Bao giờ bỏ giá trần vé máy bay?

Mai Hà
Mai Hà
25/02/2023 07:17 GMT+7

Bỏ giá trần vé máy bay, song vẫn phải giám sát, chống độc quyền thao túng giá là quan điểm được các chuyên gia, lãnh đạo hãng hàng không nội địa đưa ra tại tọa đàm "Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không tổ chức chiều 24.2.

Lo kìm hãm tăng trưởng hàng không

Theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, khung giá vé máy bay được quy định bởi luật Hàng không và có giá trần giá sàn, nhưng thực tế giá sàn bằng 0. Đợt điều chỉnh khung giá gần nhất là tháng 12.2015, từ đó đến nay vẫn "đóng khung" dù các hãng nhiều lần kiến nghị điều chỉnh trần giá vé. Mặt khác, bất cập ở chỗ đường bay nội địa đang gánh một loạt các thuế, chi phí nhưng bay quốc tế lại đang tự do, nên có thực tế là khung giá cao nhất của đường bay nội địa đang cao hơn khoảng 40% so với đường bay TP.HCM - Bangkok (Thái Lan).

 "Bỏ giá trần thì phải sửa luật Hàng không, nhưng quy trình kéo dài không biết đến bao giờ. Để các hãng bay tồn tại và gỡ khó được từ nay đến ít nhất năm 2024, trước mắt cần xem xét tăng khung giá trần vé máy bay, điều này không vướng luật và có thể thực hiện ngay", ông Thành nói.

Bao giờ bỏ giá trần vé máy bay ? - Ảnh 1.

Đề xuất bỏ giá trần vé máy bay từng được đưa ra từ năm 2005 tới nay nhưng vẫn chưa được thông qua

Ngọc Thắng

Chia sẻ thực tế này, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cũng kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào. "Bỏ giá trần với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên nhưng vẫn duy trì sự quản lý nhà nước nếu đường bay nào chỉ có một hãng khai thác. Bỏ giá trần hay nâng giá trần không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng", ông Quân nhấn mạnh.

Từ góc độ chuyên gia, TS Lương Hoài Nam cho rằng giá trần vé máy bay còn tồn tại đến nay là "sự vô lý khủng khiếp và cần chấm dứt càng sớm càng tốt". Theo ông, trên thế giới không nước nào quản lý vé bay bằng giá trần. Thái Lan hay Indonesia đều không có; riêng Trung Quốc, nhà nước phê duyệt giá vé máy bay, không có hàng không giá rẻ nên không có giá trần… "Giá vé trần đã tước đi các hãng bay cơ hội về tăng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cao điểm hè và tết. Nếu bỏ giá trần thì các hãng cải thiện được các giai đoạn thấp điểm. Giá trần kìm hãm sự tăng trưởng của hàng không nội địa vì thị trường này hoàn toàn không phụ thuộc vào giá vé đắt. Quan điểm là sửa luật, nghị định, bỏ trần giá vé cho thị trường quyết định dựa trên nền kinh tế thị trường", ông Nam nêu.

Giám sát, chống độc quyền thao túng giá

GS-TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết giá cả dịch vụ hàng không khác giá cả hàng hóa thông thường bởi giá hàng hóa thông thường niêm yết giá và mặc cả được. Giá dịch vụ hàng không xét phương diện cấu trúc giá vé phức tạp hơn rất nhiều khi phụ thuộc nhiều giá nguyên nhiên liệu, thuê tàu bay, nhân lực, biến động tỷ giá…

Vì sao VN mở cửa không chậm so với thế giới nhưng khách quốc tế lại ít đến hơn các nước láng giềng như Thái Lan, hay Indonesia. Nguyên nhân do vấn đề miễn thị thực (visa), VN mới miễn visa cho 24 nước, trong khi Philippines quy mô kinh tế tương tự đã miễn visa 150 nước. Những ràng buộc này cần khắc phục để mở cửa hơn nhằm phục hồi thị trường hàng không.

GS-TS Trần Thọ Đạt

"Rất ít nước trên thế giới áp giá sàn và trần vé bay, sớm hay muộn nên bỏ giá trần và có công thức điều hành giá và tạo khung dao động đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân. Cơ chế quản lý giá có yếu tố đặc thù nên tham khảo kinh nghiệm của các nước để đảm bảo sự phát triển của ngành hàng không ổn định lâu dài, bền vững", ông Đạt nói.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư, thì cho rằng cần có một ủy ban độc lập về quản lý hàng không, trong đó có các thành viên độc lập chịu trách nhiệm về pháp lý trên cơ sở đó các hãng có đề xuất và điều chỉnh giá vé linh hoạt, nhanh nhạy, kịp thời hơn so với thị trường thế giới để phản ánh đúng đủ các biến số đầu vào như giá xăng dầu bay, biến động của tỷ giá. Đơn cử như cơ chế giá xăng dầu đã có sự điều chỉnh giữa liên bộ Tài chính và Công thương.

"Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét có sự điều chỉnh thích nghi để cơ chế quản lý giá bám sát với thị trường, phản ánh diễn biễn của thị trường, là công cụ cạnh tranh của các hãng bay", ông Doanh nói.

Ủng hộ bỏ khung giá trần, tạo sân chơi theo luật thị trường, tuy nhiên, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng lưu ý nhà nước cần có các công cụ để giám sát, điều tiết chống độc quyền thao túng giá cả làm tổn hại đến người tiêu dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.