Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.10: TP.HCM sắp cho phép hàng quán phục vụ tại chỗ

22/10/2021 19:30 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 22.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 22.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Bản tin Covid-19 ngày 22.10: Cả nước 3.985 ca nhiễm mới | TP.HCM sắp cho phép ăn uống tại chỗ

Cả nước ghi nhận 3.985 ca Covid-19 mới, 5.202 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 22.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 21.10 đến 17 giờ ngày 22.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.985 ca nhiễm mới, 5.202 ca khỏi bệnh.

Trong ngày, cả nước ghi nhận 56 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố; nâng tổng số ca tử vong lên 21.543 ca.

Thông tin về 3.985 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 22.10 như sau:

  • 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 3.977 ca ghi nhận trong nước (tăng 359 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 1.782 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.205), Bình Dương (471), Đồng Nai (417), Đắk Lắk (266), An Giang (220), Sóc Trăng (148), Tây Ninh (147), Bạc Liêu (83), Kiên Giang (80), Trà Vinh (76), Bình Thuận (74), Long An (72), Gia Lai (69), Tiền Giang (61), Nghệ An (57), Phú Thọ (54), Cà Mau (52), Khánh Hòa (43), Thanh Hóa (37), Quảng Bình (34), Đồng Tháp (33), Thừa Thiên-Huế (26), Kon Tum (22), Hà Nam (21), Hà Giang (18), Hậu Giang (17), Cần Thơ (17), Nam Định (17), Vĩnh Long (14), Bến Tre (14), Lâm Đồng (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), Bình Định (11), Quảng Ngãi (10), Quảng Nam (9), Hà Nội (8 ), Ninh Thuận (7), Thái Bình (7), Bắc Ninh (5), Bình Phước (5), Hưng Yên (4), Hà Tĩnh (4), Bắc Giang (3), Quảng Ninh (3), Đắk Nông (3), Lào Cai (3), Yên Bái (2), Sơn La (1), Ninh Bình (1), Tuyên Quang (1).
Ngày 22.10: Cả nước 3.985 ca Covid-19, 5.202 ca khỏi | TP.HCM 1.205 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-50), Tây Ninh (-38), Cà Mau (-28).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+266), An Giang (+46), Sóc Trăng (+39).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.400 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 881.522 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.951 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 876.788 ca, trong đó có 800.509 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 1/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn.
  • Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (423.406), Bình Dương (227.799), Đồng Nai (60.498), Long An (34.071), Tiền Giang (15.392).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 5.202
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 803.326

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.073 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.131
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 430
  • Thở máy không xâm lấn: 113
  • Thở máy xâm lấn: 383
  • ECMO: 16

Trong ngày, cả nước ghi nhận 56 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố. Gồm TP.HCM (33), Bình Dương (7), An Giang (7), Long An (3), Kiên Giang (2), Đồng Nai (1), Bình Thuận (1), Bình Phước (1), Sóc Trăng (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 71 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.543 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vì sao dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM đang ở cấp độ 2?

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 109.941 xét nghiệm cho 232.134 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 21.459.257 mẫu cho 58.792.283 lượt người.

Trong ngày 21.10 có 1.440.566 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 70.488.694 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 50.334.724 liều, tiêm mũi 2 là 20.153.970 liều.

TP.HCM sắp mở thêm một số dịch vụ, trong đó có ăn uống tại chỗ

Chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 22.10 về việc đánh giá cấp độ dịch và mở cửa kinh tế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết TP.HCM sẽ mở dần dịch vụ ăn uống tại chỗ và nhiều dịch vụ khác để người dân phát triển sinh kế theo các bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực.

Sau 25.10, TP.HCM mở thêm một số dịch vụ, trong đó có ăn uống tại chỗ

Ông Mãi khẳng định tinh thần chung là thành phố sẽ thực hiện theo các quy định trong Nghị quyết 128 của Chính phủ. Với đặc điểm đô thị đông đúc, sôi động, thành phố sẽ không có công thức chung áp dụng hết trên toàn địa bàn mà “có những cái liên thông, có những cái do địa bàn quyết”. Ví dụ như, các địa bàn đạt cấp độ 1 thì được mở nhiều hơn địa bàn đang ở cấp độ 2 và cấp độ 3, các hoạt động kinh tế mở theo từng cấp độ.

