Bản tin Covid-19 ngày 28.6: Nỗi lo bùng phát dịch bệnh từ các khu chợ

28/06/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 28.6.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 28.6.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố gần 400 bệnh nhân mới

Bản tin dịch Covid-19 tối 28.6 của Bộ Y tế cho biết có thêm 145 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân trong ngày lên 391 ca. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang đăng ký bổ sung thêm 7 ca bệnh. Như vậy tổng số bệnh nhân được công bố trong ngày 28.6 là 398 ca, trong đó riêng TP.HCM chiếm tới 218 trường hợp. Cũng trong ngày 28.6 có 200 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Ngày 28.6: Công bố thêm 398 ca Covid-19, riêng TP.HCM 218 bệnh nhân

Thông tin về 398 bệnh nhân được công bố như sau:
+ 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang (3 ca), Tây Ninh (3 ca), Khánh Hòa (1 ca), Quảng Trị (1 ca), An Giang (1 ca).
+ 382 ca ghi nhận trong nước; trong đó 340 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Gồm tại TP.HCM (218 ca), Bình Dương (40 ca), Bắc Giang (26 ca), Quảng Ngãi (20 ca), Bắc Ninh (16 ca), Nghệ An (1 ca), Đồng Nai (11 ca), Phú Yên (10 ca), Hà Tĩnh (7 ca), Long An (6 ca), Bình Thuận (6 ca), Lạng Sơn (2 ca), Quảng Ninh (2 ca), Hưng Yên (2 ca), Hòa Bình (1 ca), Đà Nẵng (1 ca), Hải Phòng (1 ca), Đồng Tháp (1 ca), Đắk Lắk (1 ca).
+ Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang đăng ký bổ sung trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 vào chiều 28.6.2021 danh sách 7 ca bệnh (BN15951-BN15957) là các trường hợp trong khu vực đã được phong toả sau khi được rà soát, hoàn thiện thông tin ca bệnh.
Như vậy, đến tối 28.6, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 16.041 bệnh nhân kể từ đầu dọc. Trong đó, 14.263 ca ghi nhận trong nước và 1.778 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 12.693 ca.
- Số ca tử vong: 76 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 6.519 ca.

Ngày 28.6: TP.HCM nối dài chuỗi ngày “bão tố” với 218 ca Covid-19

6 khu vực nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất

Chiều 28.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, cùng dự có lãnh đạo Sở Thông tin – Truyền thông, Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo.
Theo ông Dương Anh Đức, TP.HCM phân loại các địa phương theo mức độ nguy cơ thành 3 nhóm, ít hơn một nhóm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, quận huyện có nguy cơ rất cao gồm: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, Q.8, Tân Phú và một phần của TP.Thủ Đức (Q.Thủ Đức cũ).
Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, Củ Chi, Q.1, Q.4, Q.5, Q.12, Bình Thạnh, Tân Bình và một phần của TP.Thủ Đức (Q.2 và Q.9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm Cần Giờ, Q.7, Q.10, Q.11 và Q.Phú Nhuận.

6 khu vực nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất ở TP.HCM

Ông Đức lý giải không có nhóm nguy cơ thấp theo hướng dẫn của Bộ Y tế vì không muốn tạo tâm lý chủ quan của địa phương. Trên cơ sở 3 nhóm nguy cơ được phân chia, các địa phương tổ chức phương án cho phù hợp.

Cả nước đang có 164 bệnh nhân nặng, nguy kịch, can thiệp ECMO

Ngày 28.6.2021, theo thống kê của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 148 bệnh nhân nặng, nguy kịch và 16 trường hợp can thiệp ECMO.
Theo thống kê của Tiểu ban điều trị, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 111 trường hợp nặng, thở marsk oxy, gọng kính; 32 trường hơp nặng, nguy kịch, thở máy xâm nhập; 17 bệnh nhân nặng, thở máy không xâm nhập và 16 trường hợp can thiệp ECMO.
Trong số các trường hợp can thiệp ECMO, nhiều nhất tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM với 6 ca; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 5 ca; Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang, Bệnh viện Phổi Bắc Giang, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh và Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi đơn vị có 1 ca can thiệp ECMO.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 647 trường hợp âm tính từ 1-3 lần với virus SASR-CoV-2. Cùng đó có 204 bệnh nhân đang điều trị đang tiên lượng nặng. Trong số bệnh nhân nặng, nguy kịch hiện có 114 nặng, 49 bệnh nhân tiên lượng rất nặng, 11 trường hợp tiên lượng tử vong.

