Bản tin Covid-19 ngày 27.11: Thêm 16.067 ca mới | Lo ngại về biến thể Omicron

27/11/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 27.11 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 27.11 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.067 ca nhiễm mới, 1.668 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 27.11 cho biết tính từ 16h ngày 26.11 đến 16h ngày 27.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.063 ca nhiễm mới; Sở Y tế Tây Ninh đăng ký bổ sung 3.004 ca nhiễm mới. Do đó, tổng số ca Covid-19 được công bố trong ngày là 16.067 ca.

Cả nước cũng ghi nhận thêm 148 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 24.692 ca.

Ngày 27.11: Cả nước 16.067 ca Covid-19, 1.668 ca khỏi | TP.HCM 1.773 ca

Thông tin về 16.067 ca Covid-19 vừa được công bố như sau:

  • 15 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 13.048 ca ghi nhận trong nước (giảm 46 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 7.160 ca trong cộng đồng). TP.HCM (1.773), Cần Thơ (954), Bình Dương (716), Bà Rịa - Vũng Tàu (697), Tây Ninh (672), Đồng Tháp (604), Bạc Liêu (574), Đồng Nai (567), Bình Thuận (562), Vĩnh Long (539), Sóc Trăng (449), Kiên Giang (427), Cà Mau (422), Trà Vinh (328), An Giang (324), Hà Nội (310), Hậu Giang (287), Bến Tre (265), Khánh Hòa (239), Bình Định (197), Hà Giang (165), Lâm Đồng (159), Bình Phước (139), Bắc Ninh (137), Nghệ An (124), Tiền Giang (121), Long An (109), Gia Lai (109), Thừa Thiên Huế (106), Vĩnh Phúc (104), Đắk Nông (85), Đà Nẵng (66), Hòa Bình (60), Quảng Nam (59), Quảng Ngãi (56), Thanh Hóa (55), Thái Nguyên (54), Ninh Thuận (46), Hải Dương (39), Phú Yên (36), Phú Thọ (33), Thái Bình (32), Tuyên Quang (29), Nam Định (29), Lạng Sơn (28), Quảng Bình (27), Quảng Trị (24), Hưng Yên (22), Hải Phòng (22), Quảng Ninh (15), Cao Bằng (10), Điện Biên (9), Bắc Giang (9), Hà Tĩnh (8 ), Sơn La (4), Bắc Kạn (4), Yên Bái (3), Kon Tum (2), Hà Nam (2), Lào Cai (1).
  • Ngày 27.11.2021, Sở Y tế Tây Ninh đăng ký bổ sung thông tin trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 cho 3.004 ca nhiễm tại Tây Ninh đã được lấy mẫu từ những ngày trước đó sau khi rà soát đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-236), Bình Phước (-132), An Giang (-63).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (+88), Bình Thuận (+66), Bình Định (+65).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 11.667 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.197.404 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.151 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.192.200 ca, trong đó có 954.107 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (465.953), Bình Dương (280.203), Đồng Nai (85.631), Long An (37.938), Tiền Giang (24.483).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.668 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 956.924 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.383 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.458 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.222 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 109 ca
  • Thở máy xâm lấn: 584 ca
  • ECMO: 10 ca

Từ 17h30 ngày 26.11 đến 17h30 ngày 27.11 ghi nhận 148 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (65) trong đó có 8 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bạc Liêu (1), Bắc Ninh (1), Bình Dương (1), Đồng Nai (1),An Giang (1), Long An (3).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác gồm: Tây Ninh (11), Bình Dương (11), An Giang (9), Long An (8), Tiền Giang (8), Bạc Liêu (7), Bình Thuận (5), Cần Thơ (5), Sóc Trăng (4), Khánh Hoà (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (3), Bình Phước (2), Hà Giang (1), Lạng Sơn (1), Đắk Lắk (1), Hậu Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 144 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.692 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn trung bình của thế giới.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 34/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 10/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 162.318 xét nghiệm cho 263.253 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 25.680.080 mẫu cho 67.526.948 lượt người.

