Bạn trẻ dùng mạng xã hội ‘giải cứu’ cam sành giúp nông dân thoát cảnh ế ẩm

13/12/2023 15:22 GMT+7

Một số bạn trẻ đã tận dụng mạng xã hội tạo sự lan tỏa, giúp bà con nông dân bán cam sành thoát cảnh ế ẩm.

Tạo hiệu ứng cam sành từ mạng xã hội

Những ngày qua, người dân trồng cam sành ở tỉnh Vĩnh Long lại đứng ngồi không yên, khi giá rớt thảm hại, chỉ còn từ 500 – 2.000 đồng/kg. Thậm chí ở nhiều nhà vườn, cam chín rụng vẫn không có thương lái đến hỏi mua làm người nông dân lỗ nặng. Từ tình cảnh này, nhiều bạn trẻ "đã ra tay", về tận vườn mua cam mang lên thành phố, rồi đăng tải nhiều clip lên mạng xã hội, tạo hiệu ứng giúp nông dân vượt qua khó khăn.

Bạn trẻ dùng mạng xã hội ‘giải cứu’ cam sành giúp nông dân thoát cảnh ế ẩm - Ảnh 1.

Bạn trẻ dùng mạng xã hội ‘giải cứu’ cam sành giúp nông dân thoát cảnh ế ẩm - Ảnh 2.

Một trong số những người trẻ hăng hái trong việc giúp người dân tỉnh Vĩnh Long bán cam sành là Trần Thiện Dương (34 tuổi), chủ thương hiệu Lamanjucie (TP.HCM). Theo Thiện Dương khi biết được thông tin nông dân ở tỉnh Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn với việc trồng cam nên đã cùng một người bạn xuống tận vườn để tìm hiểu. Qua khảo sát, Dương nhận thấy bà con nông dân đang lỗ nặng.

Bạn trẻ dùng mạng xã hội giúp nông dân ‘giải cứu’ cam sành - Ảnh 1.

Bạn trẻ chung tay "giải cứu" cam sành giúp bà con nông dân

NVCC

Đau lòng vì cam được mùa rớt giá, Dương và bạn bè quyết tâm hỗ trợ người dân tiêu thụ số lượng nông sản trong vườn. Anh hỗ trợ chi phí để người dân hái cam, sau đó cho xe tải xuống tận vườn chở cam lên TP.HCM, phân chia ra nhiều điểm để bán.

"Tôi đi tìm những vườn thương lái không vào mua, có cam rụng và chín nhiều. Thay vì thương lái trả 500 đồng/kg thì tôi mua lại của nông dân là 3.500 đồng/kg. Cộng thêm các chi phí vận chuyển, nhân công, cam hao hụt… tôi bán ra với giá 6.000 đồng/kg cam. Giá này hầu như bán giúp bà con chứ không tính lời trong đó", anh Dương cho hay.

Để bán được số lượng lớn cam trong thời gian ngắn, Dương phải nhờ đến bạn đồng hành là Hồ Khắc Vĩnh (27 tuổi), người có hơn 1 triệu lượt theo dõi trên một số nền tảng mạng xã hội. Nhiệm vụ của Vĩnh là đăng tải thông tin, từ nhà vườn đến cảnh bán cam ở thành phố nhằm tạo hiệu ứng cho cộng đồng biết đến. Từ sự lan tỏa đó, nhiều người tìm đến mua cam ủng hộ. Mỗi ngày, dù mở bán lúc 8 giờ nhưng chỉ trong vài tiếng đồng hồ anh Dương và Vĩnh đã bán gần hết số cam trong ngày. Sau gần 1 tuần bán (từ ngày 5.12) cả 2 đã bán được hơn 20 tấn cam của nông dân, "giải cứu" được 2 nhà vườn.

Khắc Vĩnh chia sẻ bản thân đang là người sáng tạo nội dung, chuyên thực hiện các clip về ẩm thực, nông sản, nhưng lần này thấy cảnh bà con nông dân trồng cam gặp khó khăn nên muốn chung tay hỗ trợ. Vĩnh tận dụng hầu hết mọi nền tảng mạng xã hội có đăng ký tài khoản để truyền tải nội dung về chuyến "giải cứu" cam sành. 

