Bản tin Covid-19 ngày 29.10: TP.HCM lên kế hoạch đưa học sinh trở lại trường

29/10/2021 19:55 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 29.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 29.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 4.899 ca Covid-19 mới, 2.169 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 29.10 cho biết tính từ 16h ngày 28.10 đến 16h ngày 29.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.899 ca nhiễm mới, 2.169 ca khỏi bệnh. Bản tin cũng thông báo về 56 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 21.966 ca.

Thông tin về 4.899 ca nhiễm mới như sau:

  • 10 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 4.889 ca ghi nhận trong nước (tăng 13 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 2.305 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (977), Bình Dương (697), Đồng Nai (697), Bạc Liêu (398), An Giang (320), Kiên Giang (249), Tây Ninh (180), Sóc Trăng (151), Cần Thơ (101), Long An (91), Đắk Lắk (90), Tiền Giang (75), Bình Thuận (68), Cà Mau (65), Gia Lai (61), Đồng Tháp (60), Hà Giang (60), Trà Vinh (59), Phú Thọ (46), Hậu Giang (42), Quảng Nam (38), Vĩnh Long (37), Hà Nội (37), Bến Tre (34), Quảng Bình (32), Khánh Hòa (30), Nghệ An (25), Bình Phước (20), Bình Định (17), Thừa Thiên Huế (17), Thanh Hóa (16), Nam Định (14), Hà Nam (13), Bắc Giang (12), Kon Tum (12), Bắc Ninh (7), Quảng Ngãi (7), Quảng Ninh (6), Đắk Nông (6), Thái Bình (4), Phú Yên (3), Ninh Bình (3), Đà Nẵng (2), Hải Phòng (2), Hải Dương (2), Lâm Đồng (2), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (1), Vĩnh Phúc (1), Sơn La (1).
Ngày 29.10: Cả nước 4.899 ca Covid-19, 2.169 ca khỏi | TP.HCM 977 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (-124), TP.HCM (-92), Quảng Nam (-91).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (+398), Kiên Giang (+89), Bình Dương (+79).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 4.110 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 910.376 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.243 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 905.558 ca, trong đó có 813.315 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (430.059), Bình Dương (231.721), Đồng Nai (64.412), Long An (34.632), Tiền Giang (16.199).

Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.169
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 816.132

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.990 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.969
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 587
  • Thở máy không xâm lấn: 103
  • Thở máy xâm lấn: 312
  • ECMO: 19

Từ 17h30 ngày 28.10 đến 17h30 ngày 29.10 ghi nhận 56 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (32), Bình Dương (6), Bạc Liêu (5), Đồng Nai (4), Tiền Giang (2), Sóc Trăng (2), Bà Rịa-Vũng Tàu (1), Khánh Hòa (1), Quảng Ngãi (1), Kiên Giang (1), Lâm Đồng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 60 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.966 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 29.10: Thông báo 56 ca Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh thành

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 108.197 xét nghiệm cho 167.733 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 22.008.414 mẫu cho 59.953.593 lượt người.

Trong ngày 29.10 có 1.712.435 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 78.940.403 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 55.578.783 liều, tiêm mũi 2 là 23.361.620 liều.

TP.HCM tăng tốc tiêm vắc xin cho trẻ em

Sáng 29.10.2021, là ngày đặc biệt với nhiều phụ huynh và học sinh của trường THCS Lam Sơn, thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM. Sau nhiều ngày chờ đợi, con của họ cũng đã được tiêm vắc xin Covid-19 ngày tại ngôi trường này.

Học sinh trường THCS Lam Sơn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tiêm vắc xin

NGUYỄN ANH

Ngoại trừ người con trai đang học lớp 8 thì các thành viên khác trong gia đình bà Phương Khanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng đã được tiêm vắc xin Covid-19 cách đây 1 tháng. Nên khi con trai bà được tiêm xong bà đã có thể an tâm phần nào.

