Báo động người mắc bệnh sởi tăng bất thường

Duy Tính
Duy Tính
15/01/2019 13:43 GMT+7

Chỉ nửa tháng 1.2019, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận 841 ca bệnh nghi sởi , trong khi cả năm 2018 BV chỉ tiếp nhận 597 ca.

Ngày 14.1, bác sĩ CK.II Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A - BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết mỗi ngày trung bình BV tiếp nhận 50 - 70 ca sởi. BV đã dành nguyên Khoa Nội A để tiếp nhận, cách ly, điều trị cho các bệnh nhân. Đối tượng bệnh nhân mắc bệnh sởi đa dạng, từ trẻ em, người lớn cho đến thai phụ; nhiều người đã bị biến chứng bội nhiễm phổi.
Hiện BV đang điều trị cho 67 ca mắc bệnh sởi, trong đó 38 ca trẻ em (25 trẻ dưới 6 tuổi) và hầu hết rơi vào các trường hợp chưa tiêm ngừa bệnh sởi; số còn lại là người lớn, trong đó có 7 thai phụ (người mang thai nhỏ nhất là 8 tuần, lớn nhất 20 tuần tuổi).
Ngoài ra, nhiều ca bị bội nhiễm phổi phải tiêm kháng sinh. BV phải dành toàn bộ Khoa Nhiễm A để tiếp nhận điều trị bệnh nhân sởi. Trong khi đó, Khoa Nhiễm A chỉ có 55 giường.
Liên quan đến các trường hợp thai phụ mắc bệnh sởi, bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa cho biết về nguyên tắc, khi phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi, thai càng nhỏ thì nguy cơ gây dị tật cho thai nhi càng cao; còn thai lớn sẽ có nguy cơ sinh non.
Về điều trị cho thai phụ mắc bệnh sởi, bác sĩ Hoa khuyến cáo bệnh nhân hạn chế đi lại. Nếu có dấu hiệu đau bụng, ra dịch âm đạo, bất thường về thai thì phải đi khám sản ngay.
Ngoài ra, người mẹ cần tăng cường chế độ dinh dưỡng. Vì đa số thai phụ nhiễm sởi đều không tiêm ngừa trước khi mang thai, nên bác sĩ Hoa khuyến cáo phụ nữ đến tuổi nên tiêm ngừa sởi - không chờ đến lúc mang thai.
Bác sĩ Hoa cũng kêu gọi các bậc cha mẹ nên đưa con em đi tiêm ngừa sởi đủ 2 mũi lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi.
Cùng ngày, theo thông tin từ BV Nhi đồng 2, có 61 trẻ bị sởi phải nhập viện, trong đó có 25 trẻ ở TP. Còn tại BV Nhi đồng 1, có 31 ca sởi (50% trẻ ở TP.HCM); 15 ca ổn định đã được cho xuất viện.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cảnh báo nếu không làm tốt việc “tiêm vét” (những trẻ chưa tiêm hoặc chưa rõ lịch tiêm - PV) vắc xin ngừa sởi cho trẻ, kèm với sự chủ quan trong phòng ngừa của người lớn, khả năng dịch sẽ kéo dài đến giữa năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.