Bản tin Covid-19 ngày 29.11: Cả nước thêm 13.770 ca | Thông tin mới nhất về biến thể Omicron

29/11/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 29.11 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 29.11 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 13.770 ca nhiễm mới, 16.088 ca khỏi bệnh.

Bản tin Bộ Y tế tối 28.11 cho biết tính từ 16h ngày 28.11 đến 16h ngày 29.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.770 ca nhiễm mới, 16.088 ca khỏi bệnh. Cả nước ghi nhận thêm 173 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 25.055 ca.

Ngày 29.11: Cả nước 13.770 ca Covid-19, 16.088 ca khỏi | TP.HCM 1.554 ca

Thông tin về 13.770 ca nhiễm mới như sau:

  • 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
  • 13.758 ca ghi nhận trong nước (tăng 830 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 7.601 ca trong cộng đồng). Gồm TP.HCM (1.554), Cần Thơ (913), Tây Ninh (719), Bình Dương (697), Bà Rịa - Vũng Tàu (648), Đồng Tháp (608), Sóc Trăng (588), Bình Thuận (576), Trà Vinh (560), Vĩnh Long (559), Đồng Nai (548), Bạc Liêu (544), Bình Phước (516), Kiên Giang (443), Hà Nội (429), Cà Mau (396), An Giang (375), Bến Tre (335), Khánh Hòa (308), Hậu Giang (294), Bình Định (195), Lâm Đồng (174), Hà Giang (163), Bắc Ninh (145), Nghệ An (143), Long An (122), Thừa Thiên Huế (119), Đắk Nông (88), Thanh Hóa (87), Quảng Nam (84), Hải Dương (69), Đà Nẵng (65), Ninh Thuận (56), Nam Định (55), Phú Thọ (54), Vĩnh Phúc (50), Tiền Giang (50), Quảng Ngãi (47), Hòa Bình (46), Thái Nguyên (39), Hải Phòng (36), Phú Yên (35), Tuyên Quang (30), Gia Lai (26), Hưng Yên (22), Lạng Sơn (20), Quảng Bình (18), Quảng Trị (18), Yên Bái (17), Cao Bằng (13), Hà Nam (11), Bắc Giang (11), Quảng Ninh (9), Ninh Bình (9), Kon Tum (7), Thái Bình (7), Điện Biên (4), Lào Cai (3), Sơn La (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-157), Tiền Giang (-105), Hải Phòng (-92).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: An Giang (+160), Hà Nội (+152), Bà Rịa – Vũng Tàu (+117).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 12.596 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.224.110 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.419 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.218.886 ca, trong đó có 971.907 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (468.961), Bình Dương (281.605), Đồng Nai (86.732), Long An (38.161), Tiền Giang (27.901).

Theo Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 16.088 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 974.724 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.413 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.284 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.254 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 186 ca
  • Thở máy xâm lấn: 610 ca
  • ECMO: 12 ca

Từ 17h30 ngày 28.11 đến 17h30 ngày 29.11 ghi nhận 173 ca tử vong tại:

  • Tại TP.HCM (62) trong đó có 11 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (7), Bạc Liêu (1), Bến Tre (1), Quãng Ngãi (1), Đồng Nai (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Bình Dương (22), Đồng Nai (12), An Giang (10), Tiền Giang (10), Cần Thơ (10), Tây Ninh (8 ), Vĩnh Long (7), Kiên Giang (7), Đồng Tháp (6), Long An (5), Cà Mau (3), Trà Vinh (2), Sóc Trăng (2), Bình Thuận (2), Khánh Hòa (1), Đắk Nông (1), Bến Tre (1), Hậu Giang (1), Bạc Liêu (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 158 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.055 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 09/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 169.263 xét nghiệm cho 252.451 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 26.012.272 mẫu cho 68.108.275 lượt người.

Trong ngày 28.11 có 1.231.057 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 120.644.108 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 70.958.765 liều, tiêm mũi 2 là 49.685.343 liều.

