Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 2.10: Các địa phương phối hợp đưa người về quê

02/10/2021 19:26 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 2.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin Covid-19 ngày 2.10: Các địa phương phối hợp hỗ trợ người muốn về quê

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 2.10 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:

Cả nước ghi nhận 5.490 ca Covid-19 mới, 28.857 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 2.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 1.10 đến 17 giờ ngày 2.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.490 ca nhiễm mới, 28.857 ca khỏi bệnh.

Trong ngày ghi nhận 164 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca tử vong lên 19.601 ca.

Ngày 2.10: Cả nước 5.490 ca Covid-19, 28.857 ca khỏi | TP.HCM 2.723 ca

Thông tin về 5.490 ca nhiễm mới công bố vào tối 2.10 như sau:

  • 13 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 5.477 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.464 ca so với ngày trước đó) tại 40 tỉnh, thành phố (có 3.004 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (2.723), Bình Dương (1.517), Đồng Nai (509), An Giang (139), Long An (107), Kiên Giang (77), Đắk Lắk (59), Bình Thuận (47), Hà Nam (42), Khánh Hòa (36), Tiền Giang (36), Cần Thơ (23), Tây Ninh (20), Ninh Thuận (16), Quảng Bình (15), Hà Nội (14), Quảng Trị (13), Quảng Ngãi (12), Nghệ An (10), Đắk Nông (7), Bắc Giang (6), Đồng Tháp (6), Hậu Giang (5), Phú Thọ (5), Bình Định (5), Vĩnh Long (4), Cà Mau (3), Bạc Liêu (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Phú Yên (2), Nam Định (2), Bình Phước (2), Quảng Ninh (2), Hưng Yên (1), Trà Vinh (1), Đà Nẵng (1), Hải Dương (1), Lâm Đồng (1), Gia Lai (1), Ninh Bình (1).
  • Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (giảm 947), Bình Dương (giảm 270), Đồng Nai (giảm 226).
  • Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (59), An Giang (23), Khánh Hòa (21).
  • Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 8.065 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 803.202 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.160 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 798.626 ca, trong đó có 659.759 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 12/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Lạng Sơn.
  • Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nam Định.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (395.052), Bình Dương (214.360), Đồng Nai (49.839), Long An (32.682), Tiền Giang (14.107).
  • Ngày 2.10: Thông báo 164 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 28.857
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 664.938Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.337 ca, trong đó:
  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.277
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.089
  • Thở máy không xâm lấn: 240- Thở máy xâm lấn: 805
  • ECMO: 25

Trong ngày ghi nhận 164 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (123), Bình Dương (24), Đồng Nai (5), Long An (5), Kiên Giang (2), Quảng Ngãi (1), Tiền Giang (1), An Giang (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 165 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.601 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 136/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 183.154 xét nghiệm cho 374.419 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 18.876.491 mẫu cho 53.721.020 lượt người.

Trong ngày 1.10 có 760.643 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 43.658.818 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 33.532.395 liều, tiêm mũi 2 là 10.126.423 liều.

TP.HCM cho taxi truyền thống, taxi công nghệ hoạt động trở lại

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản khẩn hướng dẫn công tác tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố từ ngày 1.10. Trong đó đáng chú ý là nội dung cho phép taxi, taxi công nghệ hoạt động trở lại.

Theo văn bản hướng dẫn, người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã QR, người dân phải xuất trình một trong các giấy tờ sau: Chứng nhận là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; Chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP.HCM.

Từ ngày 5.10, TP.HCM sẽ tổ chức một số tuyến xe buýt với tần suất và thời gian hoạt động tùy theo tình hình, nhu cầu thực tế từng khu vực, theo quyết định công bố của Sở GTVT.

TP.HCM cho taxi, taxi công nghệ hoạt động trở lại

Xe taxi được hoạt động với điều kiện mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 20% số xe quản lý (theo số liệu phù hiệu đã đăng ký với Sở GTVT TP.HCM).

Tương tự, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe du lịch cũng chỉ được đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 30% số xe quản lý (theo số liệu biển hiệu đã đăng ký với Sở GTVT).

Vận tải hành khách bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách (taxi công nghệ) được phép đăng ký hoạt động tối đa không vượt quá 10% số xe quản lý (theo số liệu phù hiệu đã đăng ký với Sở).

Ngoài ra, thành phố cho phép các phương tiện không sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách hoạt động phục vụ các chương trình du lịch được Sở Du lịch, UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức tổ chức hoặc theo kế hoạch vận chuyển của ngành y tế; Xe vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Các phương tiện đăng ký hoạt động (theo đề xuất của các đơn vị) sẽ được Sở GTVT cấp phép thông qua giấy nhận diện (có mã QR). Trong quá trình hoạt động và căn cứ vào nhu cầu đi lại và tình hình kiểm soát dịch Covid-19, Sở GTVT sẽ tiếp tục điều chỉnh số lượng phương tiện hoạt động phù hợp.

