Bản tin Covid-19 ngày 30.3: Cả nước hơn 9,4 triệu ca | Những ai cần đi khám hậu Covid-19?

30/03/2022 20:37 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 30.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 30.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 85.765 ca Covid-19, 114.685 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 30.3 cho biết tính từ 16h ngày 29.3 đến 16h ngày 30.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 85.765 ca nhiễm mới, 114.685 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 41 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.454 ca.

Thông tin về 85.765 ca nhiễm mới như sau:

  • 6 ca nhập cảnh.
  • 85.759 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.619 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 62.336 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (8.141), Bắc Giang (3.999), Nghệ An (3.731), Phú Thọ (3.580), Đắk Lắk (3.381), Yên Bái (3.206), Lào Cai (3.081), Lạng Sơn (2.625), Quảng Ninh (2.564), Quảng Bình (2.389), Hà Giang (2.356), Vĩnh Phúc (2.326), Thái Bình (2.067), Sơn La (2.023), Bắc Kạn (1.907), Bắc Ninh (1.854), Hải Dương (1.783), Tuyên Quang (1.747), Hưng Yên (1.735), Cao Bằng (1.640), Cà Mau (1.618), Quảng Trị (1.590), Lâm Đồng (1.530), Vĩnh Long (1.454), Bình Định (1.391), Tây Ninh (1.391), Thái Nguyên (1.341), Hòa Bình (1.328), Hà Nam (1.308), Điện Biên (1.295), Bình Dương (1.210), Lai Châu (1.056), Ninh Bình (1.047), Bình Phước (1.034), TP.HCM (984), Bến Tre (899), Hà Tĩnh (784), Đà Nẵng (783), Quảng Ngãi (766), Bà Rịa - Vũng Tàu (712), Nam Định (695), Thừa Thiên-Huế (672), Trà Vinh (642), Thanh Hóa (570), Hải Phòng (466), Khánh Hòa (466), Đắk Nông (452), Bình Thuận (423), Phú Yên (320), Quảng Nam (276), Kon Tum (201), An Giang (189), Bạc Liêu (163), Kiên Giang (135), Long An (117), Sóc Trăng (112), Đồng Tháp (54), Đồng Nai (49), Cần Thơ (41), Hậu Giang (29), Ninh Thuận (26), Tiền Giang (5).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-852), Phú Thọ (-722), Đắk Nông (-567).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+667), Lạng Sơn (+646), Bắc Ninh (+398).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 97.357 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.472.254 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 95.889 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.464.532 ca, trong đó có 7.265.714 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.466.728), TP.HCM (593.661), Nghệ An (388.472), Bình Dương (375.739), Hải Dương (341.194).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 114.685 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 7.268.531 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.635 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.901 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 349 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 96 ca
  • Thở máy xâm lấn: 284 ca
  • ECMO: 5 ca

Từ 17h30 ngày 29.3 đến 17h30 ngày 30.3 ghi nhận 41 ca tử vong tại: Kiên Giang (6), Bến Tre (4), Đắk Lắk (4), Sóc Trăng (4), Lạng Sơn (3), Bình Dương (2), Bình Định (2), Trà Vinh (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bạc Liêu (1), Cần Thơ (1), Đà Nẵng (1), Đắk Nông (1), Điện Biên (1), Đồng Nai (1), Gia Lai (1), Lâm Đồng (1), Nam Định (1), Thái Nguyên (1), Thanh Hóa (1), TP.HCM (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 54 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.454 ca, chiếm tỉ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện được 38.292.050 mẫu tương đương 84.217.005 lượt người.

Trong ngày 29.3 có 386.237 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 205.882.049 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 188.708.919 liều: Mũi 1 là 71.231.603 liều; Mũi 2 là 68.034.244 liều; Mũi 3 là 1.502.593 liều; Mũi bổ sung là 14.902.166 liều; Mũi nhắc lại là 33.038.313 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.173.130 liều: Mũi 1 là 8.802.438 liều; Mũi 2 là 8.370.692 liều.

Những ai cần đi khám hậu Covid-19

Hiện nay, nhiều người sau khi khỏi bệnh Covid-19, xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào cũng nghĩ là do hậu Covid-19 nên tâm lý hoang mang, nhanh chóng đi khám bệnh để yên tâm.

Những ai cần đi khám hậu Covid-19

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), trước khi có Covid-19, tại các bệnh viện vẫn có số lượng lớn người bị cao huyết áp, bị viêm khớp, tiểu đường, viêm tai, viêm ruột... Nếu vậy thì thật vô lý khi sau đại dịch, có bệnh gì cũng đổ tại hậu Covid-19.