Về cấp độ dịch của các quận, huyện, ông Mãi thông tin hiện các quận, huyện và TP.Thủ Đức đang báo cáo cấp độ dịch của địa phương mình. Dù vậy, tại một thời điểm, trong thành phố có những khu vực phường, xã đã được cấp độ 1, nhưng cũng có nơi đang ở cấp độ 2 và cấp độ 3. Như hiện nay, một số quận, huyện còn nhiều ca nhiễm thì vẫn đang ở màu cam (mức độ 3).

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

sỹ đông

Dự kiến, ngày 25.10, TP.HCM sẽ công bố mức độ dịch trên toàn thành phố theo quy định của Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau khi có kết quả công bố, thành phố sẽ căn cứ vào đó để mở lại các hoạt động.

“Thành phố có chủ trương mở lại các dịch vụ nhưng mở ở đâu, khi nào mở, quy mô thế nào là dựa trên đánh giá mức độ an toàn. Tuần sau một số địa bàn, một số ngành sẽ mở. Vì dịch đang diễn biến nên cứ theo nguyên tắc của Nghị quyết 128, địa bàn nào an toàn thì được mở”, ông Mãi cho biết.

Về việc một số nơi xuất hiện tình trạng buôn bán hàng rong, ông Mãi nhìn nhận TP.HCM rộng và đông dân cư, hiện chưa cho bán hàng rong; có thể địa phương thấy mức độ tập trung và nguy cơ không nhiều, hoặc cũng có thể chưa quán xuyến nên vẫn có tình trạng này.

Chi hỗ trợ đợt 3 kéo dài tới ngày 7.11 với 3 quận, huyện

Chiều 22.10, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, theo thống kê cập nhật tiến độ chi trả từ các quận, huyện và TP.Thủ Đức, đến nay TP.HCM đã chi hỗ trợ cho hơn 5,2 triệu người (đạt tỷ lệ 78% so với danh sách qua thẩm định, phê duyệt là 6,8 triệu người).

Đồng thời, trong ngày hôm nay, các địa phương sẽ hoàn tất, chấm dứt việc thẩm định, phê duyệt bổ sung danh sách nhận hỗ trợ.

Ông Tấn cho biết, việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3 sẽ được kéo dài tới ngày 31.10.

Riêng tại Q.12, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh (3 địa phương có tỷ lệ chi trả thấp nhất tại TP.HCM) do có số lượng lớn người tạm trú, lưu trú cũng như đông người khó khăn nhận hỗ trợ nên thời gian chi trả có thể tới ngày 7.11.

Người dân TP.HCM nhận gói hỗ trợ đợt 3

song mai

Việc kéo dài thời gian chi gói đợt 3 còn có thể áp dụng khi các địa phương chi trả cho nhóm người nằm trong danh sách được duyệt, nhận nhưng đang nằm bệnh viện, đang điều trị Covid-19, trong khu cách ly hay là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo...

"Tuy nhiên, các địa phương phải tìm cách chi hỗ trợ nhanh nhất sớm nhất cho bà con", ông Lê Minh Tấn, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thông tin.

Đây là lần thứ 2 TP.HCM dời thời gian chi gói hỗ trợ đợt 3. Trước đó, theo chính sách triển khai của TP.HCM, thời gian thực hiện chi hỗ trợ đợt 3 cho dân dự kiến từ ngày 1.10 đến ngày 15.10. Tuy nhiên, sau đó, TP.HCM lại thống nhất kéo dài đến ngày 22.10 thay vì kết thúc vào ngày 15.10 như dự kiến ban đầu.

Bình Dương: Chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 cho hơn 22.900 người

Chiều 22.10, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương xác nhận các địa phương trong tỉnh đã chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 cho trên 22.900 người với số tiền hàng tỉ đồng, buộc phải thu hồi.

