Bản tin Covid-19 ngày 18.4: Cả nước hơn 10,4 triệu ca | Hàng chục ngàn trẻ em 5-12 tuổi đã tiêm vắc xin

18/04/2022 20:04 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 18.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 18.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 43.272 ca Covid-19, 4.218 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 18.4 cho biết tính từ 16h ngày 17.4 đến 16h ngày 18.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.012 ca nhiễm mới.

Sở Y tế Thanh Hóa đăng ký bổ sung 31.260 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 43.272 ca.

Có thêm 4.218 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 13 ca tử nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.957 ca.

Ngày 18.4: Công bố 43.272 ca Covid-19, 4.218 ca khỏi | Hà Nội 1.109 ca | TP.HCM 337 ca

Thông tin về 43.272 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 1 ca nhập cảnh.
  • 12.011 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.649 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 7.752 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.109), Yên Bái (715), Phú Thọ (700), Nghệ An (638), Vĩnh Phúc (616), Quảng Ninh (589), Thái Nguyên (513), Tuyên Quang (511), Lào Cai (388), TP.HCM (337), Bắc Kạn (332), Thái Bình (327), Đắk Lắk (323), Gia Lai (285), Hải Dương (274), Quảng Bình (240), Hưng Yên (239), Bắc Giang (239), Cao Bằng (202), Nam Định (199), Quảng Nam (197), Hà Giang (193), Hà Tĩnh (191), Bà Rịa - Vũng Tàu (190), Quảng Trị (170), Sơn La (149), Lạng Sơn (148), Lâm Đồng (141), Hòa Bình (141), Bình Dương (135), Bắc Ninh (130), Đà Nẵng (122), Đắk Nông (114), Bình Định (100), Quảng Ngãi (99), Hà Nam (98), Thanh Hóa (85), Lai Châu (85), Cà Mau (85), Ninh Bình (84), Tây Ninh (80), Vĩnh Long (70), Điện Biên (63), Phú Yên (56), Long An (49), Thừa Thiên-Huế (49), An Giang (31), Bến Tre (30), Khánh Hòa (28), Bình Thuận (23), Bình Phước (21), Kon Tum (20), Kiên Giang (15), Bạc Liêu (13), Trà Vinh (11), Tiền Giang (5), Hậu Giang (4), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (3), Cần Thơ (2), Ninh Thuận (2).
  • Ngày 18.4.2022, Sở Y tế Thanh Hóa đăng ký bổ sung 31.260 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-295), Quảng Ninh (-189), Hải Dương (-174).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Vĩnh Phúc (+175), Bà Rịa - Vũng Tàu (+128), Quảng Trị (+27).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 19.380 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.475.819 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.918 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.468.071 ca, trong đó có 8.938.247 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.534.767), TP.HCM (606.963), Nghệ An (476.612), Bình Dương (382.811), Bắc Giang (380.590).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 4.218 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.941.064 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.008 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 726 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 123 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 32 ca
  • Thở máy xâm lấn: 124 ca
  • ECMO: 3 ca

Từ 17h30 ngày 17.4 đến 17h30 ngày 18.4 ghi nhận 13 ca tử vong tại: Đồng Nai (2), Quảng Nam (2), Trà Vinh (2), Bắc Giang (1), Bình Định (1), Cần Thơ (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Hải Dương (1), Quảng Ngãi (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 18 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.957 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 39.415.806 mẫu tương đương 85.703.689 lượt người.

Trong ngày 17.4 có 154.660 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 209.638.138 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 192.372.379 liều: Mũi 1 là 71.430.606 liều; Mũi 2 là 68.537.417 liều; Mũi 3 là 1.505.647 liều; Mũi bổ sung là 15.066.717 liều; Mũi nhắc lại là 35.831.992 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.246.233 liều: Mũi 1 là 8.830.892 liều; Mũi 2 là 8.415.341 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 19.526 liều (mũi 1).

10 ngày liền TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 17.4.2022, TP.HCM có 427 ca mắc Covid-19 và 112 ca nghi ngờ. Trong ngày 17.4, thành phố có 64 ca nhập viện. Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2 là 710 ca và 104 ca điều trị ở tầng 3.

10 ngày liền TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19, số ca nằm viện dưới 1.000

Số ca có hỗ trợ hô hấp giảm xuống còn 211 ca, trong đó thở máy xâm lấn là 38 ca.

Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm Covid-19 là 68 ca (cộng dồn là 35.417 ca) và số phụ nữ mang thai là 4 ca (cộng dồn là 4.325 ca).

Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện, phường, xã là 9 ca và 9.937 ca đang cách ly tại nhà.

Như vậy, TP.HCM đang cách ly, chăm sóc và điều trị dưới 11.000 ca nhiễm Covid-19, phần lớn là cách ly tại nhà. Điều đặc biệt, 10 ngày liền TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19.