Giống như nhiều phụ huynh khác, bà Khanh cũng hy vọng con mình sớm đi học để có thể tiếp thu bài tốt hơn. Sau nhiều ngày tháng ở nhà, con trai của bà Khanh cũng mong muốn sớm được tiêm vắc xin rồi sau đó có thể sớm tới trường trở lại.

Tại điểm tiêm này, phụ huynh có thể đi cùng con vào vị trí khám sàng lọc để nghe bác sĩ tư vấn trước khi tiêm hoặc có thể để con tự đi vào rồi ra vị trí đã được bố trí ngồi đợi. Tuy nhiên, đa phần phụ huynh đều để con mình tự vào.

Trước đó, để thực hiện công tác tiêm chủng cho các em học sinh thì ban giám hiệu cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai thuận lợi, đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, các cán bộ, giáo viên của trường cũng có mặt để hỗ trợ công tác tiêm chủng cho học sinh. Học sinh của trường khi tới điểm tiêm đã được đo thân nhiệt, khám sàng lọc trước khi tiêm. Đặc biệt, trường còn bố trí sách, ti vi, và bánh kẹo tại vị trí chờ theo dõi sau tiêm để các em có thể sử dụng.

Trong ngày 29.10, quận Bình Thạnh có hai điểm tiêm vắc xin cho học sinh khối THCS đủ điều kiện là trường THCS Lam Sơn và THCS Phú Mỹ.

Cùng thời gian này, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo công tác tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn TP.HCM. Theo báo cáo thì tính tới chiều 28.10.2021, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 81.600 trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 17. Trong đó, có 77.400 trẻ từ 16 đến 17 tuổi và hơn 4.200 trẻ từ 12 đến 15 tuổi.

Có nhiều trẻ hoãn tiêm do đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng, có bệnh nền và chống chỉ định tiêm. Một số trẻ được chuyển đến tiêm tại bệnh viện.

Tính đến hiện nay, toàn thành phố tiêm cho người trên 18 tuổi đạt hơn 99% mũi 1 và hơn 78% mũi 2. TP.HCM còn gần 1,4 triệu người chờ tiêm mũi 2 khi đến hạn. Thành phố còn khoảng 2,3 triệu liều vắc xin các loại. Ngày 29.10 cũng là ngày thứ ba TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, tiêm đồng loạt tại tất cả quận, huyện và TP.Thủ Đức. Tại TP.HCM có 515 trường với 742.368 học sinh tiêm vắc xin Covid-19. Như vậy mỗi ngày cần tiêm trên 148.000 học sinh với 742 đội tiêm. Ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16 - 17 tuổi, sau đó hạ dần độ tuổi.

Cũng trong ngày 29.10, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết dự kiến Sở GD-ĐT sẽ xây dựng phương án và đề xuất với UBND TP.HCM cho học sinh cuối cấp lớp 9, lớp 12 và học sinh THPT đã hoàn tất 2 mũi vắc xin được đi học trực tiếp trở lại vào đầu tháng 12 tới.

Dự kiến học sinh cuối cấp TP.HCM trở lại trường học trực tiếp vào tháng 12

Ngày 29.10, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, trong đó có thông tin về việc cho học sinh học trực tiếp trở lại.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết dự kiến Sở GD-ĐT sẽ xây dựng phương án và đề xuất với UBND TP.HCM cho học sinh cuối cấp lớp 9, lớp 12 và học sinh THPT đã hoàn tất 2 mũi vắc xin được đi học trực tiếp trở lại vào đầu tháng 12 tới.

Học sinh tại huyện Củ Chi (TP.HCM) tiêm vắc xin Covid-19

NGUYỄN ANH

Theo ông Hiếu, kế hoạch cụ thể sẽ căn cứ vào việc từng quận, huyện rà soát, đánh giá cấp độ dịch của địa phương để trình lên UBND quyết định cho học sinh học trực tiếp trở lại.