Địa phương có số lượng người được chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 (nhận 2 lần) là TX.Tân Uyên lên đến 22.000 người. Còn trên 900 người khác ở rải rác các huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Số tiền và chính sách bị chi nhầm là tiền hỗ trợ người ở trọ (300.000 đồng tiền thuê trọ và 500.000 đồng tiền nhu yếu phẩm), tổng cộng là 800.000 đồng/người trong đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 mà tỉnh Bình Dương đã hứa hỗ trợ cho những người không về quê, ở lại Bình Dương.

Người dân ở trọ tại P.Đông Hòa (TP.Dĩ An) trông ngóng tiền hỗ trợ

ĐỖ TRƯỜNG

Trong khi ở TX.Tân Uyên đã chi nhầm với số lượng lớn người được nhận và rải rác ở các địa phương khác thì tại TP.Dĩ An, thì hàng trăm người ở trọ tại khu phố Tân Hòa (P.Đông Hòa, TP.Dĩ An) đến nay vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ 800.000 đồng/ người và một số khoản tiền hỗ trợ khác.

Chị Quách Như Ý (28 tuổi, tổ 11, KP.Tân Hòa, P.Đông Hòa), nhà có 5 người gồm 2 con nhỏ (1 tuổi và 11 tuổi), cho biết ngày 21.10 gia đình chị mới nhận được 500.000 đồng tiền hỗ trợ nhu yếu phẩm khu vực nhà trọ bị “khóa chặt, đông cứng” từ ngày 6.9 đến 15.9. Trong khi đó, số tiền 800.000 đồng hỗ trợ tiền nhà trọ, nhu yếu phẩm gia đình chị Ý vẫn chưa nhận được.

Một gia đình làm thợ hồ ở KP.Tân Hòa (P.Đông Hòa, TP.Dĩ An) chưa nhận được tiền hỗ trợ

ĐỖ TRƯỜNG

Phản ánh với PV, nhiều người ở trọ tại tổ 11 (KP.Tân Hòa, P.Đông Hòa) cho biết hàng chục gia đình ở trong dãy trọ chưa được nhận tiền 800.000 đồng nhưng ở gần đó có gia đình vợ chồng có nhà lầu, xe hơi lại được nhận hỗ trợ tiền nhà trọ và nhu yếu phẩm, tổng trị giá 800.000 đồng.

Cục Hàng không đề xuất mở dần đường bay quốc tế theo 4 giai đoạn

Cục Hàng không đề xuất giai đoạn 1 ngay trong quý 4 năm 2021 khôi phục các chuyến bay quốc tế trọn gói (combo) cho các đối tượng là công dân Việt Nam song song với việc tổ chức chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương (Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh...).

Cục Hàng không đề xuất mở dần bay quốc tế theo 4 giai đoạn

đậu tiến đạt

Với chuyến bay combo, các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (doanh nghiệp lữ hành) tổ chức chuyến bay trên cơ sở văn bản đồng ý của địa phương cho tiếp nhận cách ly tập trung có thu phí tại cơ sở cách ly do địa phương phê duyệt với chi phí trọn gói vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, khách sạn cách ly và chi phí ăn trong 7 ngày (đối với chuyến bay chở toàn bộ hành khách đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc có chứng nhận khỏi bệnh Covid-19) hoặc 14 ngày (đối với chuyến bay khác), phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly...

Dự kiến các chuyến bay này sẽ được mở tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động.

Sân bay tiếp nhận chuyến bay gồm Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh và các cảng hàng không khác (trên cơ sở đồng ý của UBND các tỉnh, thành phố có điều kiện tiếp nhận hành khách đến từ các cảng hàng không trên).

Cục Hàng không đề xuất mở dần đường bay quốc tế theo 4 giai đoạn

Tần suất khai thác được quyết định theo năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương, chỉ được cấp phép bay sau khi phương án tiếp nhận cách ly được địa phương thống nhất.

