Bánh mì 'không nhà' bán nửa thế kỷ giúp người mẹ già nuôi con tâm thần

10/10/2022 13:08 GMT+7

Gắn bó với quầy bánh mì gần nửa thế kỷ, ở tuổi xế chiều, cụ Thủy vẫn phải mưu sinh để nuôi người con bệnh tâm thần và một người bạn 4 chân.

Ngôi nhà của cụ là chiếc ghế xếp cạnh quầy bánh mì, che nắng che mưa bằng tấm bạt mỏng manh…

Tối muộn, khu trung tâm Sài Gòn khoác lên mình một chiếc áo hoàn toàn khác, nổi bật và lung linh với ánh đèn rực rỡ. Trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM), quầy bánh mì của cụ bà Nguyễn Lệ Thủy (80 tuổi) khiêm tốn nép mình ở một góc.

“Ngôi nhà” của cụ Thủy là xe bánh mì, chiếc ghế xếp và tấm bạt che nắng che mưa.

HƯƠNG NHI

Điều thu hút tôi chú ý đến quầy bánh mì là tấm bảng đề: “Bánh mì 0 nhà” được dựng sát vào quầy bán. Cạnh đó, một cụ bà ngồi trên chiếc ghế xếp với ánh mắt luôn đượm buồn.

“Anh Hai ơi, ra bán bánh mì”

Dựng xe trước quầy bán, bà Thủy ân cần dặn tôi dắt xe để gọn. Bởi đằng sau quầy bán của bà là khu vực để xe của nhân viên một quán gần đó.

Tấm biển đề: “Bánh mì 0 nhà” lặng lẽ giữa đường phố tấp nập.

HƯƠNG NHI

Bà tâm sự gánh bánh mì của mình đã mở được gần nửa thế kỷ. Khi đó, con trai bà chỉ có hơn 10 tuổi, giờ chú đã 60 tuổi. Hai mẹ con bà dắt díu nhau qua bao nhiêu thăng trầm. 5 năm gần đây, bà nuôi thêm một chú chó tên Tony để làm bạn với con trai. Bà Thủy xem Tony như con của mình, thậm chí, bà còn gọi người con trai của mình là “anh Hai”.

Tuổi già, bà Thủy mang trong mình đủ thứ bệnh. Chân tay đau nhức, mọi việc đều nhờ vào một tay con trai. Mỗi lần có khách đến mua, cụ bà khẽ gọi: “Anh Hai ơi, ra bán bánh mì”. Bà từ tốn hướng dẫn cho con từng chút, từ việc cắt rau, dưa, đến việc xếp bánh mì lên kệ. Bà luôn nhìn con trai với ánh mắt dịu dàng, không ngại nói lời cảm ơn khi con làm xong công việc mà bà đã chỉ dẫn.

Con trai cụ làm bánh mì cho khách qua lời hướng dẫn ân cần của mẹ.

HƯƠNG NHI

“Con tôi nó không được bình thường như người ta, nói chuyện với con là phải ân cần, không được quát tháo. Lúc tỉnh thì bình thường nhưng khi trở trời thì giống như một người khác”, bà nghẹn ngào khi nhắc đến con.

Theo lời kể, cuộc đời của cụ bà cũng đầy gian truân. Chồng bỏ đi khi con mới 7 tháng tuổi, một mình bà ôm con khi lang thang khắp đất Sài Gòn, ai mướn làm gì thì làm đó để có tiền lo cho con. 47 năm trước, sau khi tích góp được một số vốn, bà mở bán bánh mì. Khi đó, quầy bánh mì chỉ đơn giản chỉ là một cái bàn bày đồ ra để bán. Chiếc xe bánh mì hiện tại là của mạnh thường quân hỗ trợ.

Quầy bánh mì nuôi sống hai mẹ con cụ bà gần nửa thế kỷ.