Trong ngày 26.11 có 1.359.412 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 117.691.092 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 69.309.495 liều, tiêm mũi 2 là 48.381.597 liều.

Xuất hiện biến thể Covid-19 mới có khả năng lây nhiễm cao hơn Delta

Theo thông tin từ trang NDTV tổng hợp từ AFP, Bloomberg và Reuters, một biến thể mới của SARS-CoV-2 (là vi rút gây bệnh Covid-19, tạm thời được gọi là B.1.1.529) đã được các nhà khoa học cảnh báo toàn cầu về số lượng đột biến cao đáng báo động.

Xuất hiện biến thể Covid-19 mới tên Omicron, có khả năng lây nhiễm cao hơn Delta

Giáo sư Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm đổi mới và ứng phó dịch tễ ở Nam Phi, cho biết biến thể B.1.1.529 có tổng thể 50 đột biến, trong đó có đến hơn 30 đột biến trong protein gai. Protein gai là phần mà hầu hết các loại vắc xin Covid 19 hiện tại sử dụng và là yếu tố giúp vi rút “mở khóa” xâm nhập vào các tế bào của cơ thể con người.

Ngoài ra, có đến 10 đột biến trên phần vùng liên kết thụ thể của biến thể (phần vi rút tiếp xúc đầu tiên với tế bào của cơ thể chúng ta), so với chỉ 2 đột biến ở biến thể Delta đang càn quét khắp thế giới.

Đồng thời, có nhiều suy đoán về nguồn gốc của biến thể mới. Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền UCL (trụ sở tại London, Anh), nhận định rằng biến thể mới này có thể xuất phát từ một bệnh nhiễm trùng mãn tính ở bệnh nhân đã bị suy giảm miễn dịch, và rất có thể đó là một bệnh nhân HIV/AIDS chưa được điều trị.

Chủng vi rút này được xác định lần đầu tiên ở Nam Phi trong tuần qua, sau đó đã lây lan sang các nước lân cận, bao gồm cả Botswana, nơi những người được tiêm chủng đầy đủ cũng bị nhiễm bệnh. Ở Nam Phi, đã có hơn 100 trường hợp có liên quan đến biến thể này.

Theo South China Morning Post, 2 trường hợp nhiễm biến thể mới cũng đã được phát hiện ở Hồng Kông. Ca đầu tiên là một người đàn ông 36 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, đến Hồng Kông từ Nam Phi. Người này đã được cách ly và cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 13.11. Một người đàn ông khác 62 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, đến từ Canada ở phòng chếch đối diện với bệnh nhân trên cũng cho xét nghiệm dương tính 5 ngày sau đó (tức ngày 18.11). Mẫu kết quả xét nghiệm của họ có tải lượng vi rút rất cao, thể hiện qua giá trị CT trong xét nghiệm RT-PCR nằm trong khoảng 18 - 19. Sau khi phát hiện 2 trường hợp trên, giới chức địa phương đã đưa toàn bộ khách trong 12 phòng khác cùng tầng đến trung tâm kiểm dịch cách ly thêm 14 ngày.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng kêu gọi các nước phải thận trọng trong giai đoạn đầu đối phó với biến thể này. Cơ quan y tế toàn cầu cho biết cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu B.1.1.529 hoạt động như thế nào.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia của WHO, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ. Các chuyên gia y tế cũng kêu gọi mọi người hãy tiêm chủng để tự bảo vệ bản thân trước sự xuất hiện của biến thể mới.

Hơn 92% người trưởng thành ở Việt Nam đã tiêm vắc xin

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết đến nay tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 đã tiêm ở nước ta đã là hơn 116,4 triệu liều. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 113,5 triệu liều, trong đó có 66,5 triệu liều mũi 1 và 47 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 92,2% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 65,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Hơn 92% người trưởng thành ở Việt Nam đã tiêm vắc xin Covid-19

Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt như sau:

- Miền Bắc là 86,1% và 58,0%.