Việt Nam vượt mốc tiêm 120 triệu liều vắc xin

Cập nhật thông tin trên Cổng tiêm chủng Covid-19, đến sáng 29.11.2021, cả nước đã tiêm hơn 120,7 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Đến nay đã có 36 tỉnh, thành đã tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết đến nay các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 94 đợt vắc xin phòng Covid-19 với tống số hơn 138 triệu liều.

Việt Nam vượt mốc tiêm 120 triệu liều vắc xin Covid-19

Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Tính đến hết ngày 27.11, số liều vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 115,4 triệu liều, trong đó có hơn 66,9 triệu liều mũi 1 và hơn 48,4 triệu liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 92,8% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là 67,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt như sau:

  • Miền Bắc là 87,0% và 59,7%.
  • Miền Trung là 91,1% và 55,5%.
  • Tây Nguyên là 88,6% và 42,4%.
  • Miền Nam là 98,1% và 80,0%.

Có 54 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 23 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

9 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỉ lệ bao phủ thấp nhất gồm: Nghệ An (67,0%), Thanh Hóa (70,4%), Sơn La (72,6%), Yên Bái (73,3%) và Hòa Bình (76,0%). Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.

Hiện đã có 45 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 27 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 90% gồm: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và Lâm Đồng.

Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đến nay đã có 36 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi này gồm: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Các tỉnh triển khai theo hình thức tiêm hạ dần độ tuổi, tiêm trước cho trẻ bậc THPT (15-17 tuổi), sau đó hạ dần. Hiện nhiều địa phương đã tiêm cho trẻ lớp 8-9.

Các địa phương đã tiêm được hơn 3,4 triệu liều vắc xin, trong đó có hơn 2,8 triệu liều mũi 1 và hơn 535.000 liều mũi 2.

Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 31,7% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều là 5,9% dân số từ 12 -17 tuổi.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tổng hợp nhu cầu vắc xin về số lượng, chủng loại, thời gian của các địa phương để Bộ có kế hoạch phân bổ phù hợp;

Đồng thời, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm.

Hơn nửa triệu trẻ em TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19

Theo báo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ 30 ngày 29.11, TP.HCM đã tiêm hơn 560.000 liều vắc xin Covid-19 mũi 2 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, đạt 79,8%. Theo thống kê, TP.HCM có 702.563 trẻ em từ 12 -17 tuổi.

Hơn nửa triệu trẻ em TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19

Về số lượng mũi 1, TP.HCM đã tiêm hơn 686.000 liều, đạt 97,6%. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục tiêm vét cho những học sinh chưa tiêm mũi 1 và mũi 2. Vắc xin được sử dụng tiêm cho trẻ là Pfizer.

Theo Chi Cục dân số - kế hoạch hóa gia đình, tính trên dân số từ 18 tuổi trở lên thì TP.HCM có khoảng 7,2 triệu người.

Đến nay, TP.HCM đã tiêm hơn 14,5 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân, kể cả học sinh từ 12 - 17 tuổi. Bao gồm, mũi 1 hơn 7,9 triệu liều, mũi 2 là 6,6 triệu liều.

Trong đó, đối với người từ 18 tuổi trở lên, thành phố đã tiêm 7,2 triệu liều mũi 1; tiêm 6,1 triệu liều mũi 2.

Đối với gần 2 triệu người từ 50 tuổi trở lên, TP.HCM đã tiêm 1,7 triệu liều mũi 1, đạt 90,1%, 1,7 triệu liều mũi 2, đạt 86%%.

Tính đến hết ngày 27.11, TP.HCM còn hơn 508.000 liều vắc xin Covid-19 các loại.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), sau thời gian thí điểm, việc dạy và học trực tiếp tại xã Thạnh An (thuộc huyện Cần Giờ), ngành giáo dục có thể sắp báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM kế hoạch cho học sinh các địa bàn khác của thành phố được quay lại trường học tập. Học sinh không được tiêm, hoãn tiêm vắc xin Covid-19 vẫn đến trường bình thường. Tuy nhiên, đây sẽ là nhóm đối tượng cần được hỗ trợ đặc biệt. Ngoài học tập, các em sẽ được quan tâm về các phương diện khác để đảm bảo an toàn.