Clip đầu tiên về vườn cam của một nông dân ở tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh đăng tải lên nền tảng TikTok đã thu hút gần 1 triệu lượt xem cùng hàng trăm bình luận, trên fanpage của Facebook là 400.000 lượt xem. Sau khi đăng tải, nội dung này tạo hiệu ứng tốt, có rất nhiều người nhắn tin, bình luận tìm cách liên hệ Vĩnh để mua cam.

Bạn trẻ dùng mạng xã hội giúp nông dân ‘giải cứu’ cam sành - Ảnh 2.

Cảnh nhiều người mua cam sành từ những người trẻ

NVCC

"Clip thứ 2 và 3 tôi đăng tải về vườn và cảnh bán cam ở thành phố cũng đạt gần 1 triệu lượt xem trên TikTok. Nhờ đó mà chúng tôi bán cam rất nhanh. Tôi nghĩ cam sành của bà con là sản phẩm tốt và khi đưa lên mạng xã hội như vậy sẽ giúp được nhiều nông dân hơn. Từ ngày đăng tải, sức lan tỏa đã vượt ngoài mong đợi của tôi. Hiện tại, điểm kế tiếp của chúng tôi ở vườn cam có khối lượng 50 tấn, hy vọng là hỗ trợ người dân thành công", Vĩnh chia sẻ.

Trắng đêm cùng cam sành

Một trường hợp cũng hỗ trợ "giải cứu" cam sành khác là chị Ngọc Nhi (35 tuổi), chủ một cửa hàng thời trang, ngụ đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM. Thời gian qua, chị đã cùng nhiều bạn bè, nhân viên chung tay "giải cứu" hàng chục tấn cam sành giúp nông dân. Chị Nhi cảm thấy xót xa cho cảnh bà con nông dân bị thiệt hại do giá cam giảm sâu. Cho nên, chị đã chủ động liên hệ với một thương lái bán cam ở tỉnh Vĩnh Long để mua và vận chuyển lên TP.HCM.

"Tôi mua cam với giá 4.000 đồng/kg và cũng bán ra với giá như vậy. Tôi phải trích thêm tiền túi chi cho một số các hoạt động khác mới giữ được giá bán như vậy", chị Nhi chia sẻ.

Bạn trẻ dùng mạng xã hội giúp nông dân ‘giải cứu’ cam sành - Ảnh 3.

Chị Nhi (áo nâu, đứng giữa) cùng bạn bè thức trắng đêm để chuẩn bị bán cam sành

Chị Nhi bán cam không liên tục, khoảng 3 ngày trong tuần vừa rồi. Cứ 1 giờ xe tải chở cam từ tỉnh Vĩnh Long đến nhà, chị Nhi cùng bạn bè thức trắng đêm khuân vác, sắp xếp cam để bán ngay trong buổi sáng. Mỗi lần bán ít cũng gần 10 tấn, nhiều nhất vào khoảng 30 tấn cam. Chị tận dụng vỉa hè trước nhà để bán. Bắt đầu từ 6 giờ thì chỉ sau 2 tiếng đồng hồ cam cũng được bán hết. Lượng khách chủ yếu là những người dùng mạng xã hội, khách vãng lai và người làm việc tại Bệnh viện Nguyễn Trãi ghé đến ủng hộ. "Cao điểm nhất là ngày 11.12, tôi bán hết 7 xe tải cam trong buổi sáng", chị Nhi cho hay.

Sở dĩ bán được nhanh như vậy, theo chị Nhi là nhờ vào tài khoản mạng xã hội có nhiều người theo dõi nên khi đăng tải việc bán cam nhận được sự ủng hộ. Tính tổng kết 3 ngày bán vừa qua chị Nhi đã giúp nông dân tiêu thụ hơn 50 tấn cam sành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.