Có 164 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch và can thiệp ECMO

Gác chuyện buôn bán để tham gia “chiến dịch” 5 triệu mẫu xét nghiệm

Đến chiều 27.6, UBND P.Tân Thành (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã lấy mẫu xét nghiệm hơn 18.000 người dân trên địa bàn phường để thực hiện theo kế hoạch lấy 5 triệu mẫu của UBND TP.HCM. Q.Tân Phú là một trong 5 quận, huyện được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 đối với toàn bộ người dân, 4 địa phương còn lại là: Q.8, Q.Bình Tân, H.Hóc Môn và H.Bình Chánh.
Lãnh đạo UBND P.Tân Thành (Q.Tân Phú) cho biết có 4 điểm lấy mẫu tại trường học gồm: Trường THCS Phan Bội Châu, Trường mầm non Hoa Anh Đào, Trường Tiểu học Lê Văn Tám và Trường chuyên biệt Bình Minh.

Gác chuyện buôn bán để tham gia “chiến dịch” 5 triệu mẫu xét nghiệm Covid-19

Trắng đêm nỗ lực vì mục tiêu lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm

18 giờ ngày 27.6.2021, nhiều điểm tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân Q.8 (TP.HCM) được triển khai và hoạt động đến tận khuya. Các lực lượng đang nỗ lực vì mục tiêu lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm Covid-19 ở TP.HCM.
Trong đó, tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân 5 quận, huyện đang có nhiều ca dương tính Covid-19: Q.8, Q.Bình Tân, Q.Tân Phú và H.Hóc Môn, H.Bình Chánh trước ngày 30.6. Tổng dân số của 5 quận, huyện này khoảng 2,9 triệu người (đến 26.6 đã lấy gần 400.000 mẫu). Các quận, huyện còn lại và TP.Thủ Đức không tổ chức lấy mẫu toàn dân, mà mỗi địa phương lấy trung bình khoảng 100.000 - 200.000 mẫu. Để đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, TP.HCM thực hiện theo phương pháp lấy mẫu xét nghiệm gộp 10 hoặc 15; mỗi ngày lấy khoảng 500.000 mẫu.
 

Trắng đêm nỗ lực vì mục tiêu lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm Covid-19 ở TP.HCM

6 ca Covid-19 liên quan đến chợ Hoàng Hoa Thám

Chợ Hoàng Hoa Thám được biết đến với những cửa hàng bán áo quần cũ (còn gọi là đồ si-đa, hay đồ si). Chợ vốn buôn bán nhiều mặt hàng, tuy nhiên, có một khu vực ở các con hẻm phía sau chợ nổi tiếng bởi có nhiều cửa hàng bán đồ si. Thế nhưng, những ngày này, quanh chợ vắng bóng khác với vẻ náo nhiệt những ngày trước dịch khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Hiện tại, chợ Hoàng Hoa Thám đã tạm dừng hoạt động do có liên quan đến hàng loạt ca dương tính với Covid-19. Chợ đóng cửa, những con đường quanh chợ cũng bị giăng dây và dán biển cảnh báo tạm ngừng hoạt động.
Người dân sống gần khu vực chợ cũng đóng cửa, thỉnh thoảng có việc họ mới ra ngoài.

Chợ đồ si Hoàng Hoa Thám vắng lặng vì hàng loạt ca Covid-19

Những “vú nuôi” bất đắc dĩ chăm sóc các em bé mắc Covid-19

Những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM diễn biến hết sức phức tạp, số lượng người phải cách ly, điều trị tăng cao. Trong đó, không chỉ có người lớn mà còn có cả những em bé mới vài tháng, thậm chí vài ngày tuổi.
Một số em bé được ở cùng bố hoặc mẹ trong phòng cách ly. Thế nhưng, cũng có những em bé phải một mình lẻ loi vì cả bố và mẹ đang phải điều trị Covid-19 ở những nơi khác nhau.
Không có người thân bên cạnh, các y bác sĩ Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương bất đắc dĩ trở thành bảo mẫu, vú nuôi của các bé khi ngày ngày đi xin sữa, vắt sữa của mình cho các bé ăn.
Tính đến sáng 28.6.2021, BV điều trị Covid-19 Trưng Vương đã tiếp nhận điều trị 542 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 81 bệnh nhi, bệnh nhi nhỏ nhất 2 ngày tuổi.
 