Về tiến độ tiêm chủng cho học sinh, ông Hiếu cho biết trong tuần này gần như hoàn thành việc chích vắc xin cho học sinh THPT và tiếp tục thực hiện lộ trình tiêm hạ thấp dần độ tuổi theo quy định.

Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm các cơ quan y tế, quận, huyện cũng đang tiến hành bàn giao những cơ sở giáo dục sau khi hoàn thành công tác trưng dụng phòng, chống dịch Covid-19.

Các số liệu thống kê cho thấy còn khoảng 250 cơ sở giáo dục ở TP.HCM sẽ bàn giao trong tháng 11. Những cơ sở này sẽ được sửa chữa kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học trực tiếp trở lại trong thời gian tới.

Lưu ý quan trọng về ngừa phản ứng nặng với trẻ em sau tiêm vắc xin Covid-19

Chiều 29.10.2021, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập huấn trực tuyến về an toàn tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em.

PGS - TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho hay Bộ Y tế đã và sẽ phân bổ vắc xin Covid-19 đến các địa phương nhanh nhất và sớm nhất ngay khi tiếp nhận. Vắc xin tiêm cho trẻ em là của Pfizer/BioTech (vắc xin Covid-19 Pfizer).

Trẻ sau tiêm vắc xin Pfizer không nên vận động thể lực mạnh, không chơi thể thao trong 3 ngày đầu sau tiêm

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Với vắc xin Pfizer tiêm trong chiến dịch cho trẻ 12 - 17 tuổi, liều tiêm cho trẻ cũng như người lớn, đang sử dụng (tiêm bắp); 0,3 mlb.

Trẻ em tiêm mũi 1 cách mũi 2 là 1 tháng (4 tuần) và ưu tiên tiêm cho trẻ tại các địa phương mật độ dân cư cao; địa phương có dịch.

Về kế hoạch tiêm, các trẻ sẽ được tiêm đủ 2 liều với tỉ lệ mong muốn bao phủ đạt trên 90% nhóm 12 - 17 tuổi.

Tại trường học, tất cả các trẻ tiêm từ lớp 12 đến lớp 10 và mở rộng dần lứa tuổi thấp hơn. Trẻ em 16 - 17 tuổi tiêm trước (lớp 11 - lớp 12), sau đó xuống lớp 10.

Sau khi tiêm phủ hết nhóm thuộc lứa tuổi trung học phổ thông sẽ chuyển xuống học sinh trung học cơ sở và cũng lần lượt tiêm từ nhóm tuổi cao xuống thấp.

Các trẻ sẽ được tiêm tại trường học, trạm y tế và cơ sở tiêm chủng dịch vụ; tại các điểm tiêm lưu động. Trong đó, trẻ đi học tiêm tại các trường được lập danh sách tiêm theo theo lớp.

Trẻ có bệnh mãn tính (thận, ung thư...) sẽ tiêm tại bệnh viện.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để giảm thiểu việc sót đối tượng được tiêm, các địa phương cần lưu ý lập danh sách các em tại các trung tâm giáo dưỡng, bảo trợ xã hội.

Các trẻ không đi học thì cán bộ y tế và chính quyền địa phương lập danh sách, trong đó chú ý các trẻ tại các khu công nghiệp, vùng giáp ranh; trẻ vãng lai, không có hộ khẩu thường trú, đảm bảo để bỏ sót đối tượng khó tiếp cận dịch vụ tiêm chủng. Bộ Y tế đảm bảo cung ứng đủ bơm kim tiêm để triển khai thuận lợi.

Theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các điểm tiêm đảm bảo giãn cách, chống nhiễm chéo do tập trung đông, ùn ứ.

Về phản ứng sau tiêm vắc xin Pfizer, chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay có thể gặp gồm: đau đầu khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt.

Các trẻ sau tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 phản ứng nhiều hơn mũi 1. Trong đó, tỉ lệ 1/10 - 100 tiêm có nôn, mẩn đỏ.