Dịch vụ kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe mô tô, xe máy vẫn không được phép hoạt động.

Người dân TP.HCM được đi ô tô cá nhân liên tỉnh với nhiều điều kiện kèm theo

Tối 1.10, Sở GTVT TP.HCM ký ban hành công văn khẩn về việc hướng dẫn công tác tổ chức giao thông trên địa bàn TP.HCM và một số trường hợp cần thiết giữa TP.HCM và một số tỉnh, thành từ ngày 1.10, cho đến khi có hướng dẫn mới.

Trong đó, về lưu thông hàng hóa nội ô và liên tỉnh ưu tiên mã nhận diện QR và được lưu thông theo quy định của UBND TP.HCM.

Về tổ chức giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh có nhiều thay đổi khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18 , từ 18 giờ ngày 30.9.

Chính thức: Người dân TP.HCM được đi ô tô cá nhân liên tỉnh, có điều kiện

Cụ thể, người dân đi từ TP.HCM đến các tỉnh, thành phố khác trong một số trường hợp cấp bách:

Đối tượng: đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai; thực hiện cuộc hẹn phỏng vấn trước khi đi nước ngoài; và một số trường hợp cấp bách khác, đảm bảo các điều kiện sau:

  • Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và 14 ngày sau tiêm);
  • Có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.
  • Có giấy tờ liên quan đến người liên quan đến đối tượng (thư mời, giấy hẹn của cơ quan, đơn vị…).
  • Phương tiện di chuyển: các loại hình vận tải liên tỉnh (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không); xe ô tô cá nhân (lái xe và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).
  • Được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền (người dân sẽ có đơn đề nghị, nêu lý do di chuyển - PV): văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đến; hoặc văn bản của Sở GTVT TP.HCM

Người từ các tỉnh, thành phố khác đến TP.HCM trong một số trường hợp cấp bách

Nếu mục đích là đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai, thực hiện cuộc hẹn phỏng vấn tại trước khi đi nước ngoài, một số trường hợp cấp bách khác, phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép, xác nhận.
  • Có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.
  • Phương tiện di chuyển: các loại hình vận tải liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không); xe ô tô cá nhân (lái xe và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).

Người dân TP.HCM di chuyển trở về TP.HCM, phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TP.HCM như: hộ khẩu, giấy tạm trú, căn cước công dân hoặc chứng minh thư, giấy khai sinh (đối với trẻ em).
  • Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu).
  • Phương tiện di chuyển: các loại hình vận tải liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không); xe ô tô cá nhân (lái xe và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).
  • Được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, sau khi người dân làm đơn đề nghị: Văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đi hoặc văn bản của Sở GTVT TP.HCM.

Người dân TP.HCM từ các tỉnh, thành phố khác trở về TP.HCM, phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TP.HCM như: hộ khẩu, giấy tạm trú, CCCD/CMND, giấy khai sinh (đối với trẻ em).
  • Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu).
  • Phương tiện di chuyển: các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (bằng ô tô, đường thủy, đường sắt, đường hàng không); xe ô tô cá nhân (lái xe và người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).
  • Được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, sau khi có đơn đề nghị: Văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đi hoặc văn bản của Sở Giao thông Vận tải.

CSGT Đồng Nai dẫn đường đưa bà con miền Tây, Ninh Thuận, Đắk Lắk về quê

Sáng 2.10.2021, hàng ngàn người dân quê ở các tỉnh miền Tây, Ninh Thuận, Đắk Lắk đã ra đường để về quê. Khi đến khu vực giáp ranh giữa huyện Vĩnh Cửu với TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) thì gặp chốt kiểm soát dịch Covid-19.

Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã liên hệ với các địa phương có công dân trong hàng ngàn người đang chờ về quê này và các tỉnh thành có lộ trình đi qua để tìm giải pháp. Sau khi được các tỉnh chấp thuận cho người dân lưu thông và tiếp nhận về địa phương, Đồng Nai đã cử lực lượng CSGT dẫn đường cho những người này về quê.

CSGT Đồng Nai dẫn đường đưa bà con miền Tây, Ninh Thuận, Đắk Lắk về quê

Ông Nguyễn Văn Thuộc, Bí thư huyện ủy Vĩnh Cửu cho biết qua thống kế số người về các tỉnh miền Tây là 1.700, về Ninh Thuận là 1.800, ngoài ra có khoảng 200 người về Đắk Lắk.

