Bản tin Covid-19 ngày 28.1: Cả nước 14.929 ca | Bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc xuyên tết

28/01/2022 19:55 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 28.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 28.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 14.929 ca Covid-19, 4.633 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 28.1 cho biết tính từ 16h ngày 27.1 đến 16h ngày 28.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.929 ca nhiễm mới, 4.633 ca

khỏi bệnh.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 141 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 37.432 ca.

Ngày 28.1: Cả nước 14.929 ca Covid-19, 4.633 ca khỏi | Hà Nội 2.885 ca | TP.HCM 153 ca

Thông tin về 14.929 ca nhiễm mới như sau:

  • 37 ca nhập cảnh.
  • 14.892 ca ghi nhận trong nước (giảm 780 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.422 ca trong cộng đồng).
  • Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.885), Bắc Ninh (1.013), Đà Nẵng (886), Hải Phòng (635), Quảng Nam (617), Thanh Hóa (582), Nam Định (518), Phú Thọ (454), Hòa Bình (427), Bình Định (424), Hưng Yên (374), Vĩnh Phúc (369), Bắc Giang (357), Quảng Ninh (343), Quảng Ngãi (341), Hải Dương (341), Nghệ An (266), Bình Phước (239), Thừa Thiên-Huế (223), Lâm Đồng (206), Thái Bình (169), Lào Cai (169), Hà Nam (159), TP.HCM (153), Sơn La (153), Lạng Sơn (151), Cà Mau (145), Khánh Hòa (129), Tây Ninh (126), Hà Giang (125), Thái Nguyên (124), Quảng Bình (115), Quảng Trị (112), Bến Tre (110), Đắk Nông (103), Vĩnh Long (101), Ninh Bình (92), Yên Bái (92), Điện Biên (82), Kiên Giang (78), Kon Tum (70), Gia Lai (63), Bình Thuận (63), Bà Rịa - Vũng Tàu (59), Tuyên Quang (55), Đồng Tháp (55), Trà Vinh (50), Cao Bằng (49), Phú Yên (48), Bình Dương (47), Bạc Liêu (44), Bắc Kạn (41), Long An (40), Hậu Giang (38), Ninh Thuận (32), Cần Thơ (30), Sóc Trăng (29), Lai Châu (27), An Giang (25), Đồng Nai (21), Tiền Giang (17), Đắk Lắk (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-377), Thanh Hóa (-145), Gia Lai (-120).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+219), Phú Thọ (+107), Quảng Nam (+90).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.292 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.218.137 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.470 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.211.243 ca, trong đó có 1.497.427 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (513.412), Bình Dương (292.799), Hà Nội (123.060), Đồng Nai (99.832), Tây Ninh (87.832).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 4.633 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.950.244 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.147 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.922 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 561 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 113 ca
  • Thở máy xâm lấn: 533 ca
  • ECMO: 18 ca

Từ 17h30 ngày 27.1 đến 17h30 ngày 28.1 ghi nhận 141 ca tử vong tại:

  • Tại TP.HCM (9) trong đó có 5 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), Gia Lai (1), Vĩnh Long (1), Trà Vinh (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (23), Bà Rịa - Vũng Tàu (16 ca trong 2 ngày), Vĩnh Long (9), Bình Thuận (8), Đồng Nai (7 ca trong 2 ngày), Cần Thơ (7), Sóc Trăng (6 ca trong 2 ngày), Hòa Bình (5 ca trong 2 ngày), Bình Định (5), Đồng Tháp (5), Trà Vinh (4 ca trong 2 ngày), Tiền Giang (4), Bến Tre (4), Bạc Liêu (4), Thanh Hóa (3 ca trong 2 ngày), Đà Nẵng (3), Hà Giang (2), Tây Ninh (2), Bình Dương (2), Hậu Giang (2), Quảng Trị (1), Thừa Thiên-Huế (1), Hải Dương (1), Nam Định (1), Ninh Bình (1), Tuyên Quang (1), Yên Bái (1), Phú Yên (1), Bình Phước (1), Long An (1), Cà Mau (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 141 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.432 ca, chiếm tỉ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.104.839 mẫu tương đương 77.059.724 lượt người.

Trong ngày 27.1 có 785.008 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 180.366.266 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.023.934 liều, tiêm mũi 2 là 74.011.623 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 27.330.709 liều.

Bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc xuyên Tết từ 29.1

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 26.1.2022, nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỉ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1, 2, 3 tương ứng gần 100%, 95,7% và 22,3%. Bên cạnh đó, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỉ lệ 95,2% và 86%.

Bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 thần tốc xuyên Tết từ 29.1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin từ ngày 29.1.2022 đến hết ngày 28.2.2022, cả nước sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc mùa Xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm.

Theo kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân của Bộ Y tế, chiến dịch được triển khai trên quy mô toàn quốc tại tất cả các xã, phường, thị trấn.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an toàn, tuyệt đối không để lãng phí. Triển khai chiến dịch đảm bảo tiêm chủng theo đúng số lượng vắc xin phòng Covid-19 đã được cấp, không được để lãng phí vắc xin.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an, y tế, giao thông vận tải… phối hợp trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Bộ Y tế nêu rõ các địa phương tổ chức tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị định 104/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai tiêm chủng bắt buộc cho cộng đồng.

Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp, trường học, nhà văn hoá,... để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm. Bố trí cơ sở, đội cấp cứu lưu động để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng; cơ sở tiêm chủng thực hiện tiêm chủng theo quy định...

Trước đó, tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 của Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin mùa Xuân năm 2022.

Ngày 27.1, thông tin về công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động, với mục tiêu đến hết tháng 1, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi, trong quý I, hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định; tiếp tục nghiên cứu để triển khai các thủ tục và tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Bộ Y tế hướng dẫn tự cập nhật mũi tiêm trên ứng dụng PC-Covid

Liên quan đến việc cập nhật các mũi tiêm trên phần mềm tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết hiện cả người dùng điện thoại hệ điều hành iOS và Android đều đã có thể cập nhật phiên bản mới của ứng dụng phòng chống dịch PC-Covid có bổ sung 2 tính năng “Tự khai mũi tiêm” và “Ví giấy tờ”.

Bộ Y tế hướng dẫn cá nhân tự cập nhật mũi tiêm trên ứng dụng PC-Covid

Theo Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia, để cập nhật phiên bản mới, người dùng thiết bị chỉ cần vào các kho ứng dụng App Store hoặc CH Play, gõ "PC-Covid" trong khung tìm kiếm, chọn "PC-Covid quốc gia" và bấm "cập nhật".

Phiên bản mới của PC-Covid đã được bổ sung 2 tính năng mới “tự khai mũi tiêm” và “ví giấy tờ”.

Trong đó, với tính năng tự khai mũi tiêm, trong trường hợp thông tin mũi tiêm hiển thị trên ứng dụng PC-Covid chưa chính xác, người dùng có thể tự khai thông tin tiêm và đính kèm ảnh chụp giấy chứng nhận để minh chứng. Sau đó thông tin tiêm sẽ được hiển thị lên với dấu "tự khai".

Đối với "ví giấy tờ", tính năng này giúp người dân lưu trữ ảnh chụp các giấy chứng nhận như chứng nhận tiêm, chứng nhận xét nghiệm, hay chứng nhận F0 khỏi bệnh. Các giấy tờ được lưu trữ trong ví do người dân khai báo và chịu trách nhiệm, xuất trình khi cần thiết.

Thông tin tiêm chủng do cơ sở tiêm chủng cung cấp. Nếu dữ liệu chưa cập nhật, các cá nhân có thể tự khai các mũi tiêm của mình, kèm theo chứng minh là ảnh chụp giấy chứng nhận tiêm chủng với việc sử dụng tiện ích lưu trữ giấy tờ tại mục “ví giấy tờ”.

Về chiến dịch tiêm chủng mùa xuân 2022, theo Bộ Y tế, chiến dịch sẽ triển khai từ ngày 29.1 đến hết ngày 28.2 hướng đến mục tiêu toàn bộ những người đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm chủng và đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

Chiến dịch triển khai trên quy mô toàn quốc. Toàn bộ trẻ em từ 11 tuổi và người lớn từ 18 tuổi có chỉ định và đến thời gian tiêm được tiêm chủng miễn phí vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, của Bộ Y tế.

Chiến dịch tiêm chủng huy động hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai tiêm chủng bắt buộc cho cộng đồng.

Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm.

Theo Bộ Y tế, các điểm tiêm bố trí cơ sở, đội cấp cứu lưu động để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Các đơn vị, địa phương tiếp tục sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 để triển khai.

Bộ Y tế, các sở y tế và các đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, giám sát các hoạt động tiêm vắc xin phòng chống Covid-19; chỉ đạo đôn đốc việc đảm bảo tiến độ tiêm chủng và đảm bảo chất lượng vắc xin.