HƯƠNG NHI

Khẽ lau nước mắt, bà Thủy tâm sự: “Hồi đó khổ lắm, nếu tính 10 phần khổ thì bây giờ đã đỡ khổ hơn 9 phần rồi. Có người tới mua họ thấy hoàn cảnh mình khổ họ cho thêm, rồi có các cô chú ủng hộ mua đồ cho. Người ta tới giúp mình là biết ơn dữ lắm, không giúp thì hai mẹ con tôi giờ này đâu được ngồi như thế này”.

Bánh mì Sài Gòn và những biến tấu lạ

Hàng bánh mì là di sản cả cuộc đời

Quầy bánh mì của cụ Thủy bán cả ngày lẫn đêm. Đến 2 – 3 giờ sáng, nếu mệt quá, cụ nằm trên ghế xếp chợp mắt một chút. Hai mẹ con thay phiên nhau thức canh, cứ có người đến mua là bán, bất kể ngày đêm.

Dù đã khuya muộn, bánh mì còn lại khá nhiều.

HƯƠNG NHI

Trong suốt hơn 1 tiếng ngồi ở hàng bánh mì của cụ bà, tôi thấy phải thật lâu mới có một khách ghé mua. Bà kể, một ngày bà chỉ lấy tầm 30 ổ, không dám lấy nhiều vì sợ bán không hết. Một ổ bà bán từ 15.000 – 20.000 đồng. Nguyên liệu của bánh mì đơn giản gồm có pate, chả, thịt, rau, dưa leo và dưa chua.

“Chỗ này nắng thì rát da, mưa thì hắt ướt thay 2 – 3 bộ đồ. Trước cũng có thuê nhà nhưng giá đắt quá, bán buôn ế ẩm như vậy thì tiền đâu mà trả, hai mẹ con lại phải ngủ bờ ngủ bụi”, bà Thủy bộc bạch.

Phải thật lâu mới có một khách ghé lại mua.

HƯƠNG NHI

Mỗi ngày, cứ đến 10 giờ sáng, con trai bà – ông Võ Thanh Giang đến nhà thờ gần đó để nhận 2 phần cơm cho gia đình 3 miệng ăn. Để kiếm thêm thu nhập, ông Giang đi nhặt ve chai ở khu vực xung quanh. Mỗi ngày ông nhặt và bán được 5.000 – 6.000 đồng, có hôm nhiều thì được mười mấy nghìn.

Chị Hạnh Tuyền (25 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) ghé quầy bánh mì cụ Thủy và gọi 2 ổ bánh mì thập cẩm. Chị Tuyền cho hay mình đã thường xuyên mua ở quầy bánh mì của cụ Thủy được gần 1 năm. “Khi biết được hoàn cảnh của cụ, dù không tiện đường lắm nhưng mỗi tuần tôi vẫn đều đặn ghé mua 3 - 4 lần, xem như ủng hộ cụ vì thấy hoàn cảnh thương quá!”, chị Tuyền nói.

Mỗi ổ bánh mì bà bán có giá từ 15.000 – 20.000 đồng.

HƯƠNG NHI

Theo cụ bà chia sẻ, dù có thiếu thốn về vật chất nhưng bà không bao giờ mua đồ kém chất lượng để bán. Bà nói, bán để người ta ăn được và quay lại mua, chứ không thể bán một lần rồi người ta đi luôn. Mỗi ngày, bà nhờ mối quen giao 300.000 đồng tiền nguyên liệu. Bánh mì thì mua cầm chừng, mỗi lần lấy ở lò chỉ 10 ổ để bán dần.

Với bà Thủy, hàng bánh mì này là di sản của cả cuộc đời, là nơi nuôi sống hai mẹ con bà gần nửa thế kỷ. Ở tuổi xế chiều, mong ước duy nhất của người mẹ già là được sống mạnh khỏe bên con trai, được ngày nào hay ngày đó.

Ánh mắt bà cụ đượm buồn nhìn dòng xe qua lại.

HƯƠNG NHI

Khuya muộn, khi đường phố thưa người qua lại, cụ lặng lẽ tựa lưng vào chiếc ghế xếp, gương mặt hằn lên những nỗi niềm khắc khoải…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.