Bản tin Covid-19 ngày 8.12: Thuốc kháng virus rồi sẽ được bán như thuốc cảm?

08/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 8.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 8.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 14.599 ca Covid-19, 24.737 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 8.12 cho biết tính từ 16h ngày 7.12 đến 16h ngày 8.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.599 ca nhiễm mới, 24.737 ca khỏi bệnh. Đây cũng là một trong những ngày ghi nhận số bệnh nhân khỏi bệnh cao nhất từ đầu dịch cho đến nay.

Bản tin cũng thông báo về 230 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.930 ca.

Ngày 8.12: Cả nước 14.599 ca Covid-19, 24.737 ca khỏi | TP.HCM 1.475 ca

Thông tin về 14.599 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 4 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 14.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 760 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 8.322 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.475), Tây Ninh (874), Sóc Trăng (781), Bình Phước (747), Bến Tre (740), Đồng Tháp (725), Cần Thơ (676), Bà Rịa - Vũng Tàu (539), Vĩnh Long (525), Cà Mau (511), Khánh Hòa (489), Đồng Nai (461), Bình Dương (455), Trà Vinh (443), Bạc Liêu (438), Kiên Giang (422), Hà Nội (396), Tiền Giang (307), An Giang (279), Hải Phòng (265), Bình Thuận (262), Hậu Giang (248), Bình Định (234), Thanh Hóa (219), Nghệ An (197), Lâm Đồng (181), Bắc Ninh (173), Đà Nẵng (169), Thừa Thiên-Huế (163), Gia Lai (135), Hà Giang (109), Đắk Nông (100), Ninh Thuận (87), Long An (77), Hưng Yên (72), Phú Yên (67), Quảng Nam (66), Nam Định (60), Quảng Ninh (56), Quảng Ngãi (44), Thái Nguyên (44), Hải Dương (44), Vĩnh Phúc (37), Phú Thọ (34), Thái Bình (33), Quảng Bình (29), Bắc Giang (25), Yên Bái (16), Quảng Trị (14), Tuyên Quang (14), Hòa Bình (10), Sơn La (9), Lào Cai (7), Hà Nam (5), Cao Bằng (3), Điện Biên (2), Lai Châu (1), Bắc Kạn (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-341), Cần Thơ (-222), Bình Dương (-190).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+510), Bến Tre (+299), Kiên Giang (+193).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.777 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.352.122 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.714 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.346.811 ca, trong đó có 1.033.576 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (481.923), Bình Dương (285.589), Đồng Nai (90.555), Long An (38.960), Tây Ninh (35.085).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 24.737 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.036.393 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.506 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.346 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.194 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 172 ca
  • Thở máy xâm lấn: 778 ca
  • ECMO: 16 ca

Từ 17h30 ngày 7.12 đến 17h30 ngày 8.12 ghi nhận 230 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (75) trong đó có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương (1), An Giang (1), Tiền Giang (1), Đồng Nai (2), Long An (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1), Đắc Lắk (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (24), Đồng Nai (18), Bình Dương (16), Tiền Giang (14), Long An (13), Vĩnh Long (12 tử vong trong 02 ngày 7-8.12), Kiên Giang (12), Tây Ninh (11), Cần Thơ (10), Sóc Trăng (4), Lâm Đồng (3), Cà Mau (3), Trà Vinh (2), Khánh Hòa (2), Bình Phước (2), Bình Thuận (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Hà Nội (1), Hải Phòng (1), Hòa Bình (1), Nghệ An (1), Bến Tre (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 204 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.930 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 114.947 xét nghiệm cho 281.180 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 27.285.221 mẫu cho 70.427.988 lượt người.

Trong ngày 7.12 có 861.193 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 129.408.202 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 73.899.767 liều, tiêm mũi 2 là 55.508.435 liều.

Hơn 1.000 nhân viên y tế tại TP.HCM nghỉ việc vì kiệt sức

Sáng 8.12.2021, kỳ họp thứ tư của HĐND TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) bước sang ngày làm việc thứ hai với trọng tâm là phần chất vấn và trả lời chất vấn.

