Bạn văn nghẹn ngào tiễn biệt nhà văn Triệu Xuân tại chùa Vĩnh Nghiêm

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
27/10/2021 12:41 GMT+7

Vượt lên nỗi đau bệnh hiểm nghèo, nhà văn Triệu Xuân miệt mài, dành hết khoảng thời gian còn lại trong đời lo vun bồi trang www.trieuxuan.info , để rồi hôm nay tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM), nhiều bạn văn nghẹn ngào đến tiễn biệt ông.

Vừa xong việc ở Bình Phước, nhà thơ Trần Mai Hường đã có mặt tại Vãng Sanh Đường của chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) - nơi tổ chức tang lễ của nhà văn Triệu Xuân, để cùng các đồng nghiệp nghẹn ngào tiễn đưa tác giả tiểu thuyết Giấy trắng về cõi vĩnh hằng. Đối với người đã khuất, thi sĩ Trần Mai Hường lúc nào cũng như đứa em gái nhỏ bên cạnh cái bóng quá lớn của ông.

Chân dung nhà văn Triệu Xuân do họa sĩ Trịnh Lữ vẽ tặng

FBNV

Người thân, đồng nghiệp và những độc giả yêu quý đến viếng nhà văn Triệu Xuân

Vãng Sanh Đường của chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) - nơi đặt linh cữu nhà văn Triệu Xuân sáng 27.10

Quỳnh Trân

Đứng lẫn khuất trong những người đến chia buồn cùng gia đình nhà văn Triệu Xuân sáng 27.10, nhà thơ Trần Mai Hường xúc động: “Tôi từng đọc tác phẩm của nhà văn Triệu Xuân và hâm mộ anh từ khi còn trẻ. Sau này, khi tác phẩm Giấy trắng được tái bản, vào TP.HCM tôi tìm mua để đọc lại. Và dù anh ấy là nhà văn nổi tiếng nhưng duyên đến với tôi cùng anh lại là thơ. Tại các cuộc giỗ ở nhà thi sĩ Nguyễn Bính, năm nào anh Triệu Xuân cũng đến và làm trưởng đoàn phát biểu. Anh ấy chuyên viết văn xuôi nhưng tâm hồn lại đầy ắp thơ. Mỗi khi nói về thơ Nguyễn Bính, anh ấy gần như trở thành con người khác. Có lẽ với Triệu Xuân thì thi sĩ của chân quê Nguyễn Bính luôn đứng ở vị trí cao nhất. Còn đối với tôi, anh là người vô cùng yêu kính, một người có tâm hồn thơ thật đặc biệt, đặc biệt nhất là anh thuộc thơ của rất nhiều người đã nói lên cái tình của anh dành cho thơ và người làm thơ…”.

Và trên trang cá nhân, nhà thơ Trần Mai Hường dành cho nhà văn Triệu Xuân những dòng như khóc: “Thế là anh bỏ lại người vợ hiền yêu quý, bỏ bạn bè văn chương anh đi thật rồi. Biết là ngày này sẽ đến mà sao vẫn thắt lòng. Anh đi nhé, đi về miền xanh ấy anh sẽ gặp Nguyễn Bính và đọc thơ đàm đạo văn chương cùng người... Thương anh, thương chị, đã bao lần đổi thuốc, với ý chí và nghị lực kiên cường của anh, mọi người vẫn thầm hy vọng anh thoát được cửa tử, vậy mà... Bình an nơi ấy nhé anh. Từ nay em không còn được cùng anh đọc thơ nữa, mãi mãi không...”.

Từ đây những chuyến rong ruổi của mọi người sẽ không còn bóng dáng của nhà văn Triệu Xuân

FBNV

Nhà văn luôn đứng về phía nhân dân lao động, những số phận thiệt thòi...