Những thầy thuốc “vú nuôi” bất đắc dĩ chăm sóc các em bé mắc Covid-19

Cha chạy 2 vòng chợ tiếp tế cho con trong khu phong tỏa

Từ ngày 20.6.2021, khi những chốt kiểm soát với hàng rào và thông báo về khu vực tạm phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 đối với các khu phố 2, 3, 4 thuộc P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM được dựng lên thì nhiều người đã hạn chế tới gần những khu vực này.
Tuy nhiên, tại các chốt kiểm soát tại Q.Bình Tân những ngày này, luôn dễ dàng bắt gặp hình ảnh người bên ngoài tiếp tế qua chốt kiểm soát cho người bên trong.
Tại các chốt kiểm soát, có những người không phải ruột thịt; chỉ làm chung hoặc quen biết nhau cũng vẫn sẵn sàng giúp đỡ nhau.
Tiếp tế xong, những người bên ngoài nhanh chóng trở về nhà với công việc thường nhật. Còn người bên trong không chỉ nhận những nhu yếu phẩm cho những ngày sắp tới, mà còn nhận cả tấm lòng san sẻ, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn nhất vì dịch bệnh Covid-19.

Cha chạy 2 vòng chợ mua đồ ăn cho con trong khu phong tỏa vì Covid-19

Những suất cơm miễn phí giúp shipper qua cơn đói ngày dịch Covid-19

Dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM khiến nhiều phận đời lao đao, hàng quán chỉ bán mang về. Để tri ân shipper – người làm cầu nối giữa quán và thực khách, một quán ăn chuyên món Nhật tại Q.6 (TP.HCM) đã quyết định nấu cơm trưa và tối tặng miễn phí shipper.
Đúng 11 giờ trưa mỗi ngày, các phần cơm với đầy đủ món mặn, canh, dưa leo được bày trên bàn đặt trước một quán ăn chuyên món Nhật ở số nhà 62B Bà Hom (P.13, Q.6, TP.HCM).
Anh Trương Xuân Bách (28 tuổi, đại diện nhóm tặng cơm) cho biết từ sáng, 3 đầu bếp của quán vừa chuẩn bị nguyên liệu để làm cơm trưa bán cho khách, vừa tranh thủ nấu những phần cơm để tặng.
Chuyện tặng cơm ban đầu chỉ dự kiến 30 phần mỗi bữa dành tặng shipper, nhưng nếu không phải shipper mà là người bán vé số, người nhặt ve chai, xe ôm truyền thống, hay bất kể làm nghề gì đi ngang mà có nhu cầu đều có thể ghé vào nhận một phần. Số người ghé đến quán mỗi lúc một nhiều hơn, những người đầu bếp chuyên nghiệp phía trong lại tất bật nấu nướng, đóng gói để tiếp tục đặt ra trước quán.

Những suất cơm miễn phí giúp shipper, người lái xe ôm qua cơn đói ngày dịch Covid-19

'ATM lướt ống' mang bữa cơm đến tay người Sài Gòn gặp khó khăn ngày dịch Covid-19

‘Đặc sản ATM lướt ống. Xin hân hạnh được phục vụ trong mùa Covid-19’ – tấm bảng dễ thương đặt ở một nhà thờ ở trung tâm TP.HCM nhiều ngày qua. Thấy người đến, ATM lướt ống sẽ xuất hiện cơm, mì, khoai… hỗ trợ bà con.
Trưa 28.6, đặc sản ATM lướt ống tại nhà thờ Tân Sa Châu, số 387 đường Lê Văn Sỹ, P.2, Q.Tân Bình tấp nập người lao động đến nhận cơm trưa. Để phòng dịch, bên trong nhà thờ, một người liên tục đọc loa, nhắc nhở người nhận đi ngay để đến lượt người khác. Bên ngoài, một tình nguyện viên khác cũng liên tục điều phối, nhắc người đến nhận giữ khoảng cách.
Gọi là ATM lướt ống vì cách thức nhận cơm trưa 0 đồng ở đây đúng nghĩa “lướt ống”. Khu vực cổng nhà thờ được đặt 2 đoạn ống to, vừa đủ để lọt hộp cơm. Thấy có người đến nhận, bên trong tình nguyện viên đưa phần cơm vào ống, tuột ra ngoài, phần cơm nằm gọn trong chiếc rổ đỏ. Người đến nhận và người phát cơm không tiếp xúc với nhau.
 

'ATM lướt ống' mang bữa cơm đến tay người Sài Gòn gặp khó khăn ngày dịch Covid-19

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 28.6 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.