Báo động tăng lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Thu Hằng
Thu Hằng
01/12/2023 08:22 GMT+7

10 tháng năm 2023, tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có dấu hiệu tăng trở lại. Đặc biệt, tỷ lệ lao động hết hợp đồng không về nước tại nhiều tỉnh phía bắc tăng cao so với cả nước.

Nhiều người chưa biết khi nào đến lượt xuất cảnh

Theo Bộ LĐ-TB-XH, đến nay, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở các thị trường là 712.607 lao động; trong đó có 46.677 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 6%. 

Hàn Quốc là thị trường có số lao động trốn ra khỏi hợp đồng và cư trú bất hợp pháp cao nhất với 12.245 người, chiếm tỷ lệ 26% (hơn 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này).

Báo động tăng lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Lao động các tỉnh phía bắc dự thi kỳ thi tiếng Hàn năm 2023 để đi làm việc tại Hàn Quốc

THU HẰNG

Theo ông Đặng Duy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), trong năm 2022 và 10 tháng năm 2023, tỷ lệ lao động hết hợp đồng theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) không về nước của một số địa phương trọng điểm khu vực miền Bắc như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn... cao hơn mức bình quân của cả nước và cao hơn so với cam kết với phía Hàn Quốc (28%).

"Lao động cư trú bất hợp pháp thuộc diện đi theo Chương trình EPS có dấu hiệu tăng trở lại. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến tháng 6, trên tổng số 33.501 lao động theo Chương trình EPS đang làm việc tại Hàn Quốc, có tới 10.411 người không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp (chiếm tỷ lệ 31,07 %)", ông Hồng nói.

Lý giải nguyên nhân tình trạng lao động bỏ trốn, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay: "Chủ yếu xuất phát từ trình độ nhận thức, tác phong của lao động yếu kém. Bản thân người lao động không nhận thức được những tác hại, nguy hiểm khi bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng ra ngoài làm việc trái phép. Các lao động này không được pháp luật nước sở tại bảo vệ quyền lợi, nếu bị phát hiện sẽ bị bắt giam, bị cấm nhập cảnh trở lại".

Ông Lê Văn Lương, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Yên Bái, cho biết hầu hết lao động đi xuất khẩu đều phải vay vốn, trong khi thời hạn làm việc chỉ có 3 năm. Với thu nhập gần 40 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt, trả nợ thì khoản tích lũy còn được vài trăm triệu đồng. Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là có thể ở lại làm việc lâu hơn, có thu nhập cao hơn.

Việc bỏ trốn của những lao động này có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam với các thị trường tiếp nhận, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những lao động khác muốn ra nước ngoài làm việc.

Là địa phương hiện có 83 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và có TX.Chí Linh nằm trong danh sách tạm ngừng tuyển dụng đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2023, ông Bùi Quốc Trình, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hải Dương, bày tỏ: "Rất khó để vận động các lao động cư trú bất hợp pháp về nước dù cán bộ địa phương đã đến tận nhà trò chuyện, phân tích với người thân của lao động. Cơ hội xuất cảnh của nhiều lao động khác bị ảnh hưởng, nhiều người chờ đợi chưa biết khi nào đến lượt".

Tự nguyện hồi hương sẽ được miễn xử phạt

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã thực hiện chính sách ân hạn đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước năm 2023. Chính sách ân hạn này được áp dụng cho tất cả người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 11.9 - 31.12.

Theo đó, lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn nêu trên sẽ được miễn phạt tiền và hoãn hạn chế nhập cảnh. Điều này có nghĩa là sau khi về nước, họ vẫn có thể nộp hồ sơ xin thị thực nhập cảnh vào Hàn Quốc, được cơ quan Lãnh sự quán Hàn Quốc tại nước sở tại tiếp nhận hồ sơ xin cấp thị thực và có thể được cấp thị thực nhập cảnh Hàn Quốc sau khi trải qua thẩm tra, xem xét hồ sơ của phía Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Gia Liêm lưu ý, thời gian thực hiện khai báo tự nguyện xuất cảnh phải thực hiện muộn nhất trước 3 ngày xuất cảnh (không bao gồm ngày nghỉ). Nếu người lao động cư trú bất hợp pháp bị bắt trong thời gian thực hiện chính sách ân hạn sẽ bị phạt tiền lên đến 30 triệu won (khoảng 545 triệu đồng) và tăng thời gian cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc.

"Chính sách ân hạn của Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ khuyến khích lao động tự nguyện về nước, góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại nước này, để mở ra thêm nhiều cơ hội cho các lao động sang Hàn Quốc làm việc", ông Liêm nói.

Bà Kim Yoon Hye, Tham tán lao động Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết Hàn Quốc đang phải đối diện với tình trạng già hóa dân số nhanh, dẫn đến nhu cầu cần tuyển dụng các lao động nước ngoài tăng cao.

Để giảm và phòng tránh lao động bất hợp pháp, Hàn Quốc đang nghiên cứu, đề xuất mở rộng thêm các ngành nghề nhằm thu hút thêm lao động nước ngoài tới làm việc, đặc biệt là Việt Nam. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đang nghiên cứu, xem xét đưa vào áp dụng một số chính sách thu hút, giữ chân lao động nước ngoài tại Hàn Quốc như: có thể chuyển đổi visa du học thành visa làm việc; mở rộng các hạn ngạch; cải thiện điều kiện sinh sống và làm việc của lao động nước ngoài, hơn hết là của người Việt tại Hàn Quốc; người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng đúng thời hạn có thể làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian liên tục là 10 năm mà không phải xuất cảnh...

Năm 2023, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục tạm dừng Chương trình EPS đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh do không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước, gồm: H.Nghi Xuân, H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); TP.Chí Linh (Hải Dương); TX.Cửa Lò, H.Nghi Lộc, H.Hưng Nguyên (Nghệ An); H.Đông Sơn, H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa). 

Đây là những nơi có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn từ 27% trở lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.