Sẽ đề xuất bán thuốc điều trị Covid-19 như thuốc cảm cúm thông thường

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết đây là buổi chất vấn đầu tiên của HĐND TP.HCM nhiệm kỳ này; Kết quả của phiên chất vấn là tiền đề để các phiên chất vấn sau được tốt hơn.

Các đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn Sở Y tế TP.HCM về các vấn đề nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực y tế, củng cố năng lực cũng như thu hút nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở.

Mở đầu phần chất vấn, đại tá Phạm Văn Rậm, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM nêu thực tế nhân viên y tế nghỉ việc và đặt câu hỏi ngành y tế có chính sách gì để nhân viên y tế tiếp tục ở lại công tác.

Còn đại biểu Tăng Hữu Phong đặt vấn đề và hướng giải quyết của Sở Y tế liên quan đến quy định về biên chế ở các trạm y tế. Quy định này hiện đang bộc lộ nhiều bất cập đối với thành phố đông dân như TP.HCM.

Trước các câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng cho biết thành phố có 20 bác sĩ/10.000 dân, cao gấp đôi cả nước. Tuy nhiên, nhìn ra các nước xung quanh, chỉ số của họ dao động ở mức 36-62 bác sĩ/10.000 dân. Như vậy, chỉ số của TP.HCM vẫn còn thấp so yêu cầu. Bình thường không thiếu nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát thì rất thiếu bác sĩ.

Đặc biệt, trong năm 2021, có khoảng 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc, gấp đôi năm 2020. Theo lãnh đạo Sở Y tế, nguyên nhân là do nhiều người đã kiệt sức vì gần 8 tháng trời chưa được nghỉ và thu nhập thấp.

Ngành y tế đã xây dựng đề án gửi Thường trực UBND TP.HCM các cơ chế chính sách củng cố, nâng cao y tế cơ sở. Cụ thể, về giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác, bớt nghỉ việc. Ngành y tế kiến nghị chính sách trước mắt hỗ trợ về lương. Bác sĩ nhận thêm khoản bằng 1,5 lần lương tối thiểu vùng, còn điều dưỡng nhận thêm một lần lương tối thiểu vùng. Trước đây, TP.HCM đã có hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở nhưng khá thấp, với mức từ 400.000 - 1 triệu đồng/tháng.

Về chính sách thu hút nhân viên y tế đến các trạm, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đã làm việc với các trường đại học, đặc biệt là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về cơ chế mới để thu hút bác sĩ mới tốt nghiệp.

Sở Y tế kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp về trạm y tế thực hành 12 tháng, 6 tháng ở bệnh viện. Thay vì quy định bác sĩ mới tốt nghiệp phải về bệnh viện thực hành 18 tháng. Theo ông Tăng Chí Thượng thì điều này có lợi cho cả bác sĩ lẫn cơ sở y tế.

Ngoài ra, để bác sĩ an tâm thì Sở Y tế cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian xuống y tế cơ sở, mỗi tháng nhận khoảng 1,5 lần lương tối thiểu vùng, không phải đóng tiền thực hành.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng hy vọng đề xuất này thành hiện thực để lúc nào cũng có lực lượng bác sĩ trẻ khám chữa bệnh cho người dân.

Cũng trả lời chất vấn liên quan đến việc thuốc điều trị Covid-19, được bán rộng rãi tại các quầy thuốc tạo sự chủ động cho người dân. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay thuốc kháng vi rút Molnupiravir sau thời gian thử nghiệm đã chứng minh hiệu quả rất rõ. Gần đây, trên thị trường có thêm loại thuốc Paxlovid của Mỹ cũng chứng minh hiệu quả rất tốt.

Hai công ty nắm bản quyền của hai loại thuốc này là Tập đoàn dược phẩm MSD của Mỹ và Công ty Pfizer đã đồng ý nhượng bản quyền cho Việt Nam và Bộ Y tế trong sẽ sắp xếp để cho sản xuất trong nước.