Tỉ lệ dưới 1/1.000 sau tiêm có nổi hạch, mất ngủ, đau các chi, ngứa tại vết tiêm...

Bên cạnh đó, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tiêm rất hiếm gặp sau tiêm vắc xin Pfizer và phản ứng này ghi nhận ở trẻ trai cao hơn 6 - 10 lần trẻ gái.

Do đó, để giảm nguy cơ phản ứng viêm cơ tim, các trẻ tránh vận động mạnh sau tiêm, không chơi thể thao ít nhất trong 3 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer.

Vũ trường, karaoke, massage, hàng rong, vé số dạo ở TP.HCM sẽ hoạt động ra sao?

Ngày 28.10.2021, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM có tờ trình khẩn UBND TP về việc triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 và chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức họp với các chuyên gia y tế để lấy ý kiến về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho các lĩnh vực hoạt động theo phân công của UBND TP.HCM.

Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM các biện pháp thực hiện Nghị quyết số 128 đối với các hoạt động sau: Tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời; Cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm đẹp và các cơ sở khác do địa phương quyết định; Cơ sở làm tóc (bao gồm cắt tóc); Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo

Những vị khách đầu tiên được ngồi nhâm nhi ly bia cùng nhau tại quán

NGỌC DƯƠNG

Cụ thể từng loại hình sẽ được hoạt động theo các cấp độ như sau:

Đối với các tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời:

  • Cấp 1: Không hạn chế số người tham gia.
  • Cấp 2: Số người tập trung tối đa không quá 75% sức chứa, người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
  • Cấp 3: Số người tập trung tối đa không quá 50% sức chứa, người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ (Hoạt động ngoài trời phải bảo đảm khoảng cách 1,5 mét).
  • Cấp 4: Số người tập trung tối đa không quá 25% sức chứa, người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ (Hoạt động ngoài trời phải bảo đảm khoảng cách 2 mét).

Đối với cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm đẹp và các cơ sở khác do địa phương quyết định:

  • Cấp 1: Người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
  • Cấp 2: Hoạt động không quá 50% công suất, người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
  • Cấp 3: Hoạt động không quá 25% công suất, người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
  • Cấp 4: Ngừng hoạt động.

Đối với cơ sở làm tóc (bao gồm cắt tóc):

  • Cấp 1: Người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
  • Cấp 2: Hoạt động không quá 75% công suất, người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
  • Cấp 3: Hoạt động không quá 50% công suất, người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
  • Cấp 4: Hoạt động không quá 25% công suất, người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

Đối với hoạt động bán hàng rong, vé số dạo...:

  • Cấp 1: Hoạt động bình thường.
  • Cấp 2: Hoạt động bình thường.
  • Cấp 3: Người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
  • Cấp 4: Ngừng hoạt động

Cà phê Sài Gòn ngày đầu ngồi lại: ‘Ngồi ở quán có view, về nhà chỉ có 4 bức tường’

Tại cửa hàng Phúc Long chi nhánh Hồ Con Rùa (Q.3), chị Ngân Uyên cùng bạn đến quán ngồi từ đầu giờ chiều 28.10 để tận hưởng cảm giác được uống ly cà phê tại quán sau 5 tháng giãn cách xã hội. Trước dịch, đây là địa điểm quen thuộc để chị gặp gỡ bạn bè và ngắm nhìn đường phố Sài Gòn.

KOHI Cà phê, một quán cà phê phong cách Nhật Bản mới toanh chưa kịp khai trương tại ngã tư Hai Bà Trưng và Nguyễn Thị Minh Khai đã phải tạm đóng cửa vì dịch Covid-19 ngày đầu mở lại, quán cũng đón nhiều vị khách trẻ.

