Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam có đáng tin?

08/09/2017 18:17 GMT+7

Hiện dư luận đang có những nghi ngại về bảng xếp hạng đại học mà một nhóm chuyên gia độc lập vừa công bố. Tôi cũng không tin vào bảng xếp hạng này.

Tôi từng biết có những trường đại học công lập được nâng cấp từ hệ cao đẳng lên, thiếu giảng viên trình độ cao, thiếu cơ sở đào tạo, nhưng tuyển sinh thì ồ ạt, mở ra các loại hình để chiêu sinh, đào tạo bát nháo để rồi ra trường sinh viên không biết làm được việc gì! Tuy nhiên nhìn trong bảng xếp hạng này thì một số trường "lởm khởm" lại ở top cao hơn rất nhiều những trường đào tạo "tử tế" mà tôi biết. 
Nhiều năm có điều kiện theo dõi về giáo dục đại học, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu thế hệ sinh viên phải "thất vọng trước giảng đường" vì họ bị "lừa" khi lựa chọn trường. Điều đáng nói là hiện nay người học khi chọn trường, thì hầu như chỉ dựa vào những thông tin trên website của chính các trường này. Trong khi đó với những trường chất lượng rất tồi thì thường “khai man” và "đánh bóng" mình trên website này, nên người học khi chọn trường đã không biết đường nào mà lần.
Vì vậy, tôi rất ủng hộ việc xếp hạng trường đại học và ủng hộ các tổ chức độc lập thực hiện việc này, để xã hội có thông tin chính xác, khách quan về các trường đại học Việt Nam trước khi lựa chọn. Tuy nhiên bảng xếp hạng đại học đầu tiên của Việt Nam vừa được công bố, lại hầu như chỉ dựa vào chính những số liệu mà các trường  báo cáo trên website của họ. Phương pháp đánh giá của nhóm chuyên gia này cũng chỉ dựa vào thống kê số liệu để xếp hạng trong khi những số liệu này rất thiếu khách quan, trung thực.
Có thể nêu một ví dụ: hiện số liệu về giảng viên/sinh viên ở các trường rất “mù mờ”nhưng nhóm chuyên gia này vẫn dùng làm số liệu để đánh giá chất lượng. Có những trường đào tạo yếu kém, không tuyển đủ sinh viên chính quy (mà phải mở ra các hệ liên thông, từ xa, tại chức để duy trì hoạt động), vì vậy tỷ lệ giảng viên/sinh viên, nếu chỉ tính trên số lượng sinh viên chính quy, là rất cao. Và với con số này tưởng như là họ đạt chất lượng, nhưng thực tế thì ngược lại. Vì vậy việc đánh giá một trường đại học không thể chỉ dựa vào con số, mà nhất là những con số do các trường tự công bố.
TS Phạm Thị Ly (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã phải thẳng thắn nói: "Trong số nguồn dữ liệu quan trọng mà nhóm tác giả thu thập có báo cáo từ các trường. Tuy nhiên, theo một chuyên gia kiểm định thì báo cáo tự đánh giá của các trường "chắc chắn là không đúng".

tin liên quan

Cẩn trọng với 'bẫy' xếp hạng đại học
Sự kiện một nhóm chuyên gia độc lập công bố bảng xếp hạng đại học VN gây tranh luận mới đây không chỉ vì là bảng xếp hạng đầu tiên trong nước, mà còn thể hiện nhu cầu “khát” xếp hạng đại học trong đời sống xã hội. 
Tôi cho rằng việc xếp hạng đại học cần phải dựa vào kết quả kiểm định chất lượng giáo dục với những quy trình (đánh giá trong, đánh giá ngoài) hết sức nghiêm túc, khách quan và khoa học. Tuy nhiên đến nay thì việc kiểm định chất lượng giáo dục và xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam vẫn chỉ là “dậm chân tại chỗ”.
Thế nên việc một tổ chức “dũng cảm” đứng ra công bố việc xếp hạng đại học đã được dư luận hết sức quan tâm, nhưng kết quả thì lại không như mong đợi. Với việc công bố bảng xếp hạng không đáng tin cậy, nhóm chuyên gia này không chỉ làm xã hội hoang mang, mà còn có thể trở thành “lý do” cho cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục “trì hoãn” việc công nhận các tổ chức độc lập (ngoài Nhà nước) về kiểm định và xếp hạng đại học ở Việt Nam (?).
Điều duy nhất mà tôi thấy mang lại "ý nghĩa" từ sự kiện này là đã đến lúc Bộ Giáo dục - Đào tạo không thể “thờ ơ” trước mong muốn của xã hội cần có những tổ chức xếp hạng thực sự độc lập, đảm bảo uy tín, được các cơ quan có thẩm quyền công nhận.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.