Bánh trung thu tỉnh lẻ 'làm mưa làm gió' ở thủ đô

24/08/2018 07:53 GMT+7

Không chất bảo quản, đậm hương vị truyền thống, giá thành rẻ, nên bánh trung thu gia truyền có tiếng ở nhiều địa phương được người dân Hà Nội lùng mua nhiều trong mùa trung thu năm nay.

Mặc dù tại Hà Nội có tới hàng chục thương hiệu bánh trung thu lớn nhỏ, cạnh tranh khốc liệt, song bánh trung thu gia truyền đến từ các tỉnh lân cận vẫn có chỗ đứng riêng.
Tại thị trường Hà Nội, thương hiệu bánh trung thu cổ truyền đang “làm mưa làm gió” trên các chợ online không phải là các công ty lớn, cũng không phải các thương hiệu gia truyền nổi tiếng của Hà Nội như Bảo Phương, Ninh Hương… mà là bánh Đông Phương (Hải Phòng). Nổi tiếng đất Cảng gần 70 năm qua, nhưng thời gian gần đây, bánh trung thu Đông Phương mới được người dân thủ đô biết đến chủ yếu qua đường xách tay, “truyền miệng”.
Chị Phương Anh, nhân viên văn phòng, chia sẻ: “Tôi thích ăn bánh truyền thống, những mùa trước vẫn thường hay mua bánh trên phố cổ, xếp hàng, đợi mãi mới mua được hộp bánh. Năm nay, cô đồng nghiệp cùng cơ quan quê ở Hải Phòng bán bánh Đông Phương, mua về ăn thấy ngon, vỏ xốp mềm, dễ ăn hơn các loại bánh của các công ty Kinh Đô, Hữu Nghị... Thích nhất là nhân bánh thập cẩm đúng hương vị truyền thống, không ngọt, thơm mùi lá chanh, nhân thịt mỡ béo mà không ngấy”.
Dù “tiếng lành đồn xa”, nhưng theo bà Đặng Thanh Hương, chủ cơ sở bánh trung thu Đông Phương, ngoài địa chỉ duy nhất ở Hải Phòng, cửa hàng không mở đại lý ở Hà Nội, nên bánh đang bán trên thị trường Hà Nội chủ yếu là hàng “xách tay”.
“Khách hàng từ Hà Nội về hoặc gọi điện mua hàng từ xa ngày càng tăng, chúng tôi rất vui vì được nhiều khách hàng gần xa biết đến. Cửa hàng không mở đại lý ở Hà Nội và các địa phương, vì muốn sản phẩm đến tay người tiêu dùng ngon nhất, do vậy bánh chỉ bán tại cửa hàng ở phố Cầu Đất để tránh tình trạng làm giả, làm nhái, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu”, bà Hương chia sẻ.
Chị Quỳnh Giang, một người bán hàng online ở quận Hai Bà Trưng, cho hay: “Tôi bắt đầu bán bánh trung thu từ đầu tháng 7 (âm lịch). Càng gần rằm tháng 7, khách hàng đặt số lượng càng nhiều. Bánh tươi về hàng ngày đảm bảo tươi ngon, giao tận tay khách hàng. Bánh Đông Phương có mười mấy loại, nhưng ở Hà Nội, khách hàng chỉ chuộng nhất là bánh nướng và bánh dẻo nhân thập cẩm. Trung bình mỗi ngày bán ra khoảng 100 cái bánh”.
Ngoài hiệu bánh Đông Phương, trên thị trường Hà Nội còn xuất hiện các loại bánh do các cơ sở sản xuất bánh trung thu gia truyền đã có tên tuổi lâu năm tại các địa phương như Tạ Quyết (Phú Thọ), Quang Hưng (Nam Định), Thuận Nhàn (Thanh Hóa)… Đặc điểm chung của các thương hiệu bánh tỉnh lẻ đều có tuổi đời từ 30 năm đến gần 100 năm, đã khẳng định được thương hiệu tại các địa phương.
Chị Đinh Thị Nhung, bán bánh trung thu Tạ Quyết (thị xã Phú Thọ) ở khu đô thị Xa La (quận Hà Đông, Hà Nội), cho hay: “Ban đầu mình thường bán cho đồng hương, bạn bè xa quê lâu ngày muốn thưởng thức hương vị quê hương. Không ngờ, người này giới thiệu cho người kia, dần dần hàng xóm trong khu đô thị, bạn bè gần xa biết đến, nên mình mới quyết định mở bán online giới thiệu đặc sản Phú Thọ tới người dân thủ đô.”.
Theo chị Nhung, thời điểm này chị nhận được rất nhiều đơn hàng đặt bánh, chủ yếu mua cúng rằm tháng 7, làm quà biếu tặng. Bánh tươi không chất bảo quản, hàng gửi xe ô tô về Hà Nội ngày nào hết ngày ấy.
Khác với bánh công nghiệp hạn sử dụng từ 1 - 2 tháng sau khi sản xuất, bánh trung thu cổ truyền “tỉnh lẻ” không sản xuất hàng loạt từ sớm và không chất bảo quản, để đảm bảo hương thơm và hương vị ngon mới của bánh. Với bánh nướng, hạn dùng tối đa 20 ngày và chỉ 8 ngày với bánh dẻo. Tuy nhiên, theo những người bán hàng, bánh được lấy từ lò và giao đến tận tay cho người tiêu dùng thường trong ngày, hoặc cùng lắm 1 - 2 ngày sau khi sản xuất.
Ngoài tiêu chí chất lượng đặt lên hàng đầu, một trong những lý do bánh “tỉnh lẻ” hút khách hàng là giá cả phải chăng. Hộp bánh thiết kế mộc mạc, đơn giản nên giá bánh mềm hơn so với giá bánh ở thủ đô, từ 40.000 - 60.000 đồng/chiếc (loại 150 gr); loại 250 gr giá 80.000 đồng/chiếc.
Chị Hoàng Hằng, nhân viên ngân hàng, quê ở Nam Định, chia sẻ: “Trên thị trường có quá nhiều loại bánh, màu sắc sặc sỡ, nhân bánh có quá nhiều loại nhân hiện đại, học theo kiểu nước ngoài không hợp. Mình vẫn nhớ mãi hương vị cổ truyền ngày bé ở quê được thưởng thức, vỏ bánh mỏng, thơm bùi, nhân bánh trộn hạt dưa, sen xát, mỡ phần, thịt xíu, ruốc và mè vừng ngon hơn với trứng mặn, còn bánh dẻo thì vỏ bánh rền, mịn, thơm mùi nếp cái hoa vàng và hương bưởi tự nhiên. Nếu so sánh với bánh thủ đô, bánh “tỉnh lẻ” không hề thua kém, nếu không muốn nói là ngon hơn”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.