Tâm lý ổn định đóng vai trò quan trọng với người bệnh Covid-19. Thời gian qua, nhiều người truyền nhau các thông tin về hậu Covid-19, nhất là thông tin về phổi khiến nhiều người hoảng loạn. Nếu muốn đi khám hậu Covid-19 thì nên chọn những cơ sở uy tín tránh bị vẽ vời để rồi tiền mất tật mang.

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết không phải tất cả mọi người sau khi khỏi Covid-19 cần đi khám hậu Covid-19. Tuy nhiên cũng không nên có tư tưởng chủ quan, hậu Covid-19 sẽ không sao. Nhóm cần đi khám hậu Covid-19 gồm:

  • Người có nguy cơ cao như người lớn tuổi, từng nhập viện điều trị Covid-19, người có nhiều bệnh nền
  • Người có triệu chứng bất thường sau một tháng khỏi bệnh mà không thể lý giải bằng nguyên nhân khác.

Với nhóm người khỏe mạnh thì tiếp tục tập thể dục, nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng, vận động, lắng nghe cơ thể.

Theo bác sĩ Nguyễn Như Vinh, hiện có 3 định nghĩa về hội chứng Covid-19 kéo dài.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người được xem mắc hội chứng hậu Covid-19 kéo dài khi xuất hiện các triệu chứng không thể lý giải sau 3 tháng mắc Covid-19 và triệu chứng này kéo dài trong 2 tháng.

Trong khi đó Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ định nghĩa hội chứng Covid-19 kéo dài là những triệu chứng không lý giải được bằng lý do khác mà người bệnh gặp phải sau hơn 4 tuần khỏi bệnh.

Theo Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (NICE), mốc thời gian để xác định một người mắc Covid-19 là sau 3 tháng.

Nếu theo định nghĩa của WHO thì số người ở Việt Nam mắc hội chứng Covid-19 là rất ít. Định nghĩa này có tính chất tương đối trong nghiên cứu còn khó áp dụng thực tế. Ví dụ nếu một người có triệu chứng ho sau 3 tháng, triệu chứng này xuất hiện liên tục trong 1 tháng thì vẫn phải cần đi khám hậu Covid-19 sớm chứ không thể chờ đến 2 tháng mới khám.

Diễn tiến bệnh Covid-19 chia 3 giai đoạn. Giai đoạn cấp tính là kể từ khi có triệu chứng, test nhanh dương tính, thường dài khoảng 4 tuần. Trong giai đoạn cấp tính, nhiều khả năng các triệu chứng sẽ tự hồi phục. Tuy nhiên nếu người bệnh cảm thấy các triệu chứng nặng lên như ho nhiều ra máu, khó thở nhiều, sốt không hạ... thì cũng nên đi khám.

Từ 4 tuần đến 12 tuần là giai đoạn Covid-19 vẫn tiến triển, xét nghiệm âm tính nhưng bệnh chưa khỏi hoàn toàn. Sau 12 tuần được xem là giai đoạn hậu Covid-19. Như vậy, hội chứng Covid-19 kéo dài bao gồm cả giai đoạn tiến triển và hậu Covid-19, tức từ 4 tuần đến 12 tuần trở lên.

Tại Việt Nam, phần lớn người dân có triệu chứng và đi khám từ 4 tuần trở lên, tương tự định nghĩa của CDC Mỹ. Một người có triệu chứng bất thường sau khi khỏi Covid-19 một tháng mà chính bản thân hay nhân viên y tế không thể lý giải bằng nguyên nhân khác thì mới gọi đó là Covid-19 kéo dài. Ví dụ một người bị tiểu đường, trong thời gian bị Covid-19 không thể mua thuốc uống đều đặn nay khỏi Covid-19 cảm thấy mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều thì là do tiểu đường không kiểm soát được, có lý do chứ không phải do hậu Covid-19.

Hay nếu một bệnh nhân bị ho sốt, khó thở nhưng hình chụp X-quang phổi cho thấy dấu hiệu bệnh lao thì đây không phải hậu Covid-19. Do đó để biết một triệu chứng có phải hậu Covid-19 hay không, bác sĩ phải loại trừ các lý do gây nên triệu chứng đó. Khi không tìm được lý do thì mới gọi đó là hậu Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh cho biết thêm thời gian qua, phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận gần 20.000 bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên tỉ lệ nhập viện điều trị ít.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng người bệnh để kết luận các triệu chứng có liên quan đến Covid-19 hay không và có hướng điều trị.