Sở Y tế TP.HCM dự kiến sẽ tham mưu cho phép sản xuất đại trà và bán tại các nhà thuốc. Người dân có thể mua uống như những loại thuốc cảm cúm thông thường khác.

Bộ Y tế phân bổ thêm cho TP.HCM hơn 25.000 liều thuốc Molnupiravir

Theo thông tin từ Bộ Y tế, theo quyết định mới nhất, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm cho TP.HCM hơn 25.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà của thành phố.

Bộ Y tế phân bổ thêm cho TP.HCM hơn 25.000 liều thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19

Đây là thuốc trong chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát tại cộng đồng được Bộ Y tế triển khai đầu tiên tại TP HCM từ tháng 8.2021. Thuốc này thuộc túi thuốc C cấp cho người bệnh.

Như vậy, đến nay TP.HCM đã được Bộ Y tế phân bổ khoảng 100.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir.

Lãnh đạo Cục Khoa học- Công nghệ và Đào tạo (thuộc Bộ Y tế) cho biết đến ngày 7.12.2021 số tỉnh thành điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà là 42 địa phương (tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 11).

Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã cung cấp miễn phí khoảng gần 250.000 liều thuốc bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho người bệnh sử dụng.

Bộ Y tế mới đây cũng công bố các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ triển khai tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%;

Tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỉ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir tại TP.HCM, ngày 7.12, Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, thực hiện nghiêm Luật dược 2016 và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong thử nghiệm, lưu hành thuốc điều trị Covid-19, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh thất thoát, thẩm lậu thuốc ra ngoài thị trường. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Vì sao TP.HCM tạm hoãn cho học sinh lớp 1 và trẻ mầm non đến trường?

Sáng 8.12.2021, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những lý giải vì sao TP.HCM tạm hoãn cho học sinh lớp 1 và trẻ mầm non đến trường theo như kế hoạch.

Vì sao TP.HCM tạm hoãn cho học sinh lớp 1 và trẻ mầm non đến trường?

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tổ chức thí điểm cho học sinh lớp 1, 9 và 12 đến trường học trực tiếp từ ngày 13.12. Sau đó một tuần, trẻ mầm non (lứa 5 tuổi) sẽ đến trường.

Giai đoạn ban hành kế hoạch, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã có hướng dẫn xây dựng kế hoạch tổ chức đi học và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, sau đó qua quá trình trao đổi thông tin với phụ huynh, Sở nhận được phản hồi về số phụ huynh đồng thuận cho học sinh lớp 9 và 12 cao nhưng học sinh lớp 1 lại có tỷ lệ thấp.

Theo kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT TP.HCM cho đến ngày 5.12, với 121.759/131.244 phụ huynh lớp 1 tham gia đợt khảo sát nhưng chỉ có 36.316 phụ huynh (29,82%) phụ huynh đồng ý cho con đi học trực tiếp, số còn lại chưa đồng ý do còn e ngại tình hình dịch bệnh hiện nay.

Trước tình hình này, Sở đã có tờ trình UBND TP.HCM đề xuất nghiên cứu thêm, chưa cho trẻ mầm non lứa 5 tuổi và học sinh lớp 1 đi học trở lại. Sở cũng chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trường nào được các quận huyện xác định an toàn mới tổ chức dạy học.

Sau 2 tuần thực hiện thí điểm cho học sinh lớp 9 và 12 đến trường, nếu thực hiện tốt Sở sẽ có tham mưu UBND TP.HCM mở rộng dần đối tượng được thí điểm, sau đó là toàn bộ học sinh dẫn dần sẽ được đến trường.

Bên cạnh tổ chức thí điểm cho học sinh lớp 9 và 12 đi học trực tiếp, Sở GD-ĐT cũng hướng dẫn các trường tổ chức song song học trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo những học sinh không đến trường vẫn được thầy cô giáo chăm sóc. Dù phương án nào các em vẫn thực hiện liên tục quá trình học tập của mình.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho biết Sở dự kiến lùi thời gian kiểm tra học kỳ 1 đến 20.1.2022

Trước đó, ngày 1.12, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục sau thời gian học sinh ngừng đến trường vì dịch Covid-19.

Việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp thực hiện theo giai đoạn như sau: Giai đoạn 1 từ ngày 13.12 - 25.12 thí điểm dạy học trực tiếp 2 tuần đối với tất cả học sinh lớp 1, lớp 9, lớp 12. Từ tuần thứ 2 là trẻ mẫu giáo 5 tuổi.

Giai đoạn từ ngày 27.12, Sở GD-ĐT tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm 2 tuần dạy trực tiếp và tham mưu UBND TP.HCM xem xét và quyết định mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3.1.

Tuy nhiên hiện nay, TP.HCM tạm hoãn cho học sinh lớp 1 và trẻ mầm non đến trường học trực tiếp.

Nhà hàng, siêu thị xử trí thế nào khi có người nghi mắc Covid-19?

Ngày 7.12.2021, Bộ Y tế đã có Quyết định 5619 về việc ban hành "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng".

Nhà hàng, siêu thị xử trí thế nào khi có người nghi mắc Covid-19?

Theo hướng dẫn mới này, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng... phải có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19 cụ thể.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị này cũng phải công khai tên, số điện thoại của cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch để người lao động/làm việc, người bán hàng và khách hàng biết, liên hệ khi cần thiết. Tạo mã QR hoặc tờ khai y tế để kiểm dịch và trang bị khẩu trang, nước rửa tay tại lối vào khu dịch vụ.

Tại khu vực lối vào, siêu thị, nhà hàng phải tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định. Bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch; có biện pháp kiểm soát mật độ người đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

Tại Quyết định này, Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn cho nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… khi phát hiện người có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở thì phải thông báo cho cán bộ quản lý nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... và cán bộ y tế phụ trách địa bàn. Cán bộ quản lý/cán bộ y tế cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đeo đúng cách.

Người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1 mét với những người khác. Đơn vị quản lý nhà hàng, siêu thị... đưa người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí tại chỗ. Yêu cầu đối với nơi cách ly tạm thời là bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu vực các gian hàng (nếu có thể).

Đồng thời, khu vực cách ly tạm thời cũng phải đảm bảo thoáng khí, thông gió tốt, hạn chế đồ đạc trong phòng, có chỗ rửa tay, thùng đựng rác có nắp đậy kín và có khu vực vệ sinh riêng.

Ngoài ra, đơn vị quản lý phải gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 9095) hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương để được tư vấn và nếu cần thì đến cơ sở y tế khám và điều trị.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển người nghi ngờ mắc Covid-19 đến cơ sở y tế. Đồng thời, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… phát hiện có người nghi nhiễm phải lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại chỗ khi cơ quan y tế yêu cầu.

Giả thuyết mới về nguồn gốc của biến thể Omicron

Một phân tích mới cho thấy số lượng đột biến cao bất thường của Omicron có thể cung cấp manh mối để tìm hiểu biến thể này đã phát triển như thế nào.

Giả thuyết mới về nguồn gốc của biến thể Omicron

Việc các đột biến cùng "chung sống" trong gien S, loại gien đóng vai trò ức chế khả năng phát triển của virus, gợi ý rằng những thay đổi này nhằm mục đích làm cho biến thể lây lan hiệu quả hơn.

Đây là thông tin từ nhóm nghiên cứu do Phó giáo sư Darren Martin từ Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Y học Phân tử tại Đại học Cape Town dẫn đầu.

Nhóm nghiên cứu viết: "Nếu đứng riêng lẻ, các đột biến có thể làm giảm mức độ phù hợp của bất kỳ bộ gien nào mà chúng xuất hiện, nhưng khi xuất hiện cùng nhau, chúng có thể bù đắp sự thiếu hụt lẫn nhau để tạo ra một kiểu gien virus phù hợp hơn".

Giới khoa học đang khẩn trương tìm các thông tin quan trọng về biến thể Omicron, bao gồm sự phát triển, khả năng lây truyền và mức độ bệnh nặng so với những biến thể trước đó như Delta.

