Báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ 20: Trần Huy Liệu những ngày làm báo

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
26/06/2022 07:30 GMT+7

Bốn giờ chiều 24.3.1926, tàu chở Bùi Quang Chiêu cập cảng Sài Gòn. Hai bên biểu tình và phản biểu tình đụng độ nhưng không xảy ra đổ máu.

Theo báo cáo của Sở Mật thám, có khoảng 8.000 người thuộc phe biểu tình, phe phản biểu tình khoảng 300 - 400 người.

Chuyển đổi văn hóa thành hành động chính trị

Trong cuộc mít-tinh lúc 7 giờ tối hôm đó, Bùi Quang Chiêu đăng đàn nói về chính sách Pháp - Việt đề huề và nguyện hy sinh vì nó, không nhắc gì đến chuyện Nguyễn An Ninh bị bắt. Chỉ cách nhau 3 giờ đồng hồ, Đảng Thanh niên, và cả bản thân Trần Huy Liệu, từ lực lượng nòng cốt chào đón Bùi Quang Chiêu trở thành lực lượng chống đối ông và Đảng Lập hiến của ông.

Tờ Đông Pháp thời báo, số ra ngày 24.3.1926, để trống nhiều chỗ trên trang 1 do kiểm duyệt

Những ngày tiếp đó báo chí quốc ngữ và Pháp ngữ đưa tin về Phan Châu Trinh rầm rộ, tiếc thương, ca tụng nhà chí sĩ. Đông Pháp thời báo đăng nhiều thơ ca, câu đối “của các tầng lớp nhân dân gửi đến điếu nhà chí sĩ” (Trần Huy Liệu, sđd, tr.72). Trong khoảng thời gian đấu tranh đang lên này, số lượng in của Đông Pháp thời báo tăng từ 2.300 bản in lên đến 11.000. Đang khi thông tin về Phan Châu Trinh phủ sóng báo chí thì Phan Văn Trường âm thầm đăng “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” trên La Cloche Fêlée từ số ra ngày 30.3.1926.

Đám tang Phan Châu Trinh ngày 4.4.1926 trở thành một sự kiện lớn chưa từng có trong lịch sử Sài Gòn bấy giờ, Peycam cho rằng số người đưa tang lên đến 70.000, trong hồi ký Trần Huy Liệu ghi là 140.000 người.

Ngay hôm sau là cuộc đình công đòi thả Nguyễn An Ninh… Kể từ đó, Sài Gòn xuất hiện ngày càng nhiều những cuộc mít-tinh, biểu tình, diễu hành công khai, đình công, bãi khóa, rải truyền đơn chống chính quyền thực dân… Báo chí không đứng ngoài cuộc, chính trị đường phố và chính trị truyền thông và ở giữa là các ký giả đã chuyển hóa tư tưởng.

Nguyễn An Ninh bị tuyên 2 năm tù giam, Lâm Hiệp Châu 1 năm. Tháng 11.1926, Lâm Hiệp Châu xuất bản cuốn sách, in 10.000 bản, với nhan đề Gở (gỡ) mặt nạ thượng lưu ngày nay! bênh vực Nguyễn An Ninh về hai lá thư “đầu hàng” viết trong lúc bị tạm giam cũng như đả kích phe Lập hiến.

Cũng trong năm 1926, Trần Huy Liệu xuất bản cuốn sách Việc ông Phan Bội Châu viết về tấm lòng thương nước của người Nam và cách làm chính trị khôn khéo của người Pháp, những nội dung được lấy ra từ Đông Pháp thời báo do ông viết, cùng một số bài dịch khác.

