử phạt phải là máy có kiểm định của cơ quan chức năng chứ không phải mua một máy nào đó trên thị trường rồi đi đo là được. Do vậy, khi nhận phản ánh, phường sẽ đến thực tế, nhắc nhở những gia đình đang mở nhạc, hát karaoke gây ồn ào là chính”, chủ tịch phường chia sẻ.

Theo đánh giá của một phó chủ tịch phường, điểm nghẽn của việc xử lý karaoke, tiếng ồn theo Nghị định 155 cũ cũng như Nghị định 45 vừa có hiệu lực thi hành là chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý. “Hiện chưa có hướng dẫn về việc mua máy đo tiếng ồn ở đâu, máy như thế nào, giá cả, chi phí từ nguồn nào”, vị phó chủ tịch phường nêu.

Nghị định có hiệu lực mà hướng dẫn... chưa có

Nói về vấn nạn karaoke “tra tấn” người khác, rất nhiều bạn đọc (BĐ) bức xúc, bởi nó đã làm xói mòn tình làng nghĩa xóm, và không ít vụ án mạng đau lòng đã xảy ra. BĐ Duc Hoang Nguyen ngán ngẩm: “Không lẽ chúng ta bất lực với vấn nạn nhức nhối này sao? Việc hát hò karaoke vô tổ chức này thể hiện thứ văn hóa vô ý thức của một số nhóm người và sự bất lực trong quản lý của địa phương”.

BĐ Lĩnh Hồng phản ánh: “Nghe riết giống như bị thần kinh vậy, chán! 80% dân thôn xóm tôi có dàn loa, tôi ở trong số 20% còn lại. Âm thanh bủa vây tứ phía, nghe riết hết chịu nổi!”.

“Chịu không thấu” vấn nạn karaoke, người dân cầu cứu UBND TP.HCM

Việc nghị định đã có hiệu lực nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa có máy đo tiếng ồn để xử lý khiến nhiều BĐ thắc mắc. BĐ T.Kiet đặt vấn đề: “Tại sao phải cần máy đo tiếng ồn để xử phạt? Tôi nghĩ chỉ cần có hộ dân phản ánh là có thể tiến hành xử phạt. Lần đầu tiên nhắc nhở, nếu vẫn còn tiếp diễn thì cưỡng chế xử phạt”.

Cùng ý kiến, BĐ Manh Ngo cho rằng: “Cơ quan chức năng cũng chẳng cần máy đo làm gì, chỉ cần có 1 mẫu khiếu nại và có sự đồng thuận của các hộ dân xung quanh, khi họ cùng cho rằng người hát là gây ồn thì cứ thế mà xử lý. Phải dựa trên lợi ích của nhiều người mà xử lý, nếu không thì chỉ đi vào ngõ cụt. Và cũng nên xử lý các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư. Chỗ ở mà họ lôi máy móc ồn ào về gia công, nó ồn không khác gì hát karaoke đâu”.

Khi nào dứt điểm được vấn nạn karaoke “tra tấn” ?

Đó là mong mỏi của rất nhiều BĐ trước vấn nạn karaoke “tra tấn” lâu nay. Nhưng bao giờ thì mới dẹp được vấn nạn này? BĐ Hung gợi ý: “Đề nghị công an phường hay UBND phường cùng tổ trưởng đến từng nhà dân phát thông báo (hoặc kêu xem quy định trên Zalo... ) và đề nghị ký tên đã đọc và hiểu đối với các hộ có mua dàn loa công suất lớn...”.

Trong khi đó, nói về việc chưa có máy đo tiếng ồn, BĐ Quang Tran đề nghị: “Nếu cần, người dân bỏ tiền mua máy, phường đưa máy đi kiểm định, sau đó xử phạt người vi phạm rồi lấy tiền trả lại cho dân… Vấn đề là cơ quan chức năng có dám làm hay không chứ đừng đổ cho không có máy!”.

BĐ Son Nguyen thì cho rằng: “Máy đo nồng độ cồn trang bị cho CSGT được thì tại sao thiết bị đo tiếng ồn bán đầy lại không thống nhất được loại nào cụ thể và mỗi phường xã phải tự trang bị số lượng hay lấy kinh phí mua để cấp cho lực lượng chuyên trách?”.

Thiết bị đo đếm ở đâu, ai kiểm định thế nào chưa có... Thật là đánh đố với cơ quan hành chính cấp phường!

Vinh Hang

Trang bị cho công an phường máy đo tiếng ồn đi. Chứ nhà em vợ bầu, người già mà cứ 5 giờ chiều đến 11 giờ tối là họ ca hát um sùm hết. Loa thì mở hết công suất, ai chịu nổi?

La Nhẹ

Vậy còn những loa của các shop quần áo thì sao, có nằm trong việc chấn chỉnh tiếng ồn không? Vì các shop này, có thể nói, mở nhạc lớn gần như suốt năm.

Van Buu Nguyen

Các quán nhậu gây tiếng ồn thì sao? Khu vực đường Phạm Văn Đồng thuộc 2 quận Gò Vấp, Bình Thạnh (TP.HCM) ô nhiễm tiếng ồn kinh khủng. Làm sao để họ tuân thủ pháp luật?

nguyenngoc….@gmail.com

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.