Bản tin Covid-19 ngày 6.9: Chờ đợi thông tin mới về giãn cách xã hội

06/09/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 6.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 6.9.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

12.481 ca nhiễm mới, 9.730 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 6.9 cho biết tính từ 17h ngày 5.9 đến 17h ngày 6.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.481 ca nhiễm mới. Trong ngày có 9.730 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 6.9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 311 ca tử vong tại15 tỉnh, thành phố; nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam tính đến nay lên 13.385 ca.

Ngày 6.9: Cả nước 12.481 ca Covid-19, 9.730 ca khỏi | TP.HCM 7.122 ca

Thông tin về 12.481 ca nhiễm mới được công bố vào ngày 6.9 như sau:
- 4 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 12.477 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 8.099 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (7.122), Bình Dương (2.194), Đồng Nai (871), Long An (857), Tiền Giang (234), Kiên Giang (201), Tây Ninh (134), Khánh Hòa (97), Đồng Tháp (95), An Giang (87), Đắk Lắk (79), Cần Thơ (70), Đà Nẵng (63), Bình Thuận (48), Hà Nội (42), Phú Yên (34), Quảng Ngãi (31), Bình Phước (28), Bà Rịa - Vũng Tàu (22), Quảng Bình (21), Trà Vinh (20), Thừa Thiên Huế (14), Gia Lai (13), Sóc Trăng (13), Nghệ An (12), Thanh Hóa (11), Cà Mau (10), Bình Định (9), Vĩnh Long (9), Bạc Liêu (9), Bắc Ninh (7), Lâm Đồng (4), Bến Tre (4), Ninh Thuận (3), Đắk Nông (3), Sơn La (2), Quảng Nam (2), Kon Tum (1), Bắc Giang (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 624 ca. Tại TP.HCM tăng 896 ca, Bình Dương giảm 1.346 ca, Đồng Nai giảm 372 ca, Long An tăng 101 ca, Tiền Giang tăng 101 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 536.788 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 159/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.457 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 532.490 ca, trong đó có 298.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
+ Có 9 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai, Hưng Yên.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (258.536), Bình Dương (134.627), Đồng Nai (29.420), Long An (25.942), Tiền Giang (10.805).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 301.457
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.407 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.128
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.196
- Thở máy không xâm lấn: 142
- Thở máy xâm lấn: 909
- ECMO: 32

Ngày 6.9: Thông báo 311 ca Covid-19 tử vong tại 15 tỉnh thành

Trong ngày 6.9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 311 ca tử vong tại15 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (233), Bình Dương (39), Khánh Hòa (7), Đồng Nai (6), Long An (5), Tiền Giang (5), Kiên Giang (3), Đồng Tháp (2), Đà Nẵng (2), Cần Thơ (2), Sóc Trăng (2), Bình Định (2), Hà Nội (1), Vĩnh Long (1), Tây Ninh (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.385 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn so với tỉ lệ tử vong 2,1% do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 494.756 xét nghiệm cho 1.169.631 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.695.842 mẫu cho 40.159.783 lượt người.
- Trong ngày 5.9 có 567.105 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 22.012.123 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 18.673.340 liều, tiêm mũi 2 là 3.338.783 liều.

Sẽ thí điểm cho người tiêm 2 mũi vắc xin được đi lại bình thường

Ngày 6.9.2021, phát biểu tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết về việc đi lại, Bộ Y tế đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía nam cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc xin Covid-19 (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vắc xin nên chưa có kế hoạch cụ thể).
Trong đó, vắc xin sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vắc xin trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.
Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15.9. Về vắc xin cho trẻ em, Thủ tướng đã có chỉ đạo, Bộ đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể.

Bộ Y tế: Nguồn vắc xin Covid-19 hiện rất hạn chế, chưa tiêm cho học sinh

Đáng chú ý, về việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ Y tế đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch. Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho hay sẽ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của người dân, của các chuyên gia để có giải pháp khắc phục những hạn chế trong phòng chống dịch Covid-19.