Với chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Cục Hàng không đề xuất không hạn chế thị trường, áp dụng với khách người nước ngoài có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP được lấy mẫu trong vòng 72 giờ trước chuyến bay đầu tiên trong hành trình vào Việt Nam hoặc theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế; có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.

Trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát và phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Tần suất khai thác (tới mỗi địa phương thực hiện thí điểm du lịch quốc tế trọn gói) trung bình 1 chuyến bay/ngày (tổng cộng 4.000 - 6.000 lượt khách đến trong tháng đầu tiên) và tăng lên 2 chuyến bay/ngày trở lên trong tháng tiếp theo.

Giai đoạn 2 (từ tháng 1.2022), Cục Hàng không đề xuất thí điểm các chuyến bay quốc tế thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 vào Việt Nam, mà không cần văn bản đồng ý cho vào Việt Nam của các cơ quan chức năng (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế).

Thị trường triển khai thực hiện ban đầu là các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường an toàn khác không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với tần suất ban đầu 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.

Đề xuất mở dần đường bay quốc tế của Cục hàng không được chia theo 4 giai đoạn

Minh Tuấn

Hành khách chỉ được chấp nhận làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát khi có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly 7 ngày tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định tại một địa phương của Việt Nam, bao gồm phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly.

Tùy thuộc tình hình thí điểm, Cục Hàng không sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung các thị trường mới, tăng tần suất cho phù hợp với khả năng miễn dịch cộng đồng và nhu cầu thị trường.

Giai đoạn 3 (dự kiến từ tháng 4.2022) tùy thuộc vào tiến trình tiêm vắc xin tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vắc xin đại trà trong xã hội), sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vắc xin”.

Hành khách trong giai đoạn này là công dân Việt Nam và nước ngoài có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19.

Thị trường sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không với tần suất ban đầu 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.

Giai đoạn 4 từ tháng 7.2022: khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vắc xin tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vắc xin đại trà trong xã hội.

Trong giai đoạn này, hãng hàng không được cấp phép bay để mở bán theo nhu cầu và slot được xác nhận.

Hành khách được chấp nhận làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát khi có các chứng nhận phù hợp với yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng.

Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, đại diện một số hãng hàng không đều bày tỏ mong muốn sớm nối lại thị trường bay quốc tế thường lệ ngay trong quý 4 năm 2021.

Chị cao tuổi dẫn em khuyết tật đi đổi căn cước công dân gắn chip

Căn cước công dân còn hạn nhưng khi biết những lợi ích của căn cước công dân gắn chip, bà Trịnh Thái Cơ (76 tuổi) cùng em gái ở Q.Tân Bình, TP.HCM đã dự định đi đổi. Tuy nhiên, do tình những tháng qua bị dịch bệnh Covid-19 và em của bà bị tai biến, đi lại khó khăn nên hai người vẫn chưa đi đổi được.

Sáng 22.10.2021, bà và em mình đã được công an và hội phụ nữ Q.Tân Bình hỗ trợ để đổi căn cước công dân gắn chip ở địa điểm lưu động thuộc phường 13.

"Đến đây thì các chú công an, rồi phụ nữ phường đều nhiệt tình giúp đỡ, tụi tôi thấy rất là vui. Không cần chờ đợi hoặc mất thời gian như mọi công dân khác. Tại tụi tôi là những người khuyết tật. Có người lãng tai, có người nhận thức kém. Như cô em tôi thì cái chân nó nghiêng, bước đi không được thì các chú công an phải khiêng bổng lên tới bàn, tôi rất là cảm động.", bà Trịnh Thái Cơ chia sẻ.

Trong ngày 22.10.2021, có 200 phụ nữ thuộc đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt và các cán bộ, hội viên của hội phụ nữ Q.Tân Bình như bà Trịnh Thái Cơ đã được đổi căn cước công dân sang loại có chip.

