Bản tin Covid-19 ngày 5.4: Cả nước hơn 9,9 triệu ca | Kinh tế phục hồi gần như trước đại dịch

05/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 5.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 5.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 54.995 ca Covid-19, 303.455 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 5.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 4.4 đến 16h ngày 5.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 54.995 ca nhiễm mới, tất cả đều là ca trong nước.

Có tới 303.455 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 39 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.681 ca.

Ngày 5.4: Cả nước 54.995 ca Covid-19, 303.455 ca khỏi | Hà Nội 5.199 ca | TP.HCM 1.158 ca

Thông tin về nhận 54.995 ca nhiễm mới như sau:

  • 0 ca nhập cảnh.
  • 54.995 ca ghi nhận trong nước (tăng 6.280 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 38.040 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (5.199), Nghệ An (2.925), Phú Thọ (2.827), Bắc Giang (2.357), Yên Bái (2.280), Hà Giang (2.024), Bắc Kạn (1.990), Quảng Ninh (1.972), Đắk Lắk (1.901), Vĩnh Phúc (1.824), Lào Cai (1.766), Quảng Ngãi (1.504), Hưng Yên (1.398), Tuyên Quang (1.249), Hải Dương (1.248), Cao Bằng (1.233), TP.HCM (1.158), Thái Bình (1.152), Quảng Bình (1.113), Thái Nguyên (963), Tây Ninh (940), Lâm Đồng (930), Sơn La (925), Lạng Sơn (876), Hòa Bình (832), Vĩnh Long (764), Bắc Ninh (731), Cà Mau (726), Quảng Trị (665), Lai Châu (662), Hà Tĩnh (633), Hà Nam (596), Bình Định (589), Đà Nẵng (586), Điện Biên (552), Đắk Nông (516), Bình Dương (514), Ninh Bình (496), Nam Định (467), Bình Phước (451), Phú Yên (393), Bà Rịa - Vũng Tàu (347), Hải Phòng (332), Thanh Hóa (322), Thừa Thiên-Huế (317), Trà Vinh (280), Khánh Hòa (273), Quảng Nam (269), Bình Thuận (232), Bến Tre (145), An Giang (94), Bạc Liêu (94), Đồng Tháp (77), Long An (70), Kon Tum (51), Kiên Giang (44), Cần Thơ (43), Đồng Nai (38), Ninh Thuận (17), Hậu Giang (13), Tiền Giang (10).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-2.024), Hà Nội (-669), Bắc Giang (-292).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (+1.238), Bắc Kạn (+962), Quảng Ngãi (+877).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 65.600 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.922.040 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 100.350 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.914.301 ca, trong đó có 8.144.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.507.310), TP.HCM (598.098), Nghệ An (405.832), Bình Dương (379.578), Hải Dương (349.303).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 303.455 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.147.290 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.055 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.481 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 261 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 51 ca
  • Thở máy xâm lấn: 260 ca
  • ECMO: 2 ca

Từ 17h30 ngày 4.4 đến 17h30 ngày 5.4 ghi nhận 39 ca tử vong tại: Đắk Lắk (5), Bến Tre (4), Lạng Sơn (4 ca trong 2 ngày), Bạc Liêu (3), Gia Lai (3), Nghệ An (3), Bình Thuận (2), Phú Thọ (2), Quảng Nam (2), Thái Nguyên (2), Bình Dương (1), Đồng Tháp (1), Hà Nội (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Quảng Ninh (1), Sóc Trăng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 38 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.681 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 38.757.853 mẫu tương đương 84.742.786 lượt người.

Trong ngày 4.4 có 469.316 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 207.023.415 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 189.829.384 liều: Mũi 1 là 71.249.659 liều; Mũi 2 là 68.081.142 liều; Mũi 3 là 1.505.474 liều; Mũi bổ sung là 14.957.246 liều; Mũi nhắc lại là 34.035.863 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.194.031 liều: Mũi 1 là 8.810.098 liều; Mũi 2 là 8.383.933 liều.

Kinh tế phục hồi gần như trước đại dịch Covid-19

Chiều 4.4.2022, nhận định về tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn Chính phủ, cho biết quý 1 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế phục hồi gần như trước đại dịch Covid-19

Trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch trong khi kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát dù chịu nhiều sức ép; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.

