Bạn trẻ háo hức lên kế hoạch chờ đến lúc hết cách ly xã hội

19/04/2020 18:09 GMT+7

Sau gần một tháng cách ly xã hội vì dịch Covid-19 , bạn trẻ đang háo hức lên kế hoạch về những việc sẽ làm chờ khi các hoạt động trong cuộc sống trở lại bình thường.

Đến thời điểm này, số ca nhiễm Covid-19 được chữa khỏi tiến triển trong khi số ca nhiễm mới đang dừng lại. Vì vậy các bạn trẻ rất vui và  hy vọng lệnh cách ly xã hội sẽ sớm được dỡ bỏ trong thời gian không xa nữa. 

Về thăm mẹ khi hết cách ly xã hội

Hoàng Xuân Bách là sinh viên năm cuối ngành tài chính ngân hàng, Trường ĐH Tài chính - Marketing. Từ sau tết đến giờ Bách chưa về thăm nhà ở Đắk Nông mặc dù suốt dịch Covid-19 Bách không phải tới trường. Bách cho biết: "Ăn tết xong em xuống TP.HCM thì được tin nghỉ học. Em tính quay về nhà nhưng lại nghĩ thôi tranh thủ thời gian này đi làm kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó. Em đã làm phục vụ tại một quán hải sản ở Q.Tân Phú. Trường lại tổ chức học trực tuyến nên em ở lại nhà trọ ban ngày học tối đi làm vừa học. Dù sao online ở chỗ trọ cũng mạnh hơn ở H. Đắk Glong quê em". Đến lúc Chính phủ ra chỉ thị cách ly xã hội từ ngày 1.4, quán ăn nơi Bách làm đóng cửa.
Bách định thu xếp để về nhà thì đọc tin tứcmạng xã hội kêu gọi "ai ở đâu ở yên đấy chính là giúp ích cho đất nước trong lúc này", suy nghĩ hồi lâu Bách quyết định ở lại nhà trọ. "Em làm phục vụ tiếp xúc với nhiều người nên cũng sợ nếu lỡ bị làm sao mà em lại mang dịch về quê thì khổ. Hơn nữa, đã có lệnh cách ly mà người ta kéo nhau ra bến xe để về quê đông nghịt, em thấy cũng nguy hiểm. Ở lại nhà trọ học trực tuyến và em tự học thêm tiếng Anh trên mạng cũng tốt. Mới đây em trai em nói mẹ bị trượt chân ngã khi làm vườn mà giấu em, nên hết lệnh cách ly chắc chắn em sẽ về nhà thăm mẹ ngay", Bách chia sẻ.
 Nguyễn Bảo Vân, quê Vĩnh Long,  sinh viên năm 2 ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, chọn  ở lại TP.HCM trong thời gian cách ly xã hội. Vân kể: "Trước đó, sau khi ăn tết xong em trở lại TP.HCM. Dù không phải tới trường nhưng vẫn học trực tuyến, ngoài ra em còn hoàn thiện một dự án làm chung với bạn. Ba mẹ em nói cứ ở yên đó đừng về nhà . Thường cứ 2 tuần là em lại về thăm nhà một lần, nhưng đến nay đã hơn 2 tháng rồi. Vì thế việc em làm đầu tiên sau khi hết cách ly xã hội là về thăm ba mẹ". 

Bạn trẻ lên kế hoạch hẹn hò uống cà phê, trà sữa

Thúy Hằng

Hẹn hò bạn đi uống trà sữa, dạo chơi quanh thành phố

Ngô Thị Minh Tâm, sinh viên năm cuối ngành điều dưỡng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành,  rất háo hức khi nói về "kế hoạch" trong tuần lễ đầu tiên hết hạn cách ly xã hội. Hiện Tâm đang ở nhà tại Đồng Nai nên điều đầu tiên Tâm làm là lên Sài Gòn đi dạo một vòng quanh trung tâm thành phố. "Bình thường em vẫn thích đi lang thang qua những con đường trung tâm như thế. Sau đó, em sẽ rủ bạn đến toà nhà Landmark vừa hóng gió vừa uống trà sữa ở một tiệm trong đó, vì thẻ thành viên của em đã lâu lắm rồi chưa được tích điểm. Buổi tối chắc em sẽ vào một nơi có view đẹp, nơi quen thuộc của em mỗi lần em muốn ngắm thành phố về đêm. Mới nghĩ tới đó thôi là thấy thích rồi",  Tâm háo hức.

 

Minh Tâm sẽ đi dạo trung tâm TP.HCM cho đỡ nhớ

NVCC

Đối với Nguyễn Phương Thảo (quê ở huyện Cam Lâm, Cam ranh, Khánh Hoà), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hiện đang làm marketing online cho một doanh nghiệp tại TP.Nha Trang, Khánh Hoà, thì việc đầu tiên Thảo làm sau khi hết giãn cách xã hội là... xách xa chạy ù ra biển để "hít hà mùi biển".

Phương Thảo trong ngày tốt nghiệp 

NVCC

"Sống ở thành phố biển nhưng hơn nửa tháng nay em chưa được "ngửi" thấy mùi biển do ở phòng trọ làm việc chứ không đi đâu ngoài việc ra ngoài mua thực phẩm, đồ dùng. Suốt thời gian qua em chỉ giao tiếp với người nhà, bạn bè qua điện thoại, Facebook. Để bớt buồn thì em lại nấu nướng. Dù không đến mức bức bối khó chịu, nhưng em nghĩ thời gian cách ly xã hội vừa qua ít nhiều cũng có ảnh hưởng tới thói quen và tâm lý mọi người, Thảo nhìn nhận.

 "Chắc chắn việc tiếp theo sau khi  hết cách ly xã hội của mình sẽ là tụ họp bạn bè đi uống trà sữa, lang thang tới những nơi đẹp nhất của Nha Trang để "chụp hình sống ảo", tạo cho mình niềm vui, sự thoải mái để sau đó tiếp tục công việc", Thảo cho biết thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.