Cụ bà U80 dẫn em gái khuyết tật đi đổi căn cước công dân gắn chip

Do có nhiều người bị khuyết tật nên việc triển khai làm các thủ tục cấp đổi căn cước công dân cũng gặp không ít khó khăn. Lực lượng chức năng và hội phụ nữ phải cử người hỗ trợ qua từng bước.

Bên cạnh đó, để công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, lực lượng chức năng cũng đã bố trí chỗ ngồi giãn cách. Những người tới đều được đo thân nhiệt và khử khuẩn tay trước khi vào làm thủ tục cấp đổi căn cước công dân.

Theo thiếu tá Hoàng Thị Xuân, Chủ tịch hội phụ nữ Công an Q.Tân Bình, chương trình cấp căn căn cước công dân cho hội viên phụ nữ và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện nhằm chào mừng đại hội, đại biểu lần thứ 12, nhiệm kỳ 2021 – 2026 Hội phụ nữ Q.Tân Bình.

Chuyến du lịch về Tây Ninh tri ân tuyến đầu chống dịch

Những ngày cũng đồng nghiệp gồng mình chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, bác sĩ Đồng Ngọc Hiền ở Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM nhớ như in những giây phút mà bệnh nhân cùng lực lượng y, bác sĩ nơi đây vật lộn giữa cái sống và cái chết.

Lực lượng cấp cứu phải hoạt động suốt ngày đêm để vận chuyển cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân F0. Trong số đó có người mất, người còn.

Sau suốt nhiều tháng với công việc cứu bệnh nhân Covid-19, ngày 21.10.2021, bác sĩ Đồng Ngọc Hiền cùng đồng nghiệp của mình có những phút giây thư giãn sau khi TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh.

Tour du lịch về “nóc nhà Đông Nam Bộ” tri ân tuyến đầu chống dịch Covid-19

Hơn 100 y, bác sĩ vừa trải qua thời gian dài chống dịch Covid-19 đã tham gia tour du lịch do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM, Sở Văn hóaThể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tổ chức vào ngày 21.10.2021; Đây cũng là tour du lịch liên tỉnh đầu tiên mà TP.HCM chủ trì mở ra.

Còn bác sĩ Đào Hữu Nam, Bệnh viện Nhi Trung ương vào TP.HCM, tham gia chống dịch đã 2 tháng và vừa nhận được quyết định của Bộ Y tế điều động về lại Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới. Bác sĩ Đào Hữu Nam cũng rất vui trước khi chia tay với nơi chống dịch ròng rã suốt thời gian qua thì được lãnh đạo TP.HCM tổ chức chuyến du lịch Củ Chi – Tây Ninh, mà lại là chuyến du lịch liên tỉnh đầu tiên do TP.HCM phối hợp với tỉnh Tây Ninh thực hiện sau giãn cách.

Tham gia tour này có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Tại buổi gặp gỡ thân mật, ông Nguyễn Văn Nên đã trao tặng quà cho đại diện lực lượng tuyến đầu chống dịch, Bệnh viện nhi Trung ương; các đoàn Hải Phòng, Cao Bằng, Lai Châu. Bí thư Nguyễn Văn Nên còn tặng các nữ y, bác sĩ chiếc khăn rằn Nam bộ.

Trước khi vận hành chính thức, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức một số tour thí điểm đi Củ Chi và Tây Ninh theo mô hình “bong bóng khép kín”.

Y bác sĩ vào TP.HCM chống dịch lần đầu đi du lịch Củ Chi

Theo chương trình của tour, xuất phát từ trung tâm thành phố, buổi sáng du khách đến với vùng đất được ví là “đất thép thành đồng” Củ Chi, dâng hương tại Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định, đến viếng Đền Bến Dược, thăm khu di tích Địa đạo Bến Dược, tham quan khu tái hiện vùng giải phóng và chợ quê trong vùng giải phóng.

Ngay tại chợ quê, du khách thưởng thức các món ăn dân dã, tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống của người dân trong vùng giải phóng của 50 năm trước.