Gien S cho phép hình thành protein gai giúp virus xâm nhập vào tế bào của con người. Giáo sư Martin cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các đột biến cho thấy "có thể có sự hợp tác giữa các bộ phận khác nhau của virus".

Nghiên cứu đã đưa ra một số giả thuyết về sự phát triển của Omicron.

Thứ nhất, chủng này xuất hiện từ một khu vực mà việc giám sát bộ gien còn yếu hoặc nơi mọi người ít được tiếp cận với y tế.

Thứ hai, Omicron có thể phát triển ở một người bị suy giảm miễn dịch. Virus phát triển trong cơ thể người này với thời gian đủ dài để cho phép nó đột biến.

Giả thuyết cuối cùng là virus có thể đã xâm nhập trở lại động vật, đột biến và sau đó tái nhiễm sang người.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới và giới chuyên gia y tế đã nhiều lần cảnh báo về việc châu Phi không tiếp cận được với vắc xin và một số quốc gia không có khả năng tổ chức tiêm chủng, mà hậu quả có thể là xuất hiện của những đột biến mới.

Cho tới nay, chỉ 7% dân số của lục địa này được chủng ngừa đầy đủ. Cộng hòa Dân chủ Congo, có dân số 100 triệu người, chỉ mới tiêm vắc xin cho 0,1% dân số. Nước Eritrea chưa được tiêm mũi nào.

miền nam châu Phi, tỉ lệ nhiễm HIV cao đồng nghĩa với việc hàng triệu người bị suy giảm miễn dịch.

Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ cần thêm nhiều dữ liệu để làm rõ các giả thuyết trên.

Châu Phi tiêm ngừa Covid-19 khó khăn chỉ vì thiếu vắc xin?

Nguồn cung cấp vắc xin Covid-19 cho châu Phi cuối cùng cũng đang được tăng cường - nhưng việc tiêm vắc xin cho người dân tại đây vẫn đang đương đầu một thách thức lớn.

Châu Phi tiêm ngừa Covid-19 khó khăn chỉ vì thiếu vắc xin?

Tại phòng khám Sekenani ở vùng nông thôn Kenya, chỉ có một chiếc tủ lạnh dùng được. Nhân viên y tế Gerald Yiaile nói rằng việc đảm bảo có đủ vắc xin Covid-19 là một thách thức lớn.

Nhưng thật ra vắc xin Covid-19 không thiếu đến mức như vậy. Tại thị trấn gần nhất, cách phòng khám 112 km, có 14.000 liều vắc xin đang được trữ trong tủ lạnh. Ví dụ về thiếu vắc xin cục bộ tại phòng khám Sekenani cho thấy những thách thức mà châu Phi đang phải đối mặt, có thể tác động đến đại dịch trên toàn cầu.

Mãi cho đến gần đây, nguồn cung cấp vắc xin cho châu Phi rất thấp, một phần do các nước giàu tích trữ. Chỉ 102 triệu người ở lục địa đen được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng thấp - chỉ 7,5% - tạo cơ hội cho các đột biến virus như biến thể Omicron mới xuất hiện.

Thiếu kinh phí, nhân viên y tế và trang thiết bị ở một số bộ phận đã khiến việc tiêm chủng càng trở nên khó khăn hơn. Với tốc độ cung cấp vắc xin đã cải thiện, và dự kiến tăng lên trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng những điểm yếu như vậy sẽ còn bộc lộ nhiều hơn nữa.

Một lượng đáng kể sẽ là vắc xin Pfizer, đòi hỏi bảo quản trong dây chuyền lạnh. Tiến sĩ Willis Akwhale, đứng đầu lực lượng chuyên trách Covid-19 của chính phủ, cho biết dù Kenya có khả năng lưu trữ 3 triệu liều Pfizer nhưng vẫn lo ngại dây chuyền lạnh sẽ không đủ năng lực.

Một vấn đề khác là lưỡng lực về tiêm vắc xin, có thể do tín ngưỡng hoặc sự không tin tưởng vào các hãng dược phẩm phương Tây. Kenya đã tăng cường tuyên truyền tiêm ngừa Covid-19 qua các quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh cũng như trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 8.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.