Báo động văn hóa giao thông

14/07/2022 06:08 GMT+7

Nhiều vụ gây thương tích, thậm chí dẫn đến án mạng cũng chỉ xuất phát từ những va quệt, mâu thuẫn giữa những người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Thời gian gần đây, vấn đề văn hóa và đạo đức của người lái xe là đề tài được nhiều người nhắc đến. Nhiều vụ gây thương tích, thậm chí dẫn đến án mạng cũng chỉ xuất phát từ những va quệt, mâu thuẫn giữa những người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Thanh Niên thông tin, mới đây (ngày 10.7), Công an xã Tân Phước Tây (H.Tân Trụ, Long An) đã làm việc với vợ chồng tài xế xe tải liên quan đến việc đánh người khuyết tật chạy xe máy trên đường khiến nạn nhân bị chấn thương, phải nhập viện cấp cứu.

Theo đó, khoảng 16 giờ 35 cùng ngày, anh Đặng Thành Công (38 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tân Phước Tây) chạy xe máy chở trứng vịt đi bỏ cho lò ấp. Trên đường trở về, xe tải biển số 62C - 119.64 lưu thông cùng chiều vượt qua nhưng không bóp còi. Do anh Công bị khuyết tật (mất một cánh tay và chân cũng bị thương nặng) nên giật mình làm phương tiện chao đảo. Anh Công có buông lời lớn tiếng. Sau đó, tài xế xe tải dừng lại, bước xuống xe đánh anh Công. Vợ tài xế (dù đang ẵm con nhỏ) cũng tham gia cùng chồng đánh anh Công khiến nạn nhân bị thương.

Nhiều bạn đọc đề nghị cần xử lý nghiêm vợ chồng lái xe tải gây thương tích cho anh Đặng Thành Công sau mâu thuẫn liên quan đến quá trình tham gia giao thông

CHỤP MÀN HÌNH

Ý thức giao thông kém

Câu chuyện như trên không còn là hiện tượng hiếm thấy như chia sẻ của bạn đọc (BĐ) Đào Thị Hằng: “Nói thật, không ít tài xế rất hung hăng, có khi cầm vũ khí như: ống tuýp, cây sắt đánh người khác... Nhưng khi gặp vấn đề liên quan đến pháp luật, bắt đầu “mềm nhũn” đưa vợ con ra kể khổ, rằng “Nghề tài xế bạc lắm!”. Lúc tông chết người, đánh người khác không thấy mấy anh hiền như vậy? Những người công nhân quét rác, người ta cũng vất vả vậy? Chẳng nghề nào bạc! Cái chính là do ý thức giao thông kém…”.

Đối với vụ việc nêu trên, nhiều BĐ cho rằng, vợ chồng người lái xe tải hành hung người khuyết tật vì bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận; cần phạt nặng cặp đôi này, bởi theo BĐ, “phải tăng hình phạt thật nặng mới có tính giáo dục, uốn nắn con người biết sợ và tuân thủ pháp luật”.

Thật xem thường pháp luật!

Còn BĐ Hoàng Hoa nêu ý kiến: “Xe tải trước khi vượt phải bóp còi từ xa để báo động cho phương tiện ở phía trước biết và tránh. Đã vượt không bóp còi lại đánh người không có sức tự vệ thật là xem thường pháp luật, phải xử lý nặng mới chừa được cái tính “hổ báo” đó”.

Theo ý kiến của nhiều BĐ, vụ việc này còn là bài học cho những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Lấy trường hợp vợ chồng tài xế xe tải đánh người khuyết tật nêu trên, BĐ Lê Văn Nghĩa phân tích: “Nếu cơ quan chức năng giám định thương tích đến mức phải truy cứu hình sự về tội cố ý gây thương tích cho người khác thì xem như thành án”.

BĐ Nguyen Khanh cũng dẫn chứng: “Nhiều vụ án gây thương tích, giết người cũng chỉ vì lý do va quệt hoặc không hài lòng với nhau khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường. Ông bà ta có dạy: “Một điều nhịn, chín điều lành” để nhận lại những điều tốt lành cho bản thân. Đánh người, xô xát nhau vì một tình huống giao thông không mong đợi trên đường không những thiếu văn hóa mà còn có thể rơi vào tình huống vi phạm pháp luật, thậm chí phải lâm cảnh tù tội. Đáng báo động, dù có nhiều vụ án, nguyên nhân xuất phát từ tình huống mâu thuẫn trong khi tham gia giao thông đã được đưa ra xét xử, nhưng tình trạng này không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Đã đến lúc báo động về văn hóa giao thông!”.

Ở một khía cạnh khác, BĐ Nguyen Nghiem cho rằng: “Đối với những người làm nghề tài xế xe tải, xe khách cần được đào tạo bài bản. Đây là công việc đòi hỏi người hành nghề phải có năng lực văn hóa, phẩm chất đạo đức tốt. Nếu việc tuyển chọn và đào tạo hời hợt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong việc học và sát hạch giấy phép lái xe hiện hành, phần lý thuyết có đề cập nhiều đến văn hóa tham gia giao thông, nhưng thời lượng dành cho nội dung này có vẻ chưa sâu sát và chưa được đặt nặng đúng mức”.

* Nên xử lý hình sự để làm gương. Nhiều vụ việc côn đồ manh động xảy ra hằng ngày trong cộng đồng là do khung hình phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe? Muốn xã hội yên bình thì giáo dục phải đi đôi với trừng phạt!

Trần Công Thành

* Tốt nhất, khi tham gia lưu thông trên đường, phải chú ý quan sát và tuân thủ biển báo, luật giao thông đường bộ; không lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu… vì rất dễ gây ức chế với những người xung quanh. Trong trường hợp xảy ra va quệt với người khác, cần bình tĩnh xử lý tình huống, trên tinh thần tôn trọng nhau, tuân thủ pháp luật.

Trần Huỳnh Mai

* Hành xử bằng nắm đấm, chân tay không bao giờ có thể xử lý được vấn đề.

Gia Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.