TP.HCM ghi nhận 198 ca Covid-19 nhập cảnh trong 25 ngày

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về tình hình dịch Covid-19, từ ngày 1.1.2022 đến 25.1.2022, có gần 15.900 người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), trong đó có hơn 12.500 hành khách.

TP.HCM ghi nhận 198 ca Covid-19 nhập cảnh trong 25 ngày

Trong hơn 12.500 hành khách, có hơn 8.400 người ở TP.HCM và hơn 4.100 người ở các tỉnh. Qua test nhanh, có hơn 12.300 người âm tính (chiếm 98,4%), 198 người dương tính với Covid-19.

Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gien phát hiện 92 người nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 5 trường hợp trong cộng đồng liên quan 1 ca nhập cảnh.

Theo quy trình mới về cách ly người nhập cảnh nhiễm Covid-19 mà Sở Y tế TP.HCM đề xuất UBND thành phố cho phép thực hiện, người nhiễm Covid-19 nặng chuyển về Bệnh viện dã chiến 3 tầng. Đối với các trường hợp có triệu chứng mức độ trung bình, chuyển về Bệnh viện dã chiến số 12 hoặc bệnh viện tư nhân đủ điều kiện và được Sở Y tế công khai trên Cổng thông tin điện tử ngành y tế (nếu người nhập cảnh có nhu cầu). Đối với các trường hợp có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, cách ly tại nhà nếu nhà đủ điều kiện cách ly và ký cam kết, hoặc phải cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến số 12.

Liên quan chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, tính đến nay TP.HCM đã lập danh sách được hơn 647.500 người. Thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho khoảng 1,7 triệu lượt, phát hiện và chủ động điều trị cho hơn 5.600 người mắc Covid-19.

Ngoài ra, TP.HCM còn phát hiện hơn 25.300 người chưa tiêm vắc xin Covid-19, đến nay đã thuyết phục tiêm được cho gần 21.000 người.

Theo Sở Y tế TP.HCM, còn 18 quận, huyện chưa nhập đầy đủ số liệu người thuộc nhóm nguy cơ mắc và tử vong do Covid-19, còn thiếu hơn 72.300 người.

Sân bay Tân Sơn Nhất 26 tết: Khó giữ khoảng cách vì người về quê quá đông

Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sáng 28.1.2022 (tức 26 tháng Chạp)

Cũng giống như những năm trước, thời điểm cận Tết Nguyên đán là lúc các sân bay luôn tấp nập người di chuyển về quê ăn tết.

Sân bay Tân Sơn Nhất 26 tết: Khó giữ khoảng cách vì người về quê quá đông

Nếu như trước đây, người dân di chuyển bằng máy bay thường lựa chọn mặc đồ bảo hộ kín mít thì thời điểm này khi vắc xin Covid-19 đã được bao phủ rộng rãi, hình ảnh những bộ đồ xanh bảo hộ ở sân bay cũng hiếm thấy hơn.

Dù đông đúc nhưng khu vực sảnh check-in hay cửa an ninh, người dân vẫn đi lại khá dễ dàng và không phải chờ quá lâu.

Để đảm bảo phòng dịch Covid-19, sân bay liên tục phát loa thông báo người từng vùng dịch cấp độ 4 phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được sử dụng dịch vụ hàng không.

Dù trên các băng ghế chờ đã có dán giấy quy định nơi được ngồi và không được ngồi để đảm bảo giãn cách nhưng vì lượng người ở sân bay quá đông, hầu như các băng ghế đều chật kín người, khó đảm bảo giãn cách chống dịch.

Khánh Duy (25 tuổi, quê Lâm Đồng) cho biết, ban đầu khá chần chừ vì kế hoạch về quê do lo ngại dịch bệnh. Đến sát ngày tết, anh mới quyết định đặt vé vì TP.HCM đã trở thành vùng xanh, các thủ tục di chuyển cũng được nới lỏng hơn nhiều so với thời gian trước đó. Mặc dù chuyến bay có khởi hành chậm trễ nhưng anh Duy không cho đây là vấn đề lớn.

Sân bay Tân Sơn Nhất cũng lưu ý, để tránh quá tải, ùn tắc tại khu vực sảnh công cộng, hành khách vui lòng hạn chế người nhà đưa đón và không đến quá sớm so với giờ khởi hành. Để giảm thời gian xếp hàng, ngoài việc làm thủ tục hàng không tại quầy, hành khách có thể tự làm thủ tục hàng không qua các hình thức: làm thủ tục trực tuyến trên website của hãng hàng không; làm thủ tục qua hệ thống check-in tự động tại sân bay.