Các quán cà phê chỉ đón số lượng khách giới hạn

LÊ NAM

Vòng xoay ngã sáu Phủ Đồng Thiên Vương là nơi tập trung hàng loạt thương hiệu cà phê nổi tiếng, được giới trẻ yêu thích tại TP.HCM như Starbucks, Katinat, Đen đá…

Tại Starbucks, khách ngồi lại phải quét mã QR để khai báo y tế. Các bàn cũng được dựng vách ngăn để phòng dịch, khách được ngồi giãn cách, tuân thủ quy định 5K. Ngày đầu mở lại, quán giới hạn 50% lượng khách nên chỉ mở không gian tầng trệt. Càng về tối, lượng khách đến quán càng đông.

Nhiều chuỗi cà phê lớn vẫn chưa mở lại dịch vụ tại chỗ

LÊ NAM

Tiệm cà phê Katinat chi nhánh Nguyễn Thị Nghĩa (P. Phạm Ngũ Lão, Q.1) cũng thực hiện các quy trình đón khách tương tự. Từ sáng sớm, khách đã đến mua đồ uống và ngồi lại thưởng thức, gặp gỡ bàn bè… Nằm giữa ngã sáu sầm uất, đây là một trong quán cà phê có tầm nhìn đẹp nhất nhì quận 1.

Hầu hết các quán cà phê đã cho ngồi lại trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, một số chuỗi thương hiệu đình đám khác như The Coffee house, Cheese… vẫn chưa phục vụ tại chỗ.

Quán bia vừa mở lại, dân nhậu đã bị phạt nặng vì nồng độ cồn

Tối 28.10.2021, Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đã lập chốt trên đường Phạm Văn Đồng ((thành phố Thủ Đức)) kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông.

Anh P.Đ.T (24 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) bị xử phạt sau khi uống bia và điều khiển xe máy lưu thông trên đường

BÍCH NGÂN

Tại giao lộ Phạm Văn Đồng – Kha Vạn Cân (thuộc phường Linh Đông), tổ công tác ra hiệu dừng hàng loạt phương tiện xe gắn máy vào chốt tiến hành đo nồng độ cồn. Tại đây, hàng loạt trường hợp sử dụng bia rượu bị lực lượng chức năng lập biên bản, tạm giữ phương tiện lưu thông.

Khoảng hơn 23 giờ, một thanh niên đang lưu thông theo hướng từ đường Kha Vạn Cân đến đại lộ Phạm Văn Đồng thì được CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra hành chính và đo nồng độ cồn. Kết quả máy đo hiển thị nồng độ cồn của anh hơn 0,2 miligam/lít khí thở.Anh cho biết mình hôm nay có cuộc hẹn với người quen nên đã uống bia và đang trên đường trở về nhà thì bị xử phạt.

“Xin tha” bất thành, anh đành ký vào biên bản vi phạm và gọi điện nhờ người thân đến đón về.

Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra trên đường Phạm Văn Đồng tối 28.10

BÍCH NGÂN

Cũng trong tối cùng ngày, tổ công tác yêu cầu dừng phương tiện xe máy của một người đàn ông 45 tuổi có biểu hiện say xỉn.

Qua kiểm tra, ông có nồng độ cồn ở mức 0,7 miligam/lít khí thở. Đây là mức rất cao.Khi tổ công tác tiến hành lập biên bản và tạm giữ phương tiện thì ông phân trần đi công việc nên chỉ uống 1-2 lon bia và xin bỏ qua.

Theo quy định, ông sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng khi có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Đồng thời ông sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.Cũng trong tối cùng ngày, Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn đã lập biên bản 5 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. 5 xe máy được lực lượng chức năng tạm giữ theo quy định.

Từ 29.10, khách đi máy bay chỉ cần khai báo y tế trên PC-COVID

Sau 2 lần thay đổi quy định khai báo y tế, tối 28.10, Bộ GTVT tiếp tục bỏ quy định khai báo thông tin cá nhân, thay vào đó hành khách chỉ cần khai báo điện tử trên PC-COVID.