TP.HCM lý giải vì sao số ca tử vong do Covid-19 vẫn cao 

Chiều 6.9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình dịch trên địa bàn trong 24 giờ qua.
Ngày 6.9 cũng là ngày cuối sau 2 tuần TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11 của UBND TP.HCM.
Liên quan đến số ca tử vong do Covid-19 tại TP.HCM tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn cao, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) cho biết hiện nay số ca nặng đang điều trị là trên 9.000 ca, trong đó trường hợp thở máy là trên 1.000 ca.

TP.HCM lý giải vì sao số ca tử vong do Covid-19 vẫn cao

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết hệ thống điều trị tại TP.HCM đang cố gắng điều trị các ca rất nặng bằng tất cả các biện pháp tối ưu hóa nhất hiện nay. Tuy nhiên đây là những bệnh nhân tổn thương phổi rất nặng do Covid-19, do đó tỉ lệ tử vong luôn luôn cao, thay đổi từ 30 - 60%. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu hy vọng rằng các y bác sĩ sẽ cố gắng cứu được từ 50 - 60% những ca nặng đang thở máy, vì còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương phổi, trong quá trình điều trị bệnh nhân có mắc thêm bệnh và tổn thương khác hay không.
Về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, trong đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27.4 đến sáng 6.9, TP.HCM đã có tổng cộng 251.933 trường hợp nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó, 251.473 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 460 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TP.HCM đang điều trị 42.665 bệnh nhân, gồm 3.020 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.780 bệnh nhân nặng đang thở máy, và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 5.9 có 2.915 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1.1.2021 đến 5.9 là 128.396; 233 trường hợp tử vong trong ngày 5.9. Tổng số tử vong cộng dồn từ 1.1.2021 đến nay là khoảng 10.685.
Về chiến dịch tiêm vắc xin tại TP.HCM, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 5.9 là 6.553.548. Trong đó tổng số người tiêm mũi 1 là 6.054.992, số người tiêm mũi 2 là 498.556, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 700.519.

Vẫn loay hoay khai báo di biến động dân cư

Từ sáng ngày 6.9, công tác kiểm soát người dân lưu thông trên các tuyến đường tại TP.HCM vẫn được triển khai như thường lệ. Tại các chốt, lực lượng chức năng vẫn kiểm soát chặt chẽ giấy đi đường, kiểm tra mã QR với tất cả phương tiện lưu thông qua chốt.
Cũng theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ sáng sớm 6.9, tại chốt kiểm soát đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn gần Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh), người dân vẫn lưu thông qua chốt như thường lệ bằng các giấy tờ đi đường cũ. Mọi trường hợp đều phải khai báo. Một số trường hợp là nhân viên y tế được ưu tiên qua chốt mà không cần giấy đi đường.
Một cán bộ tại chốt cho biết việc triển khai, kiểm soát giấy đi đường vẫn được thực hiện, chưa có gì thay đổi. Người dân khi đi qua chốt buộc phải trình giấy đi đường và khai báo di chuyển nội địa.
 

Vẫn loay hoay khai báo di biến động dân cư ở chốt kiểm soát Covid-19

Hàng ngàn người ùn ùn tiến vào “vùng đỏ” ở Hà Nội

Sáng 6.9, TP.Hà Nội chính thức bước vào đợt giãn cách xã hội thứ 4, theo hình thức phân vùng “đỏ, cam, xanh” theo tinh thần của Chỉ thị 20, nhằm khoanh vùng nguy cơ cao và nới lỏng cho các vùng nguy cơ thấp.
Để siết chặt “vùng đỏ”, TP.Hà Nội đã cho thiết lập 30 chốt cứng, 39 chốt mềm kiểm soát chặt người ra vào, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, thành phố cũng cho triển khai cấp giấy đi đường mới, để hạn chế người dân ra đường, ra đường đúng đối tượng, dự kiến ngày 8.9, lực lượng chức năng sẽ kiểm soát, xử phạt dựa theo mẫu giấy này.
Là chốt loại 1, kiểm soát người và phương tiện lưu thông qua lại giữa "vùng đỏ" và "vùng cam", chốt kiểm dịch nằm trên đường Cầu Diễn, trục QL32 (P.Phúc Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã sớm đi vào hoạt động để kiểm soát người dân vào "vùng đỏ".
Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, lượng phương tiện trên tuyến này bắt đầu gia tăng, khu vực kiểm soát người vào "vùng đỏ" trên trục QL32 đã xảy ra hiện tượng ùn, ứ. Để không bỏ lọt kiểm soát, giảm ùn tắc, lực lượng chức năng đã phân khúc, mở thêm làn, tuy nhiên phương tiện vẫn ùn ùn đổ về, khiến nhân lực tại chốt làm việc hết công suất.
 

