Báo Anh: Vì sao bà Hillary Clinton thất bại?

09/11/2016 21:02 GMT+7

Từ chỗ được giới quan sát đánh giá rất cao, bà Hillary Clinton vụt mất lợi thế và chấp nhận thất bại trước ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

So với ông Trump, bà Clinton vượt trội hơn hẳn về kinh nghiệm làm chính trị. Bà là cựu ngoại trưởng Mỹ và có một sự nghiệp chính trị vài chục năm. Thế nhưng cựu đệ nhất phu nhân Mỹ cuối cùng đã thua cuộc sau khi kết quả bầu cử ngày 8.11 được công bố.

Dẫu đây là một bất ngờ theo nhận định của giới quan sát, tuy nhiên vẫn có những cơ sở để tạo ra kết cục bất ngờ ấy. Bên cạnh những lý do ông Donald Trump đắc cử, bà Hillary Clinton cũng tồn tại những thiếu sót để trở thành người phụ nữ đầu tiên làm tổng thống Mỹ. The Guardian ngày 9.11 đưa ra phân tích dựa trên 4 điểm cho thấy những vấn đề bà Clinton đã gặp phải.

Kinh tế

Bằng bất kỳ cách xem xét nào đi nữa, kinh tế vẫn đóng vai trò cực lớn trong vấn đề chính trị và xã hội. The Guardian trích lại câu nói “It’s the economy, stupid” (Vấn đề chính là kinh tế, đồ ngốc) do cố vấn James Carville của chính ông Bill Clinton -  chồng bà Hillary Clinton nói năm 1992 để chứng minh điều này.

Tổng thống đương nhiệm Obama của đảng Dân chủ được xem là người đã kéo kinh tế Mỹ vượt qua đợt khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2008 – 2009. Nhưng thật không may, bà Clinton lại không thể khiến người Mỹ hiện nay tiếp tục tin tưởng bà hoặc ít nhất khả năng xoay chuyển cục diện của đảng Dân chủ.

Cử tri năm nay đa phần ám ảnh với tình trạng mức lương thấp và bất bình đẳng thu nhập, tất nhiên sẽ đổ lỗi cho “những chính trị gia truyền thống” như bà Clinton, ông Obama, và cả sự lãnh đạo của đảng Dân chủ. Trong khi đó, ông Donald Trump lại thuyết phục được cử tri tin rằng những vấn đề lao động như trên xuất phát từ các thỏa thuận thương mại bất lợi của chính quyền, cũng như một nền kinh tế đầy rẫy gian lận.

Trong bối cảnh hoài nghi bủa vây, cử tri có vẻ thấy cái lợi trước mắt từ chính sách giảm thuế thu nhập của ông Trump hơn.

Sự tin tưởng

Sự tin tưởng chính là vấn đề cốt lõi nếu một chính trị gia muốn cử tri tin vào chính sách họ đưa ra. Về điểm này, bà Hillary Clinton rõ ràng đã mất uy tín nhiều hơn so với ông Donald Trump.

Dù bị The New York Times khơi ra chuyện đã lách luật để không đóng thuế 18 năm, ông Trump vẫn là một người không vi phạm pháp luật.

Ngược lại, bà Clinton đã dính ít nhất 3 “phốt” cực nặng liên quan tới niềm tin: Quỹ Clinton, Goldman Sachs và vụ email.

Với xu hướng thiếu niềm tin vào giới làm chính trị “kiểu mẫu”, bà Clinton bị cáo buộc bê bối liên quan tới Quỹ Clinton do gia đình Clinton sáng lập. Đồng thời, WikiLeaks cũng tiết lộ những bài phát biểu được trả tiền của bà Clinton với ngân hàng Goldman Sachs, tức cho rằng bà có quan hệ mật thiết với những đại gia ở Phố Wall – đi ngược lại với quyền lợi cho giới thu nhập thấp, người nhập cư...

Sau cùng, vụ điều tra xoay quanh vấn đề sử dụng email của bà Clinton ít nhiều càng khiến bà mất đi sự tin tưởng.

Thông điệp thiếu thuyết phục

Nếu nhận xét rằng ông Trump đã nhận sự ủng hộ của cử tri thông qua những phát biểu hùng hồn, đây mặc nhiên là điểm yếu của bà Clinton.

The Guardian cho rằng khẩu hiệu tranh cử “Cùng nhau mạnh mẽ hơn” của bà Clinton có thể diễn tả sự đoàn kết sâu sắc, nhưng lại ít gợi nhớ điều gì trong lòng cử tri Mỹ. Trong khi đó, “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump thực sự mạnh mẽ, ấn tượng hơn.

“Chết” vì thống kê

Trong hầu hết các thống kê năm nay, bà Clinton đều được đánh giá cao hơn ông Trump. Cách biệt đặc biệt đào sâu trong một tháng cuối cùng trước ngày bỏ phiếu. Tuy nhiên nếu tính riêng chừng 10 ngày trước “giờ G”, người ủng hộ bà Clinton choáng váng vì từ sau ngày 28.10, thời điểm Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo tái điều tra vụ email, tỉ lệ ủng hộ ông Trump tăng vùn vụt.

Ông Donald Trump bị báo chí Mỹ quay lưng và tường thuật không hay về ông, nhưng rõ ràng những gì xuất hiện trên báo chí không đại diện cho lựa chọn của cử tri Reuters

Những thống kê có lợi cho bà Clinton đã gián tiếp làm hại tham vọng của bà, vì nhiều cử tri sẽ bị tác động quanh chuyện đã chắc thắng và không thèm đi bầu. Mặt khác, số lượng cử tri bỏ phiếu sớm không nhiều và không thể đại diện cho toàn thể.

Điểm thứ hai thuộc về lỗi hệ thống của thời đại công nghệ. The Guardian nhấn mạnh vào thực tế hiện nay, các khảo sát kiểu gọi điện trực tiếp đến cử tri qua điện thoại bàn hoặc di động không còn hiệu quả nữa. Dĩ nhiên, khảo sát kiểu ấy sẽ đưa ra những sai lệch cực kỳ nguy hiểm.

Điểm nhấn tai hại của các cuộc khảo sát chệch hướng này là cuộc bỏ phiếu nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6 năm nay. Gần như báo đài cũng như các hãng khảo sát chuyên nghiệp vận hành kiểu truyền thống đều đưa ra kết quả Anh sẽ ở lại EU. Nhưng đến ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý, cử tri đã chọn rời EU.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.