'Bánh vẽ' du học - Kỳ 3: Ngậm quả đắng...

08/07/2015 07:34 GMT+7

Trái ngược với lời 'tư vấn có cánh' nơi quê nhà, để có thể tồn tại ở Nhật Bản, phần lớn 'du học sinh' phải làm việc đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Nhiều người đành ngậm quả đắng trở về quê hương 'ôm' theo những khoản nợ hàng trăm triệu đồng.

Trái ngược với lời “tư vấn có cánh” nơi quê nhà, để có thể tồn tại ở Nhật Bản, phần lớn “du học sinh” phải làm việc đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Nhiều người đành ngậm quả đắng trở về quê hương “ôm” theo những khoản nợ hàng trăm triệu đồng.

Đi làm đến kiệt sức, du học sinh tranh thủ mọi lúc mọi nơi để chợp mắt
 nghỉ ngơi - Ảnh: Cộng đồng văn hóa Việt Nhật
Kiệt sức “đi cày”
Kể về những ngày ở Nhật Bản, Nguyễn Văn Q. (xã Sông Lô, H.Lập Thạch, Vĩnh Phúc) vẫn còn chưa hết sợ. “Trước khi nộp tiền đi du học, em được tư vấn đi làm với mức lương 40 - 50 triệu đồng/tháng, việc làm thêm thì có nhà trường hỗ trợ, nhưng thực tế không phải như thế. Em gọi điện về nước nhờ công ty hỗ trợ thì cũng chỉ nhận được lời hứa hẹn. Túi cạn tiền, để có miếng ăn qua ngày, em tìm cách vay mượn khắp nơi”, Q. nhớ lại.
50% “du học sinh” buộc phải về nước
Theo thống kê của Hiệp hội Chấn hưng giáo dục tiếng Nhật (Nhật Bản), có đến 50% du học sinh VN sau khi không được học tiếp sẽ buộc phải về nước.
Khi đã không còn lựa chọn, Q. tìm được việc gì thì làm nấy, từ đóng gói cơm hộp, phát tờ rơi cho đến bốc xếp hàng hóa, mỗi ngày chỉ có 3 - 4 tiếng để ngủ mà cũng chỉ kiếm đủ tiền trang trải sinh hoạt. Sau hơn 1 năm, nhà trường yêu cầu đóng thêm đợt học phí mới, gia đình không có tiền gửi sang nên Q. buộc phải về nước.
Cũng giống như Q., anh Phan Văn Phê (thôn Lạc Dục, xã Lạc Đạo, H.Tứ Kỳ, Hải Dương) nghe bạn bè theo “phong trào du học” Nhật Bản, dù đã có vợ con. Phê bộc bạch: “Nghe người ta nói sang làm 40 - 50 triệu đồng ai mà chẳng ham. Tôi đã cắm cả sổ đỏ, vay tiền để đi cái gọi là du học”.
Khi đặt chân đến xứ sở hoa anh đào, việc học với Phê chỉ là phụ, cái chính là lao động để “kiếm cái nhét vào mồm”. Để có thể trụ lại ở Nhật, Phê làm đủ mọi việc, từ nấu ăn, rửa bát, làm công ty nhựa, đóng cơm hộp, bốc xếp hàng. “Cuộc sống “du học sinh” còn khổ hơn kiếp con trâu. Ngày đi học, tối đi “cày”, sức bị vắt đến kiệt vì có được ngủ đâu. Ngày nào cũng làm đến 1 - 2 giờ đêm, có khi đến 5 giờ sáng mới về. Lên lớp ngủ gục hoặc gà gật trên tàu. Ăn uống thì tạm bợ, chỉ ổ bánh mì và chai nước coi như xong bữa. Mệt thì cũng phải “cày”, đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến tiền nong, đi học điểm danh cho có, chứ chẳng nhét được chữ nào vào đầu”, Phê ngậm ngùi.
Còn nhiều trường hợp khác tương tự, như Hà Phương làm công việc chuyển phát nhanh phải đạp xe 13 km, mưa đá, tuyết rơi cũng không được nghỉ. Công việc phập phù, làm 2 tháng lại nghỉ 1 tháng. Hay như sau 2 năm “chinh chiến” ở Tokyo, cuối cùng Vũ Văn Quynh (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã phải gánh khoản nợ không nhỏ.
Cũng có không ít du học sinh nghe các trung tâm hứa hẹn trải thảm hồng để rồi vỡ mộng. Cuộc sống áp lực, cường độ làm việc khắc nghiệt khiến nhiều người sa ngã, vi phạm pháp luật...
Nợ nần chồng chất
Chúng tôi đến thôn Lạc Dục, xã Lạc Đạo tìm gặp Phan Văn Phê, “du học sinh” vừa mới về nước. Tiếng là du học để đổi đời, nhưng căn nhà cấp 4 của Phê vẫn tuềnh toàng, ngoài bộ bàn ghế và chiếc giường cũ kỹ thì chả có vật dụng nào đáng giá. 3 năm “du học”, gia tài là một giấy chứng nhận tiếng Nhật, nhưng theo thú nhận của Phê, trình độ chỉ ở mức giao tiếp. Phê ngậm ngùi: “Đợt vừa rồi, bạn bè mình có 3 - 4 đứa trốn ra ngoài làm cũng khổ, sợ cảnh sát bắt, nay ở chỗ này, mai ở chỗ nọ. Làm được tháng này lo tháng sau. Trả được nợ và về nước là may lắm rồi. Nếu cho chọn lựa lại, không bao giờ em đi… du học”.
Trắng tay trở về VN, điều khiến Nguyễn Văn Q. (Vĩnh Phúc) day dứt và ân hận nhất là khoản vay nợ lên tới 200 triệu đồng không biết đến khi nào mới trả xong. “Bố mẹ đã già yếu, gia đình làm nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, chỉ trông chờ vào lúc bán được đàn gà, con lợn mới trả bớt được ít tiền nợ”, Q. ngậm ngùi. Hiện Q. làm công nhân tại Hà Nội, thu nhập mỗi tháng chưa đến 5 triệu đồng nên khoản nợ hàng trăm triệu đồng lúc nào cũng hiện hữu, đeo đẳng trong suy nghĩ.
Nhiều phen ngã ngửa, méo mặt với tiền học phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm của cậu con trai, bà Trần Thị Khanh (xã Tái Sơn, H.Tứ Kỳ, Hải Dương) bức xúc: “Khi tư vấn, họ (công ty du học - PV) cứ nói sáng ngời, gia đình chỉ phải lo năm đầu tiên, còn về sau tìm được việc thì tự trang trải được hết, thậm chí dư tiền gửi về nhà, nhưng thực tế thì chẳng khác nào họ đem con bỏ chợ. Cũng may gia đình có khoản tiền đền bù giải phóng mặt bằng, chứ chỉ trông vào nghề nông mà vay mượn cho con đi du học thì vỡ nợ lâu rồi. Trong xã, nhiều người đến hỏi thăm cho con du học nhưng khi nghe tôi chia sẻ thì không còn ai dám cho con đi nữa”.
Ngày 3.4.2014, cảnh sát tỉnh Fukuoka quyết định trục xuất 24 du học sinh VN làm quá số giờ quy định tại một công ty hải sản tươi sống. Theo cảnh sát, 24 du học sinh này độ tuổi từ 20 - 30, đang theo học tại các trường dạy tiếng Nhật thuộc thành phố Chikuzen, tỉnh Fukuoka.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.