Một trang cuốn sách Gở mặt nạ thượng lưu ngày nay! của Lâm Hiệp Châu

Thư viện Quốc gia Pháp

Đông Pháp thời báo - điển hình cho một tờ báo quốc ngữ

Cùng với tờ L’Écho Annamite được Nguyễn Phan Long tục bản trước đó, La Cloche Fêlée, L’Indochine Enchaînée, L’Essor Indochinois (Đông Dương bay bổng, Cao Văn Chánh làm chủ bút), tờ báo quốc ngữ Đông Pháp thời báo dưới sự điều hành của Trần Huy Liệu tiếp tục cuộc đấu tranh chống những sai trái của nhà cầm quyền thực dân, lúc này Varanne là tân Toàn quyền Đông Dương.

Đông Pháp thời báo dưới thời Trần Huy Liệu làm chủ bút (từ tháng 1.1925 đến tháng 7.1926) trở thành điển hình cho một tờ báo quốc ngữ trong cuộc chiến chống nhà cầm quyền. Hai ký giả Bùi Công Trừng (Sông Hương) và Bùi Thế Mỹ cộng tác với Trần Huy Liệu, số lượng in mỗi kỳ hơn 10.000 tờ (trong tổng số 25.000 tờ của làng báo Sài Gòn) cho thấy vai trò và vị thế quan trọng của tờ báo này lúc bấy giờ lớn đến mức nào.

Trên nhiều số Đông Pháp thời báo, Trần Huy Liệu bàn về đạo lý, tinh thần, chính trị, đổi mới văn hóa, không giao thoa văn hóa hoặc Tây hóa, thúc giục trí thức viết những gì cần thiết cho quốc gia và thấy tâm huyết bất chấp nguy hiểm, kêu gọi ký giả, văn sĩ giữ khách quan và cần giữ khoảng cách với chính quyền, đề cao viễn cảnh độc lập, đề cao sự liên kết giữa ký giả - văn sĩ - công chúng, kêu gọi nhà cầm quyền chấm dứt kiểm duyệt báo chí quốc ngữ.

Công kích chính quyền, bút chiến với các tờ báo “bảo thủ” khác về cách làm báo, những bài xã luận không khoan nhượng, luận chiến và cực điểm là kêu gọi tự do dân chúng, đòi quyền tự trị, đòi độc lập dân tộc… là những điều do Trần Huy Liệu chủ trương, thực hiện dưới ngọn cờ Đông Pháp thời báo.

Tiếng nói chính trị của tờ báo quốc ngữ, vốn bị nhiều hạn chế và kiểm duyệt, Đông Pháp thời báo trở thành một hiện tượng trong làng báo Sài Gòn lúc bấy giờ.

Sau Nguyễn An Ninh, người thanh niên Trần Huy Liệu đến từ xứ Bắc kỳ bảo hộ trở thành một thần tượng khác của thanh niên Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau đó, Trần Huy Liệu bỏ nghề báo nhưng vẫn hoạt động chính trị. Nhìn lại khoảng thời gian làm báo của ông, đó là thời thanh niên gắn liền với Đảng Thanh niên, làm việc với bầu máu nóng, chưa có đường lối gì, thấy việc gì cần cho độc lập tổ quốc là làm không cần đắn đo suy nghĩ.

Kể từ sau đám tang Phan Châu Trinh, đời sống chính trị của người Việt thông qua báo chí, một thực thể chính trị, chia đôi chiến tuyến. Một bên là Đảng Lập hiến với nhóm đối lập ôn hòa, đại diện là Bùi Quang Chiêu; một bên là nhóm cấp tiến với Nguyễn An Ninh và Đảng Thanh niên của Trần Huy Liệu. Kỷ niệm một năm ngày mất chí sĩ họ Phan, hai nhóm tổ chức hai lễ tưởng niệm riêng bên mộ ông, cũng là lúc làng báo Sài Gòn chuyển qua một giai đoạn mới.

(còn tiếp)

Báo chí Nam kỳ đầu thế kỷ 20

Hiện tượng của làng báo Sài Gòn

Quả chuông rè có âm thanh nghịch tai

'L’Écho Annamite' và 'La Tribune Indigène' một trăm năm trước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.