Hành khách chỉ cần khai báo y tế trên PC Covid khi đi máy bay

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Theo Bộ GTVT, từ thời điểm khôi phục mạng bay nội địa 11.10, việc phải tìm giải pháp để kiểm soát dịch bệnh đối với việc di chuyển của hành khách đi máy bay gặp rất nhiều khó khăn, khi các tỉnh, thành yêu cầu phải cung cấp danh sách hành khách đến địa phương trước mỗi chuyến bay. Không chỉ cung cấp cho địa phương có sân bay mà các hãng hàng không phải tổng hợp, gửi danh sách hành khách của mỗi chuyến bay về các địa phương khác.

Trong bối cảnh chưa thể trích xuất dữ liệu hành khách trực tiếp từ các phần mềm hiện hữu nên đã phát sinh việc cần tổng hợp, lấy thông tin di chuyển của hành khách bằng phương pháp “thủ công”. Điều này đã phát sinh thêm nhiệm vụ, nhân lực và áp lực cho các đơn vị hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không, cũng như thêm thủ tục và thời gian đối với hành khách.

Để rút ngắn thời gian, thuận tiện hơn cho hành khách, Bộ GTVT đã đề nghị sự phối hợp từ phía Bộ TT-TT và Bộ Y tế. Chiều tối 28.10, Bộ TT-TT đã có văn bản thống nhất triển khai phát triển ứng dụng và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho hoạt động vận tải.

Cụ thể, nâng cấp tính năng “Khai báo di chuyển nội địa” của ứng dụng PC-COVID theo hướng phù hợp với yêu cầu, quy định vận chuyển hành khách nội địa của Bộ GTVT.

Đồng thời, phát triển thêm tính năng trích xuất thông tin cho các đơn vị được chỉ định của Bộ GVTT để phối hợp với các địa phương có phương án triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Thống nhất biểu mẫu thông tin mà ứng dụng PC-COVID sẽ xuất và gửi dữ liệu định kỳ đến các đơn vị được chỉ định theo đề xuất của Bộ GTVT và sẵn sàng cung cấp dữ liệu từ ngày 29.10.

Trên cơ sở này, tối 28.10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã ký quyết định điều chỉnh hướng dẫn quy định với hành khách đi lại bằng máy bay. Hành khách chỉ cần khai báo y tế điện tử trên ứng dụng PC-COVID (phần khai báo di chuyển nội địa). Khuyến khích hành khách chủ động khai báo từ trước khi làm thủ tục hàng không. Trong trường hợp hành khách không có thiết bị hoặc gặp khó khăn khi sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, hãng hàng không có trách nhiệm bố trí nhân lực, thiết bị để hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng và khai báo.

Các hãng hàng không chỉ cần cung cấp danh sách hành khách cho cảng vụ để chuyển cho địa phương vào 2 khung giờ mỗi ngày (14 giờ và 22 giờ) thay vì trước mỗi chuyến bay như trước đây.

Trao hàng trăm triệu đồng cho tân sinh viên nghèo giữa đại dịch

Có rất nhiều tân sinh viên rất lo lắng về hành trình bước tiếp trên con đường học tập của mình bởi những khó khăn về vật chất. Nhưng có lẽ nhờ sự quan tâm, đồng hành của cả xã hội, cụ thể là bạn đọc báo Thanh Niên mà giờ đây giấc mơ được ngồi trên giảng đường của các em đã thành hiện thực.

Sáng 28.10.2021, chúng tôi tìm đến nhà em Phạm Hoàng Thùy Trang tại thị trấn Hóc Môn để trao tặng số tiền mà bạn đọc Báo Thanh Niên đã đóng góp cho em. Khi được thông báo số tiền hơn 100 triệu đồng, em và mẹ đã bật khóc vì vui mừng, vậy là giấc mơ đến trường của em lại thành hiện thực.

Phạm Hoàng Thùy Trang (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, H.Hóc Môn, TP.HCM) sinh ra đã không được may mắn như nhiều bạn bè đồng trang lứa.