Thu ngân sách nhà nước trên 460.000 tỉ đồng, đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với hơn 562.000 tỉ đồng, tăng 8,9%. Tăng trưởng tín dụng đạt 4,03% (năm 2021 tăng 1,47%). Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 76.300 tỉ đồng, bằng 14,4% kế hoạch năm và tăng 10,6% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỉ USD, tăng 7,8%, đạt mức cao nhất so với quý 1 các năm từ 2018 đến nay.

Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường đạt kỷ lục với 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ, trong đó riêng tháng 3, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 96,3% với số vốn đăng ký tăng 127,3%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 7,07%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37% để tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực khi chăn nuôi phục hồi tốt; sản lượng thủy sản quý 1 tăng 2% với nuôi trồng tăng 5,1%; đặc biệt các sản phẩm chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá tra... được mùa, được giá.

Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, đặc biệt sôi động trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó tháng 3 tăng 9,4%. Hoạt động du lịch trên cả nước có dấu hiệu “ấm” trở lại, khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ khi kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 66,73 tỉ USD, tăng 36,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 176,35 tỉ USD (tăng 14,4%).

Dù vậy, Chính phủ xác định vẫn còn không ít khó khăn. Đó là các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát tăng khi giá cả tăng, nhất là giá xăng dầu. Tội phạm chứng khoán, bất động sản, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp. Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trước hết phải tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ.

Hộ chiếu vắc xin Covid-19 của Việt Nam được 17 quốc gia công nhận

Trả lời Báo Thanh Niên chiều 4.4.2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết từ sau khi Bộ Y tế ban hành mẫu hộ chiếu vắc xin Covid-19 của Việt Nam cuối năm 2021, Bộ Ngoại giao đã giới thiệu mẫu giấy tờ này với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Hộ chiếu vắc xin Covid-19 của Việt Nam được 17 quốc gia công nhận

Các cơ quan này đã tích cực vận động nước sở tại chính thức công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam. Tới nay, Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vắc xin Covid-19 lẫn nhau với 17 quốc gia, gồm: Mỹ, Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Úc, Belarus, Ấn Độ, Philippines, Maldives, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Sri Lanka, New Zealand, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc và Campuchia.

Người mang hộ chiếu vắc xin của các nước vừa nêu vào Việt Nam sẽ được áp dụng các biện pháp y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 như người đã tiêm vắc xin tại Việt Nam. Ngược lại, người Việt Nam mang hộ chiếu vắc xin tới 17 quốc gia cũng sẽ được áp dụng các biện pháp y tế như đối với người Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.

Hộ chiếu vắc xin Covid-19 được công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19. Hộ chiếu vắc xin Covid-19 được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực… Hộ chiếu vắc xin Covid-19 nước ngoài được coi là hợp lệ và được sử dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam nếu được công nhận chính thức hoặc tạm thời bởi Chính phủ Việt Nam.

Cũng theo bà Lê Thị Thu Hằng, đến nay, Việt Nam vẫn đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vắc xin của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao Việt Nam (bao gồm 17 quốc gia đã đàm phán công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau). Theo danh sách được cập nhật trên cổng thông tin Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, các quốc gia, vùng lãnh thổ đang được Việt Nam công nhận tạm thời giấy chứng nhận tiêm vắc xin có Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Ý, Úc, Thái Lan, Indonesia…

Công dân của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 khi tới Việt Nam cũng sẽ được áp dụng các biện pháp y tế như đối với người Việt Nam.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh vào Việt Nam do Bộ Y tế ban hành ngày 15.3, người nhập cảnh về Việt Nam theo đường hàng không không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mà chỉ cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nhập cảnh chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2; và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận. Trường hợp nào không có giấy chứng nhận thì có thể tiến hành xét nghiệm ngay tại sân bay.

Trên thực tế, hiện tại, ở một số quốc gia, giấy chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 cũng không phải là yêu cầu bắt buộc khi người nước ngoài nhập cảnh. Tuy nhiên, một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, có thể yêu cầu giấy chứng nhận tiêm vắc xin đối với khách hàng. Theo bà Lê Thị Thu Hằng, yêu cầu đối với hộ chiếu vắc xin ở các quốc gia có thể thay đổi tùy vào tình hình dịch bệnh ở các nước sở tại vào các thời điểm khác nhau. Do đó, hiện tại, các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao vẫn đang tích cực đàm phán để các nước chính thức công nhận hộ chiếu vắc xin Covid-19 của Việt Nam.

3 điều kiện cơ bản để được cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19

Theo Bộ Y tế, từ 15.4.2022 hộ chiếu vắc xin Covid-19 đồng loạt cấp trên cả nước.

