Báo chí đa nền tảng: ‘Nhà báo có còn là nhà báo không?’

27/06/2022 15:16 GMT+7

Sáng 27.6, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội .

Chương trình thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nghiên cứu giảng dạy trong lĩnh vực báo chí, nhà báo và học viên, sinh viên ngành báo chí.

Hội thảo khoa học Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội được tổ chức tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM ngày 27.6

Phúc Kha

Hội thảo là cơ hội để những nhà nghiên cứu, sinh viên gặp gỡ các nhà báo, cùng nhau thảo luận, đề xuất những giải pháp hiệu quả cho hoạt động báo chí trong quá trình chuyển đổi số, đồng thời đề xuất các nội dung mới trong giảng dạy và đào tạo.

Từ báo in đến báo chí đa nền tảng

Tại sự kiện, các nhà nghiên cứu, nhà báo thừa nhận sự phát triển của thiết bị di động và nền tảng mạng xã hội đã dẫn đến việc báo chí truyền thống mất dần công chúng từ xu hướng thay đổi thói quen tiếp cận tin tức của người xem. Cùng với thách thức từ yêu cầu của kinh tế báo chí, các tờ báo phải tìm cách đổi mới để tiếp cận công chúng trên các nền tảng mới.

Nhà báo ở đâu trong xu thế báo chí đa nền tảng?

“Mô hình báo chí đa nền tảng (trong đó mạng xã hội trở thành công cụ phân phối sản phẩm thông tin) được coi như là một hướng đi để sản phẩm của báo chí đến gần hơn với công chúng và giải quyết vấn đề kinh tế báo chí đang thúc bách”, nhà báo Đặng Sinh của Báo Thanh Niên, cho biết.

Nhà báo Đặng Sinh chia sẻ mô hình báo chí đa nền tảng của báo Thanh Niên tại hội thảo

Phúc Kha

Theo ông Sinh, tòa soạn Báo Thanh Niên thực hiện đa nền tảng với mục tiêu phân phối sản phẩm thông tin trên nhiều ấn phẩm, chuyên trang, ứng dụng di động và mạng xã hội khác nhau với nội dung chuyên biệt, trong đó những nền tảng chính là website, ứng dụng di động và mạng xã hội. Mô hình đa nền tảng của Báo Thanh Niên dựa trên tiêu chí tạo ra mạng lưới trang, kênh có nội dung chuyên biệt (đa kênh, đa nền tảng) nhằm tạo ra những cộng đồng có các mối quan tâm khác nhau. Điều này còn hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động quảng cáo, kinh doanh khi nội dung nhắm trúng tới nhóm công chúng cụ thể.

Cũng trong hội thảo, nhà báo Đỗ Văn Thiện, Trưởng ban Truyền hình và đa nền tảng báo Pháp Luật TP.HCM, đã chia sẻ ý kiến tham luận về chủ đề “Từ báo in đến báo chí đa nền tảng”. “Trước đây, báo chí là one - way (một chiều), nhà báo muốn cho công chúng đọc gì thì sẽ làm đúng chiều như vậy, nhưng xung quanh chúng ta tin tức rất nhiều và các nền tảng mạng xã hội đặt ra một bài toán là ‘Nhà báo có còn là nhà báo không?'. Trước đây, nhà báo là người đem thông tin đến công chúng nhưng mạng xã hội ra đời thì bất kỳ ai cũng làm được”, ông Thiện chia sẻ.

Nhà báo Đỗ Văn Thiện nhấn mạnh cần phải tạo một môi trường sáng tạo cho sinh viên báo chí

PHÚC KHA

Ông Thiện cho hay, bộ phận sản xuất báo chí đa nền tảng hiện giờ ở Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, chẳng hạn không có khoa nào tại trường ĐH có bộ môn nghiên cứu về YouTube. “Do đó, kinh nghiệm quan trọng cho việc xây dựng hệ thống đa nền tảng chính là vận dụng, đào tạo nguồn nhân lực trẻ ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Đây là giải pháp vừa tiết kiệm chi phí vừa mang về đội ngũ nhân sự bền vững dài hạn”, ông Thiện đề xuất.

Đại biểu thảo luận các nội dung của hội thảo

Phúc Kha

Đào tạo báo chí nên tận dụng nền tảng mạng xã hội

Mạng xã hội hiện nay không chỉ là những nền tảng cho truyền thông mà còn là công cụ hữu ích trong giảng dạy báo chí, đặc biệt là hoạt động thực hành do tính chất đặc biệt của môi trường truyền thông này.

Thạc sĩ Phan Văn Tú (trái) và tiến sĩ Huỳnh Văn Thông (phải) bày tỏ quan điểm về đào tạo báo chí tại hội thảo

Phúc Kha

Thạc sĩ Phan Văn Tú, Trưởng bộ môn Báo chí, khoa Báo chí và Truyền Thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết, mục tiêu học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với thực tiễn trong đào tạo kỹ năng báo chí lâu nay thường khó đạt yêu cầu cao. Lý do là phương tiện và điều kiện thực hành cho sinh viên vẫn còn khoảng cách so với đời sống báo chí luôn phát triển, đặc biệt là sự thay đổi về phương diện công nghệ.

“Sinh viên báo chí ở Việt Nam trừ khoảng thời gian đi thực tập được làm nghề tại các tòa soạn báo hay đài phát thanh, truyền hình thì chỉ được rèn luyện kỹ năng nghề trong chương trình đào tạo thông qua việc sản xuất sản phẩm mô phỏng. Thời gian cho việc thực hành và sửa chữa các tác phẩm thực hành này cũng không nhiều. Do đó, sinh viên không có trải nghiệm phản hồi từ phía công chúng truyền thông, nên hiệu quả bài tập không cao như mong đợi”, ông Tú nói.

Theo ông Tú, từ khi mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube có tính năng cho phép người sử dụng phát trực tiếp miễn phí, những người giảng dạy báo chí có thêm một công cụ để tổ chức nhiều hình thức bài tập cho các sản phẩm phát thanh, truyền hình, báo trực tuyến. “Mạng xã hội không chỉ là nền tảng để chuyển tải, phát hành sản phẩm bài tập của sinh viên ra cộng đồng mà còn giúp giảng viên - sinh viên mở rộng không gian lớp học, 'kéo dài thời gian' học phần, tăng cường tương tác ngoài lớp học”, thạc sĩ Tú chia sẻ.

Sự kiện thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà báo, giảng viên và sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông

Phúc Kha

Về phía sinh viên, Minh Huy, sinh viên năm nhất khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho hay: “Tôi đang học ngành Báo chí nên rất muốn tìm hiểu việc báo chí đang phát triển trên nền tảng mạng xã hội như thế nào và có thể phát triển thêm ở loại hình truyền thông nào nữa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.