Với bệnh nhân không có triệu chứng nhưng có yêu cầu thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu để yên tâm, tùy trường hợp bác sĩ xem xét phù hợp mới chỉ định.

Có một số phụ huynh đi khám dẫn trẻ theo và muốn chụp X-quang cho trẻ. Tuy nhiên nếu thăm khám phổi trẻ tốt bình thường thì không cần làm, vì tia X-quang có thể không tốt cho sức khỏe trẻ, không nên lạm dụng.

Theo WHO, đối với Covid-19 kéo dài, không có phương pháp điều trị chung cho tất cả bệnh nhân. Việc điều trị phải lấy bệnh nhân làm trung tâm và tập trung vào các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Các biện pháp chủ yếu là phục hồi chức năng hoặc kỹ thuật tự quản lý để giúp mọi người cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.

Dấu hiệu cấp cứu với phụ nữ mang thai mắc Covid-19 điều trị tại nhà

Theo "Hướng dẫn chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc Covid-19" vừa được Bộ Y tế ban hành ngày 28.3.2022, tiêu chí đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc Covid-19 được chăm sóc tại nhà được áp dụng các tiêu chí theo quy định tại Mục 2 của "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19" và một số yêu cầu đặc thù.

Dấu hiệu cấp cứu với phụ nữ mang thai mắc Covid-19 điều trị tại nhà

Cụ thể, người mắc Covid-19 là phụ nữ có thai để được điều trị tại nhà phải là người chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ, chưa có dấu hiệu chuyển dạ, không có một trong các dấu hiệu cấp cứu hoặc bất thường sản khoa.

Lưu ý, phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú... khi chưa có chỉ định, kê đơn.

Phụ nữ có thai mắc Covid-19 khi điều trị tại nhà cũng cần theo dõi tình trạng sức khỏe như: đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường. Đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hàng ngày.

Theo dõi các dấu hiệu của thai kỳ: cử động thai; các dấu hiệu bất thường về sản khoa cũng là điều cần thực hiện, thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu bất thường.

Về quản lý thai, chăm sóc thai nghén, cần duy trì khám thai định kỳ theo "Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản" với sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Ngoài ra, cần khám thai vào bất kỳ thời điểm nào nếu phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc khi có chỉ định của nhân viên y tế.

Nếu thai phụ mắc Covid-19 đến ngày hẹn khám thai và không có các dấu hiệu bất thường về sản khoa, có thể khám thai từ xa hoặc tư vấn thai phụ đợi đến ngày hết cách ly.

Thai phụ cũng cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, vận động và tập thể dục, bổ sung vi chất dinh dưỡng, không sử dụng thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc thụ động, không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, chất gây nghiện khác.

Đồng thời duy trì bổ sung sắt, axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của nhân viên y tế (tạm dừng khi có các triệu chứng nôn, tiêu chảy).

Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai mắc Covid-19 cần thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu cấp cứu hoặc bất thường sản khoa như sau:

  • Đau bụng liên tục và/hoặc tăng dần.
  • Ra máu âm đạo.
  • Ra nước ối.
  • Ngất hoặc co giật.
  • Phù mặt, chân, tay.
  • Đau đầu, nhìn mờ.
  • Không có cử động thai (đối với thai trên 20 tuần) hoặc cử động thai yếu hơn bình thường.
  • Hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường khác.

Vì sao giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trở lại?

Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho rằng Mỹ không nên can thiệp vào sản lượng của OPEC+ trước kỳ họp của nhóm đã hỗ trợ giá dầu thế giới quay đầu tăng mạnh sáng 30.3.2022.

Vì sao giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trở lại?

Theo ghi nhận đầu giờ sáng 30.3 (theo giờ Việt Nam), cả hai loại dầu thô quay đầu tăng hơn 1% sau khi giảm gần 2% kết thúc phiên trước đó. Dầu WTI của Mỹ giao dịch ngưỡng 105,7 USD/thùng, dầu Brent 109,2 USD/thùng. Kết thúc phiên giao dịch khuya 29.3, hợp đồng dầu Brent lùi 2,25 USD (tương đương 2%) xuống 110,23 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1,72 USD (tương đương 1,62%) còn 104,24 USD/thùng.