3 điều kiện cơ bản để được cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19

Để được cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19, các cá nhân cần đảm bảo các điều kiện:

Người đã tiêm vắc xin và được cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống, kiểm tra thông tin trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Thông tin phải được xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp chưa được nhập dữ liệu trên hệ thống, cần liên hệ với đơn vị tiêm chủng để được cập nhật.

Những trường hợp sai hoặc thiếu thông tin tiêm chủng sẽ không được cấp hộ chiếu vắc xin. Trong trường hợp này, người này cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để bổ sung, cập nhật; có thể phản ánh trực tiếp với đơn vị tiêm hoặc phản ánh lên Cổng thông tin tiêm chủng (tiemchungcovid19.gov.vn).

Theo Cục Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Y tế), để đảm bảo kịp thời cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 cho người dân, sở Y tế cần chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức buổi tiêm vắc xin phòng Covid-19; đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị tiêm chủng tại đơn vị thực hiện ứng dụng nền tảng quản lý tiêm vắc xin phòng Covid-19 như: nhập thông tin đối tượng tiêm chủng, báo cáo kết quả tiêm, xử lý các phản ánh của người dân...

Tăng cường tổ chức các đoàn đi kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp

Với người dân đã tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế lưu ý cần khai báo chính xác thông tin và được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ được cấp hộ chiếu vắc xin và không phải thực hiện thủ tục gì thêm.

Theo Bộ Y tế, hộ chiếu vắc xin sẽ được hiển thị trên ứng dụng số Sức khỏe điện tử, PC-COVID.

Theo Cục Công nghệ thông tin, để được cấp hộ chiếu vắc xin, người dân cần tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-COVID về điện thoại, cung cấp đúng thông tin tương ứng như trong giấy xác nhận tiêm chủng sẽ được cấp hộ chiếu vắc xin. Hộ chiếu sẽ hiển thị thông tin người tiêm chủng, các mũi tiêm, ngày tháng tiêm, số lô vắc xin, loại vắc xin và nơi tiêm.

Người dân dù chỉ tiêm 1 mũi, 2 mũi hay đã tiêm 3 mũi vắc xin Covid-19 đều được cấp hộ chiếu vắc xin. Để đủ điều kiện nhập cảnh, mỗi nước sẽ có quy định khác nhau với các khách nhập cảnh về yêu cầu số mũi vắc xin Covid-19 đã tiêm.

Chăm sóc trẻ như thế nào trước và sau tiêm vắc xin Covid-19?

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết khoảng đầu tháng 4.2022, sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Do đó, vấn đề chăm sóc trẻ như thế nào trước và sau tiêm chủng được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Chăm sóc trẻ như thế nào trước và sau tiêm vắc xin Covid-19?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết phụ huynh nên cho trẻ ăn nhẹ trước khi đi tiêm vắc xin Covid-19, không nhịn đói, nhưng cũng không ép trẻ ăn quá no.

Phụ huynh không cho trẻ uống chất kích thích như nước ngọt, trà sữa, cà phê, nước tăng lực... vào ngày tiêm vắc xin. Cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong thời tiết nắng nóng hiện nay khiến trẻ dễ đổ mồ hôi, mau mệt trong khi chờ đến lượt được tiêm vắc xin.

Phụ huynh có thể cho trẻ uống viên sủi hoặc siro chứa các loại vitamin mà trẻ đang thường sử dụng vào buổi sáng ngày đi tiêm vắc xin. Bác sĩ lưu ý phụ huynh không tự ý ngừng các loại thuốc uống điều trị bệnh mạn tính mà trẻ đang uống theo toa bác sĩ.

Cha mẹ, người lớn trong nhà và nhà trường cần lưu ý dặn dò trẻ nếu có dấu hiệu gì khó chịu phải báo ngay. Trẻ được theo dõi 30 phút sau tiêm tại địa điểm tiêm chủng và ít nhất 3 ngày đầu tiên sau tiêm, luôn cần có người lớn theo sát và kịp thời thấy những triệu chứng bất thường.

Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh lưu ý phụ huynh nên ghi nhận nhiệt độ của con mỗi 4-6 giờ, không nên cho con ngủ một mình, để ý con khi ở quá lâu trong nhà vệ sinh hay phòng riêng, nên cho con ăn uống ở nhà để đề phòng tình trạng ngộ độc thức ăn bên ngoài, không tập thể dục hay vận động thể lực nặng.