Niềm vui nhận vé miễn phí lên tàu về quê đón tết

Ga Sài Gòn sáng 28.1.2022, mặc dù trời chưa sáng những nhiều người đã tới sớm để kịp lên chuyến tàu đầu tiên trong ngày. Nhiều người tới sớm tranh thủ chợp mắt trên những chiếc ghế ở nhà chờ, một số tranh thủ ăn vội bữa sáng. Những ngày gần tết ai cũng nóng lòng được về quê sum họp với gia đình.

Niềm vui nhận vé miễn phí lên tàu về quê đón tết

Vào Sài Gòn làm công nhân được 10 năm, năm nào chị Trịnh Thị Hạnh cũng sắp xếp mua vé để về quê ăn tết. Tuy nhiên, năm nay chị và chồng được hỗ trợ vé về tàu miễn phí để về quê từ chương trình “Tấm vé nghĩa tình” của Liên đoàn Lao động TP.HCM.

Cũng là 1 trong 136 người lao động được nhận tấm vé miễn phí về quê ăn tết, chị Lê Thị Oanh đã từng có suy nghĩ ở lại ăn tết ở Sài Gòn do năm nay gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Bên cạnh những tấm vé miễn phí, những người lao động còn được tặng thêm các phần quà từ Liên đoàn Lao động TP.HCM và nhà tài trợ.

Lên chuyến tàu đầu tiên của ngày 28.1.2022 khởi hành từ Ga Sài Gòn bên cạnh 136 người lao động được hỗ trợ vé miễn phí thì còn nhiều người cũng cố gắng tự mua vé để về quê đón tết sau một năm làm việc vất vả.

Tuy nhiên, số lượng người tới Ga Sài Gòn lên tàu về quê đón tết vẫn không nhiều. Mặc dù còn 3 ngày nữa là hết tháng Chạp nhưng nhiều toa trên tàu vẫn còn trống chỗ, khu vực nhà chờ cũng có rất ít người.

Bên cạnh đó, năm này việc mua vé tàu của nhiều người cũng dễ dàng hơn. Nhiều người chờ thông tin bỏ cách ly tại các địa phương mới mua vé để về.

Trải qua một năm khó khăn, những người lao động đều hy vong có cái tết đầm ấm bên gia đình. Bên cạnh đó, họ cũng hy vọng kết thúc kỳ nghỉ tết thì dịch bệnh cũng chấm dứt để có thể an tâm quay lại làm việc, phát triển kinh tế.

WHO: Omicron chưa phải cuối cùng, sẽ còn biến thể dễ lây lan hơn

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - chuyên gia từ WHO, nói về các kịch bản tiềm năng trong tương lai liên quan đến dịch Covid-19 cùng biến thể mới là Omicron, và những gì chúng ta có thể làm để lật ngược tình thế.

WHO: Omicron chưa phải cuối cùng, sẽ còn biến thể dễ lây lan hơn

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Covid-19, khẳng định rằng Omicron chưa phải là biến chủng cuối cùng của virus gây ra đại dịch và thế hệ biến chủng tiếp theo sẽ ngày càng dễ lây lan hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là các thế hệ biến chủng tương lai có nguy hiểm hơn các chủng hiện tại hay không.

Bà cho biết WHO hi vọng với các biện pháp can thiệp được áp dụng phù hợp sẽ giúp virus lưu hành ở mức độ thấp đi. Tuy nhiên, vẫn sẽ có lúc virus lây lan mạnh trở lại và bùng phát dịch, ảnh hưởng đến những người chưa được bảo vệ tốt.

“Nguyên nhân hoặc là do họ chưa được tiêm chủng, hoặc là họ chưa có điều kiện được tiêm; họ từ chối tiêm vì vẫn còn chần chừ và đây cũng là điều chúng tôi đang cố gắng cải thiện trên toàn cầu; hoặc nữa là họ đã nhiễm bệnh trước đó rồi hệ miễn dịch bị suy yếu dần.” - bà chia sẻ.

Bên cạnh đó, WHO cũng cho biết yếu tố theo mùa đang được xem xét. “Vì đây là bệnh về đường hô hấp, nên theo thời gian chúng ta sẽ thường thấy nó theo một mẫu nhất định, đó là vào các tháng mùa đông ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Và vùng nhiệt đới thì có chút khác biệt hơn. Nhưng tựu chung là sẽ có biểu hiện theo mùa.”

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 28.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.