Tính đến hết ngày 28.11, TP.HCM có khoảng 87.000 ca F0 đang được chăm sóc, cách ly, điều trị. Trong đó, số ca F0 nhập viện tầng 2, tầng 3 là hơn 14.000 ca, F0 cách ly tập trung là hơn 6.000 ca và F0 cách ly tại nhà là khoảng 66.000 ca.

Trước tình hình F0 gia tăng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM - Dương Anh Đức đã ban hành quyết định số 4028 quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị trong công tác chăm sóc và quản lý F0 trên địa bàn. Quy định này nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo chặt chẽ, chủ động và có hiệu quả trong quản lý F0 tại nhà và cộng đồng.

Hà Tĩnh bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh

Ngày 29.11.2021, tại Trường THPT Phan Đình Phùng (tại phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh), ngành y tế tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với ban giám hiệu nhà trường tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 cho 980 học sinh ở các lớp 11 và 12.

Hà Tĩnh xử lý tình huống trẻ gặp phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 ra sao?

Việc phụ trách việc tiêm chủng cho học sinh của Trường THPT Phan Đình Phùng được Sở Y tế Hà Tĩnh giao cho Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh, Bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh và Trạm Y tế phường Bắc Hà.

Trường THPT Phan Đình Phùng đã bố trí dãy nhà đa chức năng làm điểm tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh trong trường. Ngành y tế cũng bố trí điểm tiêm tuân thủ các quy định của Bộ Y tế, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn, vị trí tiêm chủng.

Lịch tiêm được giãn cách để học sinh đến điểm tiêm theo khung giờ nhằm tránh ùn ứ. Trước khi vào tiêm, học sinh được đo thân nhiệt, đo huyết áp, khai báo y tế, khám sàng lọc và có giường để theo dõi phản ứng sau tiêm.

Theo Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại, đã có 5/13 địa phương trong tỉnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh THPT, gồm: Nghi Xuân, Hương Khê, Thạch Hà, Đức Thọ và thành phố Hà Tĩnh. Trong quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh, chưa ghi nhận trường hợp nào bị phản ứng nặng sau tiêm phải điều trị.

Theo kế hoạch, Hà Tĩnh tổ chức tiêm diện rộng tiêm mũi 1 bằng vắc xin Pfizer cho hơn 35.000 học sinh từ 16 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 28 và 29.11 và phấn đấu kết thúc vào 30.11.

Sở Y tế Hà Tĩnh đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo các trường THPT rà soát danh sách đối tượng cụ thể, sử dụng vắc xin hiệu quả, tránh lãng phí, nhất là an toàn tiêm chủng phải được đặt lên hàng đầu.

Số ca nhiễm biến thể Omicron tăng, các nước cảnh giác tìm cách đối phó

Ngày 28.11, biến thể Omicron đã lan rộng khắp nhiều nước. Giữa bối cảnh thêm nhiều quốc gia siết chặt các lệnh hạn chế đi lại để ngăn chặn biến thể Covid-19 mới, nhiều ca nhiễm mới được phát hiện ở Hà Lan, Đan Mạch, và Úc.

Số ca nhiễm biến thể Omicron tăng, các nước cảnh giác tìm cách đối phó

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện chưa rõ Omicron có lây truyền mạnh hay gây bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đó hay không.

Sau khi biến thể Omicron được phát hiện tại miền nam châu Phi, tỉ lệ nhập viện tại Nam Phi cũng tăng lên, nhưng theo WHO, điều này có thể là vì số người nhiễm Covid-19 tăng chứ không nhất thiết vì biến thể mới.

WHO cho biết thêm cần “nhiều ngày đến nhiều tuần" để hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của Omicron.

Một bác sị tại Nam Phi, người đầu tiên phát hiện dấu hiệu biến thể mới, cho biết triệu chứng của người nhiễm Omicron là nhẹ và có thể chữa tại nhà.

WHO tuyên bố đang phối hợp với các chuyên gia kỹ thuật để tìm hiểu tác động tiềm năng của biến thể Omicron đối với các biện pháp chống Covid-19 hiện có, bao gồm các vắc xin.