Trẻ cần ngủ đủ và uống đủ nước. Trẻ không cần kiêng tắm rửa hay thức ăn gì, trừ những thức ăn mà đã làm trẻ dị ứng trước đây, hạn chế uống những chất kích thích như cà phê, nước ngọt, trà sữa, nước tăng lực...

Phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu bất thường để cho trẻ nhập viện theo dõi ngay. Các triệu chứng bao gồm như kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở, phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ...

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt vắc xin phòng Covid-19 Pfizer và Moderna cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam. Trẻ sẽ chỉ tiêm 2 mũi vắc xin cùng loại (cách nhau 4 tuần), không tiêm trộn vắc xin. Công tác tiêm chủng sẽ được triển khai trong tháng 4, tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động. Triển khai trước cho nhóm từ 11 tuổi, tức trẻ học lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi.

WHO công bố 5 sự thật về biến thể Covid-19 mới nhất XE

Cho đến nay đã có 637 trường hợp nhiễm biến thể XE được báo cáo ở Anh.

Ngay khi mọi người đang khấp khởi mừng vì số ca nhiễm Covid-19 đang giảm, một biến thể mới đã xuất hiện.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể mới của XE đã được phát hiện và điều đáng lưu tâm là biến thể này có tốc độ lây truyền cao hơn nhiều so với biến thể Omicron - vốn đã nổi tiếng là siêu lây, theo nhật báo Ấn Độ Times of India.

Điều đáng báo động là biến thể Omicron với mức lây thấp hơn 10 lần so với biến thể này - đã gây ra làn sóng Covid-19 thứ 3 trên toàn thế giới ngay trong thời gian ngắn, mặc dù không gây bệnh nặng.

WHO công bố 5 sự thật về biến thể Covid-19 mới nhất XE

Sau đây là 5 sự thật về biến thể XE được các chuyên gia y tế toàn cầu WHO tiết lộ.

1. Biến thể XE là sự tái tổ hợp của Omicron BA.1 và BA.2

Từ lâu, WHO đã cảnh báo chúng ta chống lại sự xuất hiện của các thể tái tổ hợp. Sau Deltacron, Flurona, và bây giờ đến XE.

Biến thể XE được cho là sự tái tổ hợp của Omicron BA1 và BA2.

Sự tái tổ hợp giữa các chủng virus không phải là mới. Biến thể tái tổ hợp xảy ra khi người bệnh nhiễm từ 2 biến thể, các biến thể này tái tổ hợp với nhau bằng cách chia sẻ vật liệu di truyền.

Tái tổ hợp có nguy hiểm không?

Tiến sĩ Susan Hopkins, Cố vấn Y tế, Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết: Đa số các tái tổ hợp không mang lại lợi thế cho virus và chết đi tương đối nhanh chóng, theo Times of India.

2. Biến thể XE rất có khả năng là biến thể đáng lo ngại

Về mức độ hung hãn của biến thể, tiến sĩ Hopkins nói: "Loại tái tổ hợp đặc biệt này, XE, đã cho thấy tốc độ tăng trưởng cao nhưng chúng tôi vẫn chưa thể xác nhận liệu có thực sự như vậy không. Cho đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng hoặc hiệu quả của vắc xin đối với biến thể này".

Theo WHO, biến thể đáng lo ngại là biến thể có sự thay đổi cấu trúc gien - có thể gây nguy hiểm cho nhân loại và có tốc độ phát triển cao.

3. Biến thể XE có khả năng lây truyền cao

Biến thể XE được cho là có khả năng lây truyền cao. Theo các báo cáo, nó có khả năng lây truyền cao gấp 10 lần so với biến thể Omicron - vốn lây lan nhanh hơn tất cả các chủng Covid-19 từ trước đến nay, theo Times of India.

4. Vẫn chưa biết XE có gây bệnh nghiêm trọng không

Theo WHO, các nhà khoa học đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết xem có sự khác biệt đáng kể nào về sự lây truyền và mức độ nghiêm trọng giữa các chủng Omicron trước đây và chủng tái tổ hợp này hay không.

5. Cho đến nay, đã có 637 trường hợp XE được báo cáo

WHO trong báo cáo mới cho biết có tổng cộng 637 trường hợp XE đã được xác nhận ở Anh cho đến nay. Trường hợp đầu tiên được phát hiện ngày 19.1.2022. Cơ quan này cũng phát hiện thấy các biến thể tái tổ hợp khác với một số trường hợp, như XD, XF, theo Times of India.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 5.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.