Hàng ngàn người ùn ùn tiến vào “vùng đỏ” Covid-19 ở Hà Nội

Công an Hà Nội công bố đường dây nóng hỗ trợ cấp giấy đi đường

Ngày 6.9, Công an TP.Hà Nội đã công bố các số điện thoại đường dây nóng phục vụ người dân thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy đi đường.
Công an TP.Hà Nội cho biết, để hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đăng ký giấy đi đường theo quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại "vùng đỏ" trong phòng, chống Covid-19, ngoài số hotline đang sử dụng là 0692194299 sẽ có thêm 2 số nữa: 0692194295 và 0692194296.
Bên cạnh đó, Công an TP.Hà Nội cũng cho biết, từ hôm nay, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách lần thứ 4 với phương châm siết chặt hơn, quyết liệt hơn, phương án giãn cách phòng, chống dịch Covid-19 theo 3 vùng ở 3 cấp độ khác nhau. Công an thành phố tiếp tục duy trì và tăng cường các lực lượng cắm chốt, các tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát gắt gao nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp người dân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
 

Công an Hà Nội công bố đường dây nóng hỗ trợ cấp giấy đi đường trong dịch Covid-19

Cửa ngõ Đà Nẵng ra sao kiểm tra giấy đi đường bằng mã QR?

Sau ngày đầu tiên tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoàn thành việc cấp giấy đi đường theo mẫu QR Code mới, ngày 6.9, TP.Đà Nẵng chính thức áp dụng.
Ghi nhận tại chốt kiểm soát của Công an Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) trước siêu thị Co.op Mart, chốt trọng yếu cửa ngõ phía tây vào trung tâm TP.Đà Nẵng, mật độ phương tiện cao nhưng từ khi kiểm tra QR Code thay cho giấy đi đường kiểu cũ, không xảy ra ùn ứ.
Đại úy Nguyễn Thanh Quảng, cán bộ Đội CSGT - Trật tự Công an Q.Thanh Khê, cho biết việc kiểm tra bằng QR Code chỉ mất khoảng 5 giây cho mỗi lượt phương tiện nhưng với điều kiện người điều khiển phương tiện phải chuẩn bị sẵn, xuất trình nhanh giấy tờ tùy thân khi được yêu cầu. Người dân có hợp tác như vậy mới thuận tiện cho lực lượng kiểm soát.
 

Đà Nẵng kiểm tra giấy đi đường bằng mã QR trong dịch Covid-19 ra sao?

TP.HCM và Hà Nội thuộc nhóm có tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 thấp

Đến 8 giờ sáng nay, 6.9, theo cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, TP.HCM và Hà Nội trong danh sách 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp nhất (trong số vắc xin đã được phân bổ).
Thông tin đăng tải trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal) cho thấy, 10 tỉnh, thành đang có tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhất và 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp nhất nước.
Trong đó, 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất (tính theo số mũi tiêm/số vắc xin phân bổ theo quyết định) gồm: Bình Phước (114,38%), Bắc Giang (113,8%), Đồng Tháp (112,34%), Vĩnh Long (111,68%), Cà Mau (109,61%), Bắc Ninh (109,46%), Yên Bái (109%), Lâm Đồng (108,52%), Hà Nam (104,11%) và Ninh Thuận (103,83%).
Số mũi tiêm thực tế có thể nhiều hơn số liều vắc xin phân bổ.
Trong 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp nhất (tính theo số mũi tiêm/số vắc xin phân bổ theo quyết định), tỉnh Bình Dương đứng đầu với mức 48,8%, tiếp đến là Đồng Nai (54,5%), Long An (57,2%), TP.HCM (68,2%) và Hà Nội (72,7%).
5 tỉnh khác gồm: Thái Bình, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Gia Lai có tỷ lệ tiêm đạt từ 73 - 81%.