Lòng bùi ngùi nghĩ về người anh lớn trong văn chương, nhà thơ Phùng Hiệu kể: “Thời học sinh phổ thông, Triệu Xuân là học sinh giỏi văn, đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng. Nhờ vốn sống phong phú, anh đã sáng tác hàng chục tiểu thuyết và truyện, ký có giá trị. Phần lớn những tiểu thuyết của anh như Giấy trắng, Bụi đời, Nổi chìm trong dòng xoáy, Đâu là lời phán xét cuối cùng, Sóng lừng, Trả giá, Cõi mê… được tái bản nhiều lần. Là nhà văn, Triệu Xuân dũng cảm phanh phui những mảng tối trong đời sống xã hội. Anh luôn luôn đứng về phía nhân dân lao động, những người nghèo khó có số phận thiệt thòi”.

Cũng theo nhà thơ Phùng Hiệu: “Khi phát hiện mình mắc bệnh nan y và biết sức khỏe ngày một xấu đi, dù gia đình đã chữa chạy cho anh với tất cả khả năng có được, nhà văn Triệu Xuân đã gửi gắm cho vợ và các con của mình, như lời di chúc, là cố gắng duy trì trang www.trieuxuan.info thành thư viện văn chương điện tử đúng nghĩa. Nơi để mỗi giờ, mỗi ngày đều có nhiều bạn đọc vào tìm kiếm, thưởng thức hoặc tìm hiểu, nghiên cứu tác phẩm văn học, văn hóa trong nước và thế giới”.

Nhà văn Triệu Xuân đã đi xa nhưng trang Facebook cá nhân của ông hiện vẫn mở, đón nhận hơn 600 dòng thương nhớ của bạn bè. Nhà văn Hà Phạm Phú chia sẻ: “Vĩnh biệt nhà văn Triệu Xuân, một tấm gương lao động sáng tạo và một nhà văn hết lòng vì văn học. Cầu mong bạn được thanh thản cõi hạc vân du. Xin chia buồn sâu sắc cùng Lê Hạnh và các cháu...". Nhà thơ Thiên Hà đau xót: "Nguyện anh đi thanh thản. Vĩnh biệt Triệu Xuân. Thành tâm chia buồn cùng tang quyến".

Nhà thơ Thiên Hà (phải) và bức ảnh kỷ niệm với nhà văn Triệu Xuân ở hồ Trị An

NVCC

Nói về đời văn của tác giả Cõi mê, nhà thơ Văn Công Hùng cho rằng với tiểu thuyết Giấy trắng, nhà văn Triệu Xuân bắt đầu mở ra những hiện thực mới trong văn chương Việt". Còn theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Trong tiểu thuyết Đâu là lời phán xét cuối cùng, nhà văn Triệu Xuân có lời nói đầu thổ lộ khá rõ ràng quan niệm cầm bút: ‘Con người và những mối quan hệ trong xã hội luôn luôn là vấn đề lớn nhất của văn học. Tôi suy nghĩ nhiều về mối quan hệ giữa con người sau chiến tranh, quan hệ cha con, quan hệ giữa hai thế hệ, cả hai đều nồng nàn yêu nước, giàu tâm huyết, nhưng cái cách yêu nước rất khác nhau. Tôi muốn thể hiện sự nhìn nhận con người khác hẳn với kiểu đánh giá con người một cách cứng nhắc, phiến diện, không nhân văn'. Và sau những chia sẻ gan ruột ấy của nhà văn Triệu Xuân từ nhiều năm trước, bây giờ vẫn đáng để mọi người cùng ngẫm ngợi, khi ông đã thanh thản trả giấy trắng cho bụi đời để đi về cõi mê”.

Theo thông tin PV Thanh Niên mới nhận được thì vào 12 giờ trưa nay 27.10, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, đọc bài điếu văn cho người đã khuất do đích thân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chấp bút để đưa tiễn ông.

Xin vĩnh biệt nhà văn Triệu Xuân, một người hiền, hết lòng cùng đồng nghiệp và tử tế với văn chương, cuộc đời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.