Bán vé cho 8.000 'chuyến bay ma', hãng hàng không lớn nhất Úc lao đao

08/09/2023 09:19 GMT+7

Qantas, hãng hàng không quốc gia Úc, đã bị cơ quan giám sát người tiêu dùng kiện ra Tòa án Liên bang Úc vì những cáo buộc gây sốc khi bán vé cho hàng ngàn 'chuyến bay ma' đã bị hủy.

Tiền phạt có khả năng lên 250 triệu USD

Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) tuần trước thông báo đã đệ đơn kiện Qantas vì tham gia vào "hành vi sai trái, gây hiểu lầm hoặc lừa đảo".

ACCC cáo buộc Qantas tiếp tục bán vé cho hơn 8.000 chuyến bay bị hủy dự kiến khởi hành từ tháng 5 đến tháng 7 năm ngoái. Hãng tiếp tục bán vé trong nhiều tuần và trong một số trường hợp lên tới 47 ngày sau khi các chuyến bay bị hủy.

Chẳng hạn, Qantas đã bán 21 vé QF73 từ Sydney, Úc đến San Francisco, Mỹ dự kiến khởi hành vào ngày 28.7.2023 sau khi hãng hủy chuyến bay, với vé cuối cùng được bán sau 40 ngày kể từ khi hủy.

Hãng bay lớn nhất Úc gây rúng động khi bán vé 8.000 'chuyến bay ma' - Ảnh 1.

Qantas Airlines, còn có tên The Flying Kangaroo (Kangaroo bay), đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng

APP

Cơ quan giám sát còn cáo buộc Qantas đã không thông báo cho những người có vé của 10.000 chuyến bay khác rằng họ đã bị hủy tới 18 ngày và trong một số trường hợp lên tới 48 ngày...

Ngoài ra, ACCC cáo buộc Qantas tiếp tục bán vé cho khoảng 70% số chuyến bay bị hủy trong hai ngày trở lên.

Chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb cho biết, mức phạt cao nhất cho đến nay đối với hành vi vi phạm luật tiêu dùng của Úc là 125 triệu USD đối với Volkswagen và đây là mức phạt kỷ lục cho hành vi này. Tuy nhiên, bà tin rằng mức phạt Qantas gấp đôi Volkswagen sẽ là phù hợp. Cụ thể, ACCC đang tìm cách phạt hãng bay hơn 250 triệu USD, theo news.com.au.

Hãng hàng không thừa nhận khoảng thời gian được ACCC xem xét kiện là thời điểm "biến động chưa từng có đối với toàn bộ ngành hàng không" vì hậu đại dịch do tình trạng thiếu nhân viên trong toàn ngành, đội bay gián đoạn...

Qantas đã đưa ra lời xin lỗi sâu sắc tới khách hàng liên quan đến "hành vi sai trái, gây hiểu lầm và lừa đảo" sau khi bị cáo buộc bán vé cho các "chuyến bay ma".

Tuy nhiên, hãng ám chỉ rằng có thể chống lại các cáo buộc và khẳng định việc cung cấp cho hành khách của các chuyến bay bị hủy một dịch vụ thay thế hoặc hoàn lại tiền là "thông lệ lâu dài" và trường hợp này đã xảy ra như vậy.

Khủng hoảng chưa dừng lại

Trong một tuyên bố được đưa ra đầu tuần này, Qantas thừa nhận tiêu chuẩn dịch vụ của họ đã không đạt được kỳ vọng trong thời gian gần đây. "Chúng tôi công khai thừa nhận rằng các tiêu chuẩn dịch vụ của chúng tôi chưa được đáp ứng tốt và chúng tôi chân thành xin lỗi", phát ngôn viên của hãng nói.

Hãng bay lớn nhất Úc gây rúng động khi bán vé 8.000 'chuyến bay ma' - Ảnh 2.

Giám đốc điều hành hãng bay phải ra đi

THEAGE

Chưa hết, tại phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện vào tuần trước làm lộ ra việc Qantas đang nắm giữ khoản tín dụng 470 triệu USD của những hành khách đã hủy chuyến bay vì Covid-19. Qantas cho biết sẽ nỗ lực liên lạc với hành khách và xóa "nợ" vào cuối năm nay.

Ngay trong khủng hoảng, Alan Joyce, Giám đốc điều hành Tập đoàn Qantas, bất ngờ thông báo nghỉ việc và giám đốc tài chính Vanessa Hudson sẽ lên thay. Ông Joyce đã có 22 năm làm việc tại Qantas, bao gồm cả 15 năm làm giám đốc điều hành hãng bay.

Sự ra đi sớm của giám đốc điều hành Qantas đang gặp phản ứng, khiến giá cổ phiếu của hãng hàng không chao đảo khi thị trường mở cửa vào sáng thứ ba. Qantas mở cửa ở mức thấp hơn 5,64 USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10 năm ngoái, trước khi tăng 1,6% lên 5,74 USD. Giá cổ phiếu kể từ đó đã giảm xuống còn 5,66 USD.

Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 6, ông Joyce đã bán phần lớn trong số 2,5 triệu cổ phiếu Qantas mà ông đã tích lũy từ năm 2012 sau khi trở thành giám đốc điều hành khi được giao dịch ở mức 6,74 USD và chỉ để lại khoảng 229.000 cổ phiếu trong công ty.

Truyền thông Úc cũng tiết lộ ông Joyce nghỉ hưu trong căn hộ trị giá hơn 20 triệu đô la ở The Rocks, trung tâm Sydney, có tầm nhìn đẳng cấp thế giới ra cầu Cảng Sydney và Nhà hát Opera Sydney.

Hãng bay lớn nhất Úc gây rúng động khi bán vé 8.000 'chuyến bay ma' - Ảnh 3.

Hãng bay chao đảo vì hàng ngàn "chuyến bay ma"

Nội bộ hãng bay cũng không yên. Phi công Richard de Crespigny, người nổi tiếng với việc hạ cánh thành công QF32 xuống Singapore sau khi một trong các động cơ bị hỏng, đã đưa ra nhận xét về vụ Alan Joyce đột ngột từ chức.

"Đó chính xác là sự sụp đổ của một thương hiệu vốn chỉ dựa trên niềm tin. Các hãng hàng không sống và chết dựa trên niềm tin, đó là năng lực, uy tín, tầm nhìn, giá trị và đặc biệt là sự quan tâm", ông de Crespigny phát biểu trong một phỏng vấn với truyền hình Úc, đồng thời chỉ trích các lãnh đạo hãng bay hưởng quá nhiều đặc quyền như tăng lương trong đại dịch…

Thượng nghị sĩ Đảng Lao động Tony Sheldon, cựu thư ký quốc gia của Liên minh Công nhân Vận tải và là thành viên của thượng viện, người đã tra hỏi ông Joyce vào tuần trước, đã đưa ra một tuyên bố rằng ông Richard Goyder, chủ tịch hãng, sẽ là người tiếp theo ra đi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.