Báo động tai nạn đuối nước: Dạy bơi nhưng không có hồ bơi

05/05/2022 06:44 GMT+7

Hầu hết các trường học hiện nay không có hồ bơi, việc phổ cập bơi cho học sinh chủ yếu được hợp đồng với các trung tâm bên ngoài. Tuy nhiên vì chi phí cao, không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng cho con đi học.

“Muốn dạy bơi, trước hết phải có… bể bơi”

Đó là nhìn nhận hết sức thẳng thắn của ông Võ Văn Minh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, khi trả lời Thanh Niên về hoạt động dạy bơi trong trường học tại địa phương. Theo ông Minh, là người làm quản lý giáo dục, ông rất đau lòng khi thi thoảng lại đọc tin có học sinh (HS) tử vong vì đuối nước và hơn ai hết, cá nhân ông hay Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đều nhận thức được tầm quan trọng việc dạy bơi trong trường học để hạn chế những cái chết tức tưởi của học trò.

Rất hiếm trường học có hồ bơi tại trường

NGUYỄN LOAN

Tuy nhiên, trong hàng trăm ngôi trường ở tỉnh này, hiện chỉ 17 trường có bể bơi. “Muốn dạy bơi trong trường học, trước hết phải có… bể bơi. Và rõ ràng con số 17 bể bơi không thể đáp ứng được nhu cầu dạy, học bơi của giáo viên, HS cũng như mong muốn của ngành giáo dục địa phương”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, đầu tư 1 bể bơi trong trường học khá tốn kém, và với địa phương còn nghèo như Quảng Trị lại càng khó thực hiện. Ông Minh thông tin hiện giá 1 bể bơi nhân tạo lắp ghép có giá trung bình từ 400 - 500 triệu đồng.

Ông Minh cho biết trong thời gian này, Sở GD-ĐT Quảng Trị đã phối hợp với Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh triển khai dạy bơi, đặc biệt là đối với khối tiểu học và THCS, do tỷ lệ biết bơi của các em còn rất thấp.

Khuyến khích trẻ học bơi bên ngoài

Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân (TP.HCM), năm 2015 TP.HCM đã ra kế hoạch phổ cập bơi cho HS bậc phổ thông. Tuy nhiên, việc phổ cập bơi cho HS cũng gặp nhiều khó khăn vì hầu hết các trường học không có hồ bơi. Là quận đông HS và số lượng trường học đông nhất nhì TP.HCM nhưng chỉ có 3 trường tư thục có hồ bơi, không trường công lập nào có.

“UBND quận cũng đưa ra chỉ tiêu cho ngành giáo dục. Ví dụ như năm 2020 phải đạt 40% HS biết bơi (trong tổng số HS tham gia học). Mỗi năm tăng thêm 3%, như vậy đến 2025 là phải đạt 55%. Trong khi đó, trường không có hồ bơi, hồ bơi công cũng ít mà tổ chức dạy học ở các hồ bơi tư nhân thì tốn kém kinh phí, phụ huynh lại phàn nàn”, ông Tuyên nói.

Thiếu bể bơi, đó là khó khăn lớn nhất trong việc đưa dạy bơi vào trường học

THANH LỘC

Tương tự, như ở Q.Tân Phú, theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng GD-ĐT, cả quận không có trường nào có hồ bơi.

Là một trong số ít trường tiểu học công lập ở TP.HCM có hồ bơi trong trường, ông Dương Trần Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp), cho biết trường tổ chức song song cả hai hình thức. HS vừa được học bơi theo chương trình học của trường; và trường cũng hợp đồng với giáo viên dạy bơi từ bên ngoài, HS có thể đăng ký học thêm ngoài giờ. Ở trường này HS từ lớp 1 đã được học bơi.

Ngoài ra, các trường cũng khuyến khích cho trẻ tự học bơi bên ngoài tại các trung tâm. Học xong, các em sẽ có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học và các trường chấp nhận kết quả này để xếp HS vào nhóm đã biết bơi.

Phổ cập bơi cho học sinh, mỗi nơi mỗi kiểu

Khoảng 10 năm nay, UBND Q.1 (TP.HCM) đã triển khai kế hoạch phổ cập bơi cho HS lớp 3 các trường tiểu học với mục tiêu từng bước giảm tai nạn đuối nước, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc cho trẻ. Theo đó, mỗi tuần HS lớp 3 của quận này sẽ có khoảng 60 phút học bơi miễn phí tại Trung tâm thể dục thể thao Q.1. Bà Trần Thị Bé Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1), cho hay tùy theo lịch sắp xếp của trung tâm, mỗi trường sẽ có một thời khóa biểu riêng. Sau thời gian 16 tuần tập luyện, HS sẽ tham dự kiểm tra và nhận giấy chứng nhận biết bơi của trung tâm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nguyện, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (H.Bình Chánh, TP.HCM), cho hay việc phổ cập bơi cho HS còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất cũng như kinh phí nên kết quả không như mong muốn.

Do không có hồ bơi công lập nên nhà trường phải hợp đồng với tư nhân, và nếu đăng ký cho con em tham gia thì phụ huynh sẽ đóng từ 250.000 - 300.000 đồng/khóa học. Vì vậy, mỗi năm trường chỉ có khoảng 40 - 50% HS tham gia khóa học bơi. Do vậy, ông Nguyện cho rằng để phổ cập bơi thì mong rằng phổ cập theo đúng nghĩa, tức HS được trang bị kỹ năng hoàn toàn miễn phí.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, nói rằng trước tình trạng đuối nước của trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Mới đây nhất, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, HS trở lại trường học trực tiếp, Sở tiếp tục có văn bản về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học học kỳ 2 năm học 2022 - 2023, trong đó có yêu cầu phát động phong trào phòng chống tai nạn đuối nước, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phát động tại trường dịp HS nghỉ hè sắp tới. (còn tiếp)

Bình Phước: Có chỉ đạo nhưng ít địa phương quan tâm

Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2022 tại Bình Phước đã có 5 vụ đuối nước khiến 9 HS tử vong. Riêng dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua có 2 vụ đuối nước khiến 5 HS tử vong.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, trước dịp lễ 30.4 và 1.5, Sở đã có văn bản gửi đến các phòng GD-ĐT và đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường công tác phòng chống đuối nước cho HS. Ngoài ra, hằng năm trước kỳ nghỉ hè, Sở GD-ĐT đều có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống đuối nước. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ đạo rất ít được các địa phương quan tâm cũng như số lượng HS được tham gia các lớp học bơi không nhiều.

Hoàng Giáp

Kon Tum: Thiếu giáo viên dạy bơi

Thống kê của Sở LĐ-TB-XH Kon Tum cho biết, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 21 trẻ em đuối nước. Trong 4 tháng đầu năm 2022, có 8 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước.

Trước thực trạng trẻ em gặp phải tai nạn đuối nước xảy ra thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum đã trình kế hoạch và được UBND tỉnh đồng ý thực hiện việc xây dựng các hồ dạy bơi trong các trường tiểu học và THCS.

Đến nay tỉnh đã xây dựng 41 bể bơi do ngành giáo dục quản lý. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên dạy bơi và kinh phí vận hành khiến trẻ em chưa được tiếp cận nhiều, việc dạy bơi cho HS chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Đức Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.