Theo ông Thuộc, trước đó chính quyền Vĩnh Cửu cũng đã tuyên truyền, vận động bà con ở lại nhưng mọi người nhất quyết về quê.

Bộ Y tế yêu cầu địa phương công bố các loại test nhanh Covid-19 được cấp phép

Ngày 1.10.2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký Công văn 8259/BYT-DP, gửi sở y tế các tỉnh, thành yêu cầu tăng cường công tác xét nghiệm SARS-CoV-2.

Tại Công văn 8259, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phối hợp với đơn vị liên quan, triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm. Cụ thể:

  • Tại khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: sở y tế chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai lấy mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn tại Công điện số 1409 của Bộ Y tế ngày 15.9.2021, ưu tiên sử dụng xét nghiệm test kháng nguyên nhanh.
  • Tại khu vực nguy cơ: thực hiện xét nghiệm định kỳ 5 - 7 ngày/lần.
  • Tại vùng bình thường mới: thực hiện xét nghiệm khi cơ quan, đơn vị, người dân có nhu cầu hoặc theo đánh giá nguy cơ của cơ quan y tế. Khuyến khích cơ quan, đơn vị, người dân thực hiện tự lấy mẫu và xét nghiệm test kháng nguyên nhanh.

Nếu kết quả xét nghiệm test kháng nguyên nhanh âm tính: tiếp tục theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Trường hợp kết quả xét nghiệm test kháng nguyên nhanh dương tính: thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và thông báo ngay kết quả dương tính test kháng nguyên nhanh tới cơ sở y tế nơi sinh sống, hoặc đường dây nóng do cơ quan y tế trên địa bàn công bố, hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin khai báo Covid-19 để xử lý theo quy định.

Đáng lưu ý, tại Công văn 8259, Bộ Y tế đề nghị sở y tế công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự xét nghiệm test kháng nguyên nhanh dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn.

Bộ Y tế yêu cầu địa phương công bố các loại test nhanh Covid-19 được cấp phép

Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành thực hiện công bố trên website của sở y tế và phương tiện thông tin đại chúng danh sách sinh phẩm xét nghiệm, test kháng nguyên nhanh đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu tại Việt Nam.

Đồng thời, công bố danh sách các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế có cung cấp các sinh phẩm xét nghiệm trên địa bàn để cơ quan, đơn vị và người dân dễ tiếp cận, sử dụng hiệu quả.

Đến ngày 30.9, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong đó, 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm); 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).

Giá bán test xét nghiệm do đơn vị sản xuất, cung ứng tự công bố và chịu trách nhiệm.

Đi bán vàng lấy tiền xoay xở sau nhiều tháng thất nghiệp vì Covid-19

Nếu những ngày thông thường, khung cảnh mua bán nhộn nhịp tại những cửa hàng vàng thường làm người ta liên tưởng tới những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, sau những ngày ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì cảnh nhộn nhịp ở tiệm vàng tại TP.HCM thời gian này đa số lại xuất phát từ những chuyện chẳng mấy vui vẻ.

Cầm trên tay tờ giấy cầm bà Ngô Kim Loan đến một tiệm vàng trên đường Nguyễn Văn Nghi ở Q.Gò Vấp vào chiều 1.10.2021. Đây là tiệm mà trước đó do khó khăn nên bà đã cầm hai chiếc nhẫn và một đôi bông tai.

Dịch bệnh, làm bà không thể đi làm, không có tiền đóng tiền lãi hằng tháng nên bà quyết định bán luôn để có tiền trang trải cuộc sống và lo thuốc thang cho người chồng bị suy thận.

Đi bán vàng lấy tiền xoay xở sau nhiều tháng thất nghiệp vì Covid-19

Số tiền bà nhận được sau khi bán số vàng bà đã cầm sau khi trừ cả lãi lẫn gốc thì cũng không còn dư nhiều. Tuy nhiên, đối với bà Loan lúc này đó là cách duy nhất.

Giống như bà Loan, ông Phan Văn Hùng, chạy xe ôm truyền thống nhưng nhiều tháng nay đã phải nghỉ vì dịch bệnh. Ông cũng phải chấp nhận bán luôn số vàng đã cầm trước đó vì không còn tiền để đóng lãi.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm cho những người lao động vốn đã khó khăn này càng khó khăn hơn. Với họ, ngày hôm nay bán vàng cũng chính là mua lại sự hy vọng. Để những người như họ có thể tiếp tục cố gắng cầm cự tới ngày có thể đi làm, kiếm tiền trở lại.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 2.10 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.