TP.HCM và Hà Nội thuộc nhóm 10 địa phương có tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 thấp

Nguồn vắc xin Covid-19 hiện rất hạn chế, chưa tiêm cho học sinh

Ngày 6.9.2021, Bộ Y tế vừa có Công văn số 7355/BYT-DP gửi Văn phòng Chính phủ về việc "Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh trung học phổ thông".
Theo Công văn 7355/BYT-DP của Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 28.2.2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin và Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8.7.2021 của Bộ Y tế về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022, đến hết tháng 4.2022 Bộ Y tế dự kiến cung ứng được 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.
Bộ Y tế đã rất tích cực tiếp cận các nguồn vắc xin, nhưng hiện nay số lượng vắc xin phòng Covid-19 cung ứng cho Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu phòng chống dịch theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở tình hình dịch diễn biến phức tạp tại các địa phương, số lượng vắc xin cung ứng và căn cứ đối tượng được tiêm quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP và Quyết định số 3355/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã hướng dẫn địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tiêm cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế cũng cho biết đang tích cực tìm kiếm nguồn cung ứng vắc xin để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch Covid-19. Khi nguồn cung ứng vắc xin đáp ứng đủ, Bộ sẽ hướng dẫn và phân bổ vắc xin về các địa phương; khi đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể, trong đó có đối tượng dưới 18 tuổi bao gồm cả học sinh. 

Đồng Nai nỗ lực tiêm hết 1 triệu liều vắc xin trong 10 ngày

Chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai sáng 6.9.2021, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nhận định trong 5 mũi triển khai chống dịch của Đồng Nai thì 3 mũi tạm thời yên tâm gồm điều trị, an sinh xã hội, an ninh trật tự và công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, 2 mũi còn yếu là xét nghiệm tầm soát F0 và tiêm vắc xin Covid-19 còn chậm.
Về công tác tiêm vắc xin, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đánh giá hiện tỉnh đang tiêm bình quân hơn 80.000 mũi/ngày nhưng vẫn còn chậm và yêu cầu các đội tiêm chung cần tăng tốc hơn nữa.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, đến sáng 6.9, Đồng Nai ghi nhận gần 30.000 ca F0. Về vắc xin, Bộ Y tế cấp tổng cộng 1,8 triệu liều nhưng đến nay mới tiêm hơn 800.000 liều. Đồng Nai đang xin thêm 3 triệu liều vắc xin nữa để đạt mục tiêu phủ vắc xin cho 2,4 triệu người trên 18 tuổi.
 

Bí thư Đồng Nai nói về "công dân vắc xin", yêu cầu tiêm 100.000 liều/ngày

Nhiều F0 cách ly tại nhà ở TP.HCM chậm được nhận thuốc

Thời gian qua, F0 cách ly tại nhà phản ánh không có túi thuốc A, B hoặc C theo quy định. Có trạm y tế cho biết được cấp thuốc rất ít so với thực tế số ca F0 trên địa bàn.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức; Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức về việc cấp phát túi thuốc cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà (gọi tắt là F0 cách ly tại nhà).
Theo Sở Y tế TP.HCM, sau khi ban hành các quy định về F0 cách ly tại nhà, Sở đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc A (thuốc giảm đau, hạ sốt, vitamin… ) và túi thuốc B (kháng viêm, kháng đông), Bộ Y tế cũng cấp 16.000 túi thuốc C (thuốc kháng vi rút Molnupiravir). Sở đã phân bổ vượt so với số F0 cách ly tại nhà do quận, huyện và TP.Thủ Đức báo cáo.
Nhưng qua kết quả kiểm tra, giám sát của Sở Y tế TP.HCM về hoạt động chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà và báo cáo số liệu cấp phát túi thuốc đến F0 còn chậm. Còn nhiều F0 cách ly tại nhà chưa được nhận túi thuốc, điều này gây bức xúc cho F0.
Hiện tỷ lệ cấp phát túi thuốc A, B từ trung tâm y tế xuống trạm y tế của một số nơi rất thấp, như: H.Nhà Bè (9,39%), Cần Giờ (4,58%) Hóc Môn (31,87%), Q.5 (23,29%)… Tương tự, túi thuốc C, chỉ có Q.7 cấp phát 100% cho trạm y tế. Còn nhiều quận, huyện cấp phát tỷ lệ rất thấp, như: Q.8 (3,54%), Q.4 (7,26%), Cần Giờ (0%)…
Trước thực trạng này, Sở Y tế TP.HCM nghiêm khắc phê bình những trung tâm y tế, trạm y tế chậm triển khai đưa túi thuốc đến cho F0 cách ly tại nhà.

