Bằng cấp có quan trọng?

29/09/2017 20:16 GMT+7

Tôi đặt câu hỏi trên cho anh Lê Văn Thông, kiến trúc sư đang làm việc cho Công ty Hồng Đức, Q.Gò Vấp, TP.HCM, anh khẳng định: Đối với người Việt Nam ta thì bằng cấp không những quan trọng mà cực kỳ quan trọng nữa là khác.

Anh thông chia sẻ thêm: Khi tôi đậu vào Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM năm 2009, đó là niềm tự hào không những cho cha mẹ mà cả dòng họ tôi cũng nở mặt nở mày. Mặc dù ba mẹ tôi lúc đó chẳng có khá giả gì nhưng cũng mở tiệc để mời bà con, họ hàng, bạn bè đến chung vui, chúc mừng trước khi tôi lên Sài Gòn học”
Anh Thông nhớ lại, trước khi lên Sài Gòn học, ba tôi luôn dặn dò: “Làm gì thì làm, con phải cố gắng học để lấy cho được tấm bằng đại học về đây cho ba rồi làm gì cũng được”.
Anh kể, hồi đó ở gần nhà tôi có một người anh trong xóm cũng đậu vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng không biết học hành ra sao mà học mãi không ra trường, rồi anh ấy bỏ ngang không học nữa mà ra ngoài tự kinh doanh. Mặc dù anh ấy làm ăn cũng khá thành công nhưng trong mắt ba tôi thì ông ấy không thích, không hoan nghênh.

tin liên quan

Bệnh sính bằng cấp
Trong khi hầu hết các nhà tuyển dụng ở khu vực tư không coi bằng cấp như một điều kiện tiên quyết thì tại khu vực công, người có bằng cấp cao lại đang được hưởng những chính sách ưu tiên, đặc cách trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm.
Cho nên, những năm tháng tôi học đại học, mỗi khi có dịp về thăm nhà ba tôi cứ căn dặn: “Con đừng bao giờ đi theo vết xe đổ của thằng đó nghe, vì nó lên Sài Gòn học mấy năm mà không lấy nổi cái bằng đại học thì có khác gì một đứa học sinh mới tốt nghiệp lớp 12 đâu. Với ba, nó làm gì và thành công như thế nào ba không cần biết nhưng không có bằng đại học thì cũng vứt”.
Khi tôi tốt nghiệp và nhận bằng đại học thì ba mẹ tôi cũng mở tiệc ăn mừng tương tự, thậm chí lớn hơn. “Tôi muốn dẫn chứng chuyện gia đình như thế để anh thấy xã hội Việt Nam họ quan trọng bằng cấp ngay chính từ trong gia đình rồi”, anh Thông chia sẻ.
Bày tỏ về quan điểm của riêng mình, anh Thông nói: “Theo tôi, bằng cấp cũng rất quan trọng chứ, vì nó là thước đo để người khác có thể đánh giá trình độ và năng lực của anh trước khi họ muốn tiếp nhận anh vào một cơ quan, công ty hay doanh nghiệp nào đó. Tuy nhiên, bằng cấp phải tương xứng với thực lực, chứ đừng có bị vênh theo cái kiểu bằng cấp thì quá cao mà năng lực thì quá thấp, cái này thì không thể nào chấp nhận được rồi”.