Tuy nhiên, lo ngại trước biến thể Omicron khiến nhiều nước đã áp dụng các biện pháp hạn chế.

Sáng 29.11, truyền thông Nhật Bản dẫn nguồn tin chính phủ cho biết nước này sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài. Lệnh cấm này sẽ không ảnh hưởng đến công dân Nhật cũng như người nước ngoài thường trú tại Nhật.

Cơ quan chức năng Anh khôi phục quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho rằng biến thể mới sẽ khiến nhiều người ý thức hơn và quy định đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng sẽ áp dụng lại từ ngày 30.11.

Còn chính phủ Israel thì vừa chứng nhận chứng nhận việc sử dụng hệ thống theo dõi điện thoại của Cơ quan An ninh Israel (Shin Bet) nhằm theo dõi những người tại nước này nhiễm biến thể Omicron.

Văn phòng Thủ tướng Naftali Bennett cho hay công nghệ này sẽ chỉ được dùng nhằm định vị các ca đã được ghi nhận và cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Trước đó, Israel cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh để đối phó biến thể Omicron. Công dân Israel có thể về nước nhưng sẽ phải cách ly để phòng dịch.

Trong khi đó, các nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc cho biết nước này chưa có kế hoạch siết kiểm soát biên giới để đối phó biến thể Omicron.

Ông Chung Nam Sơn, cố vấn của chính phủ Trung Quốc về Covid-19, nhận định Trung Quốc cần “đánh giá khả năng gây hại của biến thể Omicron, tốc độ lây lan nhanh ra sao, có gây bệnh nặng hơn không và có cần phát triển một vắc xin nữa không”.

Chuyên gia dịch tễ trưởng tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc Ngô Tôn Hữu cũng cho hay Trung Quốc sẽ theo dõi biến thể Omicron, trong khi duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới hiện hữu.

Trong khi đó, các thị trường tài chính đều mất điểm nặng và giá dầu giảm trong cuối tuần qua vì lo ngại biến thể Omicron sẽ kháng các vắc xin hiện có, đe dọa nhiều nền kinh tế mới mở cửa trở lại sau 2 năm qua.

Bác sĩ nói người trẻ tuổi nhiễm biến thể Covid-19 Omicron có triệu chứng 'bất thường nhưng nhẹ'

Tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi (SAMA), tin rằng bà đã gặp chủng Omicron khi các bệnh nhân Covid-19 tại phòng khám tư nhân của bà ở Pretoria có các triệu chứng lạ. Các triệu chứng của họ rất bất thường nhưng rất nhẹ so với những bệnh nhân bà từng điều trị trước đó.

Bác sĩ nhận định triệu chứng của biến thể Omicron 'bất thường nhưng không nguy hiểm'

Bà đã gọi cho ủy ban tư vấn vắc xin của Nam Phi vào ngày 18.11 sau khi một gia đình 4 người đều có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 có các triệu chứng bao gồm mệt mỏi cực độ.

Từ đó đến nay, bà đã khám cho 20 bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng của biến thể mới, hầu hết là nam giới trẻ tuổi. Bà cho biết khoảng một nửa số bệnh nhân này chưa được tiêm chủng.

Không ai trong số họ có triệu chứng mất khứu giác hoặc vị giác. Bà Coetzee nhấn mạnh rằng tất cả các bệnh nhân đều khỏe mạnh, nhưng bà lo lắng những bệnh nhân lớn tuổi hoặc không được tiêm chủng có thể bị biến chủng Omicron tấn công nghiêm trọng hơn nhiều - đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh nền như tiểu đường hoặc bệnh tim.

Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức đặt tên cho biến thể mới B.1.1.529 của Covid-19 là Omicron. Hiện vẫn chưa có trường hợp nhiễm Omicron nào ở Mỹ, nhưng các quan chức tin rằng nó có thể đã xuất hiện ở đây. Cùng với Mỹ và Liên minh Châu Âu, Anh đã ban hành các hạn chế đi lại sau khi phát hiện 2 trường hợp mắc biến thể mới.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 29.11 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.