Sau đó, du khách di chuyển và khám phá quần thể Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh, nằm ở độ cao 986 mét được mệnh danh là “nóc nhà của Đông Nam Bộ”. Sau đó, du khách di chuyển về lại TP.HCM kết thúc chuyến đi. Trọn tour liên tỉnh này chỉ trong 1 ngày.

Với tiêu chí đảm bảo an toàn, đáp ứng nghiêm ngặt các yêu cầu về phòng, chống dịch. Tất cả khách tham gia tour, hướng dẫn viên, tài xế, nhân sự tổ chức phục vụ hậu cần tại điểm đến đều phải được tiêm hai mũi vắc xin ngừa Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính, tuân thủ 5K.

Lãnh đạo ngành du lịch TP.HCM cho biết việc triển khai tuyến du lịch đi tỉnh đầu tiên đến Khu Du lịch núi Bà Đen nằm trong kế hoạch phục hồi ngành du lịch thành phố trong giai đoạn bình thường mới. TP.HCM cũng đang có đoàn công tác đến Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định để xúc tiến việc tạo các “luồng xanh” du lịch, mở đường cho các doanh nghiệp du lịch của thành phố khôi phục lại tour liên tỉnh.

Tiếp viên, tài xế “mắc kẹt” trên xe buýt trong dịch Covid-19

Dịch bùng phát, những chiếc xe buýt phải tắt máy nằm im chờ đợi ở bến. Trong những ngày đó, những chiếc xe này trở thành mái nhà bất đắc dĩ của những của những người tiếp viên, tài xế xe buýt.

Anh Mai Thái Cường vào TP.HCM làm tiếp viên bán vé trên chiếc xe buýt số 53. Vừa gắn bó được hai năm thì dịch Covid-19 bùng phát làm anh thất nghiệp và phải ở lại ngày trên chiếc xe buýt.

Tiếp viên, tài xế “mắc kẹt” trên xe buýt trong dịch Covid-19

Tưởng rằng chỉ tá túc tạm ít ngày, tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến anh Cường “mắc kẹt” luôn trên xe nhiều tháng.

"Trước đợt dịch thì tôi cũng có thuê trọ. Nhưng trước đợt dịch thứ tư khoảng 2 tháng, xe buýt cũng chạy hạn chế, ngày làm ngày nghỉ. Tôi cũng cố cầm cự nhưng tới đợt dịch này khó khăn quá nên là tôi trả phòng trọ, và sau giờ làm tôi được chủ xe cho tá túc trên xe luôn", anh Mai Thái Cường cho hay.

Thức ăn mà anh ăn nhiều nhất trong mùa dịch là mì gói và trứng

LÊ HỒNG HẠNH

Ngoài việc thỉnh thoảng đi xin nước ở những hộ thuê trọ gần đó, mỗi khi mưa to anh Cường cũng phải lấy can ra hứng để có nước sinh hoạt. Sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn nhiều thứ nên cuộc sống của anh cũng bị xáo trộn theo.

“Hàng xóm” bất đắc dĩ tại bến với anh Cường là vợ chồng ông Phan Văn Hoàng. Nhiều tháng nay họ cũng tá túc trên một chiếc xe buýt số 53.

Nhiều năm làm tài xế xe buýt, vợ làm tiếp viên bán vé trên xe buýt, chưa bao giờ hai vợ chồng ông Hoàng rơi vào hoàn cảnh như những ngày tháng vừa qua.

Bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM im lìm suốt mùa dịch

nguyễn anh

Anh Cường và vợ chồng ông Hoàng chỉ là một trong những người đang ở tạm trên những chiếc xe buýt ở Bến xe Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngoài khoản trợ cấp 1 triệu đồng của hợp tác xã Quyết Thắng, nhiều tháng nay họ không có thêm khoản thu nhập nào. Sống trong cảnh tạm bợ, nhưng tài xế tiếp viên xe buýt ai cũng gắng gượng với cuộc sống. Mỗi người mỗi cảnh nhưng mong muốn chung là tình hình dịch ổn định, xe buýt được chạy lại để được đi làm kiếm thêm thu nhập nuôi bản thân và gia đình.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.