Mẹ của Trang bị mù, ba thì hắt hủi, suốt ngày đánh đập mẹ con Trang, đêm thì đuổi hai mẹ con ra ngoài chợ ngủ. Năm Trang học lớp 5, nhìn thấy cảnh cháu gái bị đánh đập rồi đêm ngủ lạnh chịu không thấu ngoài xó chợ, ông ngoại Trang mới đưa hai mẹ con về sống cùng.

Mẹ Trang trước đây đi bán vé số nhưng vì không thấy đường nên bị người ta lừa lấy hết vốn, cùng đường bà phải lên chùa xin đồ từ thiện để sống, bà đi rất nhiều chùa, ở đâu người ta cho quà là đến, nhưng thường 1 tháng người ta mới cho một lần. Mỗi lần đi chùa, người ta cho được vài chục tiền xe, bà để dành lại đóng học phí cho con. Còn tiền ăn hằng ngày, Trang và bà ngoại ở nhà cắt cà pháo thuê cho người ta. Mỗi ngày khoảng 20 kg cà pháo, nếu cắt hết thì được 50.000 đồng, nhưng không phải ngày nào cũng có cà để làm, hoặc có khi cả tuần không có ngày nào.

Khó có thể tả hết những niềm vui mà những bậc phụ huynh cũng như các em được nhận học bổng Nghị lực mùa thi bởi lẽ nhờ sự hỗ trợ này mà giấc mơ tiếp tục được đến giảng đường của các em đã trở thành hiện thực.

Ngay như trường hợp của cậu bé Nguyễn Ngọc Trầm, nhân vật trong bài viết của Báo Thanh Niên trước đây. Trầm, không cha không mẹ, không một mái nhà trú nắng trú mưa, thuở bé đã ngủ lăn lóc khắp chợ Bình Điền, Q.8, lớn lên thì ở ngôi miếu trên Rạch Bà Lớn. Mỗi ngày để vào Sài Gòn kiếm sống, Trầm phải chèo ghe qua rạch, bất kể nắng mưa hay dông gió. Tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, tự học, Trầm học rất giỏi môn toán và vừa rồi thi đậu Trường ĐH Kinh tế Tài chính (UEF) TP.HCM nhưng không đủ tiền để nhập học.

Sau bài viết về Trầm “Cậu học trò nhịn đói triền miên và ước mơ trở thành nhà toán học” đăng trên báo Thanh Niên, em được bạn đọc ủng hộ hơn 124 triệu đồng. Khoản tiền khổng lồ từ người xa lạ đã khiến Trầm nghẹn ngào. Chàng trai chèo ghe giữa Sài Gòn, sống nay đây mai đó, kiếm cơm bằng rất nhiều nghề, chưa từng nghĩ một lúc nào đó có thể cầm được số tiền lớn như thế.

Bên cạnh Trầm – chàng trai chèo ghe giữa Sài Gòn, sáng nay, ngày 28.10, ban tổ chức chương trình Nghị lực mùa thi 2021 đã tới tận nhà, trường học của các em học sinh nghèo vượt khó, trao học bổng bạn đọc báo Thanh Niên ủng hộ các em. Ngoài những tấm lòng của bạn đọc cũng có những đơn vị luôn đồng hành cùng chương trình trong suốt một thời gian dài bởi họ thấy được những giá trị tốt đẹp bà Nghị lực mùa thi mang đến cho các em.

“Lòng tốt như vết dầu loang” nhất là giữa đại dịch khi mà cả xã hội đang phải đối mặt với biết bao khốn khó nhưng tình cảm của bạn đọc Thanh Niên hôm nay đã khẳng định những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Chính bằng tình yêu thương đó đã chắp cánh cho những ước mơ nhỏ nhoi của các bạn trẻ không may rơi vào nghịch cảnh. Chúng ta có quyền hy vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều ước mơ được nuôi dưỡng trong tương lai không xa.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 29.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.