- Miền Trung là 90,0% và 51,3%.

- Tây Nguyên là 88,5% và 38,7%.

- Miền Nam là 97,8% và 78,5%.

Có 52 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 23 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

Có 11/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỉ lệ bao phủ thấp nhất gồm: Sơn La (65,8%), Thanh Hóa (66,2%), Nghệ An (66,4%), Yên Bái (73,2%) và Hà Giang (75,9%). Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.

Hiện đã có 42/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%; trong đó có 24 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90% gồm: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An và Lâm Đồng.

Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, hiện cả nước đã tiêm được 2.905.814 liều, trong đó có 2.543.695 liều mũi 1 và 362.119 liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 27,9% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều là 4,0% dân số từ 12 -17 tuổi.

Sở Y tế TP.HCM cũng vừa có văn bản gửi UBND, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người về từ địa phương khác.

Theo đó, các đơn vị, bộ phận quản lý dân cư của địa phương phải phổ biến rộng rãi chủ trương về việc tiêm phòng Covid-19 cho người trở về thành phố, hướng dẫn cách thức cụ thể để người dân chưa được tiêm chủng đầy đủ đăng ký tiêm vắc xin ngay khi về nơi cư trú.

Sở Y tế đề nghị các quận, huyện, thành phố Thủ Đức kết hợp xét nghiệm tầm soát Covid-19 khi người dân đến đăng ký tiêm vắc xin, đặc biệt người dân có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 hoặc có yếu tố dịch tễ.

Các đơn vị liên quan phải chuyển danh sách đăng ký tiêm vắc xin về trạm y tế phường, xã thị trấn để kiểm tra thông tin tiêm chủng bằng Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Nếu xác định người dân chưa được tiêm vắc xin đầy đủ thì lập kế hoạch tổ chức tiêm.

Nếu số lượng đăng ký nhiều hoặc tập hợp theo cùng cơ sở, sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức tiêm tập trung tại các điểm lưu động của địa phương. Nếu người dân đăng ký riêng lẻ, bố trí tiêm tại trạm y tế trên địa bàn nơi cư trú, đảm bảo người dân được tiêm vắc xin sớm nhất để quay lại làm việc, sinh hoạt một cách an toàn.

Sở Y tế TP.HCM cũng nhấn mạnh ưu tiên tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.

‘Thư gửi F0 kiên cường’ của chàng trai 9X giành giải Nhất 'Vượt qua Covid-19 - Đồng lòng chống dịch'

Chiều 26.11, tại trụ sở Báo Thanh Niên ở TP.HCM, Báo Thanh Niên tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Vượt qua Covid-19 - Đồng lòng chống dịch.

Từ đầu tháng 3.2021 - 5.11.2021, xuyên suốt 8 tháng, Báo Thanh Niên đã tổ chức cuộc thi viết Vượt qua Covid-19 - Đồng lòng chống dịch, thu hút hơn 1.000 bài viết của bạn đọc trong và ngoài nước.

‘Thư gửi F0 kiên cường’ của chàng trai 9X giành giải Nhất 'Vượt qua Covid-19 - Đồng lòng chống dịch'

Trải qua 2 giai đoạn cuộc thi, từ kết quả chấm chung khảo, Báo Thanh Niên quyết định trao 19 giải chính thức, 2 giải bài viết được bạn đọc yêu thích nhất. Báo Thanh Niên vinh danh 4 tác giả, nhóm tác giả có nhiều tác phẩm dự thi chất lượng cao. Tổng trị giá giải thưởng cuộc thi là 191 triệu đồng.

Trong đó, “Thư gửi F0 kiên cường” của anh Võ Minh Luân (TPHCM) là tác phẩm xuất sắc đạt giải Nhất trong cuộc thi Đồng lòng chống dịch giai đoạn 2 từ ngày 26.7 đến ngày 5.11.2021.

Nhớ lại những ngày tháng chống dịch, anh Luân nói khi vừa tốt nghiệp ra trường thì dịch Covid-19 bùng phát, thành phố thực hiện giãn cách, các chốt kiểm dịch được lập nên, hàng rào chằng chịt khắp nơi. Nhìn lực lượng chống dịch, tình nguyện viên quá vất vả nên anh Luân đến phường 12, quận 10 mong muốn góp chút sức nhỏ bé vào cuộc chiến này.

Trong buổi lễ, Ban tổ chức cuộc thi đã trao tổng cộng 19 giải chính thức, 2 giải bài viết được bạn đọc yêu thích nhất, vinh danh 4 tác giả, nhóm tác giả có nhiều tác phẩm dự thi chất lượng cao.

Trong bối cảnh vẫn còn ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước, các tác giả đạt giải ở xa không thể về TP.HCM tham dự lễ tổng kết trao giải vào chiều 26.11; vì vậy Báo Thanh Niên đã cử đại diện đến tận nhà, đơn vị công tác để gặp gỡ, trao giải thưởng cho các tác giả.

Tác giả Trần Nhã Thụy là nhà văn, là tác giả của tác phẩm "Trụ lại Sài Gòn", đã đạt giải nhì Đồng lòng chống dịch. Sau khi nhận giải, nhà văn Trần Nhã Thụy đã tặng tiền thưởng 15 triệu đồng vào Quỹ bảo trợ trẻ mồ côi do dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên để thực hiện chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời.

WHO họp khẩn về biến thể Covid-19 mới có nhiều đột biến

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi một biến thể mới của virus Covid-19 để đánh giá tác động của biến thể đối với vắc xin và phương pháp điều trị hiện nay, theo CNBC.

WHO họp khẩn về biến thể Covid-19 mới có nhiều đột biến

WHO cho biết biến thể B.1.1.529 đã được phát hiện ở Nam Phi, Botswana và Hồng Kông. Giới khoa học chưa có nhiều thông tin về chủng B.1.1.529. Tuy nhiên, đã phát hiện hơn 30 sự biến đổi trong protein gai của virus, bộ phận giúp virus bám vào tế bào.

WHO sẽ họp khẩn trong ngày 26.11 để bàn về ảnh hưởng của biến thể mới tại Nam Phi và một số nơi khác.

“Chúng tôi không biết quá nhiều về nó. Điều chúng tôi biết là biến thể này có nhiều sự biến đổi và điều lo ngại là khi bạn có nhiều sự thay đổi như vậy, nó có thể tác động đến hành vi của virus”, tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng bộ phận kỹ thuật về Covid-19 của WHO nói trong cuộc phỏng vấn ngày 25.11.

Người nhiễm biến thể này đã được phát hiện tại tỉnh Gauteng ở Nam Phi. Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla, có rất nhiều người từ khắp châu Phi lui tới Gauteng, nên ông dự báo số ca nhiễm Covid-19 sẽ gia tăng trong những ngày tới.

Nhiều đột biến của B.1.1.529 liên quan đến việc tăng khả năng chống lại kháng thể, qua đó có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin. Đồng thời, biến thể còn có những đột biến thường giúp virus dễ lây lan hơn, nhà khoa học Nam Phi Tulio de Oliveira cho biết.

Việc theo dõi biến thể mới diễn ra khi số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đang gia tăng trước kỳ nghỉ lớn cuối năm. WHO thông báo nhiều ổ dịch đang xuất hiện ở khắp nơi, đặc biệt là châu Âu.

Omicron buộc WHO phải cập nhật “danh sách đen” các biến thể Covid-19

Biến thể Covid-19 mới vừa được WHO đặt tên là Omicron và giới khoa học cảnh báo đây là chủng có cấu tạo của một loại virus "siêu lây nhiễm". Vậy những cái tên của các biến thể được ra đời như thế nào?

Biến thể mới Omicron buộc WHO phải cập nhật "danh sách đen" chủng biến thể Covid-19

Trước đây, các đợt bùng phát virus được gọi theo tên của quốc gia nơi chúng được phát hiện lần đầu tiên. Ví dụ như bệnh cúm Tây Ban Nha đã tàn phá thế giới sau Thế chiến thứ nhất.

Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thận trọng để tránh đặt tên như vậy. Bản thân virus này đã được chỉ định là SARS-CoV-2 (Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng-CoronaVirus-2) và nó gây ra căn bệnh coronavirus 2019, hay còn gọi là Covid-19.

Theo truyền thống, các chủng mới phát sinh sẽ được đặt tên theo quốc gia nơi chúng được phát hiện, ví dụ như biến thể Nam Phi hay chúng Ấn Độ. Nhưng WHO đã chuyển sang đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp từ tháng 5.2021. Mục đích của cách đặt tên mới là để dễ nói, dễ nhớ hơn, đồng thời tránh tình trạng "kỳ thị và phân biệt đối xử" khi gọi tên chủng theo quốc gia.

WHO đã chia các chủng virus thành 3 loại: biến thể đáng lo ngại, biến thể đáng quan tâm và biến thể đang theo dõi. Như vậy theo bảng phân loại này, hiện tại chúng ta có 5 biến thể đáng lo ngại, 2 biến thể đáng quan tâm và còn lại nằm trong danh sách biến thể đang theo dõi.

Alpha: chủng Covid-19 đầu tiên

Biến chủng đầu tiên được ghi nhận của virus Covid-19 được xác định vào tháng 12.2020, và sau đó có tên là Alpha. Chủng này lần đầu được phát hiện ở Anh vào đầu năm 2020 và được ước tính có khả năng lây truyền cao hơn từ 40-80% so với virus ban đầu. Tuy nhiên, Alpha không mang lại sự khác biệt về tỷ lệ tử vong nói chung.

Beta: chủng có 3 đột biến

Chủng Beta thực sự được phát hiện trong các mẫu ở Nam Phi được lấy từ tháng 5.2020. Tuy nhiên, WHO chính thức chỉ định chỉ 6 tháng sau đó, cùng thời điểm với Alpha. Nó có 3 đột biến trong protein gai và có khả năng lây truyền cao hơn từ 20-30%.

Gamma: vẫn gây chết người

Được ghi nhận lần đầu tiên ở Brazil vào tháng 11.2020, chủng Gamma có 17 axit amin thay thế, 10 trong số đó nằm trong protein gai và trong đó có 3 đột biến được cho là đáng lo ngại. Chủng này được chỉ định vào tháng 1.2021, có khả năng lây truyền cao hơn tới 38-50% so với virus ban đầu.

Delta: báo động đỏ

Biến thể Delta lần đầu tiên được báo cáo tại Ấn Độ. Được chỉ định vào tháng 5.2021, nó là dòng virus đáng lo ngại nhất đến thời điểm hiện tại. Delta có tới 17 đột biến, bao gồm cả dòng phụ và có khả năng lây truyền cao hơn 97%, khiến tỷ lệ nhập viện nhiều hơn 85% và tỷ lệ tử vong tăng lên 150%.

Omicron: Nỗi sợ hãi mới

Omicron, lần đầu phát hiện ở Nam Phi, là biến thể vừa được chỉ định chứa 32 đột biến của protein gai. Chủng này làm dấy lên lo ngại rằng nó sẽ kháng lại những vắc xin hiện có. Bên cạnh đó, giới khoa học còn cho rằng biến thể có những đột biến thường giúp virus dễ lây lan hơn.

Ít hơn 100 trường hợp mắc chủng này đã được ghi nhận cho đến nay. Hôm 26.11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu cảnh báo nguy cơ chủng này sẽ lan rộng ra châu Âu.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 27.11 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.