tin liên quan

Xu hướng không cần bằng cấp
Ngược lại với khối hành chính công và đơn vị sự nghiệp, trong khối doanh nghiệp hiện nay đã bắt đầu xuất hiện xu hướng tuyển dụng không cần bằng cấp hoặc bằng cấp không là tiêu chí tiên quyết.
Ở xã hội này, ai nói bằng cấp không quan trọng thì đó chỉ nói chơi với nhau cho vui thôi. Anh Thông kể: “Tôi có một người bạn làm cho một ngân hàng tại TP.HCM, trong quá trình làm việc anh ta chứng tỏ được năng lực vượt trội của mình, vì vậy được mọi người đề xuất tăng lương, nhưng khi xét lại hồ sơ thì anh ấy chỉ mới có bằng cao đẳng. Cho nên phòng tổ chức nhân sự nói với anh ấy khi nào bổ sung bằng đại học thì sẽ được tăng lương”.
Vậy thì tôi xin hỏi mọi người, trong trường hợp cụ thể này bằng cấp có quan trọng hay không?
       Anh Nguyễn Văn Đức
Tôi chỉ cần nhân viên có kỹ năng, miễn sao thuyết phục được khách hàng và bán được hàng cho công ty là được, còn bằng cấp tôi không đặt nặng trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng nhân viên.
Trên cương vị làm chủ điều hành công ty của mình hơn 10 năm, tôi nhận ra một điều là những nhân viên mà tôi tuyển dụng vào có bằng cấp thấp nhưng họ lại biết cố gắng học hỏi, không ỷ lại nên làm việc rất chăm chỉ và làm rất tốt nên gắn bó với công ty lâu dài.
Trong khi những nhân viên mà lúc đầu tôi tuyển vào có bằng cấp cao hơn thường thì họ thiếu tính phấn đấu và hay “đứng núi này trông núi nọ” nên chỉ vào làm một thời gian là họ nhảy việc đi nơi khác.
Anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Lê Nguyễn (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Không ai muốn học để lấy bằng, sở hữu bằng này bằng nọ. Nhưng "thời thế" cần phải thế. Ngày tôi học xong trung cấp nghề, đi xin việc, tôi bị từ chối thẳng thừng: "Bằng trung cấp thì sao làm được. Ít nhất phải có bằng cao đẳng". Sau đó tôi học liên thông cao đẳng. Khi xin việc thì bị nói: "Thời bây giờ bằng cao đẳng đâu có giá trị. Phải có bằng đại học thì mới có thể xin việc làm". Tôi tiếp tục học liên thông lên đại học. Nhưng rồi sau gần 6 năm nay, tôi cũng chẳng xin việc được vì nhiều nơi yêu cầu có bằng thạc sĩ trở lên.
Tôi không buồn vì điều đó, bởi lẽ có hàng trăm ngàn người có bằng thạc sĩ, là cử nhân giỏi... cũng đã rơi vào tình trạng thất nghiệp. Giờ tôi chấp nhận làm lương tháng vài triệu đồng đủ sống.
Anh Lê Văn Công, làm việc tại Công ty xây dựng thương mại Hưng Phát Đạt
Tôi rất bất ngờ khi bạn bè cũ của tôi, giờ ai cũng đã là thạc sĩ. Trở thành thạc sĩ giống như phổ cập vậy. Khi tôi hỏi vì sao lại học lên cao như vậy, bạn bè tôi bảo rằng xã hội thời nay rất chuộng bằng cấp. Có bằng đại học là... coi như vứt. Có người còn bảo tôi: "Có bằng thạc sĩ mà chẳng ăn thua gì, vì đâu đâu cũng toàn là tiến sĩ". Với nhiều người, họ có quan điểm phải học nâng cao để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, họ rất ưa chuộng và "sính" bằng cấp. Họ sở hữu nhiều bằng cấp và coi đó là niềm tự hào. Nhưng tôi thì thấy, dù chỉ là kỹ sư, cử nhân, nhưng làm được việc thì cũng có thể tạo nên những giá trị cho xã hội. Tôi có hai người bạn. Một người đang là thạc sĩ, suốt gần 7 năm nay, học xong đại học là học thạc sĩ, và bây giờ đang kiếm việc phù hợp rất chật vật. Người còn lại học xong đại học là lo xin việc làm, và giờ đã trở thành quản lý của một công ty cấp thoát nước. Đưa ví dụ đó để thấy, đầu tư vào bằng cấp chưa hẳn sẽ thành công hơn người không "sính" bằng cấp.
Chị Trịnh Kim Phụng, cựu sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.