Vì sao nhiều F0 Covid-19 cách ly tại nhà chậm được nhận thuốc?

Bình Dương nới lỏng giãn cách, cấp thẻ cho người đã tiêm vắc xin

Từ ngày 6.9, các huyện thị thuộc vùng xanh ở Bình Dương chính thức kết thúc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thay vào đó sẽ thực hiện Chỉ thị 15+, tiếp tục tập trung phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương giao cho UBND các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên đã đủ điều kiện công bố vùng xanh, căn cứ tình hình thực tế để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15+, tiếp tục tập trung phòng chống dịch Covid-19.
Chỉ thị 15+ cho phép nới lỏng một số lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thiết yếu hoạt động trở lại nhưng hạn chế số lượng người phục vụ và đảm bảo giãn cách, các cửa hàng ăn uống được bán mang đi, không phục vụ tại chỗ.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có văn bản quyết định không thực hiện cấp “Thẻ thông hành” cho người dân ra đường sau khi có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc cấp loại thẻ này là việc làm không cần thiết, phiền hà, gây lãng phí về nhân lực, vật lực.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Dương cũng lưu ý các huyện vùng xanh có thể cấp “thẻ xanh” cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và “thẻ vàng” cho người tiêm 1 mũi vắc xin.

Bình Dương nới lỏng giãn cách, cấp thẻ cho người đã tiêm vắc xin Covid-19

Nữ sinh ngành y “thăm khám” cho F0 ở TP.HCM từ Quảng Trị
Trần Thị Phương Thảo (ở xã Cam Thuỷ, H.Cam Lộ, Quảng Trị) hiện đang là sinh viên năm thứ 6 Đại học Y dược TP.HCM. Thông qua các phương tiện trực tuyến, Thảo đã cùng các bác sĩ và các sinh viên ngành y đang hỗ trợ từ xa cho F0 điều trị tại nhà.
Trần Thị Phương Thảo hiện nay đã trở về quê, tuy nhiên, cô vẫn là điều phối viên của đội hình theo dõi sức khoẻ từ xa cho F0 điều trị tại nhà trên địa bàn Q.8 (TP.HCM). Đội hình sẽ gồm nhiều nhóm và mỗi nhóm có lực lượng y bác sĩ cùng các sinh viên ngành y. Mỗi ngày, đội hình sẽ nhận danh sách F0 từ phường gửi về và tiến hành hỗ trợ điều trị tại nhà cho các F0 bằng cách gọi điện thăm khám và theo sát diễn biến bệnh của F0 mỗi ngày, mỗi giờ.
Ngoài việc hỗ trợ thăm khám và theo dõi sức khoẻ của F0 điều trị tại nhà thì các sinh viên như Phương Thảo còn đảm nhận nhiệm vụ điều phối nhân sự của mô hình. Với nhiệm vụ này, mỗi ngày các em sẽ liên hệ với các trạm y tế để được gửi danh sách F0 mới của địa phương. Sau đó sẽ tiến hành sàng lọc, phân về các nhóm để theo dõi.
Trước tình trạng quá tải đang diễn ra tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM, cùng với đội hình ứng trực tại hiện trường, giờ đây những thành viên của mạng lưới hỗ trợ từ xa như Phương Thảo và các y bác sỹ, sinh viên ngành y đang trở thành niềm hy vọng cho các bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 hôm nay 6.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.