Giá dầu ngày 30.3 tăng mạnh khi lo ngại về thiếu hụt nguồn cung dầu thô lại nóng lên. Ngày 29.3, Bộ trưởng năng lượng và cơ sở hạ tầng UAE khẳng định Nga sẽ luôn là một phần của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) ngay cả khi các chính phủ trên toàn cầu xa lánh nhà xuất khẩu dầu này vì chiến sự ở Ukraine. Theo Reuters, OPEC+ cũng được dự báo sẽ bám sát kế hoạch "nâng sản lượng một cách khiêm tốn" trong tháng 5 tại cuộc họp diễn ra trong tuần này, bất chấp giá dầu tăng vọt do khủng hoảng Ukraine - Nga và lời kêu gọi tăng nguồn cung từ Mỹ và các quốc gia tiêu thụ khác. Trong bối cảnh giá dầu vẫn trên 100 USD/thùng, quyết định về sản lượng của khối OPEC+ sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Bên cạnh đó, các phân tích cũng cho rằng, giá dầu còn được thúc đẩy bởi tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trước triển vọng đàm phán Nga - Ukraine. Các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã gặp nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên trong gần 3 tuần. Phía Nga phát thông tin cho biết cuộc đàm phán là “mang tính xây dựng”.

Tuy nhiên, giá dầu vào những ngày cuối tháng 3 cũng bị tác động không nhỏ từ diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 tại Trung Quốc, việc tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại tại thành phố lớn nhất Trung Quốc về dân số là Thượng Hải được dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu thụ. Các chuyên gia phân tích của ANZ Research cho biết, hiện Thượng Hải đang chiếm khoảng 4% tổng sản lượng dầu thô tiêu thụ của Trung Quốc.

Trong nước, giá xăng dầu ngày 30.3 được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON92 không cao hơn 28.330 đồng/lít; xăng RON95 không cao hơn 29.192 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 23.633 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 22.245 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.423 đồng/kg.

Thượng Hải phong tỏa chống Covid-19, du học sinh than thở 'như sống trong lồng'

Khi Thượng Hải bắt đầu phong tỏa giai đoạn hai, một số cư dân đang phải vật lộn với những hạn chế mới.

Thượng Hải phong tỏa chống Covid-19, du học sinh than thở "như sống trong lồng"

Đường phố Thượng Hải lại vắng tanh một lần nữa. Hơn 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, trung tâm tài chính của Trung Quốc giờ đây phải trải qua đợt phong tỏa sâu rộng nhất.

Việc đóng cửa hai giai đoạn nhanh chóng được chính quyền công bố vào cuối ngày 27.3.

Với việc ngưng lưu thông qua cầu và đường hầm, quy định hạn chế mới gần như đã chia đôi Thượng Hải dọc theo sông Hoàng Phố.

Trong 9 ngày, các nhân viên y tế sẽ thực hiện xét nghiệm luân phiên cho người dân thành phố.

Thông báo này đã khiến không ít người phải bất ngờ. Nghiên cứu sinh tiến sĩ Mark Narozniak kể rằng anh thức dậy và thấy một hàng rào bao quanh khu nhà của mình.

"Tôi rất thất vọng và tức giận khi biết rằng chúng tôi đang bị nhốt. Và kinh khủng nhất là tôi chỉ nhận ra điều này khi đi ra ngoài và bất ngờ thấy hàng rào. Như sống trong một cái lồng vậy", anh nói.

"Tôi nghĩ rằng hoạt động này gây ra nhiều tốn hại cho nhiều người và nhiều người phải chịu đựng nó. Nó thực sự không cần thiết và phù hợp".

Trong khi một số người bức xúc thì nhiều người khác lại tỏ ra lạc quan.

Chị Jo He cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta nên bình tĩnh và đối mặt với điều này một cách tích cực. Chuyện phong tỏa chống dịch có thể kéo dài một thời gian, vì vậy tốt hơn là nên đối mặt với nó một cách tích cực để đại dịch qua đi càng sớm càng tốt. Hãy để Thượng Hải sôi động như trước đây càng sớm càng tốt".

Tỷ lệ ca mắc Covid-19 ở Thượng Hải vẫn còn khiêm tốn so với tiêu chuẩn toàn cầu. Nơi đây chỉ có 96 ca có triệu chứng vào hôm 28.3.

Tuy nhiên, thành phố này đã trở thành nơi thử nghiệm chiến lược "Zero Covid" của Trung Quốc khi họ cố gắng đưa biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao vào tầm kiểm soát. Chỉ riêng trong ngày 28.3, Thượng Hải đã tiến hành hơn 8 triệu mẫu xét nghiệm tại hơn 60.000 trạm trên khắp các quận bị phong tỏa.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 30.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.