Bạn vượt qua nỗi buồn như thế nào?

10/01/2018 20:54 GMT+7

'Mỗi lần gặp chuyện không như ý, bạn trẻ hãy tâm niệm là khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thất bại nhiều hơn thành công. Đó là quy luật của cuộc sống này. Khó khăn càng lớn, thất bại càng nhiều, thì thành công sau đấy mới càng ý nghĩa...'

Chiến thắng bản thân

Chia sẻ về cách vượt qua nỗi buồn, thất vọng, Nguyễn Thị Quỳnh Anh (27 tuổi, cựu SV Trường ĐH Sư Phạm Huế) kể câu chuyện của mình: sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, Quỳnh Anh đi dạy nhưng lương hợp đồng không đủ sống, đành phải bỏ dạy vào Sài Gòn kiếm việc làm mới. Nhưng cuộc đời không như là mơ, Quỳnh Anh tìm việc suốt một năm nhưng không có việc làm phù hợp. Vì lời hứa với ba mẹ lúc ra đi phải thành đạt, Quỳnh Anh lao vào đi làm thêm, từ phụ quán cơm đến tiệm giày.

Một năm sau Quỳnh Anh vẫn không xin được việc làm ổn định. "Tuyệt vọng, mình chọn cách quay lưng với bạn bè và người thân. Lúc đấy, những đam mê với mình đều trở nên vô nghĩa. Mình không còn động lực để cố gắng”, Quỳnh Anh trải lòng.

Những tưởng mọi thứ sẽ dừng lại ở đó, nhưng: “Vô tình xem được một clip về anh chàng cụt cả 2 tay nhưng vẫn nặn tò he rất đẹp và mỗi ngày mưu sinh ở ngoài đường với nghề này. Mình thấy sao bản thân lành lặn mà không được như người ta. Rồi mình nhận thấy chuyện gì cũng có cách giải quyết, quan trọng là phải chiến thắng bản thân. Sau đó, mình tiếp tục vừa đi làm thêm vừa đi học thêm tiếng Anh mỗi tối. Và từ đó, mình tìm lại được động lực và phấn đấu đến ngày hôm nay. Hiện mình đã có công việc ổn định trong ngành du lịch”, Quỳnh Anh chia sẻ.

Đứng trước một bài toán, thay vì lo lắng, hãy tìm cách giải. Nếu không giải được bằng cách cũ, phải tìm cách giải mới. Gặp trắc trở không có nghĩa là cùng đường, mà là ta phải đi xuyên qua hoặc phải đi bằng một con đường khác

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Thái Duy Đức (Lâm Đồng) đang là thanh niên lành lặn bỗng dưng bị tai nạn nghề nghiệp, té từ trên cao xuống. Từ đó Đức liệt 2 chân khi mới 24 tuổi.

Mọi thứ với Đức lúc đó dường như là không có lối thoát. Bạn gái sắp cưới cũng quyết định chia tay với Đức.

“Mình đau đớn, tự kỷ suốt mấy tháng liền rồi nhịn ăn, tự hành hạ bản thân và rất nhiều lần nghĩ đến cái chết. Nhưng cho đến khi chứng kiến những hoàn cảnh tật nguyền như mình mà không cha, không mẹ, thậm chí miếng ăn cũng không có, mới nhận thấy mình may mắn hơn rất nhiều người, thế là suy nghĩ bắt đầu thay đổi”, Đức chia sẻ.

Từ đó không chỉ vượt lên bản thân mà Đức còn đi khắp nơi với chiếc xe lăn, vận động mạnh thường quân giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Cuối năm 2017, cuộc đời đã mỉm cười với Đức khi có một cô gái trẻ đẹp, vì cảm động trước nghị lực và những nghĩa cử cao đẹp của Đức đã quyết định tiến đến hôn nhân để được chăm sóc Đức suốt cuộc đời.

Nhiều con đường để đi

Có những nỗi buồn tưởng chừng là đơn giản, nhưng nếu không tìm cách vượt qua thì có thể dẫn đến bế tắc và không có lối thoát.

“Những lần không hoàn thành mục tiêu, những lần đánh mất lòng tin với ai đó, những lúc lận đận ngang trái trong tình yêu cũng khiến nỗi buồn dâng lên trong tôi. Nhưng tôi không tìm cách giải quyết mà cứ để nó chi phối, cho đến khi mọi thứ quá mức chịu đựng thì tôi rơi vào bế tắc. Lúc đó là khoảng 1 năm về trước, tôi chẳng biết tương lai mình sẽ thế nào. Tôi bỏ học một tuần để lang bạt ngoài đường. Nhưng rồi, tôi nghĩ mình cần một mục tiêu và định hướng lại tương lai", Trọng Nghĩa (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ.

Còn Nguyễn Thị Thương (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) kể: Cuộc sống của mình bình lặng từ nhỏ cho đến lớn. Nhưng cho đến khi xa vòng tay ba mẹ, vào TP.HCM lập nghiệp, bắt đầu va vấp nhiều thứ khiến mình chán nản. Dù một việc bé nhất cũng khiến mình thấy bất lực nhưng chẳng biết nói cùng ai. Và cứ như thế âm thầm chịu đựng mỗi ngày. Cho đến khi không còn chịu đựng được nữa thì cảm thấy bế tắc. Rồi mình thả trôi, để những buồn chán đeo bám bản thân mỗi ngày.
"Cho đến khi mẹ gọi điện và nói ba mình bị mất điện thoại, mình ước gì có tiền để mua lại điện thoại mới cho ba. Cảm thấy bản thân thật vô dụng, tiền mua điện thoại cho ba mà cũng không có, lỡ sau này ba mẹ bệnh tật thì tiền đâu lo. Thế là mình quyết tâm vực dậy và vượt qua mọi nỗi buồn để tiếp tục hướng về phía trước", Thương tâm sự.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thì vùng biển lặng khó tạo nên thủy thủ giỏi, những cây mạnh mẽ nhất mọc trên những mảnh đất khắc nghiệt nhất. Do đó, những sự cố hằng ngày sẽ giúp cho tuổi trẻ chúng ta ngày càng biết đối đầu với sóng to, biết điềm tĩnh trước những cơn gió ngược. Những rắc rối sẽ giúp ta học kỹ năng giải quyết vấn đề. Những muộn phiền không như ý sẽ giúp ta học kỹ năng làm chủ cảm xúc, để rồi một ngày đạt đến cảnh giới an nhiên.

Tiến sĩ Hiếu khuyên: “Mỗi lần gặp chuyện không như ý, bạn trẻ hãy tâm niệm những điều sau. Thứ nhất là khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thất bại nhiều hơn thành công. Đó là quy luật của cuộc sống này. Khó khăn càng lớn, thất bại càng nhiều, thì thành công sau đấy mới càng ý nghĩa. Thứ 2, sau cơn mưa, rồi trời lại sáng. Cuối cùng mọi việc sẽ ổn, nếu chưa ổn thì chưa phải cuối cùng. Thứ 3, đứng trước một bài toán, thay vì lo lắng, hãy tìm cách giải. Nếu không giải được bằng cách cũ, phải tìm cách giải mới. Gặp trắc trở không có nghĩa là cùng đường, mà là ta phải đi xuyên qua hoặc phải đi bằng một con đường khác”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.