Tính từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, TP.HCM có hơn 607.000 ca mắc và gần 20.500 ca tử vong.

Liên quan tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong ngày 16.4 (ngày đầu triển khai), TP.HCM đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 10.000 em lớp 6.

Ngày 18.4, 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trên toàn thành phố. Dự kiến có 187 điểm tiêm trong ngày với 433 bàn tiêm và có hơn 42.000 trẻ được tiêm. Những quận, huyện có trẻ lớp 6 ít thì sẽ bắt đầu tiêm cho trẻ lớp 5.

Tính đến ngày 18.4, tổng số mũi vắc xin Covid-19 đã tiêm trên địa bàn TP.HCM là hơn 20,4 triệu liều. Trong đó có 8,1 triệu liều mũi 1, hơn 7,3 triệu liều mũi 2, 682.754 triệu liều mũi bổ sung và hơn 4,2 triệu liều mũi nhắc lại.

Số lượng vắc xin Covid-19 đang còn tại TP.HCM là hơn 644.000 liều, gồm:

- Hơn 18.600 liều AstraZeneca.

- Hơn 253.300 liều Vero Cell - Sinopharm.

- Hơn 75.700 liều vắc xin Moderna (cho trẻ em).

- Gần 300.000 liều Pfizer.

Lo lắng cho con đi tiêm vắc xin Covid-19

Theo kế hoạch của UBND TP.Hà Nội, dự kiến từ ngày 17.4, toàn thành phố sẽ tiến hành tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ lớn tuổi nhất trong nhóm tuổi từ 5 – dưới 12 tuổi. Tại điểm tiêm của phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, danh sách đăng kí tiêm chủng là 111 trẻ nhưng số lượng đến tiêm chỉ đạt 60 em. Nguyên nhân được cho là nhiều phụ huynh quyết định thay đổi vào giờ chót vì lo lắng cho sức khỏe của con mình.

Lo lắng cho con đi tiêm vắc xin Covid-19

"Tiêm phòng cho trẻ thì người dân cũng chỉ biết là thực hiện để tiêm phòng cho các cháu theo nhà trường, nhà nước. Cũng muốn quan tâm đến cháu nên phải đưa các cháu đi tiêm xem như thế nào. Tại vì nếu bệnh dịch như thế này thì quyết định của nhà nước và Bộ Y tế cũng là quan trọng, quan tâm đến sức khỏe của các con thì nên tiêm phòng cũng là chuyện tốt. Hy vọng là các con không bị sao.

Trước khi đi tiêm thì mình có lo lắng gì không chị?

Cũng có lo. Sợ là tiêm cho con có bị sao không? Vì nhiều trường hợp các cháu sau khi tiêm thì vẫn lo. Mỗi một cơ thể các cháu chưa biết như thế nào, với mỗi liều thuốc cho các cháu", chị Nguyễn Anh Đào, phụ huynh học sinh cho biết.

Loại vắc xin được sử dụng tiêm cho trẻ lần này là vắc xin Moderna, các em được tiêm với liều lượng là 0,25ml mỗi trẻ. Ngoài ra, một số điểm tiêm còn có thể được phân phối vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ nhưng không trộn lẫn. Sau tiêm, trẻ được nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 20 – 30 phút để nhân viên y tế theo dõi sức khỏe. Nếu không có biểu hiện phản ứng phụ sau tiêm, trẻ sẽ được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng và về nhà.

"Thật ra thì mình cũng có nhiều lo lắng về vấn đề vắc xin. Nhưng mình nghĩ là để phòng chống Covid-19 thì cách tốt nhất là phải tiêm nên mình đã đưa hai cháu đi tiêm. Cầm cái phiếu này nhưng sự lo lắng vẫn còn nguyên tại vì mình cũng chưa biết sau khi tiêm sẽ phản ứng thế nào vì bác sĩ cũng đã dặn dò đấy nhưng cũng cần phải có thời gian để theo dõi thêm", anh Lê Thanh Hải, phụ huynh học sinh, chia sẻ.

Theo các số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, cả nước hiện có gần 12 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 – dưới 12 tuổi nằm trong kế hoạch bao phủ vắc xin lần này. Đến nay, số lượng trẻ mắc Covid-19 trong độ tuổi này là gần 4 triệu trường hợp. Do đó, việc tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 cho trẻ là cần thiết. Dự kiến, việc bao phủ vắc xin cho trẻ từ 5 – 12 tuổi sẽ hoàn thành trong quý II năm 2022.

Trẻ lớp 6 bất ngờ vì tiêm vắc xin Covid-19 nhanh chóng, không đau

Sáng 18.4, TP.HCM tiếp tục tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh lớp 6 trở xuống. Tại điểm tiêm Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM), các phụ huynh đi cùng để động viên, giúp các em học sinh đỡ hồi hộp.

