Báo động tai nạn đuối nước: Thiếu hồ bơi, người dạy kỹ năng tránh đuối nước

07/05/2022 10:00 GMT+7

Ở tỉnh miền núi như Đắk Lắk, nhiều nguyên nhân khiến số trẻ đuối nước ở mức cao; trong khi đó hoạt động dạy bơi, người dạy kỹ năng phòng chống đuối nước lại thiếu trầm trọng.

Xót lòng nghe tin trẻ đuối nước

“Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Đắk Lắk đã xảy ra 8 vụ đuối nước khiến 18 trẻ nhỏ tử vong. Mỗi lần nghe tin có trẻ đuối nước là tim tôi lại nhói đau, rất xót xa!”, ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk, tâm tư khi thông tin về số liệu trẻ đuối nước.

Bể bơi di động và lớp dạy bơi miễn phí của thầy giáo Mai Văn Chuyền tại H.Cư M’gar (ảnh: Tỉnh đoàn Đắk Lắk)

Theo ông Tuyết, nhiều nguyên nhân khiến số trẻ em đuối nước ở mức cao trên địa bàn Đắk Lắk. Tỉnh này có diện tích rộng, nhiều sông suối, ao hồ; nhiều gia đình làm nông đào ao ngay trong vườn, rẫy để tích nước phục vụ sản xuất nên tiềm ẩn nguy hiểm đối với trẻ nhỏ sống gần xung quanh. Trẻ em ở nhiều địa phương chưa được tập huấn các kỹ năng phòng chống đuối nước. Đặc biệt, nhiều gia đình ở vùng sâu vùng xa, kinh tế khó khăn, bận rộn mưu sinh, không có thời gian chăm sóc, giám sát con trẻ, để xảy ra những vụ việc đáng tiếc. “Chẳng hạn, ngày 27.3 vừa qua, có gia đình bố đi bốc điều thuê, mẹ vắng nhà, không ai trông nom nên 3 con nhỏ dẫn nhau ra hồ chơi và đuối nước”, ông Tuyết dẫn chứng vụ đuối nước khiến 3 chị em ruột (từ 5 - 9 tuổi) tử vong tại xã Cư Pơng, H.Krông Búk.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 142 trường hợp trẻ em tử vong vì đuối nước. Trong đó, năm 2020 có 73 trường hợp; năm 2021 có 51 trường hợp; 4 tháng đầu năm 2022 có 18 trường hợp.

Thiếu giáo viên dạy kỹ năng

Liên quan hoạt động phòng chống đuối nước cho trẻ em, thống kê của Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho biết đến nay có 58 bể bơi được xây dựng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã phối hợp với Sở LĐ-TB-XH và các nhà trường tổ chức nhiều lớp dạy bơi, rèn luyện kỹ năng phòng chống đuối nước cho hơn 2.000 học sinh. Đồng thời, ngành giáo dục tỉnh cũng chú trọng, đa dạng công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống đuối nước; đưa công tác giáo dục phòng, chống đuối nước vào chương trình hoạt động ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục; vận động các nguồn xã hội hóa để xây dựng bể bơi, triển khai công tác dạy bơi…

“Hiếm” mô hình dạy bơi

Năm 2021, thầy giáo Mai Văn Chuyền (Trường THCS Ngô Mây, xã Ea Mdroh, H.Cư M’gar, Đắk Lắk) đã vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để lắp ráp bể bơi di động và kêu gọi các đồng nghiệp cùng tham gia giảng dạy cho 90 em (độ tuổi từ 7-15) biết bơi. Hiện tại, thầy Chuyền đang phối hợp với Đoàn xã Quảng Hiệp (H.Cư M’gar) để đến giữa tháng 5.2022, tiếp tục mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, những hồ bơi di động, chương trình dạy bơi miễn phí như của thầy Chuyền tại Đắk Lắk còn rất hiếm.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT Đắk Lắk, ngành giáo dục tỉnh vẫn gặp một số khó khăn khi triển khai dạy bơi trong nhà trường. Cụ thể, số lượng bể bơi (58) còn ít so với nhu cầu thực tế; hơn nữa, nguồn ngân sách chi bảo dưỡng, duy trì hoạt động cho các bể bơi còn hạn chế. Tính đến cuối năm học 2020 – 2021, toàn ngành giáo dục Đắk Lắk có 1.613 giáo viên các cấp giảng dạy bộ môn giáo dục thể chất, nhưng số lượng giáo viên có chuyên môn chuẩn về phòng chống đuối nước còn ít, chất lượng chưa cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.