Báo chí toàn cầu trước thách thức từ robot

02/06/2019 22:00 GMT+7

Ngành báo chí truyền thống đang lọt thỏm trong vòng vây của mạng xã hội cũng như phải đối phó thách thức đến từ trí thông minh nhân tạo.

Trí thông minh nhân tạo (AI) tác động như thế nào đến truyền thông và báo chí? Ai đang nắm trong tay quyền lực bao trùm truyền thông lẫn các trang mạng xã hội? Phải chăng mạng xã hội đang làm yếu đi báo chí truyền thống? Đây là những chủ đề nóng bỏng được thảo luận tại Diễn đàn Truyền thông toàn cầu (GMF) 2019, do Hãng thông tấn Deutsche Welle tổ chức vào cuối tháng 5 tại TP.Bonn, Đức.
Là một trong những vấn đề chính của diễn đàn, AI chiếm đáng kể thời lượng trong các buổi thảo luận chuyên đề. Thậm chí có cả một robot tên Naomi chịu trách nhiệm “điều phối” phiên thảo luận của Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia, Armin Laschet. Ông Laschet, từng là nhà báo trước khi chuyển sang chính trường, đã nói đùa: “Cách đây 2 năm, tôi đã gặp robot Naomi tại một trường đại học. Bây giờ thì “cô ấy” đóng vai trò điều tiết buổi nói chuyện của tôi. Ắt hẳn lần sau chúng ta sẽ gặp Naomi đảm nhiệm vị trí thuyết trình chính chăng?”. Mặc dù sau đó robot này chỉ ngồi yên nghe vị Thủ hiến thuyết trình nhưng sự xuất hiện của nó phản ánh “một thế lực tiềm năng” trong môi trường truyền thông.
[VIDEO] Còn bao lâu nữa nhà báo sẽ mất việc vào tay các phóng viên rô bốt?
Đáng chú ý hơn nữa là sự xuất hiện của robot Sofia nổi tiếng từng thăm Việt Nam hồi năm ngoái và được Ả Rập Xê Út cấp quyền “công dân” vào năm 2017. Sophia đã trả lời một số câu hỏi trong phiên thảo luận “Liệu AI có thể thay thế yếu tố con người trong tin tức và báo chí?”. Nhiều ý kiến cho rằng sự trỗi dậy của AI sẽ thay đổi đến tận gốc rễ tổng quan của ngành truyền thông trong tương lai. Giờ đây các hãng tin, tờ báo lớn như AP, Reuters, Bloomberg và The Washington Post đều đã sử dụng AI để phân tích dữ liệu và viết tin tức một cách nhanh chóng. Đó là chưa kể khả năng những “ông trùm” công nghệ như Google hoặc Facebook lôi kéo người đọc vào trang của mình nhờ sự hỗ trợ của AI, trong khi website của báo chí lại vắng bóng độc giả? Từ những điểm này, Thủ hiến Laschet hoan nghênh quyết định của EU về lập kế hoạch tìm kiếm cách thức tận dụng lẫn ứng phó những thay đổi do AI mang lại.
Bên cạnh đó, theo các diễn giả, những nền tảng kỹ thuật số như Google, Facebook và YouTube đang tác động mạnh để chuyển sự tập trung của người đọc từ báo chí truyền thống sang mạng xã hội, chủ yếu vì mục đích lợi nhuận. Các tổ chức truyền thông uy tín lâu nay giờ đây bị đẩy vào tình trạng phụ thuộc cao độ vào các nền tảng kỹ thuật số bên ngoài trong nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh. Nhiều chuyên gia nhận định mặt bằng truyền thông thế giới đang chứng kiến những sự “đổ vỡ”, bao gồm tình trạng phát tán của tin giả, chủ nghĩa dân túy và thù hằn kích động thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Báo chí xuất bản Đức Mathias Dopfner cũng bày tỏ niềm tin “quyền lực thật sự” vẫn thuộc về những bài báo hay, có giá trị tích cực và tạo nên sự lan tỏa trong xã hội, kết hợp với sử dụng nền tảng công nghệ mới đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn về đạo đức nghề báo.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, một trong những diễn giả cấp cao nhất tại GMF 2019, thì cảnh báo về “tính tự mãn” tồn tại trong chính trường và giới truyền thông trong bối cảnh mạng xã hội “đang thay đổi thế giới”. Nhà lãnh đạo cảnh báo giới chính khách không nên sa vào cái bẫy là cứ việc đổ lỗi cho công nghệ trong những chuyển biến trên bình diện toàn cầu. Tuy nhiên, theo tổng thống, tình trạng một vài đại gia công nghệ nắm giữ toàn bộ ngành truyền thông toàn cầu cũng được cho là mối đe dọa cho nền dân chủ. “Những nền tảng đó (tức các mạng xã hội) phải có trách nhiệm hết sức rõ ràng trong việc đảm bảo được các yêu cầu và tiêu chuẩn”, Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.