Trẻ lớp 6 bất ngờ vì tiêm vắc xin Covid-19 nhanh chóng, không đau

90 học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) được tiêm vắc xin phòng Covid-19 vào sáng 18.4 tại địa điểm tiêm Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM). Đây là một trong 5 điểm tiêm được Sở Y tế TP.HCM quy định cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bà Lê Thị Thanh Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) - cho biết: "Theo kế hoạch, Trường THCS Trần Văn Ơn sẽ tiêm cho 90 học sinh của lớp 6, tuổi từ 6 đến dưới 12 tuổi. Quy trình tiêm giống như các kỳ tiêm khác: có khai báo y tế, có phụ huynh đi theo ký giấy cam kết và thực hiện quy định theo các bước của y tế. Trước hết, chúng tôi nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và đối tượng tiêm. Đối tượng tiêm từ 5 đến dưới 12 tuổi, các em bị F0 thì 3 tháng sau mới tiêm".

Theo ghi nhận, hầu hết học sinh đều có chung tâm trạng hồi hộp xen lẫn một chút lo lắng. Phụ huynh phải liên tục động viên, trấn tĩnh để các em yên tâm, lấy tinh thần. Tuy nhiên, sau khi tiêm xong, nhiều em cảm thấy bất ngờ vì mũi tiêm diễn ra một cách nhanh chóng, không gây đau nhiều.

"Hai bố con dậy từ 6 giờ, cho cháu ăn sáng để chuẩn bị tâm lý cho bé, rồi đến đây để tiêm. Thật sự tâm lý của trẻ sau khi nghe tiêm cũng lo lắng. Lúc nãy vào phòng tiêm gặp bạn bè, bé trò chuyện tự tin hơn, cũng giảm bớt tâm lý", anh Mạnh Trung (phụ huynh Q.4) nói.

Sau khi tổ chức tiêm đại trà vắc xin Covid-19 cho học sinh lớp 6 trong ngày 18.4, TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức tiêm cho học sinh các lớp dưới và trẻ mầm non 5 tuổi trong các ngày tới. Tốc độ tiêm dự kiến là 50 trẻ/bàn tiêm/buổi, vắc xin được sử dụng là Moderna.

Phát hiện mới: Người mắc Covid-19 có nguy cơ phát triển các cục máu đông

Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí y khoa BMJ, cho biết người mắc Covid-19 có nguy cơ phát triển các cục máu đông nghiêm trọng lên đến 6 tháng sau, ngay cả nhiễm bệnh nhẹ.

Phát hiện mới: Người mắc Covid-19 có nguy cơ phát triển các cục máu đông

Các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu từ hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19 từ cơ quan đăng ký quốc gia Thụy Điển, từ tháng 2.2020 đến tháng 5.2021, với hơn 4 triệu người không nhiễm Covid-19.

Theo nhật báo Anh Express, kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người nhiễm Covid-19 có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi lên đến 6 tháng sau khi nhiễm bệnh.

Thuyên tắc phổi là một mạch máu trong phổi bị tắc nghẽn do cục máu đông. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời.

Người mắc Covid-19 cũng có nguy cơ gia tăng huyết khối tĩnh mạch sâu - tình trạng cục máu đông ở chân - lên đến 3 tháng sau khi nhiễm Covid-19.

Theo Express, sau khi điều chỉnh các yếu tố, kết quả cho thấy người nhiễm Covid-19 có nguy cơ thuyên tắc phổi cao gấp 33 lần và nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu cao gấp 5 lần, so với người không nhiễm Covid-19.

Nghiên cứu còn nhận thấy những người bị Covid-19 nặng, và những người nhiễm Covid-19 trong đợt đầu tiên, khi chưa có vắc xin, có nguy cơ hình thành cục máu đông cao nhất. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin.

Nhưng kết quả cũng cho thấy ngay cả những người nhiễm Covid-19 nhẹ không phải nhập viện cũng có nguy cơ thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Glasgow (Anh) cho biết nghiên cứu này "nhắc nhở chúng ta cần phải cảnh giác với các biến chứng ngay cả chỉ mắc Covid-19 nhẹ".

Các triệu chứng của cục máu đông trong phổi

NHS chỉ ra một số triệu chứng phổ biến gồm:

  • Đau ở ngực hoặc lưng trên
  • Khó thở
  • Ho ra máu

NHS cho biết thêm, đau, đỏ và sưng ở một bên chân, thường là bắp chân, cũng là những triệu chứng của cục máu đông, còn được là huyết khối tĩnh mạch sâu.

Khi nào nên gọi cấp cứu?

Thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng và có một số triệu chứng cần được điều trị khẩn cấp.

NHS khuyên nên gọi cấp cứu ngay nếu gặp các triệu chứng sau:

  • Khó thở nghiêm trọng
  • Tim đập rất nhanh
  • Ngất xỉu

Theo Express, nhiều bệnh nhân "